(VietNamNet) - Không có cô nằm bên cạnh, cháu không ngủ. Học trò đi nhà vệ sinh, cô giáo phải theo sau. Nếu không, có em sẽ... ôm nhau.
Nỗi khổ của giáo viên trường chuyên biệt, chỉ những ai đã từng trải qua mới thấu hiểu. Dạy...
Đến trường chuyên biệt Bình Minh (Tân Phú) vào một buổi sáng đầu tuần. Một bản nhạc nhẹ nhàng cất lên, học sinh lần lượt dìu nhau vào lớp.
Mất gần nửa tiếng để cô giáo ổn định 12 học sinh ngồi theo nhóm. Một bài hát khác lại được mở "Đây tay phải, đây tay trái...". Tay phải, tay trái của cô giáo cùng học sinh giơ lên theo lời bài hát.
Ở phòng bên cạnh của trường Bình Minh, cô giáo Trần Thị Thái đang tròn miệng để giúp học sinh phát âm chữ O.
Cô tròn miệng đọc, trò làm theo. Hơn nửa học sinh không điều khiển nổi vành môi của mình. Chữ O thành ra... méo xẹo. Kiên nhẫn giúp bốn học sinh nam đọc được chữ O thì các em nữ đã quên mất những gì cô giáo vừa dạy. Miệng lại ú ớ những điều không thể hiểu. Và... cô trò lại bắt đầu lại. Cô Trần Thị Thái cho biết: "Phải quan sát từng em để biết được bệnh tình, cá tính của mỗi học sinh". Lớp học đang yên ổn, bỗng một học sinh khóc thét lên, cào cấu vào mặt mình, xô đẩy những bạn ngồi bên cạnh. Cô giáo đành chạy đến dỗ dành, dẫn ra hành lang đi một vòng. Buổi sáng bị gián đoạn 3 lần vì có ba học sinh... quậy. Mùa nóng, nên các em khó chịu nhiều.
Mặc dù trên cuốn tập chữ T đã được chấm chấm sẵn. Nhưng các học sinh vẫn khó điều khiển tay của mình theo ý muốn. Em nào cũng nhăn nhó, bặm môi để cố gạch hai gạch ngang và dọc. Tám học sinh của cô, có em Tín (8 tuổi) là không thể điều khiển được tay của mình. Chữ T của Tín cứ dài đến cuối vở, còn các chữ cái khác thì khó mà khống chế được. Thế là mỗi tiết tập viết, Tín được cô Lê ưu ái cầm tay từ đầu đến cuối.
Sau vài tháng, cô Lê khoe: "Bây giờ cháu cũng điều khiển được tay mình sơ sơ". Cô nhận xét: "Mỗi em một trình độ, mỗi em một khuyết tật. Dạy cho trẻ chuyên biệt, mình phải làm việc với từng cá nhân. Một bài học mình phải nói đi nói lại mấy ngày có khi mấy tháng nhưng có những em vẫn không tiếp nhận được. Em viết được thì không đọc được, em dễ nhớ thì mau quên và ngược lại...".
Và những việc làm không tên...
Một lớp học bình thường, giờ giải lao của học sinh đồng nghĩa với giờ nghỉ ngơi của giáo viên. Nhưng ở trường chuyên biệt, coi bộ, giờ giải lao khá vất vả. Cô giáo Đinh Thị Lan (Thảo Điền) cho biết: "Có em năm nay 13-14 tuổi vẫn chưa biết thay quần áo. Các bé gái, đến tháng thì các cô phải làm vệ sinh giúp từ A tới Z. Cô phải kiên nhẫn hướng dẫn cho các cháu tự làm. Tập cho một em biết tự tắm rửa, thay quần áo được mình hạnh phúc lắm!" Lớp học đang yên ổn, một tiếng hét ở lớp học cô Lan, chú bảo vệ của trường biết có chuyện vội chạy lên. Cô Lan đang ôm cháu bên cạnh cửa kính bị bể. Cô Đinh Thị Lan tâm sự: "Bây giờ quen rồi, lúc mới về trường tôi sợ lắm. Lớp có học sinh này hay quậy, đánh lại cô là chuyện thường. Cũng may mà tôi không bị bệnh tim. Nhiều khi đang dạy, học trò chạy lên hù cô giáo một cái. Chỉ những lúc khó chịu thôi, thường các em hiền lắm".
Vừa tắm cho một học sinh nam, cô Đoàn Thị Bình vừa chia sẻ: "Tôi cứ nghĩ các em này là con trời. Ông trời giao cho mình một lúc nhiều đứa con như thế thì mình phải cố mà chăm sóc cho phải phép". Nói như cô Nguyễn Thị Dung (Hiệu trưởng trường Bình Minh): "Phải có cái tâm mới dạy được các em. Như một người mẹ tập cho con mình từng kỹ năng sống".
|
- Đoan Trúc