(VietNamNet) - Hiện nay một số nơi đang thí điểm mô hình "giáo dục hòa nhập": đưa trẻ khuyết tật vào học cùng trẻ bình thường. Việc hòa nhập này đang gặp không ít khó khăn.
Xem bài 1: Chùm ảnh: Một ngày ở trường chuyên biệt
Xem bài 2: Ai có giáo án, cho tôi mượn
Những cánh cửa...đóng
Trẻ hoà nhập được tách riêng để dạy kỹ năng sống |
Cô Vũ Thị Kim Hoa, hiệu trưởng trường tiểu học Hoàng Văn Thụ kể tỉ mỉ về 30 học sinh hoà nhập, rải rác từ lớp 1-5 của mình.
Em H.S có căn bệnh lạ, cứ chạy lung tung quanh sân trường. Hễ cầm đến cuốn vở, sách thì xé nát bét. Mất nửa năm mới chịu ngồi yên, nhưng việc học thì chưa bắt đầu được. Các bạn trong lớp đã học đến bài 30, nhưng em mới học đến bài 2.
Em M.L thì ngày nào giáo viên cũng phải đi "bắt" về bởi, học lớp 1, nhưng em toàn vào lớp 5 ngồi. Có 1 vết thẹo lớn ở ngực, em luôn cho các bạn xem. Không biết nói với các bạn thế nào mà học sinh trong trường đồn ầm lên là em bị rết cắn và trở thành chúa bò cạp. Thế là học sinh bu lại coi, sân trường náo loạn. Khi học sinh bu lai coi đông, em lại "hù" một cái, cả đám chạy toán loạn.
Còn bé gái V.L thì phải mất 3 năm mới dám nhìn thẳng vào mặt người khác. Lúc trước, em chỉ dám nhìn liếc mọi người xung quanh.
Đa số trẻ hoà nhập tại các trường tiểu học là các trẻ chậm phát triển trí tuệ, mức đo IQ dưới 40. Phân nửa các em có hoàn cảnh khó khăn. Riêng ở trường Hoàng Văn Thụ gần 30% trẻ có cha và mẹ ly dị phải sống với người bảo hộ hoặc người thân. Rất nhiều trẻ có hoàn cảnh rất đáng thương.
Hai tháng đầu mới vào học, hầu hết các học sinh đều không biết nội quy nhà trường, quy định lớp học là gì cả. Thích thì vào lớp, không thích thì lang thang.
Cô Hoa nhỏ nhẹ: "Các em như những cánh cửa đang đóng, chúng tôi chỉ muốn giúp các em hé mở chút xíu thôi".
Mở cửa: khó
Khi đưa trẻ khuyết tật vào giáo dục hòa nhập, các trường bình thường chưa có chuẩn bị tâm lý để đón nhận. Có thể hiệu trưởng đã chuẩn bị, nhưng giáo viên chưa có tâm lý. Nếu giáo viên có tâm thì mới tốt cho các em.
Cô Nguyễn Thị Dung, hiệu trưởng trường chuyên biệt Bình Minh nhìn nhận: "Các trường cũng chưa làm được công tác tâm lý với học sinh. Các em khuyết tật hầu như không có bạn. Rất buồn. Các em cũng chưa được công nhận đúng khả năng của mình. Vừa khuyết tật, vừa khó khăn nhưng cố gắng học đến học lực tiên tiến là một kỳ công. Lẽ ra các em nên được khen thưởng"
Một trường lớn như Bình Minh, với hơn 100 học sinh, năm rồi chỉ có 6 em được hoà nhập. Và đó là một "công trình" đối với những trường khác.
Trường Hoàng Văn Thụ đã có thâm niên giáo dục trẻ hoà nhập. Đầu năm học, trường cho toàn bộ học sinh hoà nhập đo chỉ số IQ để lên kế hoạch giáo dục cho từng em. Từ đó trao đổi với gia đình các cháu về phương pháp học của con em họ. Có thể cho các cháu học phụ đạo, có thể kèm cặp thêm cho con em ở nhà...
Tuy nhiên, trong khi thực hiện, trường cũng gặp một vài khó khăn. Đầu tiên là về giáo viên. Giáo viên phải có những kỹ năng nhất định để giao tiếp với các trẻ này. Trong lớp học bình thường, giáo viên thường dùng những khẩu lệnh nhất định để cả lớp làm theo, nhưng với các em này thì phải nói riêng.
Nếu lớp học có các trẻ hoà nhập, giáo viên phải thu xếp một thời gian nhất định cho cháu. Khả năng của các cháu tiếp thu đến đâu thì dạy đến đó. Điều này ảnh hưởng đến những học sinh bình thường, các em mất một ít thời gian cho bạn. Nhiều khi phụ huynh cũng không chấp nhận, cứ muốn chuyển con qua những lớp không có trẻ hoà nhập.
Hầu hết các thầy cô giáo chủ nhiệm, hiệu trưởng trường có nhận học sinh hoà nhập đều mong muốn: Có quy chế cho các trẻ khuyết tật. Cụ thể là: có quy định rõ ràng, cháu nào học được thì cho hoà nhập, không thì thôi. Các cháu không nên quá dị tật. Bởi trẻ con chưa thể ý thức như người lớn, nên thấy bạn mình dị dạng là "không chơi".
Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ cho giáo viên có dạy học sinh hoà nhập cũng chưa có. Trong khi, họ phải làm thêm rất nhiều việc không tên khác...
-
Đoan Trúc