221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
622894
Về hưu...ở tuổi 20
1
Article
null
Về hưu...ở tuổi 20
,

Phía sau vẻ sôi động của thành thị, có bao nhiêu trí thức trẻ đang bức tử thời gian sống của chính mình?

1. Số Một đi du học về. Đám phụ nữ trong viện, từ con gái Viện trưởng đến chị bóc thư đều xao xác, anh ta đi xe bình thường, điện thoại cũng thường chỉ mỗi laptop là xịn, nhưng quả quyết đó là một @ gần như hoàn hảo.

Số Một không thuộc diện du học vì trượt đại học trong nước nên đương nhiên thông minh  và cấp tiến. Nhưng, ố la la, trong một viện toàn là những thâm niên lão làng mà một tay vừa trẻ tuổi, vừa ở Tây về, lại còn tỏ ra cấp tiến nữa thì rất có thể ba lần mất điểm.

Này, cấp cho cậu chức phó phòng, nhé, khỏi mang tiếng chúng tớ không quan tâm lớp trẻ. Ưu tiên phòng 4C (con cháu các cụ) buôn dưa lê hảo hạng. Nhưng đề tài nghiên cứu thì nói trước cậu phải xếp hàng, mỗi năm toàn viện chỉ được trên rót kinh phí cho vài cái. Về đây phải biết uống nước chè và xếp hàng.

Những đề án Số Một đưa lên đều được trang trọng buộc kỹ đặt trên nóc tủ. Số Một cảm thấy thời gian vừa vô giá, vừa vô giá trị. Một tập tài liệu được chuyển đến chậm vài phút làm anh giận dữ, nhưng cũng chính anh nhận ra cả tháng mình chẳng có việc gì làm ở đây.

Giống như vô số những “@ gần như hoàn hảo” khác, Số Một rơi tõm vào thất vọng. Từ chối hai công ty săn đầu người để trở về xây dựng đất nước là thế này à?

Một thằng bạn gọi điện thoại đến cười khành khạch. Ông đang mặc áo trắng đi giữa trời mưa đấy, hoặc là ông khổ sở giữ gìn, hoặc ông cứ để cho nó bẩn, còn mình thì thưởng thức trời mưa. Anh hiểu. Nhưng anh không thể thưởng thức nổi những bài phát biểu nhạt, những đề tài không hơn một luận văn tầm tầm của SV mà tiêu tốn tiền tỷ của ngân sách, cũng không thể thưởng thức những cuộc tán gẫu xuyên tường. Tóm lại là không thể xực những thứ thiếu văn minh hoặc không đạt chuẩn, mặc dù biết rằng nếu chấp nhận nó sẽ sống dễ dàng hơn.

Những ngày cuối cùng họp bạn bè anh gặp lại tâm trạng của mình - của những người “sống một nơi nhớ một nơi”. Một ông anh tiến sĩ ở Đức về lang thang đi dịch thuê vì không xin được việc. Một bà chị học ở Harvard mở quán cà phê.

Số Một nghĩ đến cái viện nghiên cứu đầy ma lực bên kia đại dương nơi sẵn sàng đón chào anh trở lại. Để chấm dứt những ngày về hưu leo lét.

2. Số Hai là sinh viên nhạc viện năm cuối. Nhà cực giàu. Chơi violon đủ  để đứng trong dàn nhạc. Nghĩ đến cả đời chìm khuất trong đám đông anh lại muốn học kèn. Anh đã nghĩ suốt hai năm xem có nên bỏ tám năm violon để chuyển sang học kèn lại từ đầu không, nhỡ mà vẫn đứng trong dàn nhạc thì sao. Bây giờ vẫn còn trăn trở. Tuy chưa quyết định, nhưng vì nhà giàu nên số kèn của anh thì sinh viên khoa kèn cũng phải nghiêng mình. Ban đêm không cần bật điện nó vẫn hắt đủ ánh sáng để đọc sách.

Bố mẹ Số Hai có một cửa hiệu trên phố Hàng Gai trị giá khoảng nghìn cây vàng. Lợi tức hàng tháng “bà bô” tự động cho người chuyển vào tài khoản của hai anh em, thành ra anh thấy chuyện đi đánh đấm ở các quán bar nhạt hoét.

Ngày ngày Số Hai dính chặt ở cà phê Hàng Hành như là nô lệ của nó. Đó cũng là thời điểm các quá cà phê, nhà hàng ở Hà Nội đầy nghẹt bọn 8X lẫn 7X. Đừng tưởng ngồi quán toàn vô công rồi nghề. Khối con bộ trưởng thứ trưởng học hành đàng hoàng nhưng vẫn thấy cuộc đời vô vị quá, vì chẳng biết làm ra tiền để làm gì.

Có những buổi chiều mùa đông bầu trời màu xám và mưa không có thanh âm quán cà phê rất đông mà vẫn im lặng. Như bị bốc ra khỏi đô thị. Số Hai không buồn không vui ngồi ở café Con Ếch Xanh ở Hàng Hành nhìn sang bar Chú Khỉ Con, Đếm những khách Tây xem menu dựng trước cửa rồi bỏ đi vì chê đắt hoặc nhìn con chó tai cụp tai xoè đi tìm bạn dọc bức tường xây dở. 5 giờ chiều mấy em vè vè Dylan đến trình diễn thời trang hè phố thì Số Hai đứng dậy trả tiền. Bốn góc phòng các vest khác vẫn đang ngồi nhìn khói thuốc bay, đờ đẫn.

Vài năm nữa Số Hai sẽ chọn một em xinh tươi ngoan hiền làm vợ trong một cái nhà 5 tầng có thang máy. Cuộc đời đã được lập trình có lẽ từ lúc Số Hai chưa ra đời. Ngoại trừ không biết nên học kèn hay tiếp tục học violon anh chẳng có điều gì để suy nghĩ. Khổ thế!

2. Số Ba là một phóng viên trong một tờ báo lớn. Chuyên viết những điều tử tế, nhưng nghèo rớt mùng tơi, nhất là so với mấy tay ăn theo đề tài cướp giết hiếp. Cứ ở đâu có máu đổ là bài của anh bị bật ra để lấy chỗ. Điều này lý giải vì sao ở tòa soạn anh làm việc nghiêm túc nhất nhưng cũng là người ít hoàn thành định mức nhất. Cuối tháng lĩnh lương bao giờ anh cũng được khuyến mại thêm một cái nguýt của thủ quỹ. Bài đâu chả thấy cứ lĩnh tiền tì tì, ý chắc là thế!

Anh cảm thấy lạc lõng và đơn độc. Người có tài mà vẫn nghèo, có tài mà bị bọn bất tài khinh như mẻ chứng tỏ xã hội vẫn còn quá nhiều người dốt! Anh kết luận. Mà dốt gần gũi và điển hình nhất là sếp anh. Có lần anh định lên mạng lập hẳn một cái forum mới dành riêng cho những người “ghét sếp”. Còn hiện tại thì anh vẫn chờ thời. Ít nhất là một ông sếp mới. Một ông sếp có thể hiểu được giá trị thực của những người giỏi. Tóm lại là để có một sự thay đổi anh sẵn sàng chờ 5 năm 10 năm hoặc lâu hơn nữa.

Công bằng thì đôi khi trong cuộc họp anh định giơ tay định nói một điều gì đó nhưng anh kịp dừng lại. Bởi vì dù sao anh cũng chỉ là một toa tàu ở giữa đoàn tàu. Nếu chạy nhanh quá, người ngoài có cớ để so chiếu tất nhiên đầu tàu sẽ không thích. Mà những toa cuối đang nhởn nhơ bỗng phải co cẳng chạy theo cũng bực mình. Đó là chưa kể sự xô lệch do anh chạy không đúng tốc độ có thể gây ra nguy hiểm cho bao nhiêu con người. Sự cố tàu Bắc – Nam 29 tiếng vừa rồi là một ví dụ nhãn tiền đó.

Trong ba sáu cách tính toán, cách tốt nhất là không cộng tác với kẻ dốt. Thế là công việc - niềm đam mê của anh bỗng chốc bị hạ bệ xuống thành một chiếc cần câu cơm. Những cuồng nhiệt  ham muốn của anh mủn ra. Bọn dốt nát quanh anh là thủ phạm huỷ diệt năng lực sáng tạo, hủy diệt cuộc đời anh. Bây giờ Số Ba vẫn cho là thế.

3. Số Bốn đi làm công sở. Đời công chức mà các em SV bạc mặt mơ hình dáng thế này: Sáng trang điểm rồi úp khẩu trang vào mặt. Quá trình đi làm đến đoạn tắc đường phải móc điện thoại ra nghe rồi nhìn đồng hồ nhăn mặt. Bận rộn như thể công chức mà! Đến văn phòng 8 giờ lượn qua chỗ sếp ngầm điểm danh, bật máy tính xem offline mess, đọc báo và giết chết buổi sáng bằng game Đế chế. Thế nào cũng có mấy đứa mặt vàng choé trên YM. Cà phê? Ok chỗ cũ. Sau đó là ăn trưa, tất nhiên. Bôi son dưỡng chống nẻ môi, sắp xếp lại tài liệu.

Có những tuần những tháng không có sự kiện bất thường nào lọt vào thời gian biểu, một năm không có kế hoạch gì cả. Chán đọc chán hôn và cuối cùng sự đều đặn làm tê liệt luôn cảm giác về sự nhàm chán. Mỗi ngày mong đến năm giờ chiều mỗi tuần mong đến thứ sáu. Không phải để được xả hơi mà để được sống thực cuộc sống của mình. Sự mẫn cán giả tạo làm người ta kiệt sức. Số Bốn nghĩ cô được trả lương để chịu đựng. Tệ nhất là xung quanh chẳng ai cảm thấy điều gì không bình thường.

Chỉ có hai lần Số Bốn cho là mình hơi dũng cảm. Lần thứ nhất dám mơ một căn hộ trên tầng 21 khu Mỹ Đình giá 700 triệu đồng. Số Bốn sẽ mua những chậu hoa nho nhỏ đủ màu sắc treo trên ban công. Nhưng hôm sau thì cô không mơ nữa vì nhớ ra đi làm đã 8 năm, lương hợp đồng vẫn 1,2 triệu trừ mất 400.000 thuê nhà, 600.000 tiền ăn, 200.000 tiền cho 2 đám cưới. Tiền kem đánh răng P/S, xà phòng Omo và băng vệ sinh Kotex vẫn mẹ gửi ở quê lên.

Lần dũng cảm thứ hai  là ý định nhảy việc. Sang một công ty tư nhân để bị "bóc lột” sức lao động và thấy mình còn có ý nghĩa. Nhưng nghĩ đến cái đận đi xin việc mặt vàng ệch ra lại hãi.

Hôm nọ về quê Số Bốn buột miệng ao ước “Mẹ, bao giờ con 60 tuổi như mẹ nhỉ?”. “?”. Để  được về hưu thật, không phải giả vờ bận rộn”.

Bi kịch, là khi cả tuổi trẻ và cuộc sống đều không còn làm cho người ta ngây ngất và muốn hành động nữa.

(Theo Sinh Viên Việt Nam)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,