(VietNamNet) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục có thêm 5 điều mới và sửa đổi, bổ sung 66 điều (Luật hiện hành có 115 điều). Dự án này sẽ được trình Quốc hội trong phiên họp ngày 25/11 và thảo luận vào ngày 26/11. VietNamNet xin giới thiệu những thay đổi quan trọng.
"Này, sắp tới sẽ bỏ thi Tiểu học đấy nhé!" (Ảnh: Nguyên Vũ) |
Giá trị pháp lý của văn bằng trường dân lập, tư thục, quốc lập như nhau
5 điều mới nhằm quy định về các tổ chức mà trong Luật GD hiện hành chưa có, gồm: Hội đồng trường và Hội đồng quản trị; Ban đại diện cha me học sinh (HS); Hội đồng GD. Ngoài ra, còn bổ sung quy định về những hành vi nhà giáo không được làm; quy định cụ thể về quyền và chính sách đối với trẻ em tại cơ sở GD mầm non.
66 điều sửa đổi, bổ sung tập trung vào 4 nhóm vấn đề: nâng cao chất lượng và hiệu quả GD; thực hiện xã hội hoá (XHH) GD và xây dựng xã hội học tập; hoàn thiện hệ thống GD quốc dân; tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phân cấp mạnh cho địa phương, cơ sở GD.
Đáng lưu ý, dự án đã bổ sung mục tiêu GD con người phải "phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo" (điều 23); đối với THCS là được chuẩn bị bước đầu về năng lực cá nhân và hướng nghiệp; đối với THPT là được chuẩn bị về năng lục cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động".
Dự án cũng nhấn mạnh đến việc "phát triển GD là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân", tức: GD là công việc của mọi tổ chức, gia đình và công dân chứ không của riêng ngành GD.
Thay vì quy định hiện hành: "SGK do Bộ GD - ĐT tổ chức biên soạn", điều 25 đã đổi thành "Bộ trưởng Bộ GD - ĐT duyệt SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK". Với quy định mới này, các tổ chức hoặc cá nhân khác có thể biên soạn SGK...
Việc cấm các hành vi "thương mại hoá" cũng được sửa đổi bằng quy định mới: "Nhà nước có chính sách phù hợp nhằm chống các hành vi tiêu cực trong lĩnh vực GD và lợi dụng hoạt động GD vì mục đích vụ lợi".
Dự án cũng đặt vấn đề khắc phục tình trạng phân biệt đối xử không cần thiết đối với loại hình trường ngoại công lập. Do đó, đã bổ sung nội dung quy định nhà trường trong hệ thống GD quốc dân được tổ chức theo các loại hình trường quốc lập, trường dân lập, trường tư thục trong đó trường quốc lập giữ vai trò nòng cốt; trường dân lập, trường tư thục bình đẳng với trường quốc lập trong việc thực hiện mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp GD và các quy định liên quan đến tuyển sinh, dạy và học, thi và kiểm tra, công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng. Văn bằng của trường dân lập, tư thục, quốc lập có giá trị pháp lý như nhau.
Chính phủ không quy định khung học phí, bỏ văn bằng tốt nghiệp tiểu học...
Trong Luật GD hiện hành, Chính phủ quy định khung, cơ chế thu và sử dụng học phí. Điều này đã làm giảm nhiều tính tự chủ của cơ sở GD. Dự án đã sửa lại: Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế thu và sử dụng học phí. Tại đây, khái niệm học phí, lệ phí tuyển sinh cũng được định nghĩa là khoản tiền của gia đình người học hoặc người học phải nộp để bảo đảm chi phí cho các hoạt động GD.
Những điểm mới mẻ của dự án còn được thể hiện trong quy định về văn bằng, chứng chỉ. Theo đó, sẽ bỏ văn bằng tốt nghiệp tiểu học, thay thế bằng hình thức hiệu trưởng trường tiểu học xác nhận trong học bạ việc hoàn thành chương trình tiểu học theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD - ĐT; phân cấp để trưởng phòng GD -ĐT cấp huyện cấp bằng tốt nghiệp THCS.
Ngoài ra, dự án cònquy định, trường CĐ, ĐH có quyền tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, thực hiện tuyển sinh theo chỉ tiêu đã duyệt và tuyển dụng nhà giáo, cán bộ, nhân viên...
Đề nghị chuyển tên gọi thành "Luật GD sửa đổi"
Trong tờ trình gửi tới Quốc hội, Chính phủ đã đề nghị đổi tên "Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD" thành "Luật GD" sửa đổi để "xứng tầm" với nhiều thay đổi quan trọng.
Theo tờ trình này, một số vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau như: hệ thống GD quốc dân, thẩm quyền cấp bằng tiến sĩ, học phí của SV sư phạm, khái niệm "thương mại hóa" GD.
Về thẩm quyền cấp bằng tiến sĩ, bên cạnh ý kiến đồng ý với việc phân quyền cho lãnh đạo cơ sở đào tạo cấp, lại có đề xuất vẫn nên để thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GD- ĐT.
Về quy định miễn học phí cho SV ngành sư phạm, luồng ý kiến thứ nhất cho rằng nên tiếp tục miễn thì lại có đề xuất khác:SV ngành sư phạm được ưu đãi vay tín dụng với lãi suất thấp trong thời gian học tập để đóng học phí và không phải trả tiền vay tín dụng cùng với lãi suất nếu sau khi ra trường làm việc tại các cơ sở GD theo quy định.
-
Kiều Oanh