(VietNamNet) – "Đây là mối ưu tư của mọi khoa, mọi trường", ý kiến của các đại biểu tại hội thảo “Các giải pháp cơ bản nâng cao giáo dục" diễn ra tại TP.HCM ngày hôm nay, 5/11.
Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao |
Học ĐH mà chương trình còn chung chung quá!
Theo GS.TS Đỗ Trần Cát, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, việc giảng dạy các môn triết học, chính trị,...trong các trường ĐH khối ngành công nghệ là cần thiết, nhưng không thể với số lượng giờ quá nhiều trong tương quan với các môn khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Khi họp Hội đồng tư vấn về sửa đổi chương trình cho Bộ GD-ĐT, hầu hết đều có ý kiến là cần giảm bớt số giờ các môn khoa học xã hội, nhưng cuối cùng vẫn không có thay đổi gì.
Tương tự như vấy đối với số giờ các môn khoa học cơ bản. Ý kiến chung là "cần tăng cường khoa học cơ bản", nhưng kết cục lại "giảm giờ" với lý do đơn giản nhưng không khoa học là: tổng số giờ của 2 năm học cơ sở không đổi, việc tăng giờ của các môn khoa học xã hội phải dẫn đến giảm giờ của các môn khoa học cơ bản.
Thạc sỹ Nguyễn Xuân Tú Huyên, ĐH Sư Phạm TP.HCM cũng cho rằng, chương trình đào tạo ĐH hiện nay quá nặng về môn chung: gần 50% các môn học. Tính ra, thời gian đào tạo cho chuyên ngành chỉ thực hiện được 2 năm trên tổng số 4 năm ĐH. Đây là mối ưu tư của mọi khoa, mọi trường.
Theo ông Huyên, khối lượng kiến thức ngày nay rất lớn, SV lại có thể tìm được bên ngoài giảng đường. Nên chăng tập trung hướng ưu tiên trong đào tạo vào việc rèn luyện, phát triển các kỹ năng về tư duy, phương pháp hơn là chú trọng đến sự nhồi nhét kiến thức, khiến cho người học bị bội thực, không còn có khả năng suy nghĩ độc lập.
Ý kiến này cũng được PGS.TS Lê Đức Ngọc, ĐHQG Hà Nội đồng tình và lý giải thêm: sản phẩm giáo dục ĐH không định hình mãi mà liên tục phát triển. Tức là, SV tốt nghiệp có thể thuộc loại xoàng, nhưng hoạt động thực tiễn rồi sẽ khá dần lên. Vì vậy, lấy việc đào tạo năng lực làm chính thay cho bấy nay chú trọng dạy kiến thức để người học có tiềm năng tự phát triển.
Nguy cơ: giảng viên trẻ học thói xấu của giảng viên "già"
Theo nhìn nhận của n
guyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban Văn hoá Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lương Ngọc Toản thì cái thời các nhà giáo ĐH của nước ta có trình độ ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới như đã qua đi. Hiện nay, đại bộ phận giảng viên đầu đàn đã về hưu, tạo nên hụt hẫng cho các trường ĐH. Vì vậy phải có ngay quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ giáo dục cho các trường ĐH.
Còn GS Đỗ Trần Cát cho rằng, với quy mô đào tạo ĐH như hiện nay, nhiều giảng viên gần như phải chạy "sô" trong việc lên lớp. Đội ngũ các giảng viên có kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy tốt thì không có thời gian để cập nhật kiến thức. Hiện tượng bỏ giờ, bỏ lớp của giảng viên không phải cá biệt. Chỉ có điều, mọi người biết nhưng không ai xử lý. Có một nguy cơ đối với đội ngũ giáo viên hiện nay là họ sẽ "học tập" những người đi trước trong việc thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy nếu tình trạng quản lý vẫn tiếp tục như hiện nay.
Tốc độ tăng SV từ năm 1995 đến năm 2002, bình quân hàng năm khoảng 15%, trong khi tốc độ tăng giáo viên là 5,5%, tức là chỉ bằng 1/3 tốc độ tăng SV. TS Nguyễn Kim Hồng, ĐHSP TP.HCM bày tỏ sự lo lắng: với tốc độ tăng số lượng giảng viên như vậy, khó có thể nói chất lượng đào tạo ĐH trong những năm qua cao hơn thời kỳ trước đó.
- Bài, ảnh: Cam Lu - Đoan Trúc