221
447
Giáo dục
giaoduc
/giaoduc/
520856
Dân lập: săn giảng viên từ trường công lập
1
Article
null
Dân lập: săn giảng viên từ trường công lập
,

Các trường ĐH dân lập, bán công và sắp tới là tư thục đang là "đối thủ" lớn, thách thức các trường ĐH công lập. Đã có không ít cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy "chảy" từ các trường công lập sang các trường bán công, dân lập, tư thục... Và dòng chảy này vẫn đang tiếp tục diễn ra với một chiều hướng ngày càng mạnh mẽ.

Soạn: AM 157195 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Giờ thực tập vi tính tại Trường ĐHBC Marketing

Đó là "chảy máu chất xám" trong các trường công lập hay là sự phát triển tất yếu của một nền giáo dục bắt đầu có sự đa dạng hóa?

Vì sao dứt áo ra đi?

Có thể xem hai năm 2003- 2004 là thời điểm có số cán bộ quản lý ở các trường ĐH công lập chia tay với trường của mình để tìm về trường khác nhiều nhất. Trường ĐH bán công Marketing khi được lên ĐH đã tuyển chọn ngay ba cán bộ của một trường ĐH về trường mình làm việc, người giữ chức vụ cao nhất là phó hiệu trưởng nhà trường.

Nhưng sớm hơn là ĐH Mở - bán công TP.HCM với việc tuyển chọn một số công chức của ĐH Kinh tế TP.HCM về trường mình. Ngay tại ĐHDL Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, với phương châm “chiêu hiền đãi sĩ”, đã có không ít cán bộ cốt cán đương nhiệm là từ các trường ĐH công lập "chảy" về. Trong đó chủ yếu là các cán bộ của ĐH Bách khoa Hà Nội; ĐH Bách khoa, ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), ĐH Sư phạm TP.HCM... về "đầu quân" cho trường này.

Nguyên nhân nào khiến các cán bộ quản lý, cán bộ cơ hữu của các trường ĐH công lập ra đi về với các trường dân lập, mở, bán công? Có thể nhận thấy các trường hợp ra đi đều tập trung ở những nguyên nhân như sẽ được thăng chức, lương cao hơn, có cơ hội phát triển...

Bên cạnh đó còn có lý do khác mà nói theo lời một cán bộ đã "ra đi tìm trường mới" là muốn thay đổi bầu không khí làm việc, thay đổi môi trường làm việc và muốn thử sức mình ở một ngôi trường mới.

Thậm chí có không ít trường hợp cán bộ trẻ được giữ lại ở các trường công lập nhưng chưa đủ điều kiện tham gia công tác giảng dạy cũng đã được các trường ngoài công lập mời về làm giảng viên thỉnh giảng.

Đến nay ĐHDL Văn Lang đã nhận khoảng 50-70 giảng viên của các trường khác về làm giảng viên cơ hữu cho trường mình, trong đó trường hợp các cán bộ ban đầu chỉ là thỉnh giảng rồi sau đó chuyển sang cơ hữu không phải là ít.

Một cán bộ của trường cho biết: "Có nhiều cách nhận khác nhau, nhưng tựu trung lại là giảng viên lớn tuổi về hưu sau đó nhận vào cơ hữu luôn, hoặc là một số cán bộ ban đầu tham gia công tác thỉnh giảng và sau đó chuyển công tác qua làm giảng viên cơ hữu của nhà trường".

Quyết liệt hơn, trong thông báo tuyển dụng 35 cán bộ giảng dạy cơ hữu cho 19 chuyên ngành, ĐH bán công Tôn Đức Thắng còn mạnh dạn thông tin: "Số lượng tuyển là không hạn chế đối với chức danh tiến sĩ"!

Và những chiêu thức "chiêu hiền đãi sĩ"

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Quế (hiệu trưởng ĐH bán công Marketing TP.HCM), việc xây dựng đội ngũ là vấn đề cốt tử, liên quan đến sự hưng thịnh của nhà trường. Một tổ chức mạnh là tổ chức phải có đội ngũ và phải có cơ chế quản lý. Thiết kế cơ chế quản lý nằm trong tầm tay của người hiệu trưởng, xây dựng một đội ngũ, tuyển người ở ngoài vào, đào tạo đội ngũ tại trường... là cả một vấn đề.

"Ngay từ khi còn ở bậc đào tạo CĐ, trường chúng tôi đã có chủ trương lôi kéo những người có học hàm học vị đang làm kinh doanh về trường, khả năng phát huy rất tốt vì đòi hỏi người dạy phải có kiến thức và thực tiễn. Tuyển người làm công tác quản lý thường có hai nguồn: làm ở trường khác rồi và làm ở đơn vị khác, họ đã có tư chất quản lý rồi, bồi dưỡng thêm không khó".

Nói về việc chế độ chính sách dành cho những người được tuyển về, mời về công tác tại trường, PGS.TS Quế cho biết: "Những người về trường thấy người ta đáp ứng được nhu cầu của mình và ngược lại mình đáp ứng được nhu cầu của người ta thì sẽ có một không khí làm việc tốt. Trong việc chỉ đạo cũng phải có sự tôn trọng, có chính sách đào tạo tiếp, có người mới về trường có bằng thạc sĩ thì chúng tôi cho học tiếp nghiên cứu sinh ngay.

Bên cạnh đó chế độ về tiền lương, tiền thưởng của trường tuy chưa phải là cao nhưng xu hướng phát triển tốt, việc cải thiện thu nhập hằng năm sẽ tạo cho người về trường an tâm hơn. Thậm chí, chúng tôi sẽ xây dựng chính sách đặc biệt để thu hút những người giỏi".

Có lẽ vì thế mà khi nghe hỏi nếu được mời về một trường tư thục đảm nhiệm một chức vụ cao hơn, mức lương cao hơn, một cơ chế làm việc thoáng thì có về không, suy nghĩ một lát một cán bộ trẻ của trường ĐH công lập trả lời: “Nếu được như vậy sẽ về!”. “Tựu trung lại là hai vấn đề: thứ nhất là để những cán bộ tuyển về có môi trường làm việc tốt và thứ hai là thù lao thỏa đáng” - hiệu trưởng ĐH Mở - bán công TP.HCM, TS Lê Bảo Lâm, nói.

Khi các trường ĐH tư thục ra đời, việc chiêu mộ người tài chắc chắn sẽ còn nóng bỏng và quyết liệt hơn bây giờ nhiều. Các trường tư thục với số tiền đầu tư dồi dào, còn nhiều vị trí tuyển dụng hấp dẫn, cơ hội thăng tiến rộng mở sẽ là mối "đe dọa ngầm" đối với các trường ĐH công lập.

Nhưng việc "chảy máu chất xám" này suy cho cùng cũng là dấu hiệu đáng mừng và hợp qui luật phát triển tất yếu của nền giáo dục. Tất nhiên trong điều kiện đó, các trường ĐH công lập cũng không thể không quan tâm đến đội ngũ nhân lực của mình.

Ngay như ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trong thông báo tuyển dụng của mình cũng đã ưu ái hết sức cho những cán bộ có học hàm, học vị. Đó là ngoài việc các cán bộ muốn được tuyển dụng phải trải qua thi tuyển, thì riêng các cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu là tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư chỉ cần tham gia buổi phỏng vấn do hiệu trưởng trực tiếp tiến hành.

Nếu cá nhân có nhu cầu, nhà trường sẽ bố trí việc làm cho cả vợ hoặc chồng người được tiếp nhận về trường.

(Theo Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,