221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
653754
Học sinh tự tử vì áp lực vào ĐH
1
Article
null
Hàn Quốc:
Học sinh tự tử vì áp lực vào ĐH
,

Trong kỳ thi tại các trường trung học vào tháng trước, ít nhất 5 học sinh đã tự tử vì áp lực quá cao. Những vụ tự tử này xảy ra sau khi Bộ Giáo dục và Nhân lực Hàn Quốc thay đổi tiêu chí xét tuyển vào đại học và cao đẳng khiến cho các cuộc chạy đua trong các lớp học trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Học sinh cầm nến, đeo mặt nạ diễu hành chống chính sách giáo dục mới của chính phủ

Trong con mắt của bố mẹ, Oh Hyun Chul, năm nay 16 tuổi là một đứa con ngoan. 

Hàng ngày, cậu học sinh trung học này phải dậy vào 6h sáng và chỉ có thể về nhà sau 1h30 sáng ngày hôm sau. Ở trường, tiết học đầu tiên bắt đầu vào 7h40 và tiết cuối cùng kết thúc vào 5 giờ chiều. Sau đó, lại phải làm bài tập đến 10h tối trước khi tới các trung tâm gia sư ban đêm để ôn lại những gì mình vừa được nhồi nhét ở trường.

Mỗi ngày, Hyun Chul chỉ có 4 tiếng để ngủ. Nhưng cậu không lấy thế làm phiền lòng vì hầu như tất cả các bạn bè cùng lớp cũng như phần lớn các học sinh trung học ở Hàn Quốc đều có một thời khoá biểu tương tự. “Nếu bạn muốn bước vào ngưỡng cửa trường đại học thì chỉ được ngủ 4 tiếng một ngày” Hyun Chun nói.  

Chính vì sự căng thẳng đó mà tháng trước, ít nhất 5 học sinh đã tự tử vì áp lực quá cao. Các em này hoặc là treo cổ hoặc là nhảy lầu tự vẫn. 

Những vụ tự tử này xảy ra sau khi Bộ Giáo dục và Nhân lực Hàn Quốc thay đổi tiêu chí xét tuyển vào đại học và cao đẳng khiến cho các cuộc chạy đua trong các lớp học trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. 

Thứ 7 tuần trước, Oh và gần 400 học sinh đã tụ tập tại trung tâm Seoul để thắp nến tưởng nhớ những người bạn vừa qua đời và phản đối tình trạng học hành căng thẳng ở trường.  

Có thể nói đây là cuộc biểu tình đầu tiên của học sinh Hàn Quốc trong nhiều năm trở lại đây nhằm phản đối những cải cách trong hệ thống giáo dục quốc gia. Hàng trăm cảnh sát và giáo viên đã có mặt để ngăn cản cuộc biểu tình trở thành bạo lực và khuyên bảo các em học sinh khác không gia nhập vào đám đông. Rất nhiều học sinh mặc đồng phục trường học nhưng đeo mặt nạ để khỏi bị phát hiện. Các em còn xin phóng viên đừng chụp ảnh vì sợ nhà trường phạt và yêu cầu được bảo vệ nếu có chuyện xảy ra.  

Ở Hàn Quốc, vào được trường đại học có nghĩa là tương lai được đảm bảo và việc con cái được nhận vào các trường đại học danh tiếng sẽ làm gia đình mở mày mở mặt. Do đó, các bậc phụ huynh đầu tư phần lớn tiền bạc vào việc học thêm của con cái. 

Vào các ngày thi, các bà mẹ đến nhà thờ cầu nguyện còn hàng không thì hoãn mọi chuyến bay để các thí sinh không bị tiếng ồn làm xáo trộn. Nhiều người Hàn Quốc cũng chỉ trích Chính phủ về việc thường xuyên thay đổi các tiêu chí xét tuyển đại học thế nhưng phần lớn phụ huynh lại sợ rằng nếu nới lỏng các tiêu chí này sẽ khiến các em lười biếng.  

Theo quy định mới được đưa ra, năm 2008, kết quả học tập ở trường trung học sẽ là yếu tố quyết định để xét tuyển vào đại học. Còn theo cơ chế hiện nay thì các trường đại học tuyển sinh phần lớn dựa trên các kì thi đầu vào tiến hành trên phạm vi cả nước giống như ở Việt Nam.  

Các học sinh cho rằng những thay đổi nói trên là một cơn ác mộng khi phải vật lộn với mỗi kì thi giữa và cuối học kỳ. Việc phân loại và xếp thứ đã tạo nên tình trạng đố kị và ganh đua giữa các học sinh cùng lớp. Trong nhiều tuần, hàng loạt email phản đối đã được gửi tới website của Bộ Giáo dục.  

Phong trào phản đối lan nhanh tới mức tới mức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, tuần trước đã phải gửi một bức thư tới 1,5 triệu giáo viên và phụ huynh để xin lỗi về sự việc này, tuy nhiên vẫn kiên quyết bảo vệ lập trường của ông.  

Hệ thống giáo dục có uy tín với một đội ngũ nhân viên tận tuỵ là chìa khoá cho sự thành công về kinh tế của Hàn Quốc. Thế nhưng hệ thống này cũng bị chỉ trích là quá khắt khe. Trong năm 2003, cứ 100.000 học sinh thì có tới 8% đã tìm cách giải thoát mình bằng cách tự vẫn, khiến cho những áp lực tại trường học trở thành nguyên nhân lớn thứ hai gây ra tử vong cho trẻ em ở độ tuổi này sau tai nạn giao thông. Thậm chí, những hình phạt như đánh học sinh vẫn còn rất phổ biến.

(Theo Giao thông vận tải)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,