Các trường ĐH và chủ doanh nghiệp tại Malaysia rất lo ngại về xu hướng ngày càng tăng tại nước này: sử dụng bằng giả để kiếm việc làm hoặc củng cố địa vị. Điều đáng báo động là nhiều bằng mang thương hiệu của các trường ĐH rởm ở nước ngoài.
Mua bằng thạc sĩ chỉ mất 500 USD
Phóng viên Indramalar của tờ The Star. |
Với số tiền chưa đến 3.000 ringgit (tiền Malaysia), một người có thể truy cập internet để mua bằng tiến sĩ online ở mọi lĩnh vực từ vật lý hạt nhân, miễn dịch học và tâm lý giáo dục từ vô số website. Trong khi phần lớn mọi người phải nghiên cứu vất vả từ ba tới năm năm mới có được bằng tiến sĩ thì những tấm bằng tiến sĩ online này có thể được chuyển tới tay người mua trong vòng một tháng!
Để chứng minh mua một tấm bằng rởm dễ dàng như thế nào, một số phóng viên của tờ The Star (báo Malaysia) đã đóng vai làm người săn bằng. Họ đã truy cập vào một website nổi tiếng về cung cấp mọi loại văn bằng, từ bằng tú tài trung học cho tới bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Các phóng viên đã thử tìm mua cả bằng tiến sĩ lẫn thạc sĩ. Phóng viên Indramalar tìm mua bằng thạc sĩ quản lý kinh tế với giá 1.896 ringgit (500 đôla) và đồng nghiệp của chị mua bằng tiến sĩ giáo dục trẻ em.
Mọi công việc họ phải làm là điền vào đơn. Thông tin cần có bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, quá trình học tập, kinh nghiệm làm việc (nếu có), loại bằng muốn mua và ngày tốt nghiệp. Tất nhiên, các phóng viên sử dụng tên giả. Trong vòng ba ngày, họ nhận được email phúc đáp rằng văn bằng sẽ được chuyển tới địa chỉ của họ trong khoảng 21 ngày kể từ ngày thanh toán.
Ủy ban trao đổi giáo dục Malaysia - Hoa Kỳ khẳng định không có cơ quan nào thuộc Bộ Giáo dục Mỹ công nhận trường ĐH có tên trong văn bằng trên. Website bán bằng tự cho là một công ty tư vấn giáo dục, đại diện cho mọi trường ĐH ở khắp nơi trên thế giới, cung cấp bằng online và học bạ cho những sinh viên không có đủ thời gian hoặc tiền bạc để lấy văn bằng theo cách truyền thống.
Luật Giáo dục Malaysia để "lọt" kẻ buôn bằng giả
TS Abu Hassan Othman, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng và Hiệu phó Malaysia, cho biết quốc gia này ''sẽ không dung thứ cho những người sử dụng bằng giả vì nó phá hoại nghiêm trọng hình ảnh của Malaysia - nước cung cấp giáo dục trong khu vực''. Lời bình luận trên được đưa ra sau khi một trường ĐH tư thục tại Perak thông báo cho cảnh sát rằng một viên chức tại trường sử dụng hai bằng giả để kiếm việc làm. Viên chức 31 tuổi đã sử dụng một bằng giả của một trường ĐH trong nước và một bằng của một trường ở Trung Đông.
Phần lớn các trường ĐH tại Malaysia đều có cơ chế kiểm tra chéo rất chặt chẽ. Chẳng hạn, gọi điện cho người xác nhận hoặc người tiến cử mà ứng viên ghi trong lý lịch trước khi chấp nhận họ vào làm. Tuy vậy, người sử dụng bằng giả vẫn lọt qua cơ chế trên và dễ dàng có việc làm tại chính nơi đào tạo cử nhân tương lai! Vụ việc trên là một minh chứng.
Bộ ĐH Malaysia đã kêu gọi công chúng và chủ doanh nghiệp hãy cảnh giác với các trường ĐH giả cấp bằng tiến sĩ. Các loại bằng giả đó thường được bán qua mạng hoặc qua môi giới. Theo Thứ trưởng Datuk Fu Ah Kiow, Bộ này dù biết có các nhóm đang bán bằng tiến sĩ rởm, mạo danh ĐH nước ngoài, nhưng lại không có thẩm quyền triệt phá.
Theo các quy định hiện hành, mọi chương trình cấp bằng cử nhân tiến sĩ qua mạng internet đều phải được đăng ký với Hội đồng công nhận văn bằng quốc gia và Cục ĐH của Bộ Giáo dục ĐH. Chủ tịch Hội các trường tư thục quốc gia, TS Mohamed Thalha Alithamby cho hay: hoạt động mua bán bằng tiến sĩ rởm ngày càng gia tăng kể từ khi có internet. Để ngăn chặn, ông đề nghị thiết lập một hệ thống kiểm tra và đối trọng dành cho chủ doanh nghiệp để họ có thể chắc chắn về độ tin cậy của văn bằng do nhân viên tiềm năng đệ trình.
GS, TS Ibrahim Ahmad Bajunid, trưởng khoa khoa học xã hội và nhân văn tại ĐH Tun Abdul Razak, cho biết chủ doanh nghiệp có trách nhiệm phải kiểm tra bằng cấp của nhân viên tiềm năng từ nhiều nguồn. Ông nói: ''Vấn đề là xã hội của chúng ta vẫn rất phong kiến, chỉ trọng hình thức chứ không chú trọng vào thực chất. Các chức danh như giáo sư hoặc tiến sĩ dường như rất quan trọng''.
-
Lê Minh (Theo Star)