(VietNamNet) - Giáo dục chuyên biệt là một ngành mới ở Việt Nam. Hiện, ở các trường, Mỗi người một giáo án, mỗi trường một cách dạy, không ai dám bật mí cho ai, vì không dám tin việc mình đang làm là đúng.
"Khó chịu trong người, các bé rất thích xuống nước. Nhưng thầy cô không biết làm thế đúng hay sai. |
Ở đâu bán giáo án, tôi mua liền
Trên bàn làm việc của cô Lê Thị Dung (Hiệu trưởng trường chuyên biệt Bình Minh) ngổn ngang những cuốn sáng kiến kinh nghiệm. "Đây chính là những cuốn giáo án của chúng tôi. Vừa áp dụng vừa chỉnh sửa. Có cuốn phải mất 2 năm mới tương đối hoàn thiện".
Mỗi giáo viên tự viết một sáng kiến kinh nghiệm để trình bày về phương pháp dạy. Và các thầy cô trong trường cùng nhau rút kinh nghiệm, chia sẻ cho nhau phương pháp.
Ngành giáo dục chuyên biệt là một ngành mới ở Việt Nam. Chưa có một chương trình khung nào dành cho khối học này. Hiện nay, các trường chuyên biệt đang dựa vào chương trình giáo dục mầm non, tiểu học.
"Các em chưa giao tiếp được thì làm sao dạy. Có rất nhiều em khi đến lớp, chuyện tiêu tiểu còn chưa biết, các giáo viên phải uốn nắn dần dần... Nên trước hết phải dạy kỹ năng sống cho các cháu. Khó khăn nhất hiện nay là không có chương trình cụ thể dành cho các em", cô Dung cho hay.
Chùm ảnh: Một ngày ở trường chuyên biệt Không có cô nằm bên cạnh, cháu không ngủ. Học trò đi nhà vệ sinh, cô giáo phải theo sau. Nếu không, có em sẽ... ôm nhau. Xem chi tiết >> |
Vì không có chương trình cụ thể, nên mỗi trường chuyên biệt có một kiểu dạy khác nhau.
Với trường Bình Minh, các thầy cô áp dụng phương pháp chẻ nhỏ. Mỗi lớp học được chia thành bốn cấp độ. Cô Dung bật mí: "Trong thời gian làm việc, tôi tìm đọc sách và thấy ở một vài nước trên thế giới có áp dụng phương pháp này. Nhưng tôi cũng đang phân vân không biết nên dạy cho học sinh bao nhiêu môn. Có một tài liệu nước ngoài cho biết dạy 6 môn là tốt. Và tôi cũng thấy hợp lý nên đem áp dụng".
Cô giáo Võ Thị Mười, Hiệu trưởng trường Thảo Điền cũng băn khoăn: "Hiện nay chỉ có những cuốn sách viết về yêu cầu, đặc điểm của các trẻ em bị các dạng tật này mà thôi. Do đó, chúng tôi tuỳ theo trình độ, bệnh lý của cháu để nâng cao hoặc hạ thấp chương trình. Có những bé không biết gì thì chúng tôi đưa vào giáo dục cá nhân. Cứ một cô một cháu, học ở những phòng cách ly riêng".
Cũng vì mỗi trường một kiểu, lại đang trong thời gian thử nghiệm, nên ít bật mí cho nhau phương pháp dạy, chăm sóc trẻ của mình.
Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy, các trường chuyên biệt lớn, lâu năm đang dần tự hoàn thiện cho mình một chương trình khung. Chương trình chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của giáo viên. Riêng những trường mới thành lập, số lượng học sinh còn ít thì giáo viên tự thân vận động... Bởi: "Lớp có 10 học sinh thì có đến 11 em bị bệnh không giống nhau, trình độ, khả năng tiếp nhận cũng hoàn toàn khác nhau".
Giáo viên: chỉ được học 8 buổi
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là nơi đầu tiên đào tạo ngành Giáo dục đặc biệt. Hiện tại, chỉ mới có 1 khoá tốt nghiệp ra trường.
Tại TP.HCM, trường ĐH Sư phạm mới bắt đầu đào tạo cách đây 3 năm. Và trường CĐ Mẫu giáo TW3 thì năm học 2004-2005 cũng sẽ là khoá đào tạo thứ ba. Đồng nghĩa với, trong TP.HCM chưa một sinh viên học chính quy về ngành Giáo dục đặc biệt đã tốt nghiệp.
Nói như cô Nguyễn Thị Dung: "Giáo viên toàn phải tuyển tay ngang hoặc từ giáo viên bình thường chuyển qua. Họ dạy học sinh chủ yếu bằng cái tâm và kinh nghiệm. Lãnh đạo cũng nghĩ rằng, điều những người tệ nhất của trường bình thường, dư thừa của bên kia thì cho về đây. Chỉ nhìn kết quả của trẻ mới biết được khả năng của thầy cô".
Với trường Bình Minh, cô Dung chữa cháy bằng cách mời chuyên gia nước ngoài về báo cáo trong vòng 8 buổi để cả Hiệu trưởng và các thầy cô giáo cùng học hỏi. Vì trường thiếu giáo viên nên không thể sắp xếp để giáo viên đi học nâng cao được. Có chăng chỉ là tham dự những buổi báo cáo, và ghi âm lại cho cả trường cùng nghe.
Trường Thảo Điền cũng chung tình hình: giáo viên chuyển từ mầm non bình thường qua. Hiện trường đã sắp xếp để 8/14 giáo viên được đào tạo qua vài chục tiết về ngành sư phạm đặc biệt.
Chúng tôi đến trường Bình Minh khi cô Dung đang chạy ngược chạy xuôi để xin được tham dự một lớp học trong vòng 3 tuần của các chuyên gia Bỉ. Gọi lên Sở, thì được chỉ xuống ĐH Sư phạm. Gọi lên Sư phạm thì được chuyển máy xuống khoa Giáo dục đặc biệt. Liên hệ với khoa lại được thông báo: "Khoa Tâm lý tổ chức". Cô Dung thở dài: "Hơn 1 tuần chạy chọt, xin xỏ, cuối cùng thì lúc họ học mình lại ngồi nhà tiếp anh chị. Điều kiện là chỉ những người có bằng ĐH mới được tham dự. Mình có bằng rồi mà vẫn không liên hệ được".
Hỏi thăm qua các giáo viên ở vài trường chuyên biệt, hầu hết thu nhập của thầy cô đều dừng ở mức dưới 1 triệu. Trong đó, không hiếm những giáo viên chưa đến 700.000 đồng/tháng. Nói như cô giáo Đinh Thị Lan (Thảo Điền): "Lương mình không làm được gì, mọi sự trông chờ vào ông xã".
-
Đoan Trúc