(VietNamNet) - Sáng nay, Hội đồng chức danh GS Nhà nước (HĐCDGSNN) đã có buổi họp tổng kết 3 năm thực hiện quy chế mới về công nhận GS, PGS. Trong 3 đề xuất chung và 9 kiến nghị sửa đổi cụ thể Nghị định 20 - văn bản pháp lý quy định công nhận chức danh GS, PGS - Hội đồng đã nêu ý kiến giao quyền bổ nhiệm GS, PGS cho cơ sở giáo dục.
Theo Tổng thư ký hội đồng Đỗ Trần Cát, sau khi có Nghị định 20 của Chính phủ, việc công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS có nhiều kết quả khả quan hơn. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược.
Bởi vậy, Hội đồng đã đề xuất sửa đổi ba nội dung cơ bản. Trước hết là sửa định nghĩa thủ tục bổ nhiệm các chức danh GS, PGS, Hiện nay, thủ tục này gồm việc xét công nhận chức danh GS, PGS và bổ nhiệm vào ngạch GS, PGS. Theo đề xuất mới thì thủ tục này nên sửa thành xét công nhận đủ điều kiện, tiêu chuẩn của chức danh và bổ nhiệm vào ngạch.
Trong 3 năm (2001 - 2004), đã có 4 đợt công nhận GS, PGS. Có 311 người được công nhận GS và 1.634 người được công nhận PGS. |
Việc sửa này giải quyết được rất nhiều vấn đề vướng mắc hiện nay như đối tượng được công nhận, được công nhận mà không được bổ nhiệm, hữu danh vô thực.
Một đề xuất đáng lưu tâm khác là giao việc bổ nhiệm các chức danh GS, PGS cho các cơ sở giáo dục ĐH và sau ĐH thay vì Bộ GD - ĐT và Bộ Nội vụ bổ nhiệm hiện nay. Điều này đi kèm ràng buộc: cơ sở chỉ được bổ nhiệm từ những người đã được HĐCDGSNN công nhận là đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Ngoài ra, HĐCDGSNN còn "đòi" được thẩm định học vị tiến sĩ, với lý do: chất lượng GS, PGS phụ thuộc vào nhiều vào chất lượng tiến sĩ.
Từ ba đề xuất chung đó, Hội đồng đã đề nghị những sửa đổi cụ thể về thời gian, quy định ngoại ngữ cần thiết, tỷ lệ số phiếu tín nhiệm khi bầu...
Trong ngày hôm nay, các đại biểu của các trường ĐH, học viện,v.v... đã trao đổi xung quanh sửa đổi này. VietNamNet sẽ chuyển tới bạn đọc những nội dung đáng lưu ý.
-
Kiều Oanh