(VietNamNet) - Đại biểu (ĐB) Nguyễn Đức Dũng cho rằng khâu yếu kém nhất trong giáo dục của ta hiện nay là quản lý. Thế nhưng ông lại tỏ ra lúng túng khi được hỏi về "kế sách chấn hưng giáo dục".
ĐB Nguyễn Đức Dũng là người đã từng đề nghị thành lập Uỷ ban Thanh tra về Giáo dục. Dù sau đó, Quốc hội (QH) không tiến hành "thẩm tra" nhưng đã yêu cầu Chính phủ trình bày báo cáo đánh giá tình hình giáo dục vào kỳ họp này. Hiện giờ, bản báo cáo đó đã được chuyển tới các ĐB.
Trong giờ giải lao của các ĐB QH, VietNamNet đã có cuộc trò chuyện riêng với ĐB Nguyễn Đức Dũng:
Đánh giá chất lượng giáo dục: Rất khó!
- Ông đã đọc bản báo cáo của Chính phủ về tình hình giáo dục sắp trình QH chưa?
- Tôi mới đọc qua và thấy rằng đây cũng là một cố gắng của Chính phủ. Nói chung là đánh giá công phu. Nhưng đánh giá về giáo dục thực ra rất là khó. Cái mà người ta đang chưa thống nhất được với nhau lại là ở vấn đề cơ bản nhất: chất lượng giáo dục (CLGD).
- Theo ông, việc đánh giá CLGD thì phải dựa vào tiêu chí nào là quan trọng nhất?
- Đó là việc rất khó. Chính vì vậy mới có chuyện: nhiều người cho rằng CLGD thấp nhưng cũng có người lại nói không thấp vì người ta dựa vào những biểu hiện bề nổi của giáo dục những năm gần đây.
Tôi thì nghĩ rằng CLGD tất nhiên phải căn cứ vào nhiều tiêu chí, nhưng cái cơ bản nhất vẫn là sản phẩm cuối cùng của giáo dục ra xã hội. Thứ hai là so sánh sản phẩm giáo dục của mình với các nước xung quanh, với thế giới để từ đó đánh giá CLGD, chứ mình cứ tự khen mình thì không thể khách quan được.
Vấn đề không phải là ai làm Bộ trưởng!
- Trong thời gian gần đây, dư luận đã lên tiếng nhiều để bàn các biện pháp "chấn hưng giáo dục". Rồi nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã đề xuất nên xem năm 2005 là năm "chấn hưng giáo dục". Như vậy, có thể nói là đã đến lúc không cần phải bàn cãi về CLGD cao hay thấp mà là phải hiến kế chấn hưng. Vậy theo ông, nên bắt đầu chấn hưng ở khâu nào trong quy trình giáo dục?
- Tôi thấy có rất nhiều vấn đề, nhưng trong đó có ba phần cơ bản nhất: chất lượng của người giáo viên, chương trình và cơ sở vật chất.
Ba khâu đó đều phải được quan tâm nhưng tác nhân rất quan trọng ảnh hưởng tới CLGD của mình là ở khâu công tác quản lý giáo dục. Tôi cho rằng đây là khâu yếu nhất hiện nay. Từ quản lý giáo dục kém, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới CLGD.
Đào tạo thầy cô đã không tốt, quản lý không tốt dẫn tới đạo đức của người thầy sa sút, rồi quản lý không tốt dẫn tới nạn dạy thêm, học thêm, bằng giả bằng thật... Tất cả những cái đó đều xuất phát từ sự yếu kém trong quản lý.
- Quản lý ở đây là nhằm vào trách nhiệm một con người cụ thể hay là mô hình? Giả sử (tất nhiên chỉ là giả sử) QH bỏ phiếu tín nhiệm như ông đã từng đề nghị, và ông Nguyễn Minh Hiển không làm Bộ trưởng GD-ĐT nữa, liệu CLGD có tốt hơn không?
- Mô hình chứ! Cá nhân của con người cũng có vai trò quan trọng nhưng mô hình mới là yếu tố quyết định. Cá nhân tài năng có thể có vai trò quan trọng nhưng không thể xoay chuyển được lớn.
"Ở bên ngoài thì mình cũng chỉ võ đoán thôi..."
- Theo ông, điều bất cập ở mô hình giáo dục hiện nay là gì?
- Cái khó hiện nay ở ta là Nhà nước vẫn ôm quá nhiều nhưng khả năng quản lý của Bộ chưa đáp ứng được.
- Thế nếu thay đổi mô hình thì sẽ bắt đầu thay đổi từ đâu, theo ông?
- Thực ra đến bây giờ, tôi cũng chưa suy nghĩ kỹ về vấn đề này. Mình chỉ đứng ở góc độ bên ngoài để suy nghĩ về những vấn đề chưa ổn, chứ còn thay đổi mô hình từ đâu thì phải có nhà chuyên môn góp ý. Mình võ đoán thì rất khó vì không phải trong ngành giáo dục. Ngoại đạo mà. Với góc độ người dân thì chỉ nhận biết được như vậy thôi.
"Nhà nước phải độc quyền về chương trình, mô hình, hệ thống đào tạo thầy"
- Là đại biểu QH của tỉnh miền núi, ông có ý kiến như thế nào trước đề xuất "Không nên bao cấp tràn lan trong giáo dục, Nhà nước chỉ nên "ôm" ở những khu vực nào mà người dân không thể lo nổi như vùng sâu, vùng xa"?
- Tôi không hoàn toàn nhất trí như vậy. Tất nhiên, Nhà nước đứng ra trực tiếp tổ chức các trường chỉ nên dừng lại ở mức độ nào đó; những nội dung mà Nhà nước phải quản lý - mà tôi cho vấn đề này cần độc quyền - là toàn bộ về chương trình, mô hình giáo dục, hệ thống đào tạo thầy. Còn các trường cụ thể thì có những trường tư nhân có thể tổ chức được. Với các địa phương khó khăn, Nhà nước có thể bao cấp về giáo dục.
- Lúc nãy, ông có than phiền về việc quản lý kém dẫn đến đạo đức của nhiều giáo viên sa sút, chất lượng giảng dạy kém. Hiện nay, có ý kiến đề xuất "trường nội, thầy ngoại" để hạn chế du học mà chất lượng vẫn được đảm bảo. Ý ông thế nào?
- Nói là thầy kém cũng không hẳn đúng. Trong hệ thống giáo dục của chúng ta, phải nói là có thực trạng thầy kém thật nhưng trình độ của đội ngũ thầy giáo nước mình vẫn có thể nâng cao lên nữa nếu được tiếp cận với tri thức và thông tin được cập nhật thường xuyên.
- Thưa ông, quả là trong mọi lĩnh vực, chê thì dễ mà tìm cách "sửa" thì rất khó! Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
-
Lương Thị Bích Ngọc (thực hiện)