Bà Tôn Nữ Thị Ninh, ông Nguyễn An Ninh có mặt tại trường quay VietNamNet, Ông Phạm Đức Trung Kiên trả lời từ văn phòng Quỹ giáo dục VEF (Washington) và tiến sĩ Vũ Minh Khương, người đã bảo vệ xuất sắc luận án (PhD) ở trường Harvard; là nghiên cứu viên (research associate) của trường ĐH Kennedy School of Government (ĐH Harvard),đồng thời ông là giáo sư thính giảng (visitng professor) đại học sẽ liên lạc từ văn phòng của ông tại ĐH Kenedy.
Lần đầu tiên VietNamNet nối 3 đầu cầu truyền hinh trực tiếp ở 3 nơi cách nhau nửa vòng trái đất.
"Sự nghiệp giáo dục nóng bỏng" là cách gọi trên diễn đàn Edunet, mạng chính thống của Bộ GD-ĐT về tình hình giáo dục hiện nay.
Ông Phạm Đức Trung Kiên |
"Thời điểm này chính là thời cơ tốt để chúng ta tận dụng hết sức để tạo nên sự thúc đẩy và bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng giáo dục", nhà văn Nguyên Ngọc, một trong 23 thành viên của nhóm trí thức ký tên vào bản kiến nghị "chấn hưng giáo dục" gửi Thủ tướng Chính phủ, đã nhấn mạnh như vậy. Thời cơ này chính là lúc Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội báo cáo chất lượng giáo dục, cũng là khi các cuộc thảo luận và cả những lo lắng, bức xúc của xã hội, thể hiện ngày càng ráo riết, nóng bỏng trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Trong dòng chảy đó, một đề án về đổi mới giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam giai đoạn 2006 - 2015 đang thành hình. Tầm vóc to lớn của đề án đã khiến ngay cả những tác giả đang bắt tay vào quá trình thai nghén nó cũng phải rất thận trọng, vì nếu sai một ly, cả nền GDĐH Việt Nam 15 năm trời sẽ khủng hoảng, ngược lại nếu đúng đường lối, sẽ phát triển rực rỡ.
Ông Nguyễn An Ninh. |
Theo GS Lâm Quang Thiệp (ĐHQG Hà Nội), Đảng và Nhà nước ta xem giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ là quôc sách hàng đầu, do đó giáo dục ĐH (bao gồm cả đào tạo và nghiên cứu khoa học) là quốc sách hàng đầu "kép" và nguồn nhân lực trình độ cao là nhu cầu cấp bách hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tiến sĩ Vũ Minh Khương. |
"Phổ thông cấp 4", "thấp", "thiếu", "bất cập"...là những tính từ xuất hiện nhiều lần tại hầu hết các ý kiến đánh giá chất lượng giáo dục ĐH và sau ĐH Việt Nam. Cũng đã có nhiều ý kiến đã phân tích nguyên nhân khiến sản phẩm GDĐH - chất lượng đầu ra - còn chưa đáp ứng được nhu cầu cấp bách trên.
"Cận" thời điểm trình bày báo cáo giáo dục, hàng loạt diễn đàn, hội thảo liên tiếp được mở ra với chủ đề: các giải pháp cơ bản nâng cao giáo dục ĐH". Trong dòng "hiến kế" sôi nổi đó, mời các bạn tham gia bàn tròn trực tuyến cùng VietNamNet và các vị khách mời - là những người đã từng "cọ xát" với GDĐH trong và ngoài nước - với chủ đề: "Làm thế nào để giáo dục đại học đáp ứng được yêu cầu cấp bách của cuộc sống".
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Mời quý vị nghe toàn bộ nội dung cuộc bàn tròn tại đây. File video sẽ được đưa lên trong tối nay. |
Xin kính mời và cảm ơn các vị khách quý đã tham gia bàn tròn trực tuyến hôm nay.
Trước tiên, chúng ta sẽ nhìn nhận lại về giáo dục ĐH Việt Nam hôm nay. Có nhiều ý kiến khác nhau, người thì cho rằng chúng ta đã đạt được những thành quả rất to lớn. Nhưng cũng có rất nhiều người, trong đó có cả những nhà lãnh đạo giáo dục trước đây, những nhân sỹ, trí thức...đều đánh giá thực trạng giáo dục của chúng ta rất tệ. Chúng tôi muốn nghe các vị khách mời của chúng ta, cả ở trong và ngoài nước, đánh giá khách quan vấn đề này như thế nào. Xin mời chị Tôn Nữ Thị Ninh.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh:
Xin cám ơn anh! Trước đây, tôi từng là giáo viên.Bây giờ, tuy không tham gia giảng dạy nhưng giáo dục vẫn là mối quan tâm hàng đầu của tôi. Bước vào thế kỷ 21, hình như nền giáo dục của chúng ta chưa chuyển mình kịp, chưa đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, nhu cầu hội nhập.
Tôi không muốn dùng các tính từ như tốt, hay tồi tệ vì điều đó có thể là cảm tính, mà chỉ muốn đặt vấn đề trong logic của cung và cầu sản phẩm của nền giáo dục nước ta đầu thế kỷ 21 đáp ứng thế nào nhu cầu của cuộc sống, của công cuộc đổi mới, hội nhập. Đó là xuất phát điểm. Hình như tôi cũng chưa thấy ở đâu bàn đến vấn đề những tiêu chí của đánh giá chất lượng. Vấn đề thứ hai, tôi cho rằng GDĐH, suy cho cùng chính là hệ quả của nền giáo dục nói chung, không thể đánh giá tách rời khỏi giáo dục tiểu học, trung học. Chìa khoá chất lượng giáo dục đại học nằm chính trong giáo dục phổ thông. Phải nhìn cho sâu sát tình hình giáo dục phổ thông. Vấn đề thứ ba, trong khi đánh giá những mặt mạnh của GD ĐH của nước ta so với các nước đang phát triển có cùng mức GDP thì chúng ta có nhiều thuận lợi khách quan, nhưng cũng có quá nhiều vấn đề đặt ra cần phải tháo gỡ. Tôi cho rằng đó là cách đặt vấn đề, đó là phương pháp giáo dục của chúng ta, từ đó quy định chương trình nội dung và cách giảng dạy của chúng ta, yêu cầu của chúng ta đặt ra với thanh niên.
Ông Phạm Đức Trung Kiên:
Nếu đánh giá về chất lượng giáo dục thì cái nhìn của tôi không được rộng rãi lắm, bởi tôi chỉ có dịp tiếp xúc với những SV hiện đang là ứng viên cho quỹ học bổng VEF, tức là những em đạt loại giỏi trong quá trình học ĐH.
Nói chung, khi nhìn vào chất lượng giáo dục bậc ĐH thì nên nhìn qua 2 khía cạnh: thứ nhất, sản phẩm có đáp ứng nhu cầu thị trường công việc hay không, vì ta đào tạo con người để một là đáp ứng nhu cầu trong nước và thứ hai là cạnh tranh trên thế giới. Đó là 2 câu hỏi mà những người trong nước sẽ có những đánh giá cẩn thận hơn. Tôi có đọc vài báo cáo của các GS trong nước và GS Hoàng Tụy và bản báo cáo mà Chính phủ sắp trình Quốc hội tới. Thấy những nhận định của các GS rất xác đáng. Nếu so với nền GD ĐH Hoa Kỳ thì chúng ta thua xa nhưng chúng ta có những cơ sở để tin tưởng rằng trong tương lai GD ĐH Việt Nam sẽ có những bước phát triển mạnh hơn.
Ông Vũ Minh Khương:
Ông Nguyễn An Ninh (bìa trái), bà Tôn Nữ Thị Ninh (bìa phải). |
Tôi rất vui vì được tham gia tọa đàm. Phải nói tất cả dân tộc trên thế giới đang bị hút theo 2 động lực: toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ thông tin. Cải cách giáo dục dục diễn ra quyết liệt không chỉ ở các nước có nền giáo dục phát triển mà còn ở các nước mà nền giáo dục đang phát triển như Đài Loan, Singapore, như vậy vấn đề đặt ra cho Việt Nam, giả sử nền giáo dục đã đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội thì việc cải cách giáo dục vẫn là bức xúc. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải thận trọng.
Nguyên tắc cải cách là giáo dục phải là nền tảng tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và là chất xúc tác đưa đất nước hội nhập toàn cầu một cách có chất lượng cao hơn, nhanh hơn.
GDĐH là tác nhân hiêụ quả trong hoạch định chính sách giúp Nhà nước có cái nhìn sáng suốt hơn và những quyết sách mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. GD là tấm gương thần kỳ để nhìn vào đó hiểu tương lai dân tộc sẽ đi đến đâu, nếu trong giáo dục đầy tham nhũng, cái nhìn hạn hẹp, không có công bằng thì là điều nguy hiểm cho một dân tộc trong tương lai. Việc đào tạo con người phải chú trọng cả hai vấn đề: kiến thức và phẩm chất. Tiêu chuẩn đánh giá học sinh không chỉ là kiến thức mà là tầm nhìn, khả năng vận dụng, tinh thần làm việc đồng đội.
- TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Một nét chung là chất lượng đầu ra, sản phẩm GD ĐH của chúng ta chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thời đại. Vậy đâu là nguyên nhân? Xin mời chị Tôn Nữ Thị Ninh.
- Bà Tôn Nữ Thị Ninh:
Chúng tôi nghĩ rằng cái tư chất, trí tuệ của thanh niên VN thì chúng tôi rất tin tưởng. Ngày hôm qua chúng tôi vô cùng vui mừng vì anh Ngô Bảo Châu đã giành một giải thưởng lớn về toán học mà chỉ kém giải thưởng... là tương đương với giải Nobel về toán học. Điều đó nói lên rằng, rõ ràng cái cái tư chất, cái đất để phát triển tài năng mà đất nước cần thì chúng ta không thiếu, cho nên câu hỏi đặt ra là nền giáo dục, sự quản lý Nhà nước, chất lượng giáo dục nó phải tạo điều kiện khách quan như thế nào để trí tuệ trẻ Việt Nam đó có thể phát triển và phát huy không chỉ khi họ được đặt ở môi trường bên ngoài mà ngay cả môi trường ở trong nước. Ngày nào đó sẽ có những thanh niên VN cũng có thể giành được những giải thưởng như thế khi đang làm việc, giảng dạy và nghiên cứu tại Việt Nam và chắc chắn đó là tương lai mà ai cũng mong muốn nó sẽ không phải là xa quá. Thế thì trong vấn đề đó, sự khuyến khích cái tư duy sáng tạo và độc lập của thanh niên, tôi dùng chữ là cách đặt vấn đề về giáo dục của chúng ta thì tôi nghĩ là đó mới là trở ngại lớn. Khi các doanh nghiệp nước ngoài, kể cả DN trong nước tuyển dụng nhân sự mới ra trường thì không ít khi họ phải đào tạo lại từ 6 tháng đến 1 năm. Chứng tỏ sản phẩm từ đại học ra chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động như anh Trung Kiên đã nói... Cũng có những em lập tức có thể hoạt động rất xuất sắc nhưng đó mới chỉ là thiểu số. Cái chúng ta phải vươn tới là gì, là đại đa số các thanh niên khi mà ra khỏi trường đều có thể bắt tay ngay vào công việc được đòi hỏi ở nơi được tuyển dụng.
Trở lại lời phát biểu đầu tiên của tôi, cái sản phẩm chúng ta cần đào tạo ra là gì? Những thanh niên đó cần đáp ứng những yêu cầu như thế nào? Tôi xin lấy một ví dụ rất nhỏ, tôi quan sát sinh viên Học viện Quan hệ quốc tế là nơi mà tôi có quen biết nhiều, khi họ chỉ cầm 2, 3 cuốn sách trong tay phải đọc trong vòng mấy ngày là họ cảm thấy rất mệt mỏi và hoảng hốt, trong khi sinh viên ở Mỹ thì người ta giao cho mấy chục quyển sách trong một tuần, chuyện đó rất là bình thường. Vấn đề đặt ra là đọc như thế nào chứ đâu phải là đọc từng trang một của mấy chục quyển sách đó. Sinh viên của chúng ta ít biết cần phải học như thế nào, vì họ không biết học cái gì. Họ phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì... Đó là những điều hết sức mơ hồ đối với họ, họ chỉ tập trung vào một mớ kiến thức rất cố định. Không biết tôi nói có thái quá hay không và tôi cũng rất muốn được nghe ý kiến của một người trực tiếp làm lâu năm trong ngành giáo dục như anh Ninh.
- Ông Nguyễn An Ninh
Xin kính chào tất cả các anh, các chị!
Chúng tôi là những người tham gia trực tiếp trong ngành GD ĐT và GD ĐH nhiều năm. Hiện nay, được giao trách nhiệm về vấn đề chất lượng giáo dục thì một mặt chúng tôi cũng rất quan tâm, mặt khác chúng tôi lắng nghe được rất nhiều ý kiến nhìn nhận về chất lượng giáo dục nói chung của chúng ta và chất lượng GD ĐH nói riêng. Có thể nói đây là một vấn đề rất lớn, để đánh giá không phải dễ. Giữ được cách nhìn khách quan và tích cực trong khi đánh giá cũng rất khó. Bản thân chúng tôi cũng đã trải qua. Và trong dư luận cũng như tại các diễn đàn chính thức hay những ý kiến từ xã hội chúng tôi cũng thấy nhiều chiều như vậy.
Hiện nay, Chính phủ cũng sắp trình QH bản báo cáo về tình hình GD nói chung trong đó có GDĐH . Đây là bản báo cáo do Ban chỉ đạo của Chính phủ thực hiện trong nhiều tháng gần đây và Bộ GD - ĐTđược giao trực tiếp tham gia. Có thể nói, đây là một lần để chúng ta nhìn nhận lại bức tranh giáo dục, đặc biệt là GD ĐH. Ở góc độ là chúng ta kiểm điểm lại tình hình hiện nay so với những chủ trương, so với những mong muốn Nhà nước, của Chính phủ về giáo dục thì được đáp ứng như thế nào? Nói cách khác, đây là một lần chúng ta kiểm định lại ĐH như thế nào? Tuy nhiên, do chúng ta có một cách đánh giá khác cho nên chúng ta làm một báo cáo để tổng hợp thành một văn bản có tính chất báo cáo công tác để nhìn nhận lại các chất lượng giáo dục và các vấn đề GD ĐH.
Theo chúng tôi đây là một việc làm có ý nghĩa, vì nó sẽ tổng hợp lại cách nhìn cụ thể vào nền giáo dục ĐH của chúng ta. Tuy nhiên, với cách nhìn như vậy chúng ta cũng rất khó nói cụ thể về những lĩnh vực nào, tiêu chí nào vì từ trước đến nay như các anh chị cũng đã nói là, chúng ta chưa đưa ra được những tiêu chí cụ thể. Đặc biệt của nhà trường cũng như các cơ sở giáo dục ĐH, xem là họ phải đáp ứng những gì và sinh viên tốt nghiệp ra trường phải có những yêu cầu nào thì chưa đáp ứng được. Đấy là những việc cụ thể mà tới đây chúng ta phải tiến hành. Cụ thể, chúng ta sẽ tiếp cận với cách quản lý chất lượng GD ĐH bằng hệ thống những tiêu chí.
Trở lại, vậy thì chúng ta nhìn nhận chất lượng GD ĐH vào lúc này như thế nào? Theo chúng tôi cách đánh giá khách quan nhất là chúng ta vừa nhìn nhận những cái đã đạt được. Có nhiều ý kiến cho rằng,cái đạt được ít quá nhưng chúng tôi lại cho rằng không phải như vậy. Như các anh chị đã trao đổi, ở góc độ này hay góc độ kia, chúng ta đều có được kết quả đáng mừng. Đặc biệt là giáo dục đỉnh cao, giáo dục chất lượng cao, chúng ta cũng đã có một số kết quả được thế giới ghi nhận như: những cuộc thi quốc tế, hay là những dịp thanh niên của chúng ta thể hiện tài năng thì luôn cũng có tên tuổi của Việt Nam.
Tuy nhiên khi nhìn nhận lại thì chất lượng GD ĐH cũng còn nhiều bất cập, nhất là đối với những người đã có dịp đi học và làm việc ở nước ngoài đều thấy rằng: chúng ta còn một bước rất xa so với nhiều nền giáo dục của các nước. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ đây không phải là một sự việc quá đặc biệt, bởi lẽ giáo dục và đặc biệt là GD ĐH trên thế giới nói chung luôn luôn bất cập so với mong muốn của công chúng và của các chính phủ. Đây là một vấn đề chung. Có một số khi vực thì họ đạt kết quả cao và mức độ hài lòng của công chúng cao hơn, nhưng chúng ta chưa được như vậy. Chính vì thế chúng tôi nghĩ rằng sau Báo cáo tình hình giáo dục của Chính phủ có thể chúng ta sẽ chuyển sang một bước mới, tích cực hơn. Chúng ta đã có những bài học trong thời gian qua. Tới đây chúng ta sẽ phải chuyển sang quản lý theo các tiêu chí để xã hội biết GD ĐH của chúng ta đang ở đâu.
- TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Các quý vị đã đưa ra những lý do, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo dục chưa mang lại hiệu quả chưa được như mong muốn. Có một vấn đề tôi muốn nói, đó là sự gắn kết đầu vào và đầu ra, tương tự như doanh nghiệp với thị trường. Hiện ở nước ta, chuyện đầu ra và môi trường sử dụng cũng có nhiều bất cập tác động tiêu cực tới giáo dục. Ví dụ tệ bằng cấp giả, bằng cấp không chất lượng xuất phát từ cách đánh giá dựa theo bằng cấp, tuyển dụng theo bằng cấp. Các vị có ý kiến gì về vấn đề này?
- Bà Tôn Nữ Thị Ninh:
Tôi cho rằng bằng cấp chỉ là một trong những nhân tố, hoặc tín hiệu đánh giá chất lượng, có thể là cần, nhưng hoàn toàn chưa đủ. Thú thật, nếu tôi là người tuyển dụng lao động thì đối với tôi, bằng cấp chưa nói lên điều gì cả, nó chỉ như một điều kiện kỹ thuật đầu tiên mà tôi sẽ lập ra một cái danh sách sơ khảo dài (long list). Cái quyết định là tôi thu hẹp danh sách tuyển dụng vào vòng chung kết chắc chắn là cuộc phỏng vấn trực tiếp, thậm chí sẽ trắc nghiệm ngay. Tôi muốn nói tới công cụ trắc nghiệm, đặc biệt là trắc nghiệm kiểu Anglo Saxon (Mỹ - Anh), tôi là người học ở Châu Âu nên tôi rất ngưỡng mộ nền sau đại học của Mỹ. Tôi cũng có nhiều ý kiến riêng về một trong những công cụ trắc nghiệm đo lường ở trình độ đại học (trắc nghiệm). Tôi nói thật tôi cũng từng là một cô giáo, tôi thấy nó cũng chỉ là một cái thước đo rất tương đối, cũng rất là sơ khởi. Nếu tôi là người tuyển dụng người, tôi sẽ dựa trong cái chỉ số cho điểm vào cái phỏng vấn trực tiếp là ít nhất một phân nửa tổng số điểm vì qua cái đó tôi muốn kiểm tra cái gì. Suy cho cùng kiến thức và bằng cấp cũng chỉ là điều kiện khách quan, nó chưa nói lên cái khả năng vận dụng và sáng tạo, thích ứng thích nghi với tình huống của thí sinh muốn xin việc. Tôi xin kể một câu chuyện, tôi đã từng hỏi bên Canada, người ta tuyển các nhà ngoại giao như thế nào, có phải là người tốt nghiệp ở trường ĐH Ngoại giao hay Quan hệ quốc tế không, họ nói là không, bất kể, toán học cũng được, hoá học cũng được, quan trọng là phải đáp ứng được yêu cầu trong kỳ thi tuyển dụng. Trong kỳ thi tuyển dụng, họ không hỏi kiến thức, họ hỏi tình huống này bạn giải này như thế nào. Ví dụ ông bộ trưởng sắp bước xuống máy bay mà đang say khướt thì cô tuỳ viên báo chí sẽ cố vấn ông ta bước xuống và trả lời các nhà báo nước ngoài như thế nào trong tư thế như vậy. Ý tôi muốn nói là chúng ta phải đặt ra những yêu cầu đối với sinh viên là khả năng vận dụng kiến thức trong những tình huống do môi trường lao động, yêu cầu lao động và môi trường lao động đặt ra. Cho nên khi đặt vấn đề quản lý GD bằng chất lượng thì tôi nghĩ trước hết là bằng yêu cầu đề ra, sau mới đi vào chất lượng. Chất lượng cũng chỉ là sau, nó sẽ rất là chung chung nếu không đặt ra yêu cầu cho rõ ràng.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: - Chị Ninh nói là không đánh giá cao những hệ thống đánh giá đại học như TOEFL... Anh Kiên nghĩ thế nào?
Ông Phạm Đức Trung Kiên:
Tôi đồng ý với chị Ninh, tuy nhiên, hiện tại chưa có cách nào hay hơn để đánh giá tổng thể khả năng của SV. Ở Mỹ, thi trắc nghiệm phổ biến ở bậc phổ thông, nhưng có điều tai hại là SV Mỹ trong khi đi tuyển dụng lại viết rất dở. Kiến thức,cái nhìn, khả năng và bằng cấp, kiến thức các em thu được qua học hành, phải được vận dụng vào cuộc sống.
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Còn anh Khương bình luận gì về kiến thức, khả năng, bằng cấp?
Ông Vũ Minh Khương:
Mình nên nhìn vào hai đầu: đầu cung và đầu cầu. Đầu "cầu" phải có cái nhìn tinh xảo, đánh giá chính xác, phán đoán được nhu cầu của phía tiếp nhận lao động. Đầu "cung" là các trường ĐH, phải đặt trong thế cạnh tranh quyết liệt, Tôi thấy ở các trường ĐH lớn ở Mỹ bây giờ xác định đối thủ cạnh tranh còn hơn cả doanh nghiệp. Các nhà giáo dục luôn nghe SV cần cải tiến cái gì, đưa doanh nghiệp, các tổ chức đến để trao đổi về chất lượng đào tạo SV.
Ở các trường ĐH danh tiếng hàng trăm năm thì không nói làm gì, nhưng các trường mới nổi lên bây giờ rất đáng cho VN học tập. Trước đây 10, 15 năm, họ không có tiếng gì. Nhưng nhờ chính sách củng cố của người lãnh đạo có tầm nhìn đã xoay chuyển được tình thế.
Ở đây, tôi thấy, trong hai yếu tố chất lượng con người thì phẩm chất quan trọng hơn kiến thức. Phẩm chất yếu thì dù có kiến thức nhiều vẫn không tốt được.
Học sinh ở Mỹ có cách viết đơn xin việc rất hay, không bao giờ hỏi đến bố mẹ, nhờ người khác, viết rất độc lập, mang tính chất tự nhiên. Khi cần thì họ interview,
Đánh giá chất lượng một trường ĐH phải căn cứ vào các chỉ số: SV tốt nghiệp bao nhiêu tháng thì có việc, lương và thu nhập của họ bao nhiêu, cơ quan nào...Vậy thì Chính phủ và các doanh nghiệp, là khách hàng của các trường ĐH, phải gương mẫu trong vấn đề phán xét chất lượng, hiệu quả đào tạo ĐH một cách nghiêm khắc. Những người yếu kém không thể nào vào được cơ quan tốt. Ở Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc,v.v..., làm trong một cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, người ta có thể ngẩng đầu lên: tôi là người học tập xuất sắc. Chính những nhu cầu sắc bén này khiến các trường ĐH tăng sức cạnh tranh.
- Ông Nguyễn An Ninh:
Nhân các anh chị đang nói về cung và cầu, hay nói cách khác là chất lượng cụ thể của người học khi ra trường thì chúng tôi xin tham gia một vài ý như thế này. Hiện nay, có một cái cũng rất lãng phí. Đó là việc đào tạo những SV ở bậc ĐH đã là khó - khó có chất lượng cao. Mà ngay cả những SV giỏi nhất cũng chưa hẳn đã kiếm được việc làm. Tôi muốn nói đến một tỷ lệ nhất định: một số người có việc làm nhưng chưa hẳn đã có chất lượng tốt vì bằng cách này hay cách khác mà có được việc làm.
Tinh thần như các anh chị vừa nói, là các nhà tuyển dụng những người tốt nghiệp phải có thái độ đúng mức đối với xã hội để có thể tuyển dụng được những người giỏi, có năng lực vào làm việc. Hiện nay, chúng tôi thấy riêng việc này cũng còn nhiều vấn đề đặt ra. Cụ thể là những cuộc phỏng vấn hay các cuộc tuyển dụng ở đâu đó, đôi khi rất hình thức, không thực sự tuyển được những người có chất lượng. Hoặc là những cơ chế, đặc biệt là trong các cơ quan nhà nước ở các cấp, thanh niên vẫn than phiền, tốt nghiệp có bằng giỏi nhưng không có việc làm. Đây là một thực tế, tôi cho rằng muốn đẩy chất lượng GD ĐH của chúng ta lên mức độ cao hơn cũng phải nghĩ đến. Bởi tôi nghĩ, đây không những là thước đo mà nó còn là đòn bẩy kích thích chất lượng giáo dục tăng trưởng. Khi một trường ĐH đào tạo một số sinh viên có chất lượng, được sử dụng đúng mức thì tạo điều kiện cho nhà trường trong đào tạo sẽ hợp lý và có chất lượng hơn.
Một ý khác tôi cho rằng nó còn tệ hơn điều tôi vừa nói. Đó là tình trạng sử dụng lao động không có đào tạo ở trong khu vực dịch vụ. Tôi cũng chưa có những điều tra cụ thể trong các doanh nghiệp, các cơ sở của nhà nước có tình trạng này không, nhưng ít nhất trong một số khu vực dịch vụ mà chúng ta vẫn thường thấy là những người phục vụ không có bằng cấp. Nói như chị Ninh, có bằng cấp chưa hẳn quyết định, nhưng những người làm việc trong khu vực dịch vụ lại không có bằng cấp. Họ lao động chỉ mong có chút lương, những kỹ năng nghề nghiệp không có bao nhiêu, do đó chất lượng dịch vụ rất thấp. Nếu chúng ta chỉ nhìn nhận vào chất lượng dịch vụ, chúng ta nhìn vào cách làm việc không giỏi giang của một bộ phận lao động khu vực này mà chúng ta lại nghĩ đây là sản phẩm của GDĐH thì đây cũng là một cái khó trong đánh giá chất lượng GDĐH.
- TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Vậy ta sẽ bàn về tư duy, triết lý đào tạo, môi trường đào tạo. Tôi nghĩ rằng, giáo dục của chúng ta mang tính thụ động một chiều, học sinh không được rèn tính chủ động và khả năng giải thích vấn đề nhiều hơn là nhận thức, kiến thức cần có. Chúng ta đã nói tới vấn đề đầu ra, môi trường - đây cũng là mặt yếu kém của chúng ta trong thời gian vừa qua, dẫn tới tình trạng bằng cấp dởm cho đến việc những con người thực sự có năng lực không được trọng dụng.
Về cạnh tranh, như chúng ta vừa nói rằng, muốn phát triển giáo dục được thì phải có cạnh tranh. Thế thì chúng ta phải nhìn lại xem: môi trường, chính sách của chúng ta thời gian qua đã hỗ trợ, đã nuôi dưỡng được yếu tố cạnh tranh trong các trường ĐH hay chưa, trước hết, xin mời chị Tôn Nữ Thị Ninh.
- Bà Tôn Nữ Thị Ninh:
Tôi quên một cái ý rất quan trọng. Thực ra nếu nói về diện, điểm thì về diện, đó là cái sức mạnh của Việt Nam, nếu so với các nước đang phát triển khác thì có lẽ không nhiều nước có một mạng lưới trường ĐH,CĐ rộng khắp như ở VN, có những người sang VN mà họ không hiểu biết gì họ cứ hỏi VN có được vài chục trường ĐH không, họ không nghĩ mấy trăm mà họ nghĩ chỉ có được vài chục không. Cho nên phải nói rằng, thời kỳ trước đã để lại một mạng lưới và hạ tầng cơ sở của giáo dục, tôi không muốn nói về xi măng bê tông đâu mà muốn nói tới cái mạng lưới, cái hệ thống, đó là cái có sẵn. Nhưng về điểm, nói khác đi là những đơn vị cấu thành ở trong hệ thống mạng lưới đó thì mờ mờ lắm chẳng có gì là nổi bật cả. Chúng ta có những cá nhân nổi bật, trong nước cũng có, khi tôi tiếp cận với những DN nước ngoài, họ rất khen ngợi các cán bộ trẻ, quản lý trẻ do họ tuyển dụng. Hoặc như tôi vừa kể về anh Ngô Bảo Châu, nhưng để có được một trường ĐH nằm trong mạng lưới 20 hay 50 trường ĐH hàng đầu của châu Á - Thái Bình Dương, tham gia câu lạc bộ những trường ĐH hàng đầu của khu vực thì có lẽ chưa có trường ĐH nào của ta đạt được tiêu chuẩn đó. Ý tôi muốn nói là vấn đề cạnh tranh là ở chỗ này, trước hết là sự cạnh tranh giữa các trường ĐH với nhau, chúng ta phải tiến tới một sự xếp hạng trường ĐH, Bộ Giáo dục đã nghĩ đến chuyện đó chưa, mà có lẽ không nên chỉ có Bộ Giáo dục tham gia xếp hạng mà các doanh nhân...
- TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Quay trở lại vấn đề này, để có cạnh tranh, sự phát triển thì nên chăng, nếu mà chỉ có các trường ĐH công lập của Nhà nước thì đôi lúc sẽ có những trì trệ, chậm chạp. Thế thì tôi muốn hỏi rằng, chúng ta có chăng phải có những hệ thống ĐH tư thục như ở nước Mỹ chẳng hạn. Các anh có ý kiến gì về vấn đề này? Xin mời anh Khương, anh Kiên.
Ông Phạm Đức Trung Kiên:
Trước khi trả lời về trường tư thục, tôi có ý kiến thế này: theo tôi, giáo dục trong nước đã có sự cạnh tranh. HS trước khi vào ĐH đã có chọn trường, tức là cạnh tranh đầu vào.Tất nhiên, tôi đồng ý sự cạnh tranh chưa rõ ràng, nhất là cạnh tranh trong thị trường.
Ông Vũ Minh Khương:
Cạnh tranh ĐH điều kiện quan trọng để thúc đẩy chất lượng giáo dục VN. Khi đó, Nhà nước vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cạnh tranh này. Nếu cứ để các trường ĐH nhận kinh phí từ Nhà nước một cách đồng đều thì cũng giống như các doanh nghiệp bị bao cấp nhiều, họ không có sức ép thực sự để tạo ra chất lượng tốt.
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Vâng, từ nãy đến giờ chúng ta chưa nói nhưng thực chất chúng ta đang đi sang vấn đề thứ hai của buổi bàn tròn trực tuyến ngày hôm nay, đó là giải pháp. Giải pháp nào để giải quyết được những vấn đề chưa hài lòng về giáo dục của chúng ta? Xin các quý vị khách mời cho những ý kiến thực sự cụ thể. Trước mắt, chúng ta đã có chủ trương của Nhà nước hiện nay là "xã hội hoá giáo dục". Đó là một chủ trương, chúng tôi đánh giá là rất có tính đột phá rất cao và chắc chắn là đón nhận được sự ủng hộ của mọi tầng lớp trong xã hội. Tuy nhiên, vấn đề là phải thực hiện được nó một cách cụ thể như thế nào? Chúng tôi mong muốn được nghe ý kiến của quý vị. Mời chị Tôn Nữ Thị Ninh.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh:
Thực sự khái niệm xã hội hoá nếu hiểu là tạo điều kiện cho các tác nhân trong xã hội tham gia cung cấp dịch vụ đào tạo thì đương nhiên ai cũng đồng ý cả vì Nhà nước đã kết luận rằng đối với các dịch vụ xã hội thì một mình Nhà nước (ở đây có thể hiểu là các trường đại học công lập) cũng không thể đáp ứng hết yêu cầu và nhu cầu. Chúng tôi biết là đang có một chủ trương khuyến khích thành lập các trường ĐH tư thục. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn tình hình hiện giờ thì cũng không có nghĩa là Nhà nước hoàn toàn không có vai trò gì ngoài cho phép.
Nếu chỉ cho phép mà buông trôi sự kiểm soát về yêu cầu chất lượng như là để bảo vệ người tiêu dùng ấy, tôi xin dùng ngôn từ của thị trường, nếu giả định Nhà nước không can thiệp trong sự cung cấp dịch vụ của tác nhân tư thục đó. Nhưng Nhà nước cũng không thể không làm gì cả nếu những tác nhân đó vi phạm pháp luật và vi phạm những tiêu chuẩn, tiêu chí mà sẽ có sự thoả thuận rõ ràng giữa cơ quan của Nhà nước mà đại diện cho vấn đề giáo dục là Bộ GD-ĐT.
Nếu họ vi phạm những yêu cầu đó, những chuẩn mực đó thì phải thổi còi, nếu không thì sẽ là một cuộc chạy đua theo lợi nhuận. Cần phải thấy rằng giáo dục và y tế không thể là những hàng hoá hoàn toàn bình thường được. Cho nên cho phép rồi chỉ đảm bảo pháp luật thì chưa đủ. Chúng tôi cho rằng phải có cái gọi là khế ước xã hội giữa cơ quan đại diện cho quyền lợi quốc gia.
Như vậy, vai trò của Nhà nước, chúng tôi nghĩ là phải hơn là đảm bảo pháp luật và đảm bảo một số yêu cầu chúng ta phải xác lập với nhau trong một cái trao đổi rất đầy đủ giữa các bên liên quan trong đó có các cơ quan đại diện cho Nhà nước, có các bên sử dụng sản phẩm cuối cùng là tất cả các cơ quan đơn vị tuyển dụng lao động, thứ ba là bản thân bên cung cấp dịch vụ là các trường đó, thứ tư là những người mua dịch vụ đó, là các sinh viên cũng có tiếng nói.
Tôi mường tượng tối thiểu bốn bên đó phải ngồi lại với nhau để xác định: ngoài những tiêu chí về pháp luật của bất cứ một đơn vị cung cấp dịch vụ nào thì những yêu cầu về mặt quốc gia, về mặt xã hội cả về mặt đạo đức. Ví dụ mẫu người như thế nào thì chúng ta cũng phải có sự thảo luận với nhau mà vấn đề đó cũng phải mất một thời gian nhất định thì mới đưa ra được. Những yêu cầu đó không thể hoàn toàn giống ở một nước phát triển hay là ở một nước châu Âu. Ta là một nước châu Á đang phát triển, có một định hướng chính trị xã hội cũng có khác, chắc chắn nó cũng đượm màu những yêu cầu đề ra.
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Chúng ta đã nói về chuyện mở cửa cho giáo dục, xã hội hoá giáo dục và quản lý nó. Thế nhưng tôi vẫn lo rằng, thực sự một trường ĐH đầu tư rất lớn nhưng thu lại không dễ dàng. Nếu mà chúng ta không có những thu hút đầu tư và có những đầu tư lớn thì không thể có những trường ĐH tốt, vượt trội hơn hẳn cái hệ thống ĐH hiện nay. Xin hỏi anh Kiên, theo anh, giải pháp nào để chúng ta có thể có những trường ĐH tư mà thực sự chất lượng cao? Và có thể, từ những đầu tư này, chúng ta dấn lên, tạo thành các trường có thể sánh ít nhất là trong khu vực của chúng ta? Xin mời anh Kiên.
Ông Phạm Đức Trung Kiên:
Thứ nhất, trường tư thục là tất yếu cho phát triển kinh tế, xã hội. Lý do là hiện tại một triệu em đi thi chỉ hơn 100 nghìn em vào ĐH, 90% còn lại không vào. Sự chênh lệch cung cầu quá lớn, Chính phủ không thể nào giải quyết nhu cầu quá lớn như vậy bằng ngân sách quốc gia. Giải pháp là phải cho các nhà đầu tư mở trường, vấn đề cần nói là phải kiếm soát như thế nào để bảo đảm chất lượng và bước đi phù hợp với điều kiện của đất nước.
Làm sao phát triển một ĐH, mà theo đề nghị của nhóm GS Hoàng Tụy gọi là ĐH hoa tiêu, tôi tán thành. ĐH hoa tiêu này muốn thành công, phải chú trọng ở 2 yếu tố: thứ nhất là nhân sự, thứ hai là giáo trình, còn tiền bạc là chuyện thứ ba. Ở Mỹ, có hai khoản đầu tư chắc chắn sẽ thành công: bệnh viện cho tốt và trường học cho tốt.
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Nhưng mà chưa hẳn anh Kiên ơi, xin lỗi, xin ngắt lời anh một chút. Vì thực tế xã hội Việt Nam hiện nay, đến giờ này, không phải dễ có một nhà đầu tư bỏ ra khoảng 5 - 7 triệu USD để đầu tư một trường và để có một trường ĐH tốt thì chắc chắn, cũng phải đầu tư cỡ chục triệu USD. Anh thấy thế nào?
Ông Phạm Đức Trung Kiên:
Tôi không nói một nhà, mà nhiều nhà, phải cổ phần hóa sự đầu tư thì mới thành công được. Tôi nhắc lại, giáo trình và nhân sự vẫn là vấn đề quan trọng.
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Vâng, tức là anh nói rằng 3 vấn đề: một là giáo trình đào tạo, nhân sự giảng dạy và thứ ba là nhà đầu tư. Nhưng mà tôi thì tôi thấy rằng, giáo trình và nhân sự chúng ta có thể có giải pháp mời GS nước ngoài về giảng dạy và chúng ta có những cua mở (open course) của MIT. Hiện nay họ đã đưa ra miễn phí trên mạng cho chúng ta có thể dịch, biên soạn và phát triển để học hỏi chương trình đó. Kể cả chương trình lớn như Harvard chẳng hạn. Những chương trình tiên tiến như vậy..., về kinh doanh chúng ta có thể học hỏi. Tuy nhiên, tôi vẫn lo lắng một điểm là cách thức thực hiện. Bởi vì, chúng ta có thể cho ĐH tư ra đời. Chủ trương đó rất hay nhưng trình tự làm thủ tục nhưng mà quá trình triển khai nó như thế nào mới là quan trọng. Thứ hai, chúng ta có thể dễ dàng cho các trường ĐH nước ngoài đến tổ chức mở trường tại Việt Nam nhanh chóng hay không? Vấn đề này, xin mời ông Nguyễn An Ninh cho ý kiến.
- Ông Nguyễn An Ninh:
Nắm được tình hình giáo dục của chúng ta và đề ra một số giải pháp khắc phục - đó là việc Nhà nước và nhân dân hiện nay đang rất quan tâm. Và chúng ta đều biết là, có những chủ trương đã được đưa ra hoặc sắp được đưa ra một cách cụ thể. Việc đầu tư cho GDĐH khó nhưng chắc chắn chúng ta sẽ tìm được hướng điều chỉnh. Chúng tôi quan niệm nó sẽ phải có mục đích nhất định. Các anh đang nói đến chuyện đầu tư từ xã hội, từ Nhà nước cho GDĐH, nhưng tôi cũng muốn quay trở lại: vậy thì mục đích nó phải như thế nào? Nó phải nâng cao chất lượng và phải tạo ra được một sự cạnh tranh. Muốn như thế, tôi nghĩ song song với những chính sách và đầu tư thì chúng ta phải có những chuẩn mực GDĐH và giáo dục nói chung để đạt đến. Để từ đó những cơ sở giáo dục làm căn cứ thực hiện.
Tôi thì thiên về hướng quản lý chất lượng nên có những suy nghĩ về vấn đề quản lý chất lượng. Trong khi chúng ta muốn mở ra hệ thống GDĐH rộng rãi hơn, đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu học tập của xã hội thì phải nghĩ đến các điều kiện bảo đảm chất lượng. Đó mới là giải pháp vững vàng cho một thời gian lâu dài, kể cả dưới góc độ của những nhà đầu tư.
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Từ nãy giờ chúng ta đã nêu 3 cái chính để thấy rằng, giáo dục của chúng ta chưa đạt được như ý muốn. Đó là tư duy đào tạo, môi trường sử dụng và chính sách, chưa tạo ra động lực cạnh tranh. Bây giờ quay trở lại giải pháp, phải chăng chúng ta phải bắt đầu từ những nguyên nhân yếu kém này để giải quyết dứt điểm nó? Chẳng hạn, đầu ra của ĐH, yếu tố gần như quyết định để biết các trường ĐH có cạnh tranh được hay không? Làm thế nào để môi trường của chúng ta phải lành mạnh hơn trong sử dụng nguồn lực? Xin mời chị Ninh.
- Bà Tôn Nữ Thị Ninh:
Thực ra , việc sính bằng cấp làm méo mó quá trình bắc cầu giữa bên sử dụng lao động và bên cung cấp lao động. Bằng cấp dỏm thì cũng là sản phẩm dỏm. Nó đặt cho người sử dụng lao động gánh nặng thêm là không thể coi tất cả bằng cấp như là tiêu chuẩn kỹ thuật ban đầu được đảm bảo. Trong môi trường xã hội bình thường thì cứ dựa trên cái bằng cấp đó thì cũng vượt qua ngưỡng 1 rồi. Do cái tình hình bị bóp méo như thế ở VN, thì ngay cả cái bước 1 này cũng cần phải kiểm tra lại, tốn công sức mà đôi khi cũng lúng túng, kiểm tra kiểu gì, biết được ai đang dùng bằng cấp thật bằng cấp giả. Tôi trở lại vấn đề phỏng vấn, tôi nói thật, chỉ cần giao cho tôi một người, ví dụ có bằng cấp giả về quan hệ quốc tế, tôi chỉ cần phỏng vấn, có thể là phỏng vấn hơi lâu một tý là tôi có thể phát hiện được...
- TBT Nguyễn Anh Tuấn: Nó lại đòi hỏi người lãnh đạo phải có năng lực nữa...
- Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Vâng. Đòi hỏi thứ nhất là năng lực của lãnh đạo tuyển dụng phải thừa nhận thực tế không vui đó. Thứ hai là phải quyết tâm loại bỏ việc đưa sản phẩm lao động dỏm vào môi trường lao động của mình, vì một sản phẩm dỏm như thế vào thì con sâu làm rầu nồi canh.
Đó không chỉ là sự lãng phí đơn thuần. Khi mà một người giỏi, bằng cấp thật lại được trả cùng lương với một người bằng cấp dỏm thì động lực vươn lên của người thật thì như thế nào. Như vậy, nó làm bóp méo tiếp toàn bộ môi trường lao động, là nhân tố phá hoại. Chính vì vậy, đòi hỏi lãnh đạo phải ý thức được vấn đề, phải quyết tâm giải quyết vấn đề, bỏ công sức đi tìm người phỏng vấn có đủ trình độ để phân biệt thóc và gạo.
Cũng như liên quan đến vấn đề giáo dục mà tôi đã từng phát biểu ở một số cuộc thảo luận trong QH. Tôi cho rằng chính những vụ tham nhũng lớn thì đã có cơ quan pháp luật sờ đến thì tôi lại ít lo hơn là cái tiêu cực hay tham nhũng mà rộng khắp, ở vỉa hè hay là trong một văn phòng tiếp dân vân vân... Ttrong chuyện này, cũng phải giải quyết tư duy là sính bằng cấp mà cái này thì gọi là cả một cuộc đấu tranh văn hoá xã hội. Cả xã hội phải tiến hành, từng phụ huynh, từng con người công dân VN phải phản đối và tránh tư duy chạy theo bằng cấp chứ không thể gánh nặng chỉ trút về cho những người tuyển dụng và sử dụng lao động.
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Cám ơn chị. Quay trở lại chính sách. Thế thì bây giờ, chúng tôi vẫn muốn hỏi anh Khương xem là, theo anh, hoạch định chính sách như thế nào là hợp lý để cho phát triển được nhiều trường ĐH tốt ở Việt Nam. Có thể ĐH tư thục chẳng hạn. ĐH công lập, ĐH Nhà nước chúng ta đã có sẵn rồi. Nhưng mà chúng ta thấy, muốn có nhân tố mới để cạnh tranh, thể hiện, để tạo ra những cái gọi là ĐH hoa tiêu đó, anh thấy thế nào?
Ông Vũ Minh Khương:
Theo tôi, con người vẫn là vấn đề then chốt. Ở Hàn Quốc, Đài Loan hay Nhật Bản, họ đều tìm những gười thật sự tâm huyết, tài năng, quy tụ được người khác và huy động được nguồn lực không chỉ trong nước và quốc tế. Chứ nhiều người chỉ nghĩ ĐH ăn lắm, tập hợp với nhau làm đi thì không bao giờ thành công.
Bây giờ phải tìm những con người có trái tim rất lớn, khao khát đóng góp sự nghiệp của mình cho giáo dục.
Nhà nước đã bỏ hàng chục triệu đô la cho học sinh ra nước ngoài học tập, đây là một chính sách táo bạo. Nhưng tôi nghĩ táo bạo hơn, sao không bỏ ra chục triệu đô la như vậy để xây dựng ĐH trong nước, rồi bỏ ra trăm ha đất, không bắt chúng tôi khổ sở đi xin thủ tục này khác, mà chỉ yêu cầu: nếu đáp ứng các tiêu chuẩn để mở trường ĐH, thì đất này là của trường, rồi cho vay 30 - 50 năm để xây dựng trường xứng đáng. Lúc đó thì người tài sẽ nườm nượp kéo về, góp phần thay đổi sự nghiệp giáo dục sâu sắc.
Mạnh hơn, Nhà nước có thể cải tổ ngay chính ĐH trong nước như ĐH quốc gia, ĐH Bách khoa, bởi tư nhân không thể đủ nguồn lực "đi nhanh" bằng Nhà nước. Các anh các chị thấy, ở Singapore, Nhật Bản, các ĐH hàng đầu là của nhà nước. Có một kinh nghiệm, khi Nhà nước quản lý ít hơn thì hiệu quả cao hơn là một Nhà nước cố gắng o bế quản lý tất cả các nơi mà chất lượng không đảm bảo.
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Chúng ta nói về cơ chế, chính sách để tạo ra những trường ĐH tốt, đặc biệt là ĐH tư nhân. Xin hỏi thêm ngoài lề anh Khương ơi, thế mấy hôm nay ở bên Harvard, ở Boston thì lá còn vàng không? Cây còn lá vàng không?
Ông Vũ Minh Khương:
Rất nhiều rồi anh ạ...
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Trên dòng sông Charles nay mọi người còn đua thuyền nhiều không?
Ông Vũ Minh Khương:
Còn một vài người thôi. Này, tôi thấy câu hỏi của anh gợi một ý rất hay, tại sao cây ở đó lúc có lá sum suê, lúc không có lá?
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Vâng, anh có thể qua đây nó qua một chút về giá trị tinh thần của một trường ĐH lớn, có thể nói được đánh giá là số 1 thế giới. Thế thì giá trị của nó là chỗ nào để chúng ta có thể chia sẻ và xây dựng các trường ĐH ở Việt Nam tốt, nhắm tới một trường ĐH có chất lượng, uy tín?
Ông Vũ Minh Khương:
VN hoàn toàn có nguồn lực dồi dào, tạo ra trường ĐH danh tiếng, ít nhất là ở Đông Á. Tôi nghĩ VN có thể xuất khẩu giáo dục những ngành như toán, kỹ thuật. Tôi thấy giá trị của Harvard là: người đến học sẽ tạo được một cái gì cho XH. Khi apply vào trường này, người ta có tham vọng như vậy chứ không phải đơn thuần là "kiếm một cái bằng", hay cách khác, bằng cấp là "bàn đạp" để họ vươn tới ước mơ. Chúng ta. làm sao mở được ĐH kiểu đó, trân trọng khả năng của người nhập đơn và tạo mọi điều kiện để họ thực hiện ước mơ. Một khi chúng ta tinh xảo được ĐH như vậy, chắc chắn trong thời gian không xa, trường ĐH sẽ đưa ra được những người có thể ngồi vào cương vị lãnh đạo, để khi SV tốt nghiệp ra nước ngoài, người ta kính nể vì bản sắc và giá trị. Tức là, phải bắt đầu từ tầm nhìn và ước muốn.
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Nói về thương hiệu của ĐH Harvard còn phải nói tới văn hoá, tinh thần, giá trị sâu bên trong để mỗi học viên, mỗi cựu SV của ĐH Harvard. Tôi thấy giá trị tinh thần nổi đậm của ĐH Harvard là sau khi tốt nghiệp, mạng học viên đó liên hệ với nhau rất chặt chẽ, hỗ trợ cho nhau. Đối với Harvard Business School (trường ĐH Kinh doanh Harvard), mỗi năm có tổ chức một diễn đàn gọi là Diễn đàn lãnh đạo toàn cầu các quốc gia khác nhau. Từ đó, mọi người có cơ hội để tiếp tục học tập, trao đổi kiến thức với các GS cũng như bạn đồng học của mình. Tôi thấy cái giá trị tinh thần đó hiếm có trường nào có được, và nó cho thấy rằng, chúng ta khi đã vào Harvard, đó chỉ là bước đầu tiên trong con đường học hành và quá trình học luôn được cập nhật không ngừng. Tôi nghĩ rằng, anh Khương có thể kể qua những giá trị đó, những câu chuyện cụ thể cho chúng ta thấy một thực tế rất sinh động về môi trường ĐH mà chúng ta nhắm tới.
Ông Vũ Minh Khương:
Harvard có chính sách lạ: dù anh có tốt nghiệp xuất sắc đến mấy, họ cũng không nhận ngay, mà anh phải đi làm đâu đó một thời gian, tránh tình trạng GS giữ SV giỏi của họ ở trường. Tức là sự sòng phẳng và trung thực ở trường này rất tốt, HS không bao giờ nghĩ đến việc quay cóp hay "xin điểm".
GS tập trung tinh lực chủ yếu vào nghiên cứu, vì người ta đánh giá giáo viên là ở sự đóng góp trí tuệ. Việc giảng dạy chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định. GS chủ yếu là tấm gương để SV theo đuổi (chứ không như ta, tối ngày lên giảng đường dạy hết giờ này đến giờ khác, tiêu hao năng lực). Cơ chế của Harvard rất khắc nghiệt, ai không trau dồi đủ khả năng thì cho ra.
SV ở trường ĐH làm nhiều project, qua đó, họ gắn kết với nhau. Chứ không như SV ở ta, thi xong rồi thôi, ít sinh hoạt tập thể. Người Mỹ có tính cá nhân rất cao, nếu không có việc học theo nhóm thì họ rất ít gắn bó với nhau.
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Theo anh Kiên thì anh Khương có quá lạc quan hay không? Trước mắt, VietNamNet, qua gợi ý của anh Khương, sẽ đứng ra tổ chức mời các anh về bàn soạn. Còn anh Kiên, nếu đặt vấn đề trường Stanford mở phân hiệu tại Việt Nam, anh có tham gia hay không?
Ông Phạm Đức Trung Kiên:
Câu trả lời ngắn là "không". Còn trả lời dài: Tôi cảnh giác anh em trong nước, không nên kỳ vọng các trường lớn sang VN mở chi nhánh và phân hiệu. Các ĐH lớn ở Mỹ (tôi chỉ nói ở Mỹ thôi còn Âu châu có thể khác) họ không muốn đi đâu cả. Trường hợp như Singapore là một ngoại lệ. Các trường ĐH Mỹ như MI, John Hopkin sang Sing chỉ là 1 chương trình nhỏ, do 1 vài người thầy sắp về hưu làm những việc cuối cùng trước khi về.
Chúng ta không nên kỳ vọng vào thương hiệu của các trường ở bên Mỹ để đẩy mạnh chất lượng giáo dục ĐH của ta.Vì vậy, chúng ta cần xây dựng khả năng của chính chúng ta trong nước.
- Ông Nguyễn An Ninh:
Tôi xin tiếp nối ý kiến về vấn đề các anh chị nêu ra. Tôi vừa kết thúc chuyến khảo sát ở châu Âu. Việc chúng ta muốn vời các ĐH, đặc biệt là các ĐH danh tiếng để họ đến với chúng ta theo kiểu liên kết để rồi lấy cái bằng của họ làm tiêu chí, làm mục tiêu cho thanh niên Việt Nam thì khó thực hiện. Vì tôi có hỏi ở Hà Lan, Luật của họ quy định không được ra ngoài cấp bằng. Như vậy sẽ không thoả mãn mục tiêu của chúng ta. Nếu nghĩ đến chuyện đưa các trường ĐH danh tiếng vào hỗ trợ trong đào tạo rồi cấp bằng thì tôi e cũng khó, giống như Hà Lan.
Tiếp ý các anh chị đề cập đến trường ĐH Harvard, tôi có một vài suy nghĩ ở góc độ thế này: Có lẽ, cái giá trị ở những trường ĐH như vậy cũng như những truyền thống của họ. Và điều họ làm được mà nhiều nơi khác không làm được là cái văn hóa chất lượng trong quá trình đào tạo. Khái niệm văn hóa chất lượng hình thành trong giáo dục thì rất rộng. Hình ảnh của trường ĐH Harvard đảm bảo được điều đó và nó trở thành văn hóa chất lượng chứ không chỉ là những quy định. Làm sao chúng ta có được những cái này mới là cái khó...
Phải chăng chúng ta mong muốn các ĐH danh tiếng của nước ngoài hỗ trợ chúng ta, và những người của chúng ta đến học tập tại những trường ĐH danh tiếng như vậy làm thế nào để quay về thúc đẩy chất lượng giáo dục của Việt Nam. Theo tôi, trước hết cần phải mang về cái văn hóa chất lượng. Đạt được điều này ở trong nước hiện nay không phải dễ. Các cơ sở đào tạo không biết đặt lên trên hết là cái gì. Có những trường hợp đặt lợi ích kinh tế là chính chẳng hạn. Do vậy, cần đặt ra những tiêu chí cụ thể để có thế đánh giá được chất lượng.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh:
Liên quan đến Harvard theo tôi hiểu là liên quan đến các vấn đề đầu tư mà vừa rồi anh Tuấn có nêu câu hỏi là "liệu ở VN ai sẽ đầu tư vào?" Ban đầu chắc là chúng ta sẽ phải động não. Nếu một trường ĐH thành công thì chính nó sẽ tự sản sinh ra đầu tư. Theo tôi hiểu, Harvard rất giàu vì chính những người được đào tạo ở Harvard sau đó rất thành công trong mọi lĩnh vực của XH và bộ máy công quyền của Mỹ, lại đầu tư trở lại trường với tư cách là cựu sinh viên, nghiên cứu sinh. Như vậy viễn cảnh của chúng ta là: Hãy làm đi! Đương nhiên bài toán khó là làm thế nào để bắt đầu. Nếu thành công thì tôi tin rằng cái thành công đó sẽ giúp chúng ta tìm được những nguồn đầu tư khá dồi dào cho chính nó tiếp tục mở rộng và phát triển.
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Vâng, rất cám ơn các vị khách mời đã có ý kiến như vậy. Tôi thấy rằng ở đây nên có một cái gì đó, chúng ta nên tận dụng sự hợp tác. Giống như ở TP. Hồ Chí Minh, tôi thấy có Trung tâm đào tạo Fullbright. Trung tâm đó là một phần của các GS ở Harvard hỗ trợ cùng Quỹ Fullbright. Và tôi đánh giá là trung tâm đó rất thành công. Thực sự, đây gần như là một cái trường, trường đào tạo quản lý Nhà nước rất tốt, mang dáng dấp của một Kennedy School của Việt Nam. Thế thì chúng ta có nên xem xét và tiếp tục mô hình này hay không? Mời anh Khương.
Ông Vũ Minh Khương:
Các GS Harvard giỏi hơn về vấn đề nghiên cúu và đưa ra những cái mới, chứ chưa hẳn đã là dạy giỏi. Điều này chinh SV của trường đánh giá. Vì vậy, đừng ảo tưởng mang họ đến dạy sẽ ra được người tài. Cái chính vẫn phải là người thầy Việt Nam, giỏi giang và giàu tâm huyết. Nếu ta làm cho được một trường "chói sáng". Khi đã "chói sáng" rồi thì các trường ĐH nước ngoài khác sẽ chủ động đến hợp tác, cấp bằng ĐH của ta.
Anh em ở VN giỏi, ta đào tạo con người cho ta, giải quyết những vấn đề của Việt Nam. Đó là kỳ vọng mà ta muốn làm. VN không thể mạnh nếu dựa vào đầu tư nước ngoài. Dựa vào đầu tư nước ngoài nhiều là Malaysia, thì cũng chỉ dừng ở đó.
Các dân tộc như Hàn Quốc,Trung Quốc, Nhật Bản bước ra thế giới vững vàng bởi họ biết phát huy nội lực.
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Vâng, cám ơn các anh. Chúng ta ai cũng thấy 4 vị khách mời của chúng ta hừng hực khí thế dân tộc. Ai cũng có quan điểm rằng, chúng ta nên đi bằng đôi chân của chúng ta, có học tập kinh nghiệm của thế giới và thậm chí hợp tác quốc tế. Vậy thì, quay trở lại vấn đề chính sách, thưa ông Nguyễn An Ninh, ông có thấy là liệu chính sách của chúng ta có thể dễ dàng tạo ra được những trường ĐH như thế hay không? Ví dụ như cấp phép cho một trường ĐH tư, cấp đất để họ xây trường và dành những ưu đãi nhất định để cho chúng ta nhanh chóng hoàn thành thủ tục mà như anh Khương nói "đừng có hành nữa"?
- Ông Nguyễn An Ninh:
Tôi cũng xin thông báo luôn, cải cách hành chính ngay trong Bộ GD - ĐT cũng đang xúc tiến rât mạnh mẽ. Đương nhiên, con đường chúng ta đi không phải là ngắn, cũng không phải dễ dàng. Nhưng tất cả những yếu tố, những yêu cầu đặt ra có thể nói là chúng ta đều có thể đồng thuận được với nhau. Hay nói một cách khác, chúng ta không có con đường nào khác chúng ta phải có những học hỏi để áp dụng vào điều kiện của mình một cách linh hoạt hơn, có thái độ hòa nhập hơn. Với tinh thần như vậy chúng tôi nghĩ sớm có cách thức cụ thể để mở cửa hệ thống ĐH của chúng ta và có thể đạt được chất lượng cao hơn.
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Tôi muốn hỏi cụ thể hơn: giả sử bây giờ một nhóm như anh Khương nói, những anh em có tâm huyết, có khả năng, tầm nhìn và chúng ta có thể kêu gọi được đầu tư và có thể có những chương trình tốt. Thế thì từ lúc anh em chuẩn bị hồ sơ, phương án chuyển lên thì theo ông, bao lâu chúng ta có được giấy phép cho trường đó?
- Ông Nguyễn An Ninh:
Câu hỏi này có lẽ nó cụ thể hơn đối với một người làm công tác hành chính. Như tôi nói, chúng tôi được giao trách nhiệm về quản lý chất lượng, cho nên những vấn đề cụ thể như vậy tôii nghĩ trước mắt không ai có thể trả lời ngay như một đáp số chính thức, cụ thể. Nhưng tôi cũng hy vọng, Quy chế về trường ĐH tư thục sắp ban hành cũng tạo cho chúng ta điều kiện, giúp chúng ta có thể hình dung cụ thể hơn về vấn đề anh đặt ra về những vấn đề thủ tục nhanh nhạy như thế nào.
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Chúng tôi thấy rằng, đúng là chủ trương của chúng ta thì rất là hay. Nhưng mọi người vẫn đang kêu và có thể là nhiều doanh nghiệp vẫn kêu, khi đi vào thực hiện cụ thể thì nó ngổn ngang trăm bề. Chúng tôi lo rằng một chủ trương rất mới mẻ, rất đột phá của chúng ta trong giáo dục ĐH mà không có những bước đi cụ thể, những chế tài mạnh về mặt cải cách hành chính thì e rằng, nó cũng sẽ rơi vào tình trạng khó khăn như các lĩnh vực kinh doanh khác. Tôi lấy ví dụ như là hiện nay có nhiều giấy phép phải qua nhiều cấp... (nhiều dấu quá). Rồi lên cả cấp Phó Thủ tướng, Thủ tướng chấp nhận, có ý kiến rồi sau đó, chúng ta mới quay trở xuống. Con đường đó không biết sẽ tốn của chúng ta bao nhiêu thời gian....
- Ông Nguyễn An Ninh:
Tất cả những cái đó theo tôi nghĩ, cải cách hành chính sẽ phải gạt bỏ đi.
Ông Vũ Minh Khương:
Tôi thấy trong cải cách hành chính thì ý chí của lãnh đạo rất quan trọng. Phải có những trường hợp làm tấm gương đi đầu để xốc lên.
Ông Phạm Đức Trung Kiên:
Tôi nghĩ, trong thể chế kinh tế, nhà nước VN cho phép TPHCM đặc quyền tiến nhanh để tiến nhanh và lôi lên những phần tử khác, thì trong GD cũng nên tạo 1 ĐH hoa tiêu, những cái đó cần phải làm sớm, càng nhanh càng tốt.
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Vâng, kính thưa quý vị, thưa các bạn. Thời gian thì cũng đã dài và chủ đề của chúng ta ngày hôm nay rất sôi nổi, sôi động, thu hút được nhiều cái quan tâm khác nhau của bạn đọc. Bạn đọc gửi rất nhiều câu hỏi cho chúng tôi nhưng tiếc rằng, có một vài câu hỏi trùng lặp với nội dung chúng tôi đã bàn luận hôm nay, hoặc một vài câu hỏi hơi ... lạc đề ra ngoài chủ đề ngày hôm nay. Chẳng hạn, bạn Nguyễn Thạch Việt, nam 30 tuổi ở Brusselle (Bỉ) hỏi anh Vũ Minh Khương rằng: Nếu được mời về Việt Nam giảng bài ở các trường ĐH cho sinh viên, anh yêu cầu Nhà nước phải đáp ứng cho anh những điều kiện gì cụ thể? Mong anh trả lời thật lòng. Những câu hỏi như thế này, chúng tôi sẽ chuyển trực tiếp cho khách mời. Vì thời gian có hạn, nên chúng tôi không thể trả lời cụ thể từng câu hỏi hôm nay được. Rất cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi và chúng ta thực sự mong muốn những điều mà chúng ta đã nêu ra ngày hôm nay sớm có giải pháp, biện pháp hết sức cụ thể để tháo gỡ nó, như là sẽ có môi trường sử dụng nguồn lực đầu ra cho các trường ĐH trong lành, thực sự tạo ra được cạnh tranh cũng như động lực đòi hỏi các trường ĐH phải nâng cao chất lượng đào tạo. Từ đó, chúng ta có thể dễ dàng tiếp thu được kinh nghiệm, triết lý đào tạo ở các nước tiên tiến như là tư duy đào tạo hai phía, hai chiều, nâng cao tính chủ động, nâng cao khả năng tìm tòi, giải quyết vấn đề hơn là đào tạo một chiều và áp đặt, nhồi nhét kiến thức cho HS.
Chúng ta quan tâm nhiều và lo lắng, mong muốn có những giải pháp thực sự cụ thể trong cải cách hành chính, trong việc tạo ra một môi trường chính sách tốt để nuôi dưỡng, hỗ trợ để tạo sự đột phá trong các trường ĐH công, tạo ra những sản phẩm phù hợp với môi trường sử dụng. Chúng ta cần phải tạo ra được những trường ĐH hoa tiêu, những trường ĐH trọng điểm và có lẽ, đồng cảm của tất cả chúng ta ngày hôm nay là Việt Nam của chúng ta chỉ có thể đứng trên đôi chân của chính mình, tạo ra những sản phẩm, những trường ĐH mang thương hiệu của Việt Nam trong tương lai và - như anh Khương nói - chúng ta phải làm sao để lôi kéo các trường ĐH quốc tế phải đến hợp tác với chúng ta.
Xin cám ơn các vị khách mời đã nhiệt tình tham gia với chúng tôi ngày hôm nay. Cám ơn các bạn đã quan tâm theo dõi. Hẹn gặp lại các bạn trong các Bàn tròn trực tuyến lần sau./.
- VietNamNet