(VietNamNet) - Trong một giờ đồng hồ, tổng thống Pháp J.Chirac đã trao đổi cởi mở với học sinh, sinh viên (HSSV) Việt Nam về chủ đề đa dạng văn hóa và cơ hội học tập tại Pháp. Buổi gặp gỡ diễn ra từ 9h30 đến 10h30' sáng nay tại trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội.
Mở đầu buổi gặp gỡ, ông Chirac nhắc lại ấn tượng đến TP.HCM năm 1993: "Trong buổi ăn tối, được nghe một bài thơ, ý nói rằng ai cũng có quê hương, nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người; tôi thấy đây là một bài thơ rất hay. Bởi mỗi người chúng ta đều đại diện cho một nền văn hóa, một nền lịch sử. Điều đó khiến tôi nghĩ: việc tôn trọng nền văn hóa của mình và hiểu biết nền văn hóa của mình là yếu tố căn bản đảm bảo cho sự cân bằng trong tính cách của mỗi cá nhân và đảm bảo sự cân bằng cho sự phát triển đất nước.
"Lắng nghe ý kiến của đại diện thanh niên Việt Nam, lực lượng chiếm hơn 50% dân số của đất nước, cho phép người Pháp hiểu biết hơn về tình hình Việt Nam, nhằm góp phần xây dựng một thế giới tốt hơn, có thể loại trừ xung đột và chiến tranh", Tổng thống Pháp bày tỏ.
VietNamNet trích giới thiệu nội dung buổi đối thoại này:
Hồng Nhung, sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội, theo học chương trình kỹ sư chất lượng cao: Chúng tôi là những thanh niên Việt Nam học tiếng Pháp và rất thích tiếng Pháp. Tiếng Pháp rất là khó học. Vậy, theo ông, tiếng Pháp có phải là sự đầu tư dài hạn cho ngày mai, để có thể tìm được việc làm sau này?
Tổng thống J.Chirac: Xin hoan nghênh vì bạn nói tiếng Pháp rất hay. Tất cả ngôn ngữ đều khó học và phải cố gắng. Tôi nghĩ, sự cố gắng không bao giờ vô ích cả. Có thêm một ngôn ngữ, trước hết là cho phép ta tìm một nền văn hóa khác. Tiếng Pháp cho phép hiểu nền văn hóa Pháp. Đây cũng là cửa mở cho chúng ta vào thế giới 51 nước thành viên cộng đồng Pháp ngữ. Là một thanh niên, khi tìm công ăn việc làm tại các doanh nghiệp sẽ có lợi thế hơn người khác nếu như biết nhiều ngoại ngữ.
Hai trung tâm ĐH Pháp ngữ tại Việt Nam |
Theo thỏa thuận được ký giữa hai nước, một trung tâm được đặt tại ĐHQG Hà Nội và trung tâm còn lại sẽ được đặt ở ĐHQG TP.HCM. Những trung tâm này sẽ đại diện khối các trường ĐH lớn của Pháp, thực hiện nhiều chương trình đào tạo đa ngành ở bậc ĐH và sau ĐH, bắt đầu hoạt động từ năm 2005. Ngôn ngữ chính được sử dụng để giảng dạy là tiếng Pháp. Tuy nhiên, trong thời gian đầu một số ngành có thể vẫn giảng dạy bằng tiếng Anh. Đến cuối chương trình hoặc lên bậc cao học, chương trình sẽ chuyển sang sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Nội dung chương trình đào tạo và bằng cấp đều do phía các trường ĐH của Pháp đảm nhận. |
Hoàng Quân, học sinh lớp 12 trường THPT Yesin: Hiện nay có nhiều SV Việt Nam đi học ở Anh, Mỹ, Úc hơn là đi học ở Pháp. Tại sao có hiện tượng như vậy? Ngài tổng thống định làm gì để cải thiện tình hình đó?
Tổng thống J.Chirac: Số lượng SV Việt Nam đang học ở Pháp đứng thứ ba trong tổng số sinh viên nước ngoài học tại Pháp. Học sinh đến Mỹ học cũng đúng vì đây là trung tâm phát triển kinh tế lớn của thế giới, có những trường ĐH nổi tiếng và đào tạo chất lượng cao. Nhưng cũng cần lưu ý, bên cạnh trường lớn, ở Mỹ lại có nhiều trường rất bình thường.
Còn Australia đã có nhiều cố gắng và đã thành công trong việc triển khai hệ thống giáo dục thông qua đó thu được tiền. Đây là hành động thông minh và thực dụng.
Tôi đã cố gắng thuyết phục các trường ĐH của Pháp theo hướng này, tức là trở nên thực dụng hơn nhưng họ không nghe. Nếu theo học ở Pháp, bạn cung có cái lợi. Bởi vì Nhà nước Pháp dành khoản lớn cho hỗ trợ giáo dục đào tạo, học phí giảm.
Mục tiêu của chúng tôi tiếp tục theo hướng này, đồng thời sẽ tăng số lượng học bổng. Tôi lấy một ví dụ, hiện nay có 150 trường ĐH của pháp và 40 cơ sở nghiên cứu của Pháp mở cửa cho SV Việt Nam. Rồi 1.000 SV Việt Nam theo học chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Hôm qua, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và tôi đã ký về việc thành lập hai trung tâm ĐH Pháp ngữ tại ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.TPHCM.
Mai Khanh, học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM: Trong sự đa dạng văn hóa hiện nay, tiếng Anh đang phát triển mạnh mẽ. Là chủ tịch khối cộng đồng Pháp ngữ, ông sẽ làm thế nào để tránh được sự đồng nhất văn hóa và nhất là để phát triển tiếng Pháp trong bối cảnh này?
Tổng thống J.Chirac: Giả sử chúng ta đi đến một thế giới mà trong đó chỉ có một ngôn ngữ duy nhất và tất cả ngôn ngữ, nền văn hóa khác biến mất thì quả thực là một thảm hoạ. Như vậy, mỗi người trong chúng ta, mỗi đất nước phải đóng góp vào và tôn trọng người khác, đất nước khác. Lúc nãy tôi đã nói: với một thanh niên mà nói hai, ba ngoại ngữ là môt lợi thế và tạo điều kiện cho bản thân tiến xa hơn trong nghề nghiệp. Các nước thành viên của khối cộng đồng Pháp ngữ cũng phải cố gắng. Tại châu Âu, tôi đòi hỏi phải bắt buộc phải dạy hai ngoại ngữ tại các trường học. Tất nhiên người ta thường lựa chọn tiếng Anh, điều này cũng dễ hiểu thôi. Nhưng bên cạnh đó, cũng có thể chọn một ngôn ngữ khác: Pháp, Đức, Tây Ban Nha.
Hoàng Bảo, sinh viên năm thứ 4 lớp chất lượng cao, trường ĐH Bách khoa (thuộc ĐHQG TP.HCM): Ông có nghĩ chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao do Pháp đang tài trợ cho các trường ĐH Việt Nam hiện nay sẽ còn tiếp tục lâu dài?
Tổng thống J.Chirac: Tôi rất hiểu câu hỏi của bạn. Chương trình này sẽ được tiếp tục. Đây là cam kết và đại sứ Pháp tại Việt Nam cũng đã khẳng định điều này.
Hoàng Yến, sinh viên trường ĐH Ngoại thương: Đa dạng văn hóa là chủ đề hơi trừu tượng một chút. Vậy ngài tổng thống có thể giải thích đa dạng văn hoá là gì và đâu là những hành động để có thể phát huy được tính đa dạng văn hóa?
Tổng thống J.Chirac: Thế giới rất đa dạng, nhiều nền văn hóa khác nhau. Một số nền văn hóa có số lượng người dân rất ít. Nhưng một số nền văn hóa khác có nhiều người hơn. Từng nền văn hóa lại có nhãn khoa khác nhau. Theo những học thuyết đang được phổ biến hiện nay, đặc biệt là ở Mỹ, thường dẫn đến một cảm nhận là cả thế giới chỉ có một nền văn hóa duy nhất, thể hiện ở WTO hoặc một số nơi khác. Họ cũng cho rằng các nước không thể dùng hỗ trợ về tài chính để hỗ trợ về văn hóa vì sẽ gây cản trở đối với cạnh tranh trong thị trường. Điều đó có thể dẫn đến tình trạng là tất cả các nền văn hóa có thể bị trấn áp và thiệt thòi trước nền văn hóa Mỹ.
Tuy nhiên, Pháp vẫn có chủ trương hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa. Ở lĩnh vực công nghiệp điện ảnh chẳng hạn. Điện ảnh là phương tiện truyền tải nguyện vọng mong muốn của người dân, đất nước. Có hai bộ phim quan trọng đã được phía Pháp giúp đỡ: Mùa len trong và Thời xa vắng. Hai bộ phim này phản ánh một cách trung thành văn hóa của Việt Nam hiện đại.
Chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp, rõ nét nhất là trong khuôn khổ Pháp ngữ chẳng hạn, để bảo vệ đa dạng nền văn hóa. Pháp đã có sáng kiến cần phải ký công ước về đa dạng văn hóa trong khuôn khổ của UNESCO. Công ước này sẽ thừa nhận tính đặc thù của các sản phẩm văn hóa.
-
Nhóm PV Giáo dục (lược thuật)