221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
541750
Học ở Nga: Ngày ấy, bây giờ...
1
Article
null
Học ở Nga: Ngày ấy, bây giờ...
,

(VietNamNet) - Phụ huynh: "Giảng đường xứ Bạch dương cho ba mẹ tất cả". Con: "Chúng con đang vượt khó để được một phần triệu những thứ ba mẹ đã nhận nơi đất nước này".

Soạn: AM 189487 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Trường ĐH Quốc gia Moscow, nơi từng đào tạo hàng nghìn cán bộ Việt Nam.

"Học ở Liên Xô, nói cảm ơn vẫn là quá ít"

TS Lê Văn Nhân, Phó chủ nhiệm Khoa Tiếng Nga, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội sang thành phố Varones (CH Nga, Liên Xô) học ĐH năm 1968, khi Việt Nam dày đặc bom đạn, cả đất nước nghèo khổ vì chiến tranh. Ông Nhân nói: "Chúng tôi là những học sinh phổ thông chăn trâu bùn lấm được đất nước nhân hậu này trả lại tuổi thơ bị mất cắp trong chiến tranh chống Mỹ".

Những ngày đầu sang đây, ông Nhân ngỡ mình sống trong thế giới cổ tích. Thành phố tươi đẹp với những dãy phố sạch sẽ đầy hoa thơm, những ngôi nhà tập thể cao tầng sừng sững, những khu vườn trĩu táo, lê cùng người dân đôn hậu khiến ông nhiều khi cảm động đến phát khóc.

Cả trường ĐH Tổng hợp Varones nơi ông Nhân học, đâu đâu cũng nghe nhắc 2 tiếng Việt Nam. Ngay những ngày đầu tiên, các cô giáo đã đưa sinh viên xứ nhiệt đới nghèo (ngày đó chỉ sở hữu vẻn vẹn 2 bộ quần áo) đến bách hoá tổng hợp chọn đồ ấm (từ áo len, áo khoác giày, tất, khăn và những vật dụng sinh hoạt nhỏ nhất như bàn chải, xà phòng, kem đánh răng, dao cạo...), đi khám sức khoẻ toàn diện và đến trường nhận học bổng, sách vở, bút giấy. Trên xe buýt, tàu điện, người già cũng đứng dậy nhường chỗ cho sinh viên Việt Nam (SVVN). Dọc đường, đâu đâu cũng gặp những nụ cười trìu mến. Trong ký túc xá, được ban quản lý dành cho những phòng sáng sủa,  yên tĩnh nhất, ở tầng thấp nhất. Còn trên giảng đường, thỉnh thoảng lại nghe câu: "Có gì khó hiểu không, các chàng trai, cô gái Việt Nam của chúng tôi?".

Trong vòng tay ấm áp của các thầy cô và bạn bè nước sở tại, nhiều thế hệ SVVN thạo tiếng Nga, vững kiến thức chuyên môn và hoà nhập rất nhanh với sinh hoạt ở đất nước này. SVVN đều được đề nghị sinh hoạt Đoàn thanh niên cộng sản Côm-xô-môn, được thường xuyên mời dự những cuộc mittinh ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của đất nước mình như những đại biểu quan trọng và vinh quang nhất. Mùa hè, SVVN cũng tham gia "học kỳ thứ 3" như SV Nga,  về các nông trang, nhà máy phục vụ xây dựng, giúp dân chăn nuôi, thu hoạch mùa màng. Sau nhiều năm, thầy Nhân vẫn còn xao xuyến khi nhớ lại hình ảnh những người dân Nga hồ hởi bưng các khay bánh, trái cây đứng rải rác trước cửa nhà, khắp xóm, chờ mời đoàn SVVN tan giờ làm.

Chị Đinh Hạnh sang học chuyển tiếp năm 3 ở Khoa Ngôn ngữ, ĐH Tổng hợp Gomen (CH Belorus) năm 1988 - thời điểm cả Liên Xô đang đối diện với đầy rẫy khó khăn - cũng vẫn được hưởng những ưu tiên đặc biệt. SVVN vẫn được nhận học bổng thoải mái chi tiêu (đến mức dư 1/3 để gửi về giúp đỡ gia đình), được trao chìa khoá những phòng ở rộng rãi, sạch đẹp nhất và được những giáo viên tận tâm nhất theo dõi việc học tập, hướng dẫn bài vở.

Đến giờ, khi đã trải qua nhiều nghề (không nghề nào dùng đến tiếng Nga), chị Hạnh vẫn nhớ như in hình ảnh cô chủ nhiệm đến tận phòng ở hướng dẫn cách trải ga, xuống nhà ăn dạy cách dùng dao, nĩa và sẵn sàng cùng ngồi đến khuya giúp soạn các tiểu luận khoa học. Chị bảo: "Trong môi trường giáo dục ưu việt và đầy tình người ấy, không thể không phấn đấu học tập, càng không thể sao nhãng rèn luyện nhân cách con người".

Về chất lượng đào tạo chuyên môn tại Liên Xô, ông Lê Văn Nhân nói: "Người ta có thể phê bình giáo dục kiểu Liên Xô là theo Kinh viện chủ nghĩa, nhưng Kinh viện chủ nghĩa cũng có mặt mạnh của nó. Trên giảng đường, chúng tôi được trang bị vốn kiến thức kỹ càng, sâu sắc làm nền tảng vững vàng cho công việc sau này. Bằng chứng là hầu hết những người được đào tạo ở Liên Xô về đều làm việc hiệu quả; nhiều người đang ở những cương vị quan trọng, đứng mũi chịu sào của đất nước".

Một kỹ sư được đào tạo tại Liên Xô, anh Nguyễn Trung Kiên - Phó Tổng GĐ Tổng công ty Đầu tư - Xây dựng (Bộ Xây dựng), từng theo học tại Khoa Kinh tế - xây dựng ở ĐH Xây dựng Bacu (CH Azecbaizan) từ 1981 - 1986 cũng có chung nhận xét. Theo anh, dạy ĐH nghĩa là dạy cách tư duy và trang bị kiến thức làm "móng" chuyên môn chắc chắn và các trường ĐH Liên Xô đã thực hiện được điều này.

Liên Xô tan vỡ, những người may mắn được sử dụng kiến thức "nền" vững chắc "nạp" từ các giảng đường Liên Xô như anh Kiên, ông Nhân hay không còn cơ hội sử dụng chúng như chị Hạnh (sau này chuyển nghiệp làm báo) đều chịu ơn và không nguôi nhung nhớ đất nước này. Ông Lê Văn Nhân nói: "Người ta nói học một ngôn ngữ là biết thêm cuộc đời, còn với tôi, học tiếng Nga được biết cả cuộc đời. Đất nước Liên Xô cho tôi tất cả".

Quá khứ xa xôi?

Nga giúp Việt Nam đào tạo 150.000 cán bộ kỹ thuật

(VietNamNet) - Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Trần Văn Nhung tại cuộc họp báo chiều nay cho biết đây là kết quả có được sau 50 năm hợp tác giáo dục giữa LB Nga (Liên Xô cũ) và Việt Nam.

Trong những email gửi về nhà cho chị Trần Hải Hà (Q.3, TP.HCM), cậu con trai Hoàng Nam Hải (sinh viên năm 3 ĐH Xây dựng Matxcơva, diện du học theo nguồn xử lý nợ với Liên bang Nga) bao giờ cũng có câu: "Nga thảm lắm rồi, đâu hoàn hảo như thời ba mẹ nữa!".

Năm học đầu tiên, Hải phàn nàn đủ chuyện: ký túc xá (KTX) không huy hoàng như ba mẹ kể (những "ốp" cỡ "thời xưa" cũng có ở các thành phố lớn, nhưng giá thuê phòng ngốn 1/2 học bổng!). Phòng 32m2, gồm 2 ngăn cho 5 người, chung một công trình phụ đủ vệ sinh tự hoại và vòi hoa sen nhưng đều đã "đóng vảy", vừa động đến đã kêu cọt kẹt (hình như lắp từ thời Liên Xô, đến nay vẫn chưa một lần được sửa sang). Cả tầng chỉ có một phòng bếp, ga rất yếu, bếp thường xuyên phải tự mồi vì hỏng bộ phận đánh lửa, xin ban quản lý KTX mãi không ai thay. Ra siêu thị thì chỉ lúng búng mấy câu (vì còn yếu tiếng) cũng đã bị mấy bà ngồi kacc (thu ngân) lườm cho đứt đuôi mắt. Rồi chuyện bị muộn học bổng cả nửa năm, vay mượn tứ tung, cuối cùng là lá thư nghẹn ngào xin "tắc tế"!.

Những năm sau, chị Hà không còn nhận được những lá thư kêu ca của con nữa. Nếu gặng hỏi, Hải chỉ trả lời: "Con ổn, ba mẹ đừng lo". Trao đổi với VietNamNet qua mạng, Hải viết: "Có kêu cũng chẳng thay đổi được gì, ba mẹ em không giàu, lại hay lo lắng. Chỉ còn cách cố vượt qua".

Đúng là Hải đã gắng xoay sở trong khả năng có thể: 200USD học bổng/tháng chi "khít" cho 1.001 khoản: tiền ăn, trọ KTX, sách vở, đi lại... Không bao giờ dám nghĩ đến chuyện ốm đau, giải trí, nhất là chỉ trong 4 năm, từ khi đặt chân sang Nga đến nay, mọi thứ phục vụ sinh hoạt đã trượt giá gấp đôi; thậm chí 2,5 lần. Hải chỉ bắt đầu dám tự thưởng cho mình vài quyển sách mới, thỉnh thoảng một chầu kem hoặc vào rạp cùng bạn bè sau khi, nhờ vóc dáng to khoẻ, xin được một chân dọn rửa halftime kho rau quả của một siêu thị nhỏ ở ngoại ô cách KTX... 25km. Nên cùng với niềm vui thoát cảnh chi tiêu kiểu "sắt- đinh", Hải bắt đầu chịu đựng những giấc đêm trăn trở trong bầu không khí nồng nặc mùi cải bắp ôi, cà chua nẫu, khốn khổ với những buổi sáng vắt chân lên cổ cho kịp giờ học. Bù lại, tránh được nguy cơ "đụng" đầu trọc trên những đoạn đường vắng từ bến đỗ xe buýt trở về lúc 2h sáng.

Theo phân tích của ông Lê Văn Nhân, ánh mắt người Nga, giảng đường Nga ngày nay với SVVN đã khác xưa. Không chỉ bởi nguyên nhân khách quan là những khó khăn nhất định của nước bạn, mà chủ yếu vì lý do chủ quan từ chính người Việt ở Nga.

Khi xưa, người Liên Xô vừa qua cuộc chiến tranh vệ quốc, dễ đồng cảm rồi thương mến người Việt Nam đang quật cường chống giặc ngoại xâm. Người Việt sang Liên Xô ngày ấy lại là đại diện ưu tú nhất nước, chỉ có mục đích duy nhất là học, chưa mưu cầu tiền bạc và làm nhiều chuyện "quái gở" như những năm gần đây.

Chưa kể, ngày nay hầu hết các em sang Nga học theo diện du học tự túc đều rất yếu về tiếng. Đa số vừa trượt ĐH trong nước, du học Nga chỉ vì chi phí rẻ và được chọn ngành học. Nhiều trường hợp đi học không nhằm lấy kiến thức mà để chờ... nhận bằng. Một số đi nghiên cứu sinh (kể cả trường hợp làm TSKH) cũng... "chạy" bằng khiến nhiều giảng viên Nga, nhất là những người từng yêu mến Việt Nam, thất vọng và có cái nhìn hà khắc với SV người Việt.

Một giảng viên ĐH Tổng hợp Varones đã nói: "Từ nay (2001) đến khi về hưu, tôi quyết không nhận dạy một lớp nào có SVVN nữa để giữ mãi hình ảnh đẹp đẽ về người Việt xưa". Bà thổ lộ điều này sau một thời gian dài đứng lớp và chứng kiến những hình ảnh trái ngược của các thế hệ SV người Việt ở Nga.

Nắm tay, lại gần nhau hơn...

Khi được hỏi: "Thất vọng đã đặt chân đến Nga?", Hoàng Nam Hải hỏi lại: "Sao lại thất vọng khi kiến thức thu nhận được chắc chắn hơn hẳn ĐH trong nước?". Và ngập ngừng: "Với lại, em thích tiếng Nga, ba mẹ em rất yêu đất nước này".

Tình yêu với nước Nga có vẻ ngấm quá sâu vào máu thế hệ cha mẹ Hải, truyền cho em sức mạnh để đương đầu mọi khó khăn, tiếp thu những tinh hoa có nhiều lắm nơi xứ sở bạch dương này. Hồi học năm thứ 2, khi ông thầy dạy môn lý thuyết chế tạo máy tuyên bố: "SVVN các cậu giỏi lắm cũng chỉ đáng nhận điểm 2 hoặc 3!",  Hải từng đứng trước lớp trả lời: "Thầy nói chưa đúng đâu, SVVN không phải ai cũng dốt! Thầy nghĩ sao nếu em phấn đấu điểm 5 (mức cao nhất trong thang điểm của Nga - PV)?". Và Hải đã lấy được điểm... 4,5. Quan trọng hơn là khiến ánh mắt ông thầy "hắc ám" này bớt lạnh lùng hơn với SV người Việt.

"Chính người Việt Nam ở Nga và sẽ sang Nga học phải nâng cao tự trọng, tìm cách cải thiện hình ảnh của mình trong mắt người dân nước sở tại để lấy lại thiện cảm của người làm giáo dục Nga", thầy Lê Văn Nhân bày tỏ.

Nửa thế kỷ qua đi, thế hệ con cháu những người một thời chịu ơn Liên Xô thừa hưởng tình yêu máu thịt với đất nước này từ ông bà, cha mẹ, tiếp tục sang Nga tìm chân trời tri thức. Chị Đinh Hạnh băn khoăn: "Người Nga vốn nhân hậu; người Việt lại cầu thị, quen vượt khó, chẳng từ nan; lẽ nào không tiếp tục giúp nhau trồng người?".

Đây cũng là trăn trở của tất cả những người Việt yêu quý nước Nga.

Thành tựu nửa thế kỷ hợp tác giáo dục
Liên bang Nga/Liên Xô - Việt Nam

Trong hơn 50 năm qua, Liên Xô trước đây, Liên bang Nga và các nước thuộc Cộng đồng Các quốc gia độc lập SNG ngày nay đã đào tạo cho VN 52.000 cán bộ KHKT, văn hoá và xã hội (trong đó 30.000 người có trình độ ĐH, hơn 3.000 PTS và khoảng 200 TSKH), 98.000 công nhân kỹ thuật, giáo viên dạy nghề và thực tập sinh nâng cao tay nghề tại các trường nghề hoặc xí nghiệp.

Đội ngũ cán bộ này đã đóng góp rất tích cực và hiệu quả vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; nhiều người được Đảng và Nhà nước bổ nhiệm vào những cương vị quan trọng.

Riêng các trường ĐH hàng đầu của Nga đã và đang đào tạo 450 lưu học sinh VN bằng nguồn ngân sách nhà nước VN và nguồn xử lý nợ với Liên bang Nga. Kể từ năm 2003, hàng năm có khoảng 400 công dân VN được sang Nga đào tạo qua con đường Bộ GD-ĐT theo các học bổng khác nhau. Số lượng lưu học sinh VN du học theo diện tự túc kinh phí tại Liên bang Nga ngày càng tăng. Theo thông báo của Bộ GD Nga đăng trên báo Tin tức, năm học 2002 - 2003 có 3.376 lưu học sinh VN du học tự túc tại nước này.

Ngoài sự hợp tác ở cấp nhà nước, trong ngành giáo dục còn có hình thức hợp tác song phương giữa các trường, các cơ quan khoa học 2 nước. Hình thức hợp tác này đã tạo điều kiện cho các trường, các cơ quan khoa học trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, trao đổi chuyên gia, giáo trình, đồ dùng dạy học.

Trong những năm qua, Bộ GD-ĐT và các trường ĐH của VN luôn sẵn sàng tiếp nhận và đào tạo lưu học sinh Liên bang Nga trong khuôn khổ Hiệp định Hợp tác giáo dục hàng năm. Đến nay, đã có gần 200 sinh viên và giáo viên Nga/Liên Xô sang thực tập tiếng Việt tại VN, hơn 30 sinh viên học toàn khoá ĐH và khoảng 5 sinh viên học các chương trình sau ĐH.

(Trích Báo cáo của Bộ GD-ĐT tại Diễn đàn "Nửa thế kỷ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Liên bang Nga/Liên Xô")

  • Quảng Hạnh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,