(VietNamNet) - Thích bắt chước, đứng trước gương để "độc thoại" hay lảm nhảm như người bị tâm thần bất cứ chỗ nào. Đó là một số bí quyết mang đến kết quả 667/677 điểm TOEFL của chàng trai không ngại thi cử Vũ Nhật Tân.
Sinh năm 1987, học viên trường đào tạo Việt Mỹ, Tân đã đạt 667/677 điểm trong kỳ thi TOEFL quốc tế của Tổ chức kiểm định giáo dục quốc tế ETS (Hoa Kỳ). Là thí sinh đạt số điểm cao nhất của khu vực phía Nam từ trước tới nay. Hiện Tân đang học lớp 12 chuyên Anh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM.
Khi được tin đạt 667 điểm, Tân bộc bạch: "Mấy người bạn trong lớp cũng đi thi. Nhưng các bạn ấy biết điểm trước đó 3 tuần, ai cũng trên 600 điểm. Do vậy, trong ba tuần em như ngồi trên đống lửa. Thi xong, em không nghĩ mình đạt điểm cao như vậy". Bố mẹ rất mừng khi Tân đạt giải. Còn ông nội đã tình nguyện chở đứa cháu cưng đi lãnh thưởng.
Bảng thành tích của Tân: 11 năm liền là học sinh giỏi. Năm học vừa rồi, điểm tổng kết cuối năm của Tân là 9,5. Lớp 10, Tân đạt HCV giải Olympic 30/4, năm lớp 11 đạt giải nhất học sinh giỏi thành phố môn Anh văn, giải II kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Thế mà Tân cứ một mực khiếm tốn: "Em được như vậy là nhờ may mắn mà thôi. Em may mắn vì có bố mẹ kèm cặp, may mắn vì nhận được học bổng, may mắn vì được thầy cô tận tình giúp đỡ và lại bố trí kỳ thi TOEFL trong thời gian đang nghỉ hè...
Kể về quá trình học Anh văn của mình, Tân bật mí: lên cấp II, em mới bắt đầu học như các bạn khác. Tuy nhiên, hồi cấp I, em hay ngồi bên cạnh bố, là kỹ sư Công ty Dệt may Thành Công, mày mò cuốn tự điển mỗi khi bố tra cứu. Hai năm đầu cấp II, em cũng chưa đầu tư nhiều cho môn này. Đến năm lớp 8, với sự hướng dẫn của ba mẹ, thầy cô, em mới cảm thấy thích học ngoại ngữ nên bắt đầu tăng tốc. Mục đích là vào được trường chuyên và sau này làm gương cho em gái. Lớp 10, học ở lớp chuyên Anh, nên em có nhiều điều kiện để đầu tư cho môn này nhiều hơn. Trong lớp em, luôn có sự cạnh tranh, thi đua trong học tập nên cũng phần nào giúp em cố gắng học hơn. Cùng với niềm vui được học trường chuyên, năm lớp 10, em nhận được học bổng của trường đào tạo Việt Mỹ. Thế là việc học Anh văn như "diều gặp gió".
Đầu tư nhiều cho tiếng Anh, nhưng Tân cũng không quên học đều các môn khác bởi cậu dự định thi ĐH khối D. Ở trường, Tân cũng không ngại nhờ các bạn giỏi các môn khác chỉ bài.
Bí quyết nào để đạt được kết quả 667 điểm TOEFL, Tân bật mí: "Em là đứa hay bắt chước. Và theo em, bắt chước là một trong những điều kiện để học giỏi ngoại ngữ. Chị thấy đấy, con nít học ngọai ngữ nhanh tiến hơn người lớn, vì tụi nó không ngại ngùng khi bắt chước. Người học ngoại ngữ cũng cần có một trí nhớ tốt và phải biết tận dụng mọi điều kiện, cơ hội, phương tiện để rèn luyện 4 kỹ năng. Tiếp xúc nhiều, nói nhiều cũng là điều kiện cần có để học tốt ngoại ngữ".
Với Tân, để rèn luyện 4 kỹ năng, mỗi ngày phải nghe đài. Lúc rảnh rỗi thì nghe nhạc tiếng Anh. Thường xuyên đọc sách báo, tạp chí, truyện ngắn bằng tiếng Anh. Mỗi tuần, ít nhất 2 buổi đến CLB Anh ngữ để được thoải mái nói, tự do bày tỏ quan điểm của mình.
Thỉnh thoảng, Tân lại đứng trước gương, lảm nhảm "như bị tâm thần vậy". Tân cho hay, những ngày đầu mới làm quen với Anh văn, việc "nói tiếng Anh nhưng lại mỏi tay là chuyện bình thường". Thầy Trần Đình Ân đã kiên nhẫn trong việc chỉnh sửa cách phát âm cho Tân. Thấy thầy cô thường nhận xét: "Học sinh Việt Nam rất giỏi văn phạm tiếng Anh, nhưng kỹ năng nghe nói thì yếu", Tân đã cố gắng dành nhiều thời gian để khắc phục yếu kém đó.
Mặc dù phải đầu tư nhiều cho các kỳ thi của năm 12 (tốt nghiệp, ĐH), nhưng Tân tâm sự: "Năm nay, nếu có điều kiện dự thi học sinh giỏi, em vẫn đi thi. Em nghĩ, mỗi kỳ thi là một lần cọ sát. Tuy là mệt, nhưng em học hỏi được nhiều điều. Em sẽ giảm bớt thời gian đi chơi, karaoke với bạn bè".
Hiện nay, Tân đang chuẩn bị để thi vào Ngoại thương hoặc Sư phạm. Nhưng niềm mơ ước của Tân là được đi du học ở Mỹ, được học các ngành quản trị kinh doanh, kinh tế, ngôn ngữ. Tân còn chia sẻ: "Em còn muốn học thêm tiếng Pháp, Nhật... Vì học ngôn ngữ của mỗi nước, mình còn biết thêm các phong tục tập quán, nền văn hóa, văn học của nước đó nữa".
Nghiên cứu về ngôn ngữ của một số nước cũng là đam mê của Tân, và theo như bạn bật mí: "Sau này em sẽ để nhiều thời gian để nghiên cứu ngôn ngữ".
-
Đoan Trúc