GS.TSKH Phan Quốc Khánh, Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) đã có cuộc trao đổi với PV về thông tin trường ĐH quốc tế, "quốc tế" đến đâu? theo thắc mắc của nhiều độc giả.
Nhiều người đến đăng ký cho con em mình theo học trường ĐH Quốc tế |
Ông Phan Quốc Khánh: Đúng là mùa tuyển sinh vừa rồi trường chúng tôi mới tuyển theo chỉ tiêu 100 SV khoa Công nghệ Thông tin và 100 SV khoa Quản trị kinh doanh. Và bằng do chính ĐHQT cấp. Về tuyển sinh cho chương trình cấp bằng nước ngoài, có thể cả cho khoa Điện tử Viễn thông và khoa Công nghệ Sinh học nữa, chúng tôi đang thảo luận để ký kết các văn bản hợp tác cuối cùng với một số trường đại học tiên tiến của Mỹ và Anh.
-Điều mà bạn đọc quan tâm: trường cấp bằng Việt, vậy chương trình quốc tế tới đâu?
- Chương trình dựa vào chương trình khung do Bộ GD-ĐT Việt Nam quy định. Bên cạnh đó sinh viên còn học tập chương trình của các đại học tiên tiến trên thế giới. Còn quốc tế tới đâu, thì còn nhiều yếu tố, chẳng hạn: dạy bằng tiếng Anh, 50% giáo viên là nước ngoài, sách giáo trình hoàn toàn của nước ngoài…
- GS có thể cụ thể chương trình của trường, học từ nước nào và ai quyết định chương trình của trường?
- Chủ yếu là một số trường ở Mỹ và Anh: Massachusetts Institutute of Technology, University of Illinois-Urbana Champaign và Wayne State University của Mỹ, University of Nothingham, Heriot-Watt University, và University of West England của Anh. Chương trình đào tạo được hình thành theo cả một quy trình. Các khoa đề xuất, trường gởi chuyên gia các nơi đánh giá thẩm định rồi Hội đồng khoa học trường họp (nhiều lần) thông qua. Hiệu trưởng báo cáo ĐHQG-HCM. Lại một quá trình thẩm định và thông qua nữa. Sau khi ĐHQG-HCM cho phép, hiệu trưởng mới ký ban hành.
- Một chương trình như vậy liệu rằng có mang lại hiệu quả như mong đợi của những phụ huynh- những người phải trả học phí cho con bằng đô la (học phí 1.200 USD/năm)?
- Mức 1.200 USD/năm là thấp so với các chương trình quốc tế khác ở Việt Nam, nên thu chưa bù chi. Trường đang phải dựa vào đầu tư ban đầu của nhà nước và các nguồn khác. Chúng tôi cố bám sát tiêu chí quốc tế và chất lượng. Còn hiệu quả là tổng hợp của nhiều yếu tố. Chỉ xin thí dụ, chương trình 4 năm của đại học Việt Nam là 210 tín chỉ. Các đại học tiên tiến nước ngoài chỉ khoảng 130-150 tín chỉ. Nhưng sinh viên của họ phải làm việc, phải tự học và đọc rất nhiều. Thầy trò của ta chưa quen với cách đó. Vả lại, thư viện, phòng thí nghiệm… ở các trường Việt Nam chưa đủ điều kiện cho sinh viên tự làm việc nên có lẽ cũng phải tăng giờ trên lớp. Chúng tôi cố gắng để thư viện có sách nguyên bản của các trường nước ngoài tiên tiến. Tôi muốn nói thêm rằng chương trình, và nhất là nội dung các môn học phải luôn được xem xét, cải tiến cập nhật hàng năm.
-Thưa GS, trong số 215 SV, có bao nhiêu SV đủ trình độ ngoại ngữ 500 điểm TOEFL như yêu cầu trường đề ra?
- Thưa GS , vậy làm sao các em đủ trình độ ngoại ngữ để theo học? - Đúng là số học sinh đủ trình độ ngoại ngữ quá thấp. Đây là thực tế khách quan; chúng tôi là trường Quốc tế đầu tiên và xã hội chưa chuẩn bị. Chúng tôi đã kiểm tra theo chuẩn quốc tế trình độ tiếng Anh của tất cả sinh viên. Sau đó, được lãnh đạo ĐHQG-HCM cho phép, chúng tôi tổ chức các lớp thích hợp theo trình độ ngoại ngữ.
- Trường đào tạo theo tín chỉ hay niên chế? - Học theo tín chỉ. Riêng năm nay, như trên đã nói yêu cầu ngoại ngữ có “nới lỏng”. Các yêu cầu này được thông báo cụ thể và chính thức để mọi người đều biết. Về nguyên tắc, các SV sẽ tự đăng ký học các môn thích hợp.
- Chúng tôi cũng đã nhận được một vài ý kiến than phiền của phụ huynh về “sự can thiệp” mà họ cho là chưa công bằng này. Mong rằng GS sẽ có sự giải thích cụ thể! - Đây là năm đầu, một số thông báo của trường cũng có chậm, nhiều em lại đến nhập học muộn. Vì vậy để tạo điều kiện cho sinh viên khi chưa kịp quen với học chế tín chỉ, phòng Đào tạo có đưa ra danh sách tạm chia các lớp sẵn bằng cách đưa tất cả các em đủ yêu cầu vào học. Đồng thời vẫn ghi chú là em nào có nguyện vọng khác mà vẫn phù hợp với yêu cầu đã thông báo thì hoàn toàn được. Trường đã giải quyết cho 18 sinh viên có nguyện vọng bảo lưu kết quả một năm để ôn luyện ngoại ngữ.
- Xin cám ơn GS!
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)