GS Đỗ Huy Thịnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Khu vực SEAMEO tại Việt Nam: Chỉ nên dạy một ngoại ngữ là tiếng Anh
Có lẽ phải có đặt lại cách nhìn có hệ thống về giảng dạy tiếng Anh hiện nay. Đầu tiên phải nhìn lại cách đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh.
Cách đây 1 năm, tôi làm đề tài nghiên cứu việc dạy và học tiếng Anh. Kết quả cho thấy, gần 70% giáo viên không có điều kiện tiếp cận Hội thảo, chuyên đề tiếng Anh. Đáng báo động ở chỗ nó ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học tiếng Anh. Thành ra giáo viên hiện nay không có điều kiện giảng dạy tốt cho các bậc học khác.
Bên cạnh đó, cần chú ý tạo điều kiện giao lưu trong và ngoài nước. Trong đề án về dạy ngoại ngữ ở phổ thông sắp tới cũng có nhấn mạnh thành lập Hiệp hội và nghiên cứu giảng dạy tiếng Anh.
Sẽ có thêm 10 tỉnh/thành tham gia VTTN: Chương trình mạng lưới các giáo viên và giảng viên tiếng Anh (VTTN) do Bộ GD-ĐT và Hội động Anh phối hợp tổ chức từ năm 2000 với sự tham gia của 10 tỉnh/thành, thu hút hơn 3.000 giáo viên. Ngày 14/12 tới, sẽ có thêm 5 tỉnh/thành gia nhập và đến tháng 8/2005 tiếp tục sẽ có thêm 5 tỉnh/thành.
Bây giờ, một số người đang băn khoăn nên học 1 hay 2 ngoại ngữ. Theo tôi, hiện nay, khi điều kiện học tập còn khó khăn không nên học 2 ngoại ngữ mà chỉ học 1 ngoại ngữ thôi. Bởi, nếu học ngoại ngữ có điều kiện sử dụng thì nó "sống", không thì ”chết”, mà ”chết” lại mất công cho người học. Và ngoại ngữ đó nên là tiếng Anh.
Bà Lê Thị Lệ Dung, giáo viên trường chuyên Nguyễn Tất Thành ,Yên Bái: Giáo viên tự nâng cao trình độ
Đối với giáo viên áp dụng phương pháp mới cũng tích cực nhưng việc thực hiện chưa thường xuyên, chưa tạo thời gian, thói quen, kinh nghiệm chưa nhiều. Vấn đề cốt lõi của giáo viên là phải tự nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng xử lý tình huống. Phương pháp và chuyên môn phải “quyện” vào nhau, kết hợp lẫn nhau thì mới có thể phát triển được.
Ông Trần Lam Sơn,Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ-Tin học, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Nghệ An: Phá bỏ tâm lý thụ động Á Đông
Nhiều người nắm vững ngữ pháp, làm bài tập tốt nhưng ra ngoài đời giao tiếp rất hạn chế, biết nhiều từ nhưng không huy động được những từ này trong giao tiếp. Điều này do một phần phương pháp giảng dạy từ trước đến nay: học và khi thi chỉ dựa vào kiểm tra từ vựng, chưa có kiểm tra khả năng giao tiếp.
Việc dạy tiếng Anh phải phá thế bị động của học sinh, bằng cách tạo cho cho họ làm việc theo cặp, nhóm. Ngoài ra trong việc dạy học đòi hỏi phải có 1 số trang thiết bị để người họ thực hiện các hoạt động của mình.
Thông qua hoạt động theo nhóm, người học thu lại rất nhiều. Việc thay đổi có cả quá trình, nhưng ai có ý thức áp dụng thì tốt còn nếu chờ đến khi đủ điều kiện thì đã quá muộn.
Bà Trịnh Thị Mai Phượng, giáo viên trường THCS Đức Trí ( TP.HCM): SGK mới cần phải xem lại
Học sinh gặp khó khăn nhất là môi trường tiếp xúc không có, hầu hết các em học trên lớp về nhà không có cơ hội, môi trường tiếng Anh giao tiếp. Một số nơi
chưa đổi mới phương pháp giảng dạy, vẫn còn theo kiểu cũ, nắm chắc ngữ pháp trước, kỹ năng nghe nói không… quan trọng. Khi đi thi quốc tế người VN làm bài ngữ pháp hơn nhưng nghe nói không bằng. Ngoài ra cơ sở vật chất giảng dạy không có điều kiện thực hành giao tiếp như tranh ảnh, băng đĩa, phòng để di chuyển theo nhóm… cũng phần nào hạn chế việc dạy-học tiếng Anh.Hiện nay đang thay đổi sách giáo khoa cấp 1 và cấp 2, theo tôi cần phải xem lại vì một số sách giáo khoa theo hướng đưa vào kỹ năng giao tiếp. Nhưng đôi khi việc dạy chưa đủ bởi kiến thức hơi nhiều mà thời lượng dạy giảng xuống.
- Thực hiện: Cam Lu