(VietNamNet) - "Tự truyện" của một giáo viên trẻ sớm được đi thi giáo viên giỏi dưới đây nghe qua có phần hài hước nhưng có lẽ không phải chuyện cá biệt...
Xếp hàng đợi "lên tỉnh"
Cứ hai năm một lần, Sở GD-ĐT tổ chức thi giáo viên (GV) giỏi cấp tỉnh. Ban đầu thao giảng cấp trường rồi chọn mỗi môn một người tiêu biểu thao giảng cấp cụm. Mỗi cụm thường tập hợp khoảng 5, 6 trường trong một huyện (nếu đông dân cư và nhiều trường học). Qua cấp cụm, ai tiêu biểu lại tiếp tục được chọn đi thao giảng cấp tỉnh được tổ chức vào năm tiếp sau đó.
Năm nay, tôi được thay mặt cho cho tổ đi thao giảng GV giỏi cấp cụm. Tổ Địa của tôi có bốn người, một chị đã nghỉ sinh, cô tổ trưởng đạt GV giỏi cách đây 2 năm, một thầy nữa đã từng đi thi năm lần không kết quả giờ tự nguyện “rửa tay gác kiếm” cho lớp trẻ lên thay.
Thu bài thi học kỳ của học sinh (Ảnh chỉ có tính minh hoạ) |
Mới hết tập sự tròn một tháng, tôi đã được “đi để cọ xát dần”. "Thế là cơ hội đến với mày sớm đấy”, các anh chị ở những tổ khác ghen tị. Vì không phải tổ nào cũng hoàn cảnh như tổ bộ môn của tôi. Những tổ đông người, cứ theo thứ tự ai ra trường trước đi thi trước, ai ra trường sau đi thi sau. Người trước phải thi cho đến khi nào đạt GV giỏi cấp tỉnh mới đến lượt người sau.
Mà Sở 2 năm mới tổ chức một lần. Mỗi cụm theo từng môn cũng chỉ chọn từ 1 hoặc 2 người đi thi tỉnh. Vậy nên ở tổ Toán, có GV đã đi thi cụm tới 6 lần mà vẫn chưa đến lượt thi tỉnh. Bởi ở lần thi thứ nhất đứng thứ 7/9 người dự thi. Liên tục 6 năm, mỗi năm nhích thêm một bước vì những người xếp thứ 1, thứ 2 , thứ 3...đã lần luợt đi tỉnh hết cả.
Bất kể thao giảng GV cấp trường đạt loại gì, trong tổ chuyên môn cũng ngầm quy ước với nhau là năm nay sẽ đến lượt ai đó đang xếp hàng từ bao năm trước để đợi đi thi GV giỏi các cấp.
Luyện thi GV giỏi
Giải thích quy luật bất thành văn như vậy rồi, song dường như lại e ngại tôi không có chí tiến thủ và mất ý chí ganh đua, tổ trưởng đã vạch một kế hoạch bồi dưỡng chặt chẽ.
Kỳ thi GV giỏi các cấp hàng năm luôn diễn ra vào một thời điểm. Chương trình học đúng thời điểm ấy đã cố định trong phạm vi từ 4-5 tiết theo phân phối. Chẳng hạn môn Văn học lớp 10, phân phối chương trình lúc đó luôn xoay quanh 2 tác phẩm sử thi Ôđixê của Hy Lạp và Sử thi Ramayana (Ấn Độ), văn học lớp 11 là thơ Puskin....
Năm nào cũng giống năm nào, ban giám khảo sẽ chấm bài giảng của chừng ấy GV xoay quanh những đơn vị kiến thức trên. Hiểu được quy luật nên tổ trưởng yêu cầu tôi soạn giáo án xoay quanh ba bài địa lý lớp 10 và 3 bài lớp 11 mà năm nào cũng thi. Soạn kỹ để cô duyệt rồi, tôi lại được phép chọn mỗi lớp một bài tâm đắc nhất để giảng thử cho cả tổ ngồi dự góp ý.
Giáo án của tôi soạn đi soạn lại không dưới chục lần, cuối cùng tổng hợp lại, chẳng thấy ý tưởng của mình đâu nữa mà là giáo án mẫu của tổ trưởng, người đi dạy đã 15 năm soạn ra và tôi sử dụng lại. Vốn không có thói quen học thuộc lòng như cháo chảy để lên lớp thao thao bất tuyệt, tôi vô cùng vất vả để học từng câu từng chữ trong giáo án mẫu mà cả tổ thống nhất là hoàn hảo. Tôi chỉ nơm nớp lo, nhỡ ra không bắt thăm trúng bài tủ đã chọn thì không biết phải xoay xở thế nào cho kịp?
Theo lịch ban tổ chức, 8h sáng trước hôm thi một ngày, tôi đến địa điểm thi để bắt thăm bài thi. Cô tổ trưởng, là GV giỏi nên đồng thời cũng là một thành viên trong ban giám khảo, đã đợi tôi với lá phiếu bắt thăm trên tay. Trúng bài tủ mà tôi đã chuẩn bị công phu từ trước!
Hễ đi thi là giỏi
Thi xong, về đến nhà tôi vẫn không hiểu mình vừa làm xong việc gì. Bởi trong tiết giảng đã xảy ra một tình huống nằm ngoài kịch bản. Trước khi vào tiết, tôi đã gặp gỡ trao đổi trước với học sinh, nêu một vài gợi ý và dặn dò có gì thắc mắc để sau tiết học hãy hỏi. Nhưng không hiểu sao, giữa lúc tôi đang hăng say thì một cánh tay đột ngột giơ lên cao.
Thắc mắc của cô học trò rất hợp lý, song đã khiến tôi dừng lại mất 5 phút. Tôi đột nhiên quên sạch mớ giáo án đã chuẩn bị. Cuống quýt, tôi đưa tay xoá hết phần bảng vừa viết, điều tối kỵ trong các tiết thao giảng...Thế là bỏ hết những bài soạn công phu đã được cả tổ chuẩn bị, tôi trấn tĩnh lại và nhanh chóng triển khai tiếp bài giảng theo ý đồ riêng của mình.
Nhìn xuống ban giám khảo, nhận được cái lắc đầu không hài lòng của tổ trưởng, tôi lại run bắn lên nghĩ tới câu dặn dò của cả tổ: đừng mang thất bại về. Lúc treo bản đồ, tay tôi chỉ vào khu vực châu Đại Dương mà miệng cứ thao thao về Châu Mỹ La tinh.
Kết quả bất ngờ là tôi được xếp thứ 3/6 người dự thi và mặc cho những sai lầm ngớ ngẩn, tôi vẫn được công nhận là GV giỏi cấp cụm. Về sau thì tôi biết thêm là 54/56 GV cũng đạt loại giỏi. Chỉ có 2 người dạy ở mức trung bình kém do quá nhiều sai sót , hội đồng thi đành miễn cưỡng xếp loại khá. không thể kéo lên loại giỏi như những người khác được.
Riêng tổ trưởng vẻ không hài lòng nhưng chỉ nhắc nhở thật nhẹ nhàng “Năm nay đi làm giám khảo nên cô đã giúp em nhảy qua được mấy bậc phấn đấu rồi”. Vậy là, tôi chỉ đợi cho người đứng thứ 2 năm nay lần thi tiếp lên thứ nhất là sẽ đến lượt tôi đi thi GV giỏi cấp tỉnh.
Không chỉ riêng tôi gặp may mà hầu hết các môn của trường năm nay ra quân đều thành công vang dội. Trường có nhiều GV giỏi nên môn nào cũng có thành viên trong ban giám khảo. Nhờ đó môn nào trường cũng chọn được GV đi thi tỉnh.
Môn Sử, có 4 người trình độ ngang nhau, nhưng chỉ chọn 2 người đi thi tỉnh. Người thứ nhất là cô giáo đã 50 tuổi, cái gì cũng có, chỉ thiếu danh hiệu GV giỏi cấp tỉnh. Cô đi thi lần này là lần cuối cùng trong đời. Người còn lại là cô giáo rất bất hạnh về chuyện riêng tư, lấy chồng mười năm không có con, đi chạy chữa nhiều nơi không được, giờ dành hết tâm huyết cho việc dạy, cho cô đi thi vì nghĩ ra cũng tội (lời của 1 thành viên ban giám khảo)...2 người kia dù bài giảng có hay hơn một chút nhưng cũng phải nhường.
Buổi sáng đầu tuần, vừa gặp tôi, anh bạn dạy Sinh đã hớn hở khoe đã có tên trong danh sách đi thi GV dạy giỏi cấp tỉnh! Rồi anh ghé tai thì thào “cũng phải “ngoại giao” tí chút, may có người quen làm trên Sở nên mách nước hộ”. Nháy mắt với tôi đầy ẩn ý, anh còn dặn phải giữ kín hộ chờ đến khi nào có danh sách chính thức rồi mới báo tin rộng rãi cho đồng nghiệp mừng...
-
Song Nguyên