(VietNamNet) - Cuộc trò chuyện cùng ông Thomas Vallely, sáng lập viên của chương trình Fullbright Việt Nam, với người dẫn chương trình là Tổng biên tập VietnamNet Nguyễn Anh Tuấn, để tìm hiểu về cơ hội và khả năng hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ đã diễn ra vào lúc 14h chiều 19/5/2005 . Đây là sự kiện báo chí mở đầu của VietNamNet trong dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ Việt - Mỹ. Trong bàn tròn, ông Thomas Vallely có một vài ý kiến không trùng với quan điểm của VietNamNet, tuy nhiên để tôn trọng quan điểm cá nhân của ông, chúng tôi vẫn giữ nguyên văn để bạn đọc tham khảo.
Ông Thomas Vallely - "Ngài Fullbright Việt Nam". |
Thomas Vallely
, người nhiệt huyết, mạnh mẽ và quyết liệt, đã làm tất cả những gì có thể đối với giáo dục Việt Nam. Ông là Giám đốc chương trình Việt Nam của ĐH Harvard và là một trong những sáng lập viên của VEF (Quỹ học bổng Việt Nam - Hoa Kỳ). Chương trình Fulbright Việt Nam - đứa con tinh thần, sự hiện thực hoá tình cảm của ông đối với VN là một sự mới mẻ, đột phá về cách dạy và học và đem lại hiệu quả cao.Thomas Vallely sẽ khiến bạn ngạc nhiên về những ý tưởng - đôi khi tưởng chừng như không tưởng. Nếu trò chuyện, cũng có thể ông ta sẽ khiến bạn bực mình về sự cực đoan, không chừng còn áp đặt nhưng sau đó lại có thể làm bạn bất ngờ những sự thú nhận thành thực nào đó. Nếu bạn vốn ghét sự nhàm chán và chịu được cách nói thẳng thắn quá thể, Thomas Vallely là một sự thú vị.
Nếu bạn quan tâm đến việc du học qua Mỹ bằng học bổng Fulbright, Thomas Vallely chắc chắn có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm về thi cử và chọn trường bởi ông ta đã từng là "sát hạch viên" trong nhiều năm của chương trình này. Nếu bạn muốn trở thành học viên các khoá học dài hạn (một năm) và ngắn hạn (trên dưới một tuần) về luật, kinh tế và chính sách công của chương trình Fulbright Việt Nam mà không phải tốn chi phí thì Thomas Vallely là một tư vấn thích hợp và tâm huyết nhất. Ông ta cũng là người có những ý tưởng "không giống ai" về cách sử dụng quỹ học bổng VEF.
Thomas Vallely đang có ý tưởng và mong muốn xây dựng một trường ĐH Quốc tế hàng đầu ở Việt Nam theo mô hình của ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc). "Nếu các bạn muốn thì không chỉ 1 mà sẽ có nhiều trường ĐH đủ tiêu chuẩn quốc tế có thể ra đời ở VN" - biết đâu chúng ta cũng sẽ có những giấc mơ đẹp cho giáo dục ĐH ở Việt Nam khi nghe ông phân tích: nếu "muốn" thì phải làm gì?
Thomas Vallely là một người lobby nhiệt huyết và hiệu quả trong khoảng 10 năm trước khi quan hệ Việt - Mỹ được thiết lập và sau này ông đã hành động thiết thực như một đại sứ thiện chí cho mối bang giao tốt đẹp giữa 2 nước. Điều gì đã làm cho Thomas Vallely - người đã từng không có ý niệm gì về Việt Nam khi là một người lính trẻ lại trở nên tâm huyết với đất nước này đến vậy?
Cuộc trò chuyện với con người đầy cá tính nhưng hành động hết mình vì Việt Nam đó đã diễn ra vào lúc 14 giờ chiều 19/5/2005. Đây là sự kiện báo chí mở đầu của VietNamNet trong dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ Việt - Mỹ.
Dưới đây là nội dung bàn tròn:
| ||
Rất cảm ơn ông Thomas Vallely đã đến tham gia bàn tròn cùng VietNamNet. Hôm nay là một ngày rất đặc biệt, ngày kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước hết, chúng ta cùng nhìn lại lịch sử một chút. Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo vĩ đại của Việt Nam, đã thiết lập mối quan hệ thân thiện giữa Việt Nam và Mỹ từ rất lâu, khoảng năm 1944, 1945. Từ đó đã mở ra cơ hội cho tình bạn tốt đẹp, gắn bó hơn. Nhưng cơ hội này đã trôi qua. Ông nghĩ gì về điều này?
Thomas Vallely: - Hiện nay Việt Nam và Mỹ đang có mối quan hệ khá mật thiết, chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng, và đã trở thành một phần của văn hóa Mỹ. Có nhiều cuốn sách, nhiều bộ phim quan trọng về Việt Nam tại Mỹ. Gần đây tôi thích phim "Chúng ta đã là người lính" (We were soldiers). Trong bộ phim đó, 2 người chỉ huy quân đội của Việt Nam và Mỹ đều là anh hùng. (Đây là quan điểm riêng của ông Thomas Vallely - VietNamNet). Bộ phim đã xóa bỏ những nhìn nhận sai lệch về người lính của hai phía. Đó là một bộ phim đáng được nhắc đến. Theo tôi, cả hai nước cần phải viết nhiều hơn về Việt Nam. Rất khó để tìm nhiều thông tin về Việt Nam, có vẻ như thông tin về Việt Nam ở Mỹ còn dễ tìm hơn ở chính Việt Nam.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Hôm nay, VietNamNet đăng bài phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1949. Trong đó, Người khẳng định việc muốn quan hệ tốt với nước Mỹ, Người cũng đánh giá rất cao chính sách của Tổng thống Mỹ Roosevelt đối với các dân tộc bị áp bức. Nhưng trong cuộc chiến tranh Việt Nam - Pháp, Mỹ đã cung cấp vũ khí và lương thực cho phía Pháp, và vì thế mà cơ hội để có mối quan hệ thân thiện từ những ngày đó đã qua đi.
Thomas Vallely: - Tôi đồng ý với những điều anh nói. Đúng là sau chiến tranh thế giới II, nước Mỹ nổi tiếng trên thế giới vì sự phản đối thuộc địa. Và đúng là vì Mỹ muốn có quan hệ tốt đẹp với Pháp nên mối quan hệ với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Việt Nam đã không được như trước.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Ông nghĩ thế nào về 10 năm bình thường hoá quan hệ giữa hai nước?
Thomas Vallely: - Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là mối quan hệ giữa hai nước hiện nay đã tiến triển nhanh đến đâu và mang tầm quan trọng như thế nào. Mỹ là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam. 15 năm trước đây, Mỹ áp đặt cấm vận lên Việt Nam. Còn bây giờ, Mỹ đang mua nhiều hàng hoá của Việt Nam và Việt Nam bán nhiều hàng hoá sang Mỹ hơn cho bất kỳ nước nào khác. EU có cùng quy mô kinh tế và tính cạnh tranh với Mỹ - thậm chí đôi khi lớn hơn - nhưng Mỹ mới là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Mỹ cũng là đối tác lớn nhất về nguồn vốn của Việt Nam. Lượng kiều hối gửi về Việt Nam từ Mỹ là một trong những nguồn vốn lớn nhất trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực tư nhân. Tôi đọc ở đâu đó, trên VietnamNet chăng, dự đoán có thể đến năm 2006, khu vực kinh tế tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ lớn hơn khu vực quốc doanh.
Như thế, trong giai đoạn 10 năm, nền kinh tế Việt Nam đã được hiện đại hoá theo hướng tái cơ cấu. Khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài đang trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Có lẽ đó là điều quan trọng nhất trong 10 năm bình thường hoá quan hệ. Bạn biết đấy, quá khứ thì khác, nhưng 10 năm qua đã chứng kiến sự liên kết ấn tượng của Việt Nam vào thị trường và sự luân chuyển nguồn vốn của Mỹ.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Nhưng cho đến nay, Mỹ chỉ đứng thứ 11 trong các nước đầu tư vào Việt Nam. Tôi nghĩ tiềm năng còn lớn hơn thế và lẽ ra đầu tư của Mỹ phải đứng thứ 2, thứ 3 mới đúng?
Thomas Vallely: - Với Mỹ, không khó để đứng vị trí thứ hai hay thứ ba. Vấn đề là Việt Nam phải thay đổi chính sách để điều đó xảy ra. Việt Nam cần thay đổi cách thức vận hành, để Mỹ trở thành nhà đầu tư lớn nhất. Rõ ràng là Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực lớn để gia nhập WTO. Gia nhập WTO sẽ làm thay đổi hơn nữa cơ cấu kinh tế của Việt Nam, giúp Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn. Như sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh với Vietnamnet chẳng hạn (cười). Một số người sẽ nói: tôi sẽ cạnh tranh với VietNamNet, một số khác thì đầu tư cho các đối thủ của VietnamNet. Điều đó có lẽ sẽ giúp tăng đầu tư của Mỹ và của toàn thế giới vào Việt Nam.
Việt Nam hiện đang có rất nhiều đầu tư. Nhưng sự phân phối vốn đầu tư của Việt Nam không được hiệu quả. Việt Nam bỏ quá nhiều tiền đầu tư vào những ngành công nghiệp yếu kém. Chẳng hạn bạn bỏ ra 5 USD để lấy thêm 1 USD đầu ra. Tôi nghĩ chi phí đầu tư này là quá cao đối với các nhà đầu tư Mỹ. Và nguyên nhân là do sự yếu kém của môi trường đầu tư. Thị trường cũng phức tạp đối với nhà đầu tư, những người quan tâm đến sự vận hành của hệ thống pháp lý, độ cởi mở và tính cạnh tranh. Tuy nhiên, tôi tin những điều này hoàn toàn có thể khắc phục được. Các bạn cần có thị trường chứng khoán, ngân hàng và hệ thống tài chính vận hành theo các nguyên tắc hiện đại. Như thế mới thu hút đầu tư Mỹ và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Phải nói, Việt Nam là một trường hợp rất thú vị. Các bạn đang kết nối tốt với thế giới. Việt Nam ký hiệp định Thương mại song phương với Mỹ, nỗ lực gia nhập WTO, hợp pháp hoá sự phát triển của các DN nhỏ... Nhưng hệ thống tài chính lại làm chậm bước phát triển. Xin hãy lưu ý, chính mỗi quốc gia mới quyết định được nên tăng trưởng nhanh bao nhiêu. Việt Nam đã nói muốn tăng trưởng ở mức 7,.5%/ năm. Bây giờ, các bạn hoàn toàn có thể nói rằng, ồ không, tôi không muốn tăng trưởng 7,5% mà muốn con số 12%. Việt Nam dễ dàng đạt được con số tăng trưởng 12%, và các bạn nên duy trì mức 12% trong một số năm, như 10 năm chẳng hạn.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam mới là 7,5% thôi. Theo ông đó là do nguyên nhân nào vậy?
Thomas Vallely: - Nguyên nhân là do đầu tư vào những ngành yếu kém. Hãy cho các DN cần bảo vệ vay tiền. Khi đó, Việt Nam sẽ thay đổi rất nhiều, toàn bộ cấu trúc của nền kinh tế cũng thay đổi, kinh tế nhà nước sẽ là thành phần nhỏ hơn. Việt Nam đã để kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo trong thời gian quá dài. Chính điều này đã khiến Việt Nam phát triển chậm.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Có nên chăng để cả hai thành phần kinh tế, nhà nước và tư nhân, đều phát triển?
Thomas Vallely: - Có chứ, chỉ cần thành phần kinh tế nhà nước phát triển mạnh. Ngoài ra, hệ thống tài chính Việt Nam đã quá lạc hậu, phần lớn mọi người đầu tư tiền vào đất đai, làm giá đất tăng. Giá đất ở Việt Nam bằng ở Nhật, trong khi thu nhập bình quân của người Việt Nam hàng năm là 800 USD, còn của Nhật Bản là 30.000 USD. Điều này thật vô lý.
Một điều nữa là để lập lại trật tự về giá cả nhà đất, Việt Nam cần hệ thống thuế (tax) đất tốt. Điều này không khó, Việt Nam có thể giải quyết ngay lập tức.
Vấn đề của Việt Nam không phải là thiếu tiền, mà là cách sử dụng tiền, nhất là dùng tiền cho hiện đại hóa. Bạn có thể dùng tiền để tồn tại, hay dùng tiền để hiện đại hóa. Đó là quyết định mang tính chính sách.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Ông có thể nêu giải pháp nào để Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 12%?
Thomas Vallely: - Theo tôi, một trong những chính sách khôn ngoan mà Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi là thống nhất bộ luật DN. Điều đó tạo điều kiện dễ dàng để thành lập những công ty tư nhân nhỏ cũng như lớn. Và hãy dùng tiền để tạo nên sự cạnh tranh giữa các DN tư nhân lớn, khi đó Việt Nam sẽ có nhu cầu cho những thứ hiệu quả hơn. Sẽ tạo ra nhiều thành quả, nhiều việc làm hơn. Bạn thấy đấy, phải có sự cạnh tranh, phải có hệ thống tài chính bơm tiền vào các doanh nghiệp thành đạt chứ không vào những doanh nghiệp thất bại.
Khi bạn phát triển nhanh hơn, bạn cũng sẽ phát triển rộng hơn. Vai trò của Nhà nước phải thay đổi. Bộ Tài chính thu thuế và là bộ có quyền lực lớn. Những người có nhiệm vụ phân phối tiền phải có ít vai trò hơn. Vai trò của Nhà nước khi tốc độ phát triển kinh tế cao phải thay đổi khác với cách tổ chức bây giờ.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Mỹ có lợi ích gì trong mối quan hệ với Việt Nam?
Thomas Vallely: - Một điều thú vị là lợi ích kinh tế của Mỹ trong mối quan hệ này không lớn. Bạn biết đấy, nền kinh tế Mỹ có tầm cỡ khổng lồ và thật khó để nói rằng nền kinh tế Việt Nam là một phần quan trọng trong hệ thống thương mại toàn cầu. Tôi nghĩ rằng Mỹ quan tâm và cảm thấy có lợi ích với một Đông Nam Á mạnh hơn. Nhiều nước khác cũng muốn điều này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ. Nếu Việt Nam phát triển tốt sẽ mang lại sự ổn định hơn cho khu vực. Việt Nam là một quốc gia có nhiều khả năng sẽ trở thành hiện đại, có nền giáo dục và tài chính hiện đại, có ảnh hưởng thực sự tại Đông Nam Á. Mỹ muốn củng cố Đông Nam Á và nhiều người ở nước Mỹ rất hứng thú với viễn cảnh đó.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Kể từ năm 1995 đến nay, cả hai bên không ngừng xây dựng một quan hệ thân thiện. Ông nghĩ quá trình này đã đủ nhanh chưa? Hay cần nhanh hơn nữa?
Thomas Vallely: - Có một nhân tố quan trọng mà chúng ta cần hiểu, các bạn nối kết với nước Mỹ theo cách nào. Tôi nghĩ rằng mối quan hệ Nhà nước - Nhà nước, chính phủ - chính phủ là một khuôn khổ ổn định và sẽ không thay đổi nhiều trong thập kỷ tới. Chính phủ Mỹ quan hệ với chính phủ Việt Nam rất hữu nghị. Chính mối quan hệ giữa các cơ quan, thiết chế ở Mỹ với các cơ quan, thiết chế mới xuất hiện ở Việt Nam mới là khu vực tăng trưởng mạnh. Tôi nghĩ WTO sẽ giúp thúc đẩy phần nào quá trình này theo khía cạnh thương mại hoá. Chẳng hạn như một công ty tài chính ở Việt Nam có thể cạnh tranh với các ngân hàng Việt Nam, có các công ty truyền thông cạnh tranh với VietNamNet, có nhiều sự trao đổi giữa các trường đại học hơn... Hiện có hàng ngàn công dân Việt Nam gửi con cái của mình sang Mỹ học trung học, đại học và sau đại học. Mối liên hệ đó đang ngày càng tăng lên. Theo tôi, mối liên hệ đó càng tăng thì Việt Nam càng hội nhập nhiều hơn với thế giới và nhận được sự chuyển giao công nghệ lớn hơn.
Và như tôi đã đề cập ở trên về vốn đầu tư nước ngoài, tôi cho rằng hiện số vốn đó là đủ đối với Việt Nam.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Tôi đọc trên tờ China Daily rằng 45% GDP của Trung Quốc có được là nhờ các nhà đầu tư.
Thomas Vallely: - Vấn đề ở đây là đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tôi nghĩ Việt Nam cần FDI không phải vì tiền mà vì kiến thức. Nike rõ ràng biết cách làm giày tốt hơn xí nghiệp giày Hải Phòng. Họ biết cách làm ra những đôi giày bán cho cả thế giới. Citi Bank biết cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả hơn Ngân hàng Việt Nam. Và AIA biết cách tạo ra các nguồn vốn dài hạn tốt hơn Bảo Việt. Nói cách khác, họ đầu tư hiệu quả hơn vì họ biết lựa chọn những dự án kinh doanh sinh lời cao. Một khi chúng ta tạo ra được mối liên kết giữa các DN, tri thức và công nghệ sẽ được chuyển giao cho các công ty Việt Nam.
Rõ ràng là FDI vào Trung Quốc đã tạo ra hệ thống các công ty tư nhân. Điều này cực kỳ quan trọng. Việt Nam cần tạo ra những DN lớn hơn nhằm tạo ra nhu cầu về khoa học và công nghệ. Khoa học và công nghệ chỉ đến với những quốc gia thật sự muốn nó. Bạn không thể biến bất động sản, biến đất đai thành công nghệ. Việt Nam hiện đang cố gắng sử dụng đất đai để thành lập các "công viên" công nghệ. Chỉ ý tưởng, tri thức mới biến thành công nghệ mà thôi. FDI sẽ thay đổi điều này.
Một điều quan trọng khác là Việt Nam hơi khác so với Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Việt Nam và Trung Quốc hiện đại hoá do toàn cầu hoá và dòng luân chuyển vốn, còn những nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan toàn cầu hoá do xuất khẩu của họ. Rõ ràng đó là mô hình hiện đại hơn trong việc hội nhập với thế giới. Nhưng Việt Nam cần duy trì trật tự thương mại thế giới như hiện nay, vì Việt Nam được hưởng lợi từ trật tự này. Tôi chắc rằng trong cuộc gặp vào tháng 6.2005 tới giữa Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải và Tổng thống Bush, hai bên sẽ thảo luận về làm thế nào để Mỹ và Việt Nam duy trì hệ thống thương mại toàn cầu mở và tránh những thứ có thể làm tổn hại đến 2 bên.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - 10 năm vừa qua trong quan hệ Việt - Mỹ thì như vậy, còn tương lai 10 năm tới sẽ như thế nào? Ông có nhìn nhận gì không?
Thomas Vallely: - Tôi muốn nói điều này, và không có ý làm buồn các bạn. Các nước lớn không quan tâm nhiều đến các nước nhỏ. Tôi nghĩ những công việc khó khăn nhất đã phải trải qua chủ yếu do phía Việt Nam. Tôi thường nói, Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ, chứ không phải hai nước đã bình thường hóa quan hệ. Tương lai của Việt Nam không phụ thuộc vào nước Mỹ mà phụ thuộc vào chính Việt Nam. Tự Việt Nam sẽ chọn con đường cho mình. Nếu Việt Nam muốn phát triển nhanh, trên con đường hiện đại hóa, trong một thế giới mở, không có khủng bố và bệnh tật, Việt Nam sẽ phải kết nối thậm chí nhiều hơn với thế giới.
Hôm nay, báo chí có một tin rất thú vị, Việt Nam viện trợ cho Bangladesh. Việt Nam cũng đã giúp đỡ Cuba. Điều này chứng tỏ Việt Nam đã là một nước mạnh đủ để đi viện trợ giúp đỡ nước khác. Việt Nam cũng là một thành viên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam đã có tiếng nói hơn, và những sự giúp đỡ của Việt Nam với các nước cũng sẽ khẳng định hơn vai trò của Việt Nam với thế giới.
Tôi đã trải qua một thời gian bắt buộc phải tin rằng Việt Nam cần sự hỗ trợ của bên ngoài. Nhưng bây giờ là lúc Việt Nam có thể dùng tiền của chính mình cho những công việc quan trọng, hoặc để giúp đỡ các nước khác.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Có giải pháp nào để hai nước có mối quan hệ gắn bó hơn, gần gũi hơn, điều hai nước đều mong muốn, với mối quan hệ đã có từ rất lâu rồi?
Thomas Vallely: - Đó là một câu hỏi thú vị. Cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ là một cộng đồng lớn và mạnh. Ấn tượng của tôi, một người đến Việt Nam nhiều, là lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng rất nhanh. Nếu Việt Nam muốn đầu tư vào một lĩnh vực, sự đầu tư này phải góp phần tăng cường cho du lịch. Nếu là tôi, tôi sẽ đầu tư vào nghệ thuật, âm nhạc, nhà hát. Văn hóa Việt Nam phải là một phần quan trọng trong chương trình du lịch khi du khách đến đây. Nhà hát Lớn phải mở cửa nhiều hơn, có nhiều chương trình hòa nhạc hơn. Bạn có thể học Trung Quốc: Thượng Hải và Bắc Kinh cạnh tranh xem nơi nào có dàn nhạc mạnh nhất, có dàn giao hưởng phát triển nhất. Việt Nam cũng phải nghĩ đến việc đầu tư cho dàn nhạc giao hưởng TPHCM hay Nhà hát balê Hà Nội. Khi bạn nghĩ được như thế, Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn. Hãy tạo ra mối liên kết, tạo các ấn tượng về văn hóa, vì điều đó rất quan trọng. Phải đầu tư vào văn hóa, tạo mối quan hệ chặt chẽ về văn hóa. Một điều quan trọng nữa, Việt Nam cũng cần những trường học nổi tiếng, cần phải "cải thiện" giáo dục.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Giáo dục là một chủ đề rất thú vị. Theo tôi, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng về giáo dục, ông có nghĩ vậy không?
Thomas Vallely: - Đúng thế, thị trường giáo dục Việt Nam rất lớn. Người Việt Nam yêu kiến thức. Việt Nam cũng có đủ điều kiện để phát triển kiến thức. Việc bãi bỏ (dù chỉ một phần) sự độc quyền về truyền thông của Việt Nam đã rất hiệu quả. Bây giờ, Việt Nam có internet tốc độ cao với giá phải chăng, điện thoại di động tốt với giá phải chăng, có sự cạnh tranh đã tác động đến giáo dục. Sự phát triển của internet tạo cơ hội cho những thư viện công lớn. Nhưng hệ thống giáo dục Việt Nam cần một nỗ lực, một biến đổi lớn, cần sự cạnh tranh thật sự để phát triển. Chính cách truyền đạt kiến thức của Việt Nam đang tạo ra những vấn đề cho Việt Nam. Trước hết, bạn cần biết mình là ai và đang ở đâu. Tôi thấy, Việt Nam sợ đánh giá, so sánh mình với các nền giáo dục của các nước lân cận. Nếu thật sự so sánh, Việt Nam sẽ "sốc" về vị trí của mình.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Tôi biết, ông muốn góp phần xây dựng một đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế ở Việt Nam. Trung tâm Fulbright Việt Nam là một mô hình rất hiệu quả. Liệu đây có thể là dự án thí điểm để ông đi xa hơn?
Thomas Vallely: - Trước tiên, tôi muốn nói điều quan trọng này. Gia đình người Việt Nam rất mạnh mặc dù hệ thống giáo dục yếu. Họ đã quen với việc truy cập vào Internet, sử dụng các website như VietnamNet làm một "thư viện ảo" để truyền bá kiến thức cho con em mình. Câu hỏi đặt ra là liệu hệ thống các trường học và đại học ở Việt Nam có thể bổ sung thêm giá trị cho hình thức này? Khuyến nghị của tôi là Việt Nam nên xem xét lại hệ thống giáo dục để tìm ra mô hình riêng phù hợp với mình. Vâng, rõ ràng là chúng ta cần có một nhóm các trường đại học tinh hoa như Trung tâm Fulbright Việt Nam hay một nhóm tinh hoa các viện nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, vẫn còn tới 2 triệu sinh viên. Do vậy, tôi nghĩ chiến lược mà chính phủ Việt Nam đang theo đuổi trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ chính là chiến lược phù hợp cho giáo dục. Tôi đồng ý rằng, hệ thống y tế của Việt Nam chưa hoàn hảo nhưng cũng không tồi. Về cơ bản, hệ thống đang được tư nhân hoá, đảm bảo cho bệnh viện A có thể cạnh tranh với bệnh viện B. Và người tiêu dùng có quyền so sánh chi phí, giá cả và quyền lựa chọn đến Bác sĩ Tuấn, hay Bác sỹ Trần... Bệnh nhân Việt Nam đã có quyền lựa chọn. Rõ ràng động lực cạnh tranh này đã tạo ra một hệ thống y tế tốt hơn ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực này là tương đối thành công. (Tất nhiên là không giống như với y tế công. Y tế công ở Việt Nam đang rơi vào khủng hoảng).
Câu trả lời là Việt Nam có thể áp dụng chính sách này vào giáo dục: tức là tạo ra sự cạnh tranh thay vì mô hình chỉ huy từ trên xuống dưới.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Ở Việt Nam hiện đã có trường ĐH Quốc tế RMIT. Vậy một trường ĐH nào đó của Mỹ cũng có thể sang Việt Nam thành lập chi nhánh?
Thomas Vallely: - Tôi nghĩ rằng RMIT là một mô hình hay, nhưng chúng ta có rất nhiều hình thức khác nhau. RMIT là một mô hình tốt về việc thành lập một trường đại học nước ngoài ở Việt Nam. Theo cách đó, các sinh viên có thể được thụ hưởng một trình độ giáo dục cao hơn. Nhưng tôi hoàn toàn không nghĩ rằng nó có thể thay thể cho việc xây dựng các trường đại học quốc gia quan trọng của Việt Nam. Bạn cần xem Thái Lan, họ có trường Thamasak, hay Trung Quốc có Đại học Thanh Hoa.. rồi ở Nhật Bản, Hàn Quốc cũng thế. Đó là những trường đại học bản xứ được xếp hạng đẳng cấp thế giới.
Tôi tin Việt Nam có thể làm được như vậy. Các bạn cần xây dựng cho mình những học viện, những trường đại học bản xứ, những mô hình truyền thụ kiến thức riêng thay vì nhập khẩu từ nước ngoài, dù vẫn có thể nhập khẩu một phần. Hiện con số lớn người Việt Nam đang du học nước ngoài có thể trở thành động lực cho tiến trình đó. Không giống như hệ thống tài chính, nơi bạn có thể sửa chữa chỉ trong vòng 20 phút, để sửa một hệ thống giáo dục cần tới 20 năm. Đó là một vấn đề lớn.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Vậy ông có ý định mở rộng Trung tâm Fulbright Việt Nam thành trường đại học không?
Thomas Vallely: - Điều mà chúng tôi muốn làm hiện nay là xây dựng một trường luật. Bạn biết đấy, luật là một phần quan trọng trong hạ tầng công cộng, giúp xác định Việt Nam được tổ chức như thế nào, đồng tiền vào và ra ra sao. Chính phủ Việt Nam rất thẳng thắn trong việc thừa nhận nhu cầu về luật. Luật pháp cũng là một trong những nhân tố cần thiết để giải quyết nạn tham nhũng. Tham nhũng phần lớn nảy sinh do sự chuyên quyền và chúng ta cần xoá bỏ sự chuyên quyền trong một bộ phận cơ quan Nhà nước. Sử dụng luật pháp là một sự thay thế tốt. Chính vì thế, chúng tôi muốn tổ chức các khoá học về luật và rất cảm ơn VietNamNet đã giúp chúng tôi tổ chức thành công những khoá học này. Nói về dự định mở rộng thì luật chắc chắn sẽ là bước đầu tiên.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Có ba thứ đánh dấu hợp tác giáo dục Việt - Mỹ là Chương trình học bổng Fulbright, học bổng của VEF và Trung tâm Fulbright Việt Nam. Vậy ông nghĩ sao về khả năng liên doanh giữa một trường ĐH của Việt Nam và một trường ĐH hàng đầu của Hoa Kỳ?
Thomas Vallely: - Có những mô hình rất khác nhau, tôi không biết mô hình nào sẽ thành công nhất. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam cần xây dựng một vài trung tâm "nhỏ" nhưng thật xuất sắc về luật, về khoa học, kỹ thuật ... như mô hình của Fulbright Việt Nam về kinh tế. Khi bạn bỏ sự độc quyền, tạo ra cạnh tranh trong hệ thống giáo dục thì sẽ phát triển thôi. Hãy để các trường Việt Nam tự phát triển. Chẳng hạn, ĐH Huế sẽ phải cạnh tranh, và họ sẽ phải làm sao để tốt hơn các trường lân cận. Nếu Huế thành công, các trường khác có thể học theo. Cũng như sự phát triển không ngừng của VietNamNet trong truyền thông. Không thể biết nơi nào sẽ phát triển nhất, mô hình nào sẽ thành công nhất. Hãy tạo cơ hội tốt cho tất cả, kể cả Fulbright Việt Nam, VEF, và RMIT chẳng hạn. Hãy tạo sự cạnh tranh và xem nơi nào phát triển tốt nhất, thu hút được nhiều nhân tài nhất. Đặc biệt là sự cạnh tranh giữa các trường của Việt Nam với nhau xem từng trường mạnh đến mức nào, có thể phát triển đến đâu? Khi bạn đã tìm ra những mô hình thành công, những trường tốt, hãy đầu tư phát triển nó.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Ông luôn khẳng định phải xây dựng trường đại học tốt tại Việt Nam. Nhưng tôi lại cho rằng, nếu sinh viên chỉ học tại Việt Nam, họ sẽ không được học trong một môi trường giáo dục tốt của các truòng đại học hàng đầu của Mỹ. Ví dụ khi đến Harvard, họ sẽ được học trong môi trường học tập của Harvard? điều không thể có nếu chỉ học tại Việt Nam.
Thomas Vallely: - Anh nói đúng, phải có những sinh viên rời Việt Nam để học cách thay đổi nền giáo dục. Nhưng, phải có nơi để họ về, nếu không sẽ chẳng thay đổi được giáo dục Việt Nam và sau khi học xong họ sẽ ở lại Mỹ. Trung Quốc ĐH Thanh Hoa xuất sắc trong nhiều lĩnh vực để những người giỏi nhất trở về. Người ta nói đến sự "chảy máu tri thức", nhưng điều này không xảy ra với Trung Quốc. Với Trung Quốc, nước Mỹ chỉ là trường đại học để đào tạo những người giỏi họ thôi.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Đúng là có rất nhiều sinh viên Trung Quốc học kiến thức ở các trường đại học Mỹ, và sau khi học xong, họ trở về và làm việc hiệu quả ở Trung Quốc. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của các sinh viên Trung Quốc học tại Mỹ?
Thomas Vallely: - Đã có một động lực trong sự phát triển về khoa học, công nghệ của Trung Quốc. Họ thật sự cần những nhà khoa học hàng đầu, những người thật xuất sắc về kỹ thuật. Họ có những nhà khoa học hàng đầu về toán, hóa, lý, sinh... vì họ đầu tư cho điều này. Họ không chỉ đầu tư cho các thiết bị, cho nhà xưởng, cho đất đai. Bạn không thể mua kỹ thuật, mà phải tạo ra kỹ thuật. Trung Quốc hiểu rằng, giáo dục chính là cánh cửa, và chính giáo dục kết nối với "tiền vốn".
Với Việt Nam, các bạn phải "trung thực" đánh giá hệ thống của mình. Hệ thống giáo dục của các bạn quá yếu để đáp ứng yêu cầu cho những người tốt nghiệp một kiến thức tốt. Nếu bạn đi từ trường kỹ thuật Hà Nội đến MIT, sẽ có một khoảng cách giữa sinh viên năm cuối của trường kỹ thuật Hà Nội và sinh viên năm đầu của MIT. Khoảng cách đó lớn đến mức, sẽ tốt hơn nếu bạn gửi những "đứa trẻ" vừa học xong cấp 3 sang Mỹ học luôn college (trường đại học quy mô nhỏ hơn) rồi vào MIT. Đó là điều nhiều người Việt Nam làm, những người có nhiều tiền sẽ gửi con sang học ở college bên nước ngoài.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Xin gửi đến ông câu hỏi của độc giả Đặng Thuỷ Trâm: Tôi đang là sinh viên năm cuối khoa Kỹ sư hoá chất tại trường ĐH Illinois, Hoa Kỳ. Tôi rất thích thú với ý tưởng của ông về việc xây dựng mô hình các trường đại học Việt Nam có tầm cỡ quốc tế. Liệu ông có thể nói rõ hơn về khái niệm "Các trường đại học Việt Nam mang tầm quốc tế". Đối tượng mà các trường đại học này hướng tới tuyển dụng làm thành viên các khoa là ai?
Tôi có nghe về kế hoạch "Trung tâm xuất sắc" của VEF. Những học viện nghiên cứu như thế sẽ liên kết như thế nào với mô hình trường đại học tầm cỡ quốc tế? Câu hỏi cuối cùng của tôi là ông dự đoán bao giờ thì những trường đại học và viện nghiên cứu như vậy được hình thành và đi vào hoạt động ở Việt Nam?
Thomas Vallely: - Như tôi đã nói lúc đầu, thực sự tôi không xây trường đại học vì thế tôi không rõ lắm về cách thức làm thế nào để có chúng. Tôi chỉ biết về một số nhân tố mà thôi. Một trong số đó là làm thế nào nâng cao chất lượng đầu ra, tăng cường số lượng cũng như chất lượng đầu ra của những sinh viên được gửi sang Mỹ học. Có một sự khác biệt lớn giữa giáo dục chất lượng cao và giáo dục trung bình. Và tôi nghĩ rằng Việt Nam cần phải cẩn trọng để không đi theo mô hình giáo dục trung bình của một số nước khác.
Riêng về trung tâm xuất sắc của VEF, sáng kiến này cần có nhiều nhân tố mới có thể thực hiện được ở Việt Nam. Trước hết, để tôi giải thích về sáng kiến này của một nhóm các nhà khoa học xuất sắc nhất thế giới, nảy sinh dựa trên sự tham vấn giữa các trung tâm khoa học ở các nước đang phát triển. Ý tưởng đó rất đơn giản. Thế giới có thể học được nhiều hơn nếu họ đến nơi xảy ra vấn đề và tìm hiểu xem vì sao vấn đề đó nảy sinh. Thay vì nghiên cứu về cúm gà tại các phòng thí nghiệm ở MIT, họ muốn đến tìm hiểu về cúm gà ở Hà Nội. Bởi vì cúm gà không xảy ra ở MIT, Harvard hay Stanford. Cúm gà đang diễn ra ở Việt Nam. Đó là ý tưởng của nhóm các nhà khoa học với sự tài trợ của VEF. Và họ đến đây tiến hành nghiên cứu, sử dụng tài năng của người Việt nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh, tạo ra những động lực. Đó cũng là mục tiêu mà Trung tâm Xuất sắc muốn tạo ra: một môi trường ở Việt Nam để tăng tính sáng tạo. Tôi không nghĩ rằng khoa học ở Việt Nam xứng thưởng chữ xuất sắc. Dường như nó được thưởng cho tất cả mọi người. Và như thế không phải là khoa học. Nếu muốn có khoa học, bạn phải tưởng thưởng cho nhà khoa học xuất sắc nhất. Khi một trong những nhà khoa học đứng đầu nhóm Sáng kiến Thiên niên kỷ (nhóm đề ra Trung tâm Khoa học xuất sắc) gặp một nhà khoa học nổi tiếng Việt Nam, ông ta nói: Hãy để tôi hỏi ông 2 câu hỏi: Một, liệu tôi có thể trả cho một nhà khoa học giỏi nhất Việt Nam mức lương gấp 5 lần lương Thủ tướng? Không. Hai: nếu tôi đưa ông tiền, ông sẽ đầu tư vào hệ thống khoa học và công nghệ cũ của Việt Nam hay sẽ đưa ra một hệ thống mới. Ồ, tôi muốn hệ thống hiện có. Vậy thì, cảm ơn ông rất nhiều.
Bạn phải trả cao cho những nhà khoa học giỏi nhất để tạo ra một môi trường tốt. Điều đó Việt Nam chưa làm được.
Fulbright chúng tôi đầu tư mạo hiểm vào con người. Chúng tôi tìm kiếm và đào tạo tài năng. Đó không phải là tiền, mà là tài năng. Đó là cách duy trì năng lực đó, cho họ nguồn năng lượng, sự tôn trọng và môi trường hoạt động.
Tôi đã từng gặp một số người có những nghiên cứu rất thú vị về sinh học. Tôi cũng đã gặp một số sinh viên có tiềm năng trở thành nhà khoa học xuất sắc ở Việt Nam. Những gì tôi không thấy là ngành sinh học mới, là những trường đại học theo kịp với bước tiến đó. Điều tôi thấy cũng là cơ hội để bạn tập trung vào vấn đề nếu muốn có một sự đổi mới về giáo dục đại học.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Xin gửi ông câu hỏi của bạn Bắc Thanh: Ông có thể cho biết tỷ lệ giữa các trường đại học công và tư ở Mỹ?
Thomas Vallely: - Tôi không biết chắc lắm về sự phân bố trường công và tư ở Mỹ. Thường với mỗi bang, chúng tôi có trường công cho mọi học sinh đến lớp 12. Sau đó có rất nhiều trường college công, thậm chí các trường rất nổi tiếng như trường của Berkely, Michigan, Texas... Hệ thống trường đại học công của Mỹ rất lớn. Nhưng chính quyền không điều hành, kiểm soát những gì diễn ra ở các trường học, và trường học hoàn toàn quyết định những việc muốn làm. Không có sự ràng buộc nào, dù chính quyền trả tiền cho các trường học.
Song song với các trường công là hệ thống các trường tư. Con trai tôi học ở trường tư, cả trung học và đại học. Chúng tôi tự trả tiền để đến các trường tư, dù chúng tôi cũng đã đóng thuế cho chính quyền. Ở Mỹ, chính quyền rất ủng hộ việc sinh viên học trường tư, đó là một sự kết hợp tốt. Việt Nam cũng cần làm như thế. Tôi muốn nói, Việt Nam cần làm tất cả để tạo ra một môi trường giáo dục tốt: trường công, trường tư và sự cạnh tranh.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Có vẻ như trường tư ở Mỹ tốt hơn chăng? Như Harvard, Stanford, MIT đều là các trường tư cả.
Thomas Valley: - Đó là một chủ đề gây tranh cãi lớn, và chưa có câu trả lời rõ ràng, vì có nhiều trường tư và trường công đều nổi tiếng (như trường của Berkely, Michigan...). Đúng là các trường lớn như Harvard, Stanford có nhiều tiền nên có nhiều điều kiện để phát triển, để có thêm tiền và sử dụng tiền một cách thông minh. Nhưng Harvard có đến 23 tỷ USD chưa dùng đến. Không thể so sánh được. Đúng là trong cái nhìn từ Việt Nam, Havard và Stanford, Duke là các trường xuất sắc nhất. Nhưng sự đóng góp của các trường nhà nước cũng rất lớn.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Độc giả Nguyễn Thu Hiền muốn hỏi: Tôi rất quan tâm tới một khoá học ngắn hạn về thuế. Ông có thể giới thiệu khoá học nào của Fulbright tài trợ cho tôi không? Điều kiện nào? Tôi hiện đang làm cho một công ty nước ngoài, liệu tôi có thể đăng ký xin tài trợ của Fulbright không?
Thomas Vallely: - Có lẽ tốt hơn cả là bạn vào trang web của Fulbright: www.fetb.edu.Việt Nam. Chúng tôi có các khoá học liên tục và có cả khoá học về thuế như bạn muốn.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Độc giả Phạm Thị Bích Loan có một câu hỏi dành cho ông
: "Tôi là một chuyên gia của Bộ Bưu chính Viễn thông. Công việc của tôi liên quan tới đầu tư nước ngoài, các chính sách hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, tôi quan tâm tới các khóa học ngăn hạn về kinh tế, luật cua Fulbright. Ông có thể cho thông tin về các chương trình, cùng điều kiện để được tham gia với đối tượng như tôi?"Thomas Vallely: - Tháng 1 năm 2006 chúng tôi sẽ có khoá học mới về kinh tế kéo dài một tháng tại TP. HCM với sự tham gia của khoảng 100 người. Vài tháng nữa chúng tôi sẽ công bố trên mạng mẫu đơn đăng ký. Nếu chị nói chị là người đã phỏng vấn tôi trên Vietnamnet thì có thể chị sẽ được chú ý (cười). Có các khoá học lớn dành cho 3, 4 lĩnh vực quan trọng là: chi phí của việc không có một hệ thống pháp lý hiệu quả. Ngoài ra, Việt Nam đang cho một số công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đó là một quá trình phức tạp. Bạn cần có hệ thống kế toán và pháp lý đúng đắn. Điều này không đơn giản và bạn cần phải được đào tạo chuyên nghiệp. Chúng tôi sẽ có các khoá học về vấn đề này bên cạnh khoá về quản trị DN.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Một bạn đọc muốn hỏi, ông có định mở chi nhánh Fulbright ở Hà Nội không?
Thomas Vallely: - Rất nhiều người hỏi tôi câu này, và câu trả lời của chúng tôi là: Trước tiên, chúng tôi muốn tập trung vào chương trình Fulbright và triển khai thành chương trình lớn với chất lượng xuất sắc. Học liệu mở (online material) của chúng tôi có thể truy cập từ khắp nơi, nên các bạn có thể học từ bất cứ nơi nào. Mục đích của chúng tôi là xây dựng hệ thống tài liệu (tài trợ bởi VietNamNet) để tất cả các lớp học của các trường đại học có thể dùng trong giảng dạy, và bất cứ ai cũng có thể tự nghiên cứu. Ở Fulbright, 20% đến 1/3 học viên của chúng tôi là các giảng viên đại học. Nếu một học viên đến với chương trình của chúng tôi, học khóa học 1 tháng của chúng tôi, chúng tôi sẽ cung cấp miễn phí toàn bộ tài liệu cho người đó và những người mà người đó muốn giới thiệu nữa. Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là nâng chất lượng, và mở rộng chương trình hoàn toàn miễn phí. Tất nhiên, chúng tôi sẽ làm gì đó ở Hà Nội ở một thời điểm trong tương lai.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Độc giả Trương Toàn muốn học chương trình Fulbright, nhưng bạn muốn biết có chắc chắn sau khi tốt nghiệp khóa học 1 năm sẽ có công việc tốt không?
Thomas Vallely: - Chúng tôi có rất nhiều người muốn học, và chúng tôi không bảo đảm điều gì cả. Bạn phải đăng ký, rồi vào học (nếu được nhận). Bạn sẽ được học một khóa học rất tốt. Còn việc làm sau khóa học là việc riêng của bạn, do bạn quyết định.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Câu hỏi của Nguyễn Minh Thắng: Nếu ông là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam, ông sẽ làm gì đầu tiên?
Thomas Vallely: - Có lẽ đây là câu hỏi thường xuyên được đặt ra với Bộ trưởng đương nhiệm vì giáo dục là một phần rất quan trọng. Riêng tôi sẽ theo đuổi chính sách mà chính phủ Việt Nam đang áp dụng trong lĩnh vực y tế, cho phép cạnh tranh giữa các trường - viện mà hiện bộ Giáo dục đào tạo đang quản lý. Tôi sẽ trao quyền tự trị cho các trường ĐH để họ được tự quyết định và cạnh tranh với các trường khác, thậm chí cả khi khủng hoảng. Vì như thế, chúng ta sẽ tìm ra người mạnh hơn, có năng lực hơn. Tạo ra sự cạnh tranh chính là phương thức xây dựng một hệ thống trường học vận hành hiệu quả hơn. Và tôi sẽ thay đổi vai trò của Bộ Giáo dục thành một nhà đầu tư vào hệ thống giáo dục thay vì nhà quản lý mọi hoạt động giáo dục.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Câu hỏi cuối cùng: Ông nghĩ thế nào về tương lai hợp tác giáo dục giữa hai nước?
Thomas Vallely: - Tôi nghĩ rằng có hai nhân tố ảnh hưởng đến điều này. Một là nhờ chính phủ Việt Nam dỡ bỏ các quản lý đối với Internet, cho phép nhiều ADSL tại nhà nên chắc chắn mối hợp tác này sẽ trở nên chặt chẽ hơn. Thứ hai là triển vọng hợp tác phụ thuộc vào việc Việt Nam tăng trưởng nhanh đến mức nào. Nếu Việt Nam tăng trưởng 12%, người Việt Nam sẽ có nhiều tiền hơn để gửi con em mình sang Mỹ học. Các gia đình Việt Nam sẽ giàu có hơn để có thể đầu tư vào hệ thống giáo dục Mỹ, cho con mình sang học ở Harvard, Texas, Michigan, Boston, Yale... Không có mối quan hệ nhà nước giữa các trường đại học Mỹ và chính phủ Việt Nam. Chỉ có mối quan hệ trực tiếp giữa các cá nhân và các trường đại học Mỹ. Và Internet sẽ giúp mở rộng tầm nhìn và kiến thức của các gia đình Việt Nam và con em họ. Đó là xu hướng mà tôi đang thấy ở Việt Nam.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Vì thời gian có hạn, ông Thomas Vallely kkhông thể trả lời trực tiếp toàn bộ các câu hỏi của các bạn. Chúng sẽ chuyển các câu hỏi đó đến ông để trả lời các bạn. Xin cảm ơn ông Thomas Vallely đã đến với VietNamNet, cảm ơn các bạn đã theo dõi cuộc nói chuyện này.
-
VietNamNet