(VietNamNet) - Cuộc thi "Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ" năm nay không được như mong đợi của khán giả cùng các doanh nhân, do chất lượng "đuối" hơn hẳn so với các năm trước, thể hiện rõ nhất trong đêm chung kết diễn ra tối 9/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Sau thành công vang dội và ấn tượng của cuộc thi năm trước (2003) để lại, "Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ" năm 2004 lại được Đài Truyền hình Việt Nam, Hội các nhà doanh nhân trẻ Việt Nam và Khoa Quản trị Kinh doanh HSB - ĐHQG Hà Nội tiếp tục tổ chức, với sự tham gia của 531 bạn trẻ trong cả nước. Theo lý thuyết, đây thực sự là một sân chơi bổ ích và là nơi chắp cánh cho những tài năng kinh doanh trẻ Việt Nam.
Mặc dù theo Ban tổ chức, các thi sinh phải qua ba vòng thi gắt gao trước khi có mặt tại Nhà hát Lớn như thi TOEFL, IQ, GMAT và kiểm tra tố chất doanh nhân, viết bài luận, phỏng vấn trực tiếp, xây dựng và bảo vệ kế hoạch kinh doanh... nhưng thực sự chất lượng của các thí sinh chưa làm hài lòng người xem.
Chất lượng chưa đồng đều
Thứ nhất, trình độ các thí sinh chênh lệch nhau khá lớn giữa các ngành nghề và các vùng miền. Trong mười thí sinh vào tới đêm chung kết, có bảy người của Hà Nội, còn lại một của Đà Nẵng và hai của TP.HCM. Lực lượng của trường ĐH Ngoại thương Hà Nội khá lớn, trong khi các trường khác thuộc khối kinh tế như Thương mại, Ngân hàng, Kinh tế... hầu như vắng bóng. Trong số năm giải vàng của cuộc thi, có tới bốn thuộc về ĐH Ngoại thương Hà Nội.
Các thí sinh là nam giới bị phái đẹp lấn át, hầu như không tìm được gương mặt thí sinh nam nào nổi trội cả về khả năng ứng xử lẫn năng khiếu kinh doanh. Điều đó khiến năm giải vàng đều về tay các cô gái. Các câu trả lời của thí sinh nam quá nặng về lý thuyết sách vở, thiếu thực tế. Hầu như họ đều xử lý lúng túng với các câu hỏi dù không quá khó. Tiêu biểu như trường hợp thí sinh Vũ Minh Thuận, trả lời câu hỏi của TS Trương Gia Bình: ''Với chủ trương đưa máy tính về nông thôn, làm thế nào để sản xuất máy tính giá rẻ cho nông dân Việt Nam?''. Thuận trả lời một cách rất chung chung rằng đó là yếu tố con người và con người Việt Nam có thể làm được tất cả (!). Ở câu hỏi ''Với máy tính Thánh Gióng giá rẻ, nên phát triển thị trường ra ngoài lãnh thổ Việt Nam theo hướng nào, Đông, Tây, Nam hay Bắc?", thí sinh hình như không có kiến thức thực tế về dòng sản phẩm này nên chỉ hô hào một cách lý thuyết: ''Với... sức trẻ và thế mạnh của mình, tôi cho rằng máy tính Việt Nam có thể phát huy ra toàn cầu, đi bốn phương, tám hướng, máy tính Việt Nam có thể đi khắp toàn cầu'' (!). Câu trả lời đã khiến ông Trương Gia Bình đành phải ngao ngán: ''Mời em về cùng tôi đi... toàn cầu''.
Ít bám sát thực tiễn
Nhìn chung, các câu hỏi của đêm chung kết đều hay, đòi hỏi thí sinh phải thông minh, phản ứng nhanh nhưng các câu trả lời lại không đáp ứng được như vậy. Hầu hết các thí sinh đều chưa có kiến thức thực tế nên lúng túng. Vì thế, đã có những câu trả lời chỉ mang tính sách vở và từ báo chí vẫn nói ra rả từ vài năm nay, như "chúng ta cần phát huy nhân tố con người, công nghệ cùng kỹ thuật tiên tiến",... Các thí sinh đều chưa hoàn thiện được câu trả lời so với thời gian cho phép.
Trong khi đó, những câu trả lời cụ thể, ngắn gọn và đúng trọng tâm, thể hiện được yếu tố sáng tạo và tố chất doanh nhân, gắn với thực tiễn thì hầu như không có! Thậm chí, yếu tố quan trọng hàng đầu đối với doanh nghiệp hiện nay là thương hiệu cũng không được các thí sinh nhắc tới, nếu không có sự bổ sung của Ban giám khảo.
Có thí sinh đã khen chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp của vị giám khảo đang lãnh đạo một cách lộ liễu, khiến khán giả phải cười ồ lên và chính vị giám khảo này cũng thấy ngại ngùng. Đoàn Hương Giang gần như không thể trả lời được câu hỏi của giám đốc Công ty Trường Hải: ''Làm thế nào để với chiến lược sản xuất ô-tô, chứng minh mình là doanh nhân yêu nước?''.
Ngay cả những thí sinh đạt giải vàng cũng lúng túng với những câu hỏi của các doanh nhân. Ông Hoàng Anh Tuấn, giám đốc Công ty Công nghệ Thông tin Hà Nội hỏi về những việc cần làm khi mở văn phòng tại Mỹ thì Đỗ Lan Hương trả lời (cũng chung chung) là cần tập trung vào yếu tố nhân lực. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp cần chú ý ở đây là phải tìm hiểu văn hoá kinh doanh của người Mỹ và luật pháp Mỹ!
* Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: ''Tôi kêu gọi các bạn trẻ, các bạn sinh viên hãy hăng hái tham gia chương trình này, hãy cố gắng học tập xây dựng đất nước. Những điều các bạn đã học tập được rất quý. Nhưng để trở thành một doanh nhân giỏi thành đạt, còn cả một con đường chông gai, mồ hôi và nước mắt''. * TS Phương Hữu Việt, trưởng Ban tổ chức cuộc thi: ''Việt Nam rất cần một đội quân xung kích trong mặt trận kinh tế. Làm thế nào để thanh niên Việt Nam có cơ hội phát triển tốt nhất, làm thế nào để bảy năm nữa chúng ta có những giám đốc trẻ tầm cỡ là vô cùng quan trọng''. * Giáo sư Đào Trọng Thi, giám đốc ĐHQG Hà Nội: ''Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nhưng làm thế nào để phát hiện, bồi dưỡng và giúp cho những hiền tài ấy phát triển đang là vấn đề lớn của toàn xã hội Việt Nam''. |
Giám đốc Nguyễn Thanh Sơn của TNT cũng không mong đợi một câu trả lời chung chung theo kiểu cứ là doanh nghiệp chuyển phát nhanh thì phải đầu tư vào phương tiện vận chuyển. Theo ông Sơn, cái quan trọng hơn là thương hiệu và uy tín!
Với câu hỏi "Nếu bạn đạt giải vàng thì bạn có muốn vào làm việc ở TNT không?", thí sinh Diệu Thuý cũng chỉ nói được là muốn vào. Nhiều người đã băn khoăn, là một doanh nhân trẻ tài năng, Diệu Thuý có thể nhận được nhiều lời mời của các doanh nghiệp, khi đó liệu bạn có lưỡng lự giữa TNT và các công ty khác nếu xét về điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ... không.
Câu trả lời mà các doanh nhân mong mỏi ở các bạn sinh viên tài năng là một sự lựa chọn giữa các doanh nghiệp; thậm chí tại sao bạn lại không thể khởi nghiệp với chính doanh nghiệp của mình. Ông Sơn cũng cho rằng nếu nhận lời TNT, tại sao bạn không dám đề đạt nguyện vọng muốn làm gì, giám đốc kho vận hay giám đốc kinh doanh chẳng hạn. Không biết có phải vì đứng trước đông người không mà các thí sinh hầu như chưa thể hiện được bản lĩnh kinh doanh của mình?
Đã có những nét thất vọng trên khuôn mặt nhiều vị giám khảo sau khi nhận được câu trả lời của các sinh viên. Sự xa rời thực tế của các thí sinh ngành kinh tế khiến người ta đặt ra câu hỏi: Phải chăng cách giáo dục trong trường đại học đang tạo ra những ''sản phẩm'' như vậy?
Thiếu thông tin về thí sinh
Bên cạnh đó, những điểm yếu về tổ chức cũng là yếu tố khiến chương trình chưa trọn vẹn. Cả một chương trình diễn ra suốt buổi tối, nhưng khán giả đợi mãi cũng chẳng được hai người dẫn chương trình (MC) tiết lộ một chút thông tin nào về các thí sinh. Các thông tin rất cần thiết như thí sinh đến từ địa phương nào, học trường ĐH nào, năm thứ mấy... không ai hay.
Mang tiếng là một cuộc thi tài năng kinh doanh, nhưng cũng không ai được cho biết các thi sinh đã qua ba vòng thi và mỗi thí sinh đã chứng minh tài năng của mình bằng những đề án kinh doanh gì, có tính thực tiễn không? Ngay cả đối với thí sinh đạt điểm cao nhất (Nguyễn Thị Phương Thảo) cũng không được MC hoặc Ban tổ chức cho biết học trường nào, năm thứ mấy, từ địa phương nào.
Chưa nói tới việc MC T.H luôn mồm nhắc đi nhắc lại câu nói ''Các bạn hãy dành một tràng pháo tay thật nồng nhiệt...'' ngay cả trong khi các thí sinh đang phải tập trung cao độ chạy đua với những giây phút ngắn ngủi để giải đáp câu hỏi bài thi. Cô có vẻ như luôn chờ đợi đến khi gần hết thời gian dành cho các thí sinh để bắt đầu... đếm những giây cuối cùng khiến không ít khán giả thở dài. Cộng thêm với vài lần nói nhầm, chính MC vô tình đã làm các thí sinh mất tự chủ vì các bạn vốn không phải quen với việc bước lên sân khấu, tự tin trước ánh đèn và ống kính truyền hình.
Vài điểm nhấn
Tuy nhiên, cũng cần phải kể tới một vài điểm nhấn trong đêm chung kết. Thí sinh đạt điểm cao nhất - Nguyễn Thị Phương Thảo có câu trả lời khá cụ thể và thực tiễn, thể hiện được bản lĩnh của một doanh nhân trẻ: ''Sau khi ra trường, em sẽ đi làm khoảng một-hai năm rồi học Cao học, sau đó sẽ khởi sự doanh nghiệp của mình". Trả lời câu hỏi ''Các doanh nghiệp làm giàu thì ích nước ở đâu?'' của phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thí sinh Phong đáp khá hay: ''Ích nước là tạo ra giá trị khách hàng cần, nhân dân cần và tạo ra nguồn thu''.
Ưu điểm của cuộc thi này là không giống như nhiều cuộc thi khác (các thí sinh đoạt giải nhận một số tiền thưởng lớn rồi ''đường ai nấy đi''), Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ là cả một quá trình lâu dài với các giai đoạn tìm kiếm, bồi dưỡng và phát triển tài năng để xây dựng một đội ngũ doanh nhân trẻ, tạo cho họ một điều kiện thuận lợi để thể hiện năng lực thực sự của mình, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nước nhà. Quan trọng hơn, các bạn trẻ sẽ được những doanh nhân thành đạt kèm cặp thường xuyên qua những dự án nhỏ để từ đó học hỏi được kinh nghiệm quý báu trong những "cuộc chiến" trên thương trường vốn đang ngày càng quyết liệt ở Việt Nam và quốc tế.
-
Hạnh Sương