(VietNamNet) - Ngày 4/12, Ban Khoa giáo Trung ương đã tổ chức toạ đàm khoa học "Giáo dục trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Theo Phó ban Nghiêm Đình Vỳ, việc làm sáng tỏ "có hay không thị trường giáo dục" sẽ là nội dung mà Ban Khoa giáo tập hợp để trình Ban Bí thư chuẩn bị cho văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (diễn ra vào năm 2006 tới).
"Đăng ký luyện thi,mau mau kẻo trễ..." |
"Khó quá!"
Có lẽ, với tính chất quan trọng như vậy nên nhiều đại biểu phải vòng vo, rào đón chữ nghĩa cẩn thận trước khi bày tỏ ý kiến, thậm chí cả dẫn giải từ Adam Smith, Keynes (các nhà kinh tế học cổ điển), rồi K.Marx, GS Stiglitz. GS Phạm Phụ (trường ĐH Bách khoa TP.HCM) còn kể: hôm xem trả lời chất vấn Quốc hội, khi Thủ tướng nói đến "dịch vụ công" trong giáo dục, tôi có hỏi những giảng viên hiện đang giảng dạy quản lý kinh tế khái niệm đó là thế nào. Nhưng không ai dám nói!
"Việc chúng ta thảo luận thế này cũng giống như cái thời 85, 86 đã từng bàn về "có chọn kinh tế thị trường trong thể chế xã hội chủ nghĩa hay không", Hiệu trưởng trường cán bộ quản lý giáo dục Trung ương Trần Ngọc Giao nhận xét.
"Thị trường: không thể hiểu thô thiển chỉ là cái chợ"
Tiêu biểu nhất cho luồng ý kiến không thể có thị trường giáo dục, nguyên Bộ trưởng Giáo dục Phạm Minh Hạc khăng khăng: "trường học không thể là cái chợ, xếp Bộ Giáo dục với Bộ Thương mại cùng một cơ chế là không thể chấp nhận được".
Ông Hạc viện dẫn: các nước có nền kinh tế thị trường xã hội đặc biệt chú ý tới công bằng xã hội, trong đó trước hết chăm lo phát triển giáo dục công cho mọi người học hết phổ thông, học được nghề, ĐH. Đường lối giáo dục như vậy không coi giáo dục là hàng hóa, phát triển giáo dục không thể theo các quy luật của thị trường".
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia Phạm Xuân Nam, vẫn quen gọi Chính phủ là Hội đồng Bộ trưởng, cũng cho rằng, không thể hiểu đơn giản cứ chuyển sang nền kinh tế thị trường là tất cả đều chuyển sang thị trường.
GS Phạm Minh Hạc: "Trường không phải là chợ, giáo dục không phải là hàng hóa" |
GS Phạm Phụ: "Nếu không làm rõ mà cứ để những điểm mờ thì càng dễ cho tiêu cực phát sinh" |
Ý này được Vụ trưởng Vụ Giáo dục (Ban Khoa giáo) Nguyễn Hữu Chí làm rõ: "Trong thực tiễn có xu hướng thương mại hóa giáo dục, có nhu cầu chi trả cao để thụ hưởng nền giáo dục tốt, ngay trong nước có không ít trường quốc tế, lượng học sinh VN đổ xô ra nước ngoài học ngày càng nhiều. Đó là chưa kể các hiệp định thương mại song phương đều có tính đến hạng mục giáo dục".
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long bày tỏ: Giáo dục của ta vốn có "lịch sử" là Nhà nước bao cấp hoàn toàn. Nhiều người trong tâm tư muốn giáo dục đừng thoát ra khỏi cơ chế đó. Giáo dục có phải là hàng hóa hay không, thì cần phải tranh cãi nhưng không thể không tính đến các yếu tố tác động của cơ chế thị trường. Tác động tích cực của nó là "quy luật cung - cầu", đòi hỏi chất lượng sản phẩm, từ đó thúc đẩy cạnh tranh.
"Thị trường có những tác động tiêu cực tới giáo dục nhưng không thể vì thế mà né tránh", ý kiến của PGS Trần Quốc Toản, tổng thư ký Hội đồng Quốc gia giáo dục cũng là cái nhìn của nhiều đại biểu. Chỉ có điều là nên xác định bản chất của vấn đề cho đúng mà thôi. Nếu không làm rõ mà cứ để những điểm mờ thì càng dễ cho tiêu cực phát sinh", GS Phạm Phụ cảnh báo.
Nhà nước "buông" đến đâu?
Chưa dám gọi thẳng "thị trường giáo dục" nhưng nhiều ý kiến tại hội thảo đã dùng từ "dịch vụ giáo dục". Giáo dục ĐH và đào tạo nghề gắn liền với lợi ích của người học vì quá trình này tạo ra sức lao động và người học sẽ bán sức lao động đó - Ông Nguyễn Hữu Chí cho hay.
"Ta cứ mạnh dạn gọi dịch vụ giáo dục ĐH là dịch vụ công", GS Phạm Phụ đề xuất. "Theo tôi thì ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải tại Quốc hội khóa 6 này đã nêu khá rõ, rằng: sẽ chuyển một bộ phận trong giáo dục sang dịch vụ để đảm bảo phúc lợi xã hội dành cho đối tượng người nghèo, vùng khó khăn", ông Trần Ngọc Giao bày tỏ.
Thậm chí, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và chương trình giáo dục Nguyễn Công Giáp đã đề xuất 4 giải pháp phát triển dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đó là: hoàn chỉnh khung pháp lý để tạo lập cơ sở thị trường trong GD-ĐT, thành lập tổ chức kiểm định chất lượng, tăng cường phát triển và hỗ trợ các cơ sở ngoài công lập và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục nhiều hơn.
Thứ trưởng GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai nêu ví dụ cụ thể về việc "buông" và "nắm" của Nhà nước: ở bậc giáo dục mầm non, Chính phủ đã có nghị định 161, trong đó nêu rõ: ở các xã vùng sâu, vùng xa (chương trình 135) sẽ được nhà nước bao cấp, sẽ là trường công lập, giáo viên có biên chế; còn ở những vùng phát triển thì huy động sức dân.
"Thực ra, không nước nào có thị trường thuần tuý, mà đều có sự can thiệp của Nhà nước. Ta nói là "chống thương mại hóa giáo dục", thế thì xã hội hóa ai sẽ đầu tư đây? Ta không biến giáo dục thành hoạt động vụ lợi nhưng phải nghĩ đến cơ chế đảm bảo quyền lợi cho những nhà đầu tư giáo dục khi họ bỏ vốn cho lĩnh vực này chứ! GS Đặng Hữu lên tiếng.
UNESCO nói nhiều về thị trường tri thức và sở hữu trí tuệ. Trên thế giới người ta không tranh luận "thị trường hay không thị trường" nữa. Mà nói đến "thị trường" hay "không thị trường", điều quan trọng hơn cả là tìm ra chính sách cụ thể để giáo dục vận hành và phát triển - GS Hữu nhận xét.
- Hạ Anh (lược thuật)
Tin, bài liên quan:
Giáo dục có thể coi là một thị trường đặc biệt Tiến sĩ kinh tế Trần Thị Thu Hà Nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, chia sẻ những vấn đề tài chính cho giáo dục Thị trường giáo dục: không thể nhắm mắt "học" liều Với GS Bùi Trọng Liễu (ĐH Paris 5), "giáo dục có phải là hàng hóa", câu trả lời sẽ rất phức tạp, bởi vì các từ sử dụng phải được hiểu theo nghĩa nào Nguy cơ "giành thị phần" của trường ngoài công lập Trong khi trường ĐH ngoài công lập tuyển sinh bị "gò bó" bởi chỉ tiêu, điểm sàn, thì trường ĐH Quốc tế khá "rộng" ở đầu vào: chỉ xét tuyển.Với cách thức như vậy, cùng với mác "trường quốc tế", nguy cơ bị giành "thị phần giáo dục" của các trường ĐH ngoài công lập Việt Nam không phải chuyện xa vời. Thị trường hóa giáo dục: thế nào cho hợp lý? Mặc dù luật Giáo dục hiện hành, Điều 17 có ghi "cấm mọi hành vi thương mại hóa hoạt động giáo dục" nhưng pháp luật vẫn cho phép các tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng các loại hình trường dân lập, tư thục và HSSV vẫn phải trả học phí (diễn đàn VietNamNet). |