Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự kiến quy định công bố điểm sàn trước khi có kết quả thi (15 điểm đối với tất cả các khối A, B, C, D) trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) 2005, đã có nhiều ý kiến tranh luận về tiêu chí cũng như hiệu quả của quy định này. Trao đổi với TS Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục.
- Quan điểm của ông về tiêu chí và các căn cứ để xác định mức điểm sàn này như thế nào?
- TS Nguyễn An Ninh:
Trước hết, tôi muốn rạch ròi vấn đề đề thi và thống kê kết quả thi phải phù hợp với chuẩn quốc gia về kiến thức. Nói cách khác, đề thi phải đánh giá đúng chuẩn này, phải phân loại được thí sinh trung bình, khá, giỏi.Đây chính là quan hệ giữa mức độ khó – dễ của đề thi và chuẩn kiến thức quốc gia đặt ra đối với việc giảng dạy ở bậc trung học phổ thông mà trong nhiều năm qua chúng ta chưa để ý đến.
Bằng chứng, đề thi những năm trước đây thường bị kêu ca là quá khó. Vấn đề ở chỗ, nếu ra đề theo cách này thì chưa chuẩn vì không đảm bảo được yêu cầu “thước đo” trong số những người dự thi như thế nào là đạt và thế nào là trung bình. Vì vậy, điểm thi của thí sinh có vẻ thấp và đề thi luôn luôn được đánh giá là khó.
Thậm chí, ngay như trong năm 2004, dù có nhiều ý kiến đánh giá là dễ so với trình độ chung, nhưng vẫn có người kết luận là đề khó, phải giảm 20% độ khó nữa mới đạt yêu cầu.
Tất nhiên, con số này chỉ là đánh giá cảm tính của một số người. Nếu cứ tranh luận như vậy thì sẽ không có hồi kết. Năm nay, Ban đề thi sẽ phải xem xét đến việc ra đề trong mối quan hệ chặt chẽ và phải đánh giá đúng được chuẩn kiến thức phổ thông. Vì vậy, mức điểm sàn 15 điểm ở đây được hiểu như mức điểm trung bình bắt buộc thí sinh phải đạt được để xét tuyển ĐH.
- Tuy nhiên, việc công bố trước điểm sàn sẽ ảnh hưởng đến việc ra đề thi. Liệu lúc đó, chuẩn kiến thức có chính xác hay không, thưa ông?
- Theo tôi, việc công bố điểm sàn trước không ảnh hưởng đến việc ra đề thi vì chúng tôi vẫn phải căn cứ vào chuẩn kiến thức phổ thông như đã nói ở trên. Trong kỳ thi tuyển sinh 2005, việc ra đề thi không chỉ đơn giản là điều chỉnh lại cho dễ hơn mà sẽ có những khảo sát nhất định để khẳng định xem có nhất thiết phải giảm độ khó xuống 20% để đạt mức chuẩn hay không.
- Nhưng có ý kiến cho rằng, với mức điểm từ 15 trở lên, so với chỉ tiêu, các trường phía Nam chỉ đáp ứng 80% nhưng các trường phía Bắc là 240%. Ông nhận định như thế nào về những con số này?
- Thực ra, đứng ở phương diện chuẩn kiến thức, chúng tôi không quan tâm lắm đến những con số này. Tất nhiên, trên thực tế, vẫn phải linh động một chút để giữa chỉ tiêu và chất lượng có sự hài hoà với nhau, nhưng không vì chỉ tiêu mà điều chỉnh mức độ chất lượng. Tóm lại, đề thi phải bám theo chuẩn chất lượng chứ không dựa vào điểm sàn đã được công bố. Thí sinh không nên nhìn vào điểm sàn mà phải nhìn vào chuẩn kiến thức trong sách giáo khoa.
- Với mức điểm sàn như vậy, liệu đề thi có đảm bảo phân luồng, phân loại thí sinh, thưa ông?
- Tôi cho rằng dù có định ra mức điểm sàn 15 và công bố trước, đề thi vẫn đủ sức phân loại thí sinh. Vì 15 điểm chỉ là yêu cầu tối thiểu, sẽ có một tỷ lệ nhất định thí sinh đạt điểm trên sàn và đủ điều kiện trúng tuyển vào những trường ĐH với mức điểm trúng tuyển khác nhau như từ 16, 17 đến 20 điểm chẳng hạn. Ngay cả với những trường hợp dưới 15 điểm thì chuyện phân luồng cũng rất rõ trong khi xét tuyển CĐ, cụ thể từ 12 điểm trở lên mới có cơ may xét tuyển CĐ chẳng hạn.
- Như ông khẳng định, nguyên tắc đề thi chỉ bám theo chuẩn chất lượng chứ không bám theo điểm sàn. Vậy khi ra đề, Bộ có xét đến yếu tố vùng miền hay không?
- Nhìn chung, khi làm đề, bao giờ chúng tôi phải cân nhắc đến yếu tố vùng miền và 15 điểm là chuẩn thấp nhất rồi, không thể vì đáp ứng yêu cầu của địa phương A, B là phải có một tỷ lệ nhất định các cháu đỗ ĐH mà làm khác được.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)