Dự thảo nghị định về sửa đổi về xét công nhận chức danh GS, PGS sẽ được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đưa ra thảo luận rộng rãi vào cuối tháng 11 trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải loại bỏ những quy định quá cứng hoặc quá lỏng khi xét công nhận chức danh này.
Quá lỏng
Với danh sách 339 người vừa được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2004 và với việc một số trường hợp không được công nhận sau mấy năm đề cử (điển hình là hai trường hợp đều là phó hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội), nhiều người cho rằng nghị định sửa đổi sắp tới cần chú ý điều chỉnh những quy định quá lỏng hoặc quá cứng trong nghị định cũ.
Với quy định hiện hành, nhiều ứng viên GS, PGS năm 2003 không đủ tiêu chuẩn phần cứng để đưa ra bình xét mặc dù họ có rất nhiều điểm công trình. "Theo chúng tôi, về chất là phải đồng chất. Quy trình, phương thức xét duyệt có thể thay đổi, chứ chất không được thay đổi", một nhà khoa học ở Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia vừa được công nhận chức danh PGS đề nghị.
Trên thực tế, theo nhà khoa học này, hội đồng xét duyệt cứng nhắc khi xét duyệt những phần không nên cứng nhắc. Ngược lại rất dễ dãi những vấn đề thuộc về chất của chức danh. Chẳng hạn dễ dãi với vấn đề ngoại ngữ.
Quy chế của Hội đồng nhà nước quy định trình độ thành thạo ngoại ngữ thể hiện ở chỗ đi nghiên cứu, học tập ở nước ngoài, có bảo vệ luận văn, luận án bằng tiếng nước ngoài, có bằng cử nhân ngoại ngữ nếu đào tạo trong nước, có giảng dạy bằng ngoại ngữ. Nhưng lại chú thêm rằng các trường hợp khác, có thể xem xét khi cần thiết. Chính nhờ quy định "chú thích" này, nhiều hội đồng cơ sở và hội đồng ngành (Hội đồng Liên ngành Kinh tế - Luật là thí dụ) cho xét cả những trường hợp không có bằng cử nhân ngoại ngữ và chỉ tiến hành sát hạch sơ sài trình độ ngoại ngữ của ứng viên.
Thế mới dẫn đến tình trạng nhiều trường hợp "chạy thầy ngoại ngữ" để được qua cửa ải. Hậu quả là nhiều PGS không thể sử dụng được ngoại ngữ trong giao tiếp với người nước ngoài, thậm chí, không đọc được sách, tài liệu nước ngoài. Nếu thế, làm sao họ tiếp cận được với những thành tựu mới của khoa học trên thế giới sau khi được xét phong chức danh? Trong khi đó, các ứng viên học tập ở nước ngoài hoặc có bằng cử nhân ngoại ngữ mà không "biết chạy" vẫn không đủ phiếu.
Và quá cứng...
Ngược lại, Hội đồng chức danh GS Nhà nước lại cứng nhắc với vấn đề phiếu bầu. Hiện nay, trong việc đề nghị chức danh GS, phiếu vẫn được bỏ theo hình thức "kín". Dư luận cho rằng vì "kín" nên những người bỏ phiếu có thể thoải mái... không khách quan mà chẳng sợ bị nhận ra. Cái không khách quan đó có thể có nhiều nguyên nhân: bị lung lạc bởi chuyện tiêu cực, cảm tình riêng... Thành thử nhiều trường hợp phiếu kín không chính xác.
"Không biết đến bao giờ những người có trách nhiệm phải nhìn thẳng sự thật là bỏ phiếu tín nhiệm chỉ là phương thức tiến hành xét duyệt chứ không nằm trong phạm trù "chất" của chức danh PGS, GS", PGS, TS Ngô Ngọc Cát, Phó Giám đốc trung tâm Đào tạo Tư vấn và Chuyển giao Công nghệ, nói: "Tôi biết rõ một nhà giáo sắp đến tuổi về hưu mà vẫn chưa dám mơ vì bà "quá bướng".
Nghề dạy học là một nghề công khai, PGS Cát nói tiếp, "Vì vậy, xét chức danh cho đội ngũ hành nghề này cũng phải tiến hành công khai". Cũng như ông, nhiều người đề nghị phải sửa ngay quy chế bầu bán theo hướng bỏ cơ chế bầu phiếu kín.
Nghị định sửa đổi lần này cần bảo đảm sao cho, các ứng viên khi nộp hồ sơ xét duyệt, hội đồng cơ sở sẽ thẩm định tập thể các công trình của ứng viên. Khi thấy ứng viên hội đủ các tiêu chuẩn theo quy định, sẽ xét thông qua và gửi cho hội đồng ngành, liên ngành thẩm định lại một lần nữa kết quả thẩm định của hội đồng cơ sở. Sau đó gửi lên Hội đồng nhà nước ra quyết định công nhận cho ứng viên.
"Làm được như thế, mới mong giảm bớt hiện tượng đáng buồn trong lĩnh vực lẽ phải được xã hội trân trọng và tin tưởng", TSKH Lê Văn Cảm, Trưởng Khoa Luật, Đại học Quốc gia, và vừa được phong chức danh PGS đợt năm 2004, khẳng định.
(Theo Tiền Phong)