Bộ GD-ĐT đã yêu cầu tất cả luận án tiến sĩ (TS) trước khi được bảo vệ ở hội đồng cấp nhà nước đều phải sao chụp nộp vào hồ sơ các bài báo khoa học đã công bố liên quan đến đề tài, một bản thông tin về luận án để đưa công khai lên mạng của bộ và các phương tiện thông tin đại chúng - Tân vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH Trần Thị Hà cho biết.
Cùng với đó, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy chế riêng về đào tạo tiên sĩ. Cụ thể là sắp tới, phải có kiểm tra, đánh giá trong suốt quá trình nghiên cứu, nếu không đạt yêu cầu ở từng giai đoạn sẽ bị loại ngay.
Một điểm mới sẽ được đưa vào qui chế nữa là đối với những NCS làm luận án TS không đúng ngành đã đào tạo ở thạc sĩ hoặc tuy đúng ngành nhưng được đào tạo đã quá lâu, trong lĩnh vực đó có nhiều thay đổi, phát triển về cả lý thuyết và thực tiễn, sẽ phải học thêm một số nội dung để cập nhật kiến thức.
Về những vấn đề đã tồn tại quá lâu trong chất lượng đào tạo TS, theo bà Hà, có những giải pháp mà Bộ GD-ĐT chưa thể tự giải quyết ngay được, như kinh phí đầu tư cho đào tạo TS với mức hơn 5 triệu đồng/NCS/năm ban hành từ năm 1994 đã quá lạc hậu, quá thấp so với yêu cầu đào tạo.
Nhưng cũng có những giải pháp mà Bộ GD-ĐT và các cơ sở đào tạo có thể thực hiện được ngay.
Cụ thể là phải tăng cường vai trò quản lý, giám sát của bộ môn, phòng chuyên môn đối với quá trình đào tạo và sinh hoạt khoa học, chuyên môn của NCS tại bộ môn ở những nội dung rất cụ thể như: có kế hoạch cụ thể để NCS làm việc tại cơ sở đào tạo, phòng thí nghiệm, quản lý chặt chẽ, tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ cho NCS tại bộ môn, phân công và kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của NCS như giảng dạy, trợ giảng, hướng dẫn sinh viên, học viên cao học thực tập hoặc làm tiểu luận tốt nghiệp...
Chính vì vậy, trong hướng dẫn chấn chỉnh công tác đào tạo sau ĐH, Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo phải thực hiện nghiêm túc từ khâu xét duyệt đề tài, bảo vệ đề cương nghiên cứu của NCS. Luận án phải được xác lập cân đối giữa lý thuyết và thực hành, giá trị ứng dụng thực tiễn, giữa tính kế thừa và những điểm mới, sáng tạo, có kết luận cụ thể. Giá trị khoa học và thực tiễn, đặc biệt là những điểm mới của luận án, phải được thầy hướng dẫn, NCS, lãnh đạo bộ môn kết luận cụ thể, rõ ràng...
Sở dĩ yêu cầu cơ sở mạnh mẽ như vậy là bởi nhiều luận án TS hiện nay chỉ như các đề tài khoa học ứng dụng, không có tầm về khoa học, không giải quyết được các vấn đề học thuật.
Khâu xét duyệt đã được phân cấp cho các cơ sở. Thực tế đã có không ít cơ sở, khâu bảo vệ đề cương nghiên cứu rất sơ sài, xuê xoa, một buổi thông qua cả chục đề tài. Từ đề cương yếu kém, không có hướng nghiên cứu tốt, giá trị khoa học thấp sẽ không đòi hỏi NCS phải làm việc nghiêm túc, tìm tòi, sáng tạo, dẫn đến kết quả là bản luận án chất lượng không thể cao.
(Theo Tuổi Trẻ)