(VietNamNet) - Sáng 7/4, CA Hà Nội công bố vụ án vào ĐH bằng NV2 "rởm". Xét tuyển (XT) nguyện vọng (NV2-3) có phải đang tạo kẽ hở cho gian lận trong quy trình tuyển sinh? Bộ GD - ĐT đã có những động thái gì để ngăn chặn tiêu cực xảy ra trước và sau mùa tuyển sinh hàng năm?
Ông Ngô Kim Khôi |
Trao đổi với VietNamNet, Phó Vụ trưởng Vụ ĐH-SĐH, Ủy viên Hội đồng thi và tuyển sinh 2005 (Bộ GD - ĐT), Ngô Kim Khôi cho biết:
Quy trình tuyển sinh và XT hiện nay được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Nó tạo điều kiện cho học sinh thi một lần để dùng kết quả thi xét tuyển (XT) vào nhiều trường. Và quy trình này sẽ tiếp tục được phát triển để tiến tới tách khâu thi và khâu tuyển.
Phóng viên: Ông nhận xét thế nào khi hình thức cải tiến tuyển sinh nhằm đem đến cho thí sinh 2 cơ hội trúng tuyển không phải thi lại chính là kẽ hở để tiêu cực phát sinh. Trong khi nhiều thí sinh điểm cao vẫn đứng ngoài cổng trường ĐH?
Ông Ngô Kim Khôi: Việc gian lận trong thi cử và XT là điều không ai muốn, nhưng nó vẫn xảy ra. Lý do là vì áp lực của thi tuyển sinh còn rất lớn.
Trong 1,2 triệu người dự thi chỉ tuyển 200.000 người (khoảng 20%) - đây là áp lực khiến nhiều thí sinh tìm mọi cách vào ĐH. Tuy nhiên, Bộ GD - ĐT cũng đã có chủ trương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về mở rộng quy mô từ 5% lên 7% và hiện nay là 10%.
Để ngăn chặn chuyện giả mạo trong XT thì Điều 36 của Quy chế tuyển đã quy định "Các trường có XT NV2-3 phải gửi danh sách XT cho trường chấm thi để các trường này xác nhận kết quả thi của thí sinh..." Tháng 11/2004, Bộ GD - ĐT đã có công văn yêu cầu các trường thực hiện.
- Việc chỉ đạo có song song với việc kiểm tra, rà soát các trường trong quá trình thực hiện?
Đến nay, đã có khoảng 50 trường cả nước có báo cáo về việc rà soát kết quả thi của thí sinh. Một số trường sau xác minh cũng đã có quyết định xử lý những trường hợp gian lận theo đúng quy chế.
Cụ thể là các trường: ĐH Cần Thơ phát hiện và đuổi học 2 trường hợp; ĐH Hàng Hải (Hải Phòng) 1 trường hợp; ĐH Văn hóa cũng đã gửi danh sánh 85 SV nhận học theo NV2 cho 16 xác minh kết quả và 12 trường trả lời; ĐH Vinh cũng gửi danh sách 528 SV thuộc diện XT cho 43 trường...Cũng động thái như vậy, nhiều trường cũng đã hoàn tất việc xác minh và chưa có phát hiện gian lận.
- Thời điểm này gần hết năm học, nhưng số trường gửi báo cáo rà soát kết quả thi của thí sinh mới chỉ bằng 1/5 tổng số trường ĐH, CĐ (236 trường) trong cả nước. Xem ra việc đôn đốc xử lý vẫn còn lỏng lẻo?
Hiện nay, Bộ vẫn đang tiếp tục kiểm tra một số trường khu vực phía Nam. Chúng tôi cũng chỉ đạo, việc xử lý gian lận không chỉ gói gọn trong một thời gian cố định. Quá trình học SV nếu phát hiện năm 1, 2 thậm chí trước khi tốt nghiệp mà phát hiện ra có gian lận thì vẫn xử lý tiếp.
Về mặt quản lý nhà nước thì nhất định phải căn cứ vào những văn bản quy phạm pháp luật để xử lý. Và căn cứ trên báo cáo của hơn 50 trường gửi về thì chưa có trường nào có con số báo cáo về Bộ lệch với con số Bộ kiếm tra trực tiếp. Thông thường, khi các trường khi đã phát hiện ra đều xử lý.
- Nhiều ý kiến cho rằng: nếu chỉ đôn đốc thực hiện thì chưa đủ, mà phải mạnh tay hơn với những trường hợp gian lận, không loại trừ giáo viên, vi phạm bị phanh phui. Cách phối hợp xử lý của Bộ hiện nay có đủ mức độ răn đe?
Tất cả những vấn đề gian lận do các trường tự phát hiện hay do công an (CA) điều tra có liên quan đến cá nhân nào dù cá nhân đó là cán bộ giảng dạy hay cán bộ quản lý của trường đều bị xử lý. Chưa có trường hợp nào phát hiện mà không xử lý cả. HS cũng bị xử lý theo đường HS và cán bộ xử lý theo đường cán bộ.
Đối với, những vụ CA điều tra xác minh thì phải xử lý theo pháp luật. Trong Quy chế tuyển sinh đã có chế tài: tùy trường hợp vi phạm đến mức độ nào thì bị thôi việc, mức độ nào thì chuyển ngành hoặc cảnh cáo. Về phía thí sinh đã trúng tuyển bằng giấy giả cũng sẽ bị xử lý theo quy chế: buộc thôi học và đình thi ít nhất 2 năm.
- Một thực tế ở các trường thực hiện XT là không tránh khỏi tình trạng SV "rởm" vì giấy giả năm nào cũng có. Biện pháp ngăn chặt tiêu cực trong tuyển sinh năm sau có được rút kinh nghiệm từ năm trước để thực sự có hiệu lực?
Những trường hợp đã xử lý đối với cán bộ thì có tác dụng. Nhưng đối với thí sinh, trong răn đe cũng phải theo đúng pháp luật. Phải căn cứ trên hành vi giả mạo giấy tờ hồ sơ mới xét tội sử dụng làm giấy tờ giả, con dấu giả được. Do đó, không thể làm quá pháp luật.
Về phía cơ quan quản lý, sẽ có những giải pháp để khắc phục. Cụ thể: yêu cầu các trường phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, thực hiện nghiêm túc theo điều 36 quy chế. Thậm chí, chúng tôi đã nghĩ đến giải pháp các trường chấm thi phải chuyển cả những bài thi của những thí sinh trúng tuyển cho các trường thực hiện XT, chứ không chỉ chuyển danh sách và xác nhận kết quả thi. Làm việc này để đối chiếu chữ viết, đối chiếu bài thi của những thí sinh trúng tuyển NV2-3.
- Sự phối hợp của các cơ quan chức năng sẽ được tăng cường như thế nào trong kỳ tuyển sinh sắp tới để ngăn chặn những hiện tượng gian lận có thể phát sinh?
Ngoài việc thành lập Hội đồng chỉ đạo thi, từ năm 2004, trước mỗi mùa tuyển sinh, Bộ GD - ĐT đều có công văn gửi Bộ Công an để phối hợp ngăn chặn tiêu cực và những sự cố có thể xảy ra trong kỳ thi.
Năm nay, ngoài 1 đồng chí là Phó Cục trưởng A25 (Bộ CA) tham gia vào Ban chỉ đạo tuyển sinh; Bộ GD - ĐT đã đề nghị A25 cử thêm một đồng chí cán bộ của Cục vào tiểu Ban thanh tra, kiểm tra của Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ. Như vây, so với năm trước sự tham gia của A25 được tăng cường hơn để ngăn chặn sự gian lận ngày một tinh vi hiện nay.
- Ông có đồng ý với nhận xét: nếu Bộ GD - ĐT tăng cường khâu kiểm soát chặt chẽ khâu XT của các trường thì sẽ phát hiện nhiều trường hợp dùng Giấy báo điểm giả để nhập học?
Cái đó thì chưa biết, nhưng bản thân Bộ GD - ĐT đã có công văn yêu cầu các trường thực hiện từ tháng 11/2004. Và các trường đang làm và sẽ có tổng kết thì mới biết được con số nhiều hay ít. Do số lượng cán bộ chuyên trách của Bộ có hạn nên việc kiểm tra trực tiếp chỉ đi một số ít trường. Chủ yếu là căn cứ trên kết quả báo cáo của các trường gửi về.
- Xin cảm ơn ông!
-
Kiều Oanh (thực hiện)