Hiệu trưởng 10 trường ĐH quốc gia ở Nhật Bản đã tự nguyện giảm lương để đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh của trường.
Đó là hiệu trưởng viện Công nghệ Kitami, trường ĐH Ehime, trường ĐH Nagasaki và 7 trường ĐH khác ở Nhật Bản. Từ đầu năm 2004, các trường này chuyển sang tình trạng tự thu chi. Họ đã tự nguyện giảm lương tối đa 120.000 yên một tháng.
Tuy nhiên, việc này cũng không tiết kiệm được khoản tiền đáng kể. Ví dụ, lương của hiệu trưởng Viện Công nghệ Kitami ở Hokkaido sẽ giảm 1 triệu yên/năm. Đại diện Viện Công nghệ Kitami cho biết: "Khoản tiền này không có ý nghĩa về tài chính, nhưng có ý nghĩa tượng trưng. Chúng tôi muốn nhân viên nhận thức được nỗ lực cắt giảm chi phí của viện.”
Hiện nay, trợ cấp chính phủ chiếm phân nửa nguồn thu nhập của các trường ĐH ở Nhật Bản. Song, trong năm tài chính hiện nay, chính phủ Nhật Bản bắt đầu giảm 1% trợ cấp cho các trường ĐH.
Đối với trường ĐH Nagasaki, quyết định này làm thu nhập của trường giảm 126 triệu yên. Kể từ khi chuyển sang hình thức tự thu chi, thu nhập chính của trường ĐH Nagasaki là học phí, hỗ trợ trợ của chính phủ và các nguồn trợ cấp.
Để giảm chi phí, trường ĐH Ehime hạn chế tuyển dụng giảng viên bán thời gian và một năm nữa mới thay đội ngũ nhân viên nghỉ hưu bằng đội ngũ nhân viên toàn thời gian. Đại diện trường ĐH Ehime cho biết, họ không thể tăng học phí một cách dễ dàng song các nguồn trợ cấp tiếp tục giảm sút.
Một số trường ĐH hy vọng chính phủ Nhật Bản sẽ tăng trợ cấp nếu chính phủ đánh giá cao nỗ lực giảm chi phí của các trường. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, những nỗ lực cắt giảm chi phí có thể ảnh hưởng đến tình hình giảng dạy và nghiên cứu ở các trường ĐH.
Trong khi đó, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thông tin, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản tuyên bố, các trường ĐH phải tận dụng tình trạng tự thu chi của mình. Điều này đồng nghĩa với việc các trường được toàn quyền sử dụng tiền quỹ dư thừa.
(Vũ Minh Thương - Theo Thời báo Nhật Bản)