Bị hấp dẫn bởi sáu lời thề nhà giáo, mới đây chúng tôi đã tìm về Hải Phòng, mảnh đất được mệnh danh là miền sóng, miền gió.
Tâm đắc nhất lời thề đầu tiên
Quách Tân Bình là Tổ trưởng tổ toán, giáo viên giỏi trường THPT Lê Ích Mộc. Đây là một trong những trường khó khăn nhất, nhì thành phố. Ðiểm tuyển "đầu vào" của trường khá thấp nhưng năm rồi, cũng có 23 học sinh (HS) giỏi cấp thành phố.
Bình năm nay mới 26 tuổi, dáng cao ráo, hiện đang ở cùng gia đình nhà vợ, cách trường hơn một km. Ðây là một gia đình "đậm đặc" chất nhà giáo. Bố mẹ vợ của Bình đều là nhà giáo. Mẹ đẻ của Bình cũng trong nghề "gõ đầu trẻ". Vợ Bình, cô giáo Tiến Hưng, cũng dạy toán cùng trường.
6 lời thề: "hương ước" đầu tiên của làng giáo
Thực hiện 6 lời thề nhà giáo trong cơ chế thị trường" là "sáng kiến" của ngành giáo dục thành phố Hải Phòng. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Xuân Đình, đây chính là một "hương ước" của làng giáo. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Đình về nội dung "lời thề nhà giáo" này (Bấm vào đây xem 6 lời thề) |
Bình cho biết, khởi đầu dạy THCS, phải dạy cả kỹ thuật nông nghiệp, không đúng môn được đào tạo. Còn Tiến Hưng, lúc đó đang là người yêu, đã vào loại dạy khá. Sống với tình yêu, với không khí gia đình toàn nhà giáo như vậy, không thể dạy kém được. Bình xin chuyển về đây, vợ cũng về theo. Làm Tổ trưởng tổ toán, nhưng người "tổ viên" mà Bình hay trao đổi ý kiến về chuyên môn, về đổi mới phương pháp chính là vợ, cô giáo Tiến Hưng. Thế rồi, vợ trở thành GV giỏi cơ sở, chồng trở thành GV giỏi cấp thành phố.
Trong sáu lời thề nhà giáo, Bình tâm đắc nhất lời nào? - Em tâm đắc nhất điều một. Vì không tâm huyết, không hết lòng, không thể giỏi nghề được! Trường nông thôn, mới thành lập hai năm. Nền móng, đội ngũ, cả tuổi đời lẫn tay nghề cái gì cũng mỏng, học nhau đã khó nói gì đến bảo nhau.
Ngôi trường THCS An Ðồng (huyện An Dương) khang trang, chuẩn bị được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Còn người nữ Bí thư Ðảng ủy, Nguyễn Thị Mỹ, Anh hùng Lao động, những nếp gấp của thời gian hằn trên gương mặt khắc khổ.
Ðứng mũi chịu sào mấy chục năm nay ở một xã trước đây thuộc loại "gian khổ cực kỳ" như bà nói, bà là hiện thân của sự can trường. Nhưng cũng nhờ có sự can trường của những cán bộ Ðảng, chính quyền như bà, mà từ giáo viên đến học sinh An Ðồng đều được nhờ. Xã có tới bốn trường Mầm non, bốn trường Tiểu học cao tầng ở bốn khu dân cư, cùng với ngôi trường THCS An Ðồng này trị giá hơn mười tỷ đồng. Hiện xã còn nợ tới năm tỷ đồng, phải nghĩ cách trả dần. Bà bảo, có người kêu táo bạo quá. Lo thì lo lắm, nhưng phải nghĩ tới tầm xa vì giáo dục phải được coi là quốc sách. Ðược cái, gần 20 năm nay, An Ðồng không hề có đơn thư kiện cáo giáo dục. Hội đồng Nhân dân xã ra nghị quyết giáo viên không được dạy thêm tràn lan.
Ở xã,100% số giáo viên được cấp đất từ một đến hai sào để gia đình lao động sản xuất. Hơn 50% số giáo viên được cấp đất xây nhà ở. "Tôi từng rơi nước mắt khi vài năm trước đây, gặp các cô giáo sáng chạy chợ hoặc mót từng dây khoai lang, chiều lên lớp dạy học, cực lắm, bà Mỹ tâm tình.
Chị Lương Thành Tâm, chuyên viên Phòng Giáo dục và Ðào tạo An Dương bảo: Hiện có từ 70% đến 80% số giáo viên của trường thuộc hộ giàu đấy. Có nhà xây hai, ba tầng, có xe máy, có ti-vi... Thảo nào, lúc ngồi với Tổ giáo viên khoa học xã hội do cô giáo Nguyễn Thị Huấn làm Tổ trưởng, hỏi có lo lắng hoặc khó khăn gì khi thực hiện Lời thề nhà giáo, các cô đều lắc đầu, cười thẹn rồi đùn đẩy nhau, mãi mới có ai đó nhỏ nhẹ: Bọn em tâm đắc nhất với điều 1, đó là phải say mê, tâm huyết với nghề.
Lo lắng nhất: lời thề thứ tư
Khi tự nguyện đặt ra những lời thề, hẳn ngành GD-ĐT Hải Phòng ý thức sâu sắc những cạm bẫy của kinh tế thị trường, điều luôn thách thức phẩm chất nhà giáo. Lời thề nào khiến họ băn khoăn, lo lắng nhất? Rất bất ngờ, câu trả lời phần lớn lại ở các nhà quản lý giáo dục.
Hiệu trưởng trường THPT Lê Ích Mộc, Doãn Văn Quân bộc bạch: "Lo lắng nhất là điều 4. Hiểu thế nào là thu thêm trái quy định. Vì không may, nếu nhận thức không đầy đủ, sẽ vô tình mà vi phạm thì sao? Vì ngoài các khoản thu được phép còn có các khoản khác gọi là xã hội hóa giáo dục. Như thế nào là thu thêm, như thế nào là xã hội hóa?".
Ðồng cảm với Hiệu trưởng Doãn Văn Quân, Phó phòng GD-ĐT huyện Thủy Nguyên Ðào Thị Ngân cho rằng: Xã hội hóa giáo dục là cần thiết, nhưng cơ chế không rõ ràng. Có người cho thu thêm là xã hội hóa, nhưng ở khía cạnh khác, có người lại cho là thu thêm không hợp pháp.
Không chỉ cần có một cơ chế rõ ràng, những giá trị tinh thần nhân bản, những phẩm chất tốt đẹp mà lời thề nhà giáo đang mỗi ngày hiển hiện trong lối sống, việc làm, ứng xử của nhà giáo ở Hải Phòng mà trong thực tiễn, cũng cần có những điều kiện hỗ trợ.
Khó khăn hơn cả khi thực hiện lời thề nhà giáo, có lẽ là các trường ở thành phố, đô thị; nơi mà kinh tế thị trường len lỏi vào mọi ngõ ngách, thấm tận tâm can, tận cách nghĩ, cách suy tính, ứng xử của con người.
Muốn học khá giỏi, muốn thi đỗ CĐ, ĐH trong bối cảnh giáo dục hiện nay, đương nhiên HS phải học thêm rất nhiều. Liệu giáo viên có ngại khi thực hiện lời thề nhà giáo, nhất là điều khoản quy định không dạy thêm tràn lan?
Bà Nguyễn Thị Ðiều, Hiệu trưởng trường THPT Thái Phiên, ở nội thành, một trong những trường tiên tiến, xuất sắc nhiều năm, thẳng thắn: Ðã thề, thì cũng chẳng ai muốn vi phạm, vì nhà giáo người ta cũng tự trọng lắm. Nhưng trường vẫn phải có cơ chế kiểm soát.
Ở trong trường, giáo viên đăng ký dạy thêm phải ghi rõ dạy tiết nào, địa điểm nào, ở đâu. Dạy ở dân lập cũng phải báo cáo, kể cả đăng ký dạy ở nhà. Dạy thêm ở trường, mỗi tuần một lớp tổ chức không được quá ba buổi. Học sinh lớp này có quyền đề nghị giáo viên lớp khác dạy thêm. Chính cái quyền đó, khiến giáo viên nào cũng phải tự nâng cao trình độ của mình. Trong quá trình tổ chức, nhà trường thấy nếu số buổi dạy quá nhiều, phải xem xét hiệu quả dạy ở trường công lập ra sao. Nếu chưa tốt, đề nghị giáo viên đó dừng việc dạy ở dân lập hoặc dừng việc dạy thêm. Tất cả vẫn phải ưu tiên cho trường sở tại!.
Cơ chế này kiểm soát được bao nhiêu phần trăm? Hiệu trưởng Ðiều giải thích: Nói thật, cũng mới chỉ 70%. Rồi vị này bức xúc về những bất hợp lý khác: Quy định dạy thêm không được thu quá 10 nghìn đồng/môn/tháng/HS đề ra từ năm 1993 đến nay vẫn không thay đổi; mặc dù giá cả đã khác; trong khi đó, dạy dân lập, quy định 20 nghìn đồng/tiết. Nhà giáo chúng tôi mong muốn có một cơ chế tài chính hợp lý, phù hợp thực tiễn.
Ði một rẻo các trường học để biết việc thực hiện những lời thề nhà giáo, lại vỡ ra về những bức xúc của cơ chế quản lý giáo dục từ cơ sở. Rõ ràng, đổi mới cơ chế quản lý là tiếng gọi khẩn thiết của đời sống giáo dục đang cựa mình trước cuộc sống phát triển. Nhưng, chúng tôi thật sự bất ngờ khi đến trường THPT dân lập (nay là tư thục) Thăng Long.
Có vẻ như lời thề nhà giáo ở loại hình trường này thực hiện lại dễ dàng. Trường là một trong số hàng trăm trường học ở Hải Phòng đưa công nghệ thông tin vào họat động giảng dạy, quản lý giáo dục. Theo Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Bí thư chi bộ Nguyễn Thị Mai thì: hai điều quy định của lời thề về dạy thêm và thu thêm là hai vấn đề thời sự của ngành. Nhưng với trường THPT tư thục Thăng Long thì đơn giản bởi mọi khoản thu đều quy định rõ ràng, được các bậc phụ huynh HS đồng tình. Còn dạy thêm, GV cơ hữu được tuyển chặt chẽ, phải sau ba năm, nơi nào mời mới được phép. Thành thử, số đông GV tâm đắc nhất là "phải tâm huyết.
Giám đốc Trần Xuân Ðình đến nay thì chưa phát hiện vi phạm lời thề. Nhưng chúng tôi có cơ chế kiểm tra ráo riết. Khi đưa ra lời thề nhà giáo, giáo dục Hải Phòng mong muốn cái tích cực sẽ phải "dữ dội" hơn cả cái tiêu cực ở mảnh đất được mệnh danh là miền sóng, miền gió này!
(Theo Nhân Dân)