(VietNamNet) - "Chưa có nước nào đào tạo một nghề mà chia thành hai loại được quy định trong Luật: chính quy và tại chức, tạo sự coi nhẹ hình thức đào tạo tại chức như ở nước ta. Luật Giáo dục (GD) sửa đổi phải khắc phục tình trạng rườm rà, rối rắm không rõ ràng".
Nếu hoàn thiện Luật GD trong thời điểm hiện nay thì e rằng sẽ khó thay đổi để phù hợp với các Nghị quyết của Đảng cũng như thích hợp với giai đoạn mới (Ảnh: Nguyên Vũ) |
Đó là nhận xét của nhiều đại biểu tại hội nghị góp ý cho Luật GD sửa đổi do Uỷ ban Văn hoá Thanh thiếu niên và Nhi đồng (VH-TTNNĐ) của Quốc hội tổ chức ngày 14/12 tại Hà Nội.
Tham dự có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, các uỷ viên thường trực Uỷ ban VH-TTNNĐ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển và nhiều chuyên gia đầu ngành về GD-ĐT, Hiệu trưởng một số trường ĐH, THPT, THCS và tiểu học...
Hơn 20 ý kiến phát biểu đã tập trung góp ý trực tiếp cho những điều khoản trong Luật GD; đồng thời chỉ ra những yếu kém, bất cập và nêu nguyên nhân, giải pháp khắc phục những tồn tại trong lĩnh vực GD.
GS TSKH Trần Hữu Phát, Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia (Bộ KH-CN) nhận định: Chưa có nước nào đào tạo một nghề mà chia thành hai loại được quy định trong Luật: chính quy và tại chức, tạo sự coi nhẹ hình thức đào tạo tại chức như ở nước ta. Luật GD sửa đổi phải có được những quyết sách chấn hưng GD, phải có những thay đổi căn bản cho phù hợp với giai đoạn mới...
GS Nguyễn Kim Truy, Hiệu trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội nhấn mạnh: Cần thể hiện rõ tính công bằng trong Luật GD sửa đổi và phải quy định rõ trong nội dung, văn bằng đào tạo.
Nhiều ý kiến đề nghị Luật GD chỉ nên là bộ khung luật, bộ luật mở, còn những vấn đề cụ thể để các văn bản dưới luật quy định. Hầu hết những sửa đổi trong Luật lần này chỉ là sự viết thêm hoặc thay đổi thuật ngữ.
Có ý kiến cân nhắc: Cần phải xem xét thời điểm xây dựng và ban hành Luật. Nếu hoàn thiện Luật trong thời điểm hiện nay thì e rằng sẽ khó thay đổi để phù hợp với các Nghị quyết của Đảng cũng như thích hợp với giai đoạn mới.
Đánh giá tình hình GD hiện nay, hầu hết các ý kiến tập trung các vấn đề: Nên hiểu xã hội hóa (XHH) GD như thế nào; hoạt động và cơ chế quản lý các loại hình trường dân lập, tư thục, quốc lập ra sao; chương trình và SGK ở phổ thông hiện nay đã hợp lý hay chưa; có nên thương mại hoá thị trường GD trong tình hình nước ta hiện nay không.
Về khái niệm XHH GD, còn nhiều ý kiến trái ngược, thậm chí giản đơn, mỗi người hiểu một cách. Vấn đề lợi nhuận cũng được nêu ra. Hầu hết các ý kiến đều không đồng tình với việc có thương mại hoá, có lợi nhuận trong GD ở Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đề nghị Bộ GD-ĐT, Uỷ ban VH-TTNNĐ của Quốc hội cần lắng nghe những ý kiến của các nhà khoa học. Lưu ý những ý kiến góp ý thẳng thắn, tâm huyết, có lý của các đại biểu nêu. Vấn đề quan trọng là những ý kiến đóng góp phải làm cho lãnh đạo hiểu chứ phê bình lãnh đạo cũng chẳng ích gì...
-
Mùa A