Trong 5 năm tới, CNTT Việt Nam nên phát triển theo hướng nào cho phù hợp? Vấn đề này được đề cập với ông Nguyễn Ái Việt, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, người viết dự thảo "Chương trình trọng điểm quốc gia về ứng dụng và phát triển CNTT truyền thông giai đoạn 2006-2010" (trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 7/2005).
- Thưa ông, chương trình trọng điểm quốc gia về CNTT-TT 2006-2010 đang soạn thảo có những điểm nào mới?
Đào tạo nguồn nhân lực là một mục tiêu chiến lược trong kế hoạch phát triển CNTT VN. |
Điểm khác biệt là sự phối hợp và tập trung nguồn lực. Những chương trình cũ (1996-2000; 2001-2005) chưa có yếu tố phối hợp khi nói đến các dự án. Ví dụ “phát triển” là một mục, sau đó đến “ứng dụng”, không liên hệ gì với nhau. Trong dự thảo mới này, chúng tôi gắn liền ứng dụng và phát triển, với mục tiêu cơ bản nhất là đến năm 2010 phải có thị trường và sản phẩm. Bởi vì chẳng lẽ ứng dụng là chỉ mua sản phẩm của nước ngoài?, trong khi sản phẩm công nghiệp phần mềm trong nước thì không bán được, mất thị trường ngay tại sân nhà.
Sản phẩm tốt mới có thị trường tốt. Thị trường tốt mới thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư dài hơi để phát triển sản phẩm. Như vậy, nhà nước cần chọn một mũi nhọn để hỗ trợ phát triển. Và theo chúng tôi nên chọn mũi nhọn dịch vụ, đầu tư nhiều vào đó, ể tạo thị trường.
Về giải pháp, chúng tôi nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong tạo lập thị trường sở hữu trí tuệ và thị trường CNTT. Lâu nay, khối nhà nước vẫn phàn nàn: CNTT rất khó triển khai vì định mức quá thấp. Mức lương chỉ hơn 30.000 đồng/ngày/người thì rất khó phát triển. Bộ Tài chính cho rằng, cần phải có công thức toán học để tính lại. Theo chúng tôi, muốn biết giá đúng cần dựa vào thị trường. Dùng công thức tính, nhưng cũng phải mang ra thị trường soi lại, điều chỉnh thêm. Giá là sự cân bằng giữa cung và cầu, thế thôi. Ngoài ra, một trong những giải pháp mạnh mà chúng tôi đề xuất là cho phép đầu tư ra nước ngoài.
Chúng ta chưa đủ sức đi vào sản xuất công nghệ lõi hay những con chip có tốc độ rất cao, do vậy nên nhường việc đó cho các nhà sản xuất nước ngoài đầu còn chúng ta thì tạo cơ chế thu hút họ đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Đó là đầu tư vào dịch vụ để làm bàn đạp tiến tới công nghiệp CNTT. Cái gì thị trường có sẵn, có thể phát triển nhanh nhất thì ta đi. Nếu sau này từ bàn đạp đó mà bước thêm được một bước thì càng tốt. Trước nay, ta thường làm theo hướng vẽ ra một bức tranh có nhiều ô, rồi bỏ vào mỗi ô một cái gì đó. Tôi không làm theo cách đó, mà muốn tập trung vào một số mũi nhọn. |
Ngành CNTT nên chú trọng vào dịch vụ!
- Nhưng tại sao tập trung vào lĩnh vự c dịch vụ mà không tập trung ứng dụng CNTT trong công, nông nghiệp?
Đối với công - nông nghiệp, CNTT đóng vai trò hiện đại hóa, cho nên phải ứng dụng. Nhưng tôi nhấn mạnh khía cạnh dịch vụ. Chẳng hạn trong nông nghiệp có thể dùng CNTT cung cấp dịch vụ phục vụ xuất khẩu, thông tin về giống má, thời tiết, kiến thức... cho bà con.
Ngành CNTT cũng nên chú trọng vào dịch vụ. Chúng ta chưa thể làm ra chip tốc độ cao, các bộ điều khiển cực kỳ nhanh, thiết bị viễn thông phức tạp. Chúng ra cũng chưa thể làm ra hệ thống như Java, C++, hay những sản phẩm chính khác trong CNTT. Vì thế, nên tập trung vào dịch vụ ứng dụng là chính. Xuất khẩu phần mềm hiện nay là gì? Là làm dịch vụ gia công, chứ chưa phải là tự phát triển phần mềm. Tương tự, lắp ráp điện tử là dịch vụ, công nghiệp viễn thông là dịch vụ, công nghiệp nội dung cũng là dịch vụ. Cho nên theo tôi cần tập trung vào dịch vụ.
- Như vậy, tập trung vào mảng dịch vụ sẽ thuận lợi và kết quả đạt được cao hơn?
Thực ra tôi không hề nói là chỉ làm dịch vụ, mà là dùng mũi nhọn dịch vụ làm bàn đạp tiến tới công nghiệp CNTT. Có một số nước không quan tâm đến công nghiệp, mà chỉ quan tâm đến dịch vụ thôi, và họ chỉ mua sản phẩm về. Còn với chúng ta, sử dụng dịch vụ nhưng nhắm vào công nghiệp CNTT, nên luôn luôn khuyến khích chuyển giao công nghệ, xây dựng thị trường sở hữu trí tuệ, xây dựng công nghệ lõi, nghiên cứu và triển khai... Nhưng trước hết, cứ xây dựng sản phẩm dịch vụ có chất lượng đã. Khi đó, ta sẽ thương mại hóa được sản phẩm ấy, tức là công nghiệp CNTT đã hình thành.
Dịch vụ ở đây có 2 khía cạnh, là phát triển và ứng dụng. Về phát triển, có thể tập trung vào lĩnh vực dịch vụ gia công phần mềm, lắp ráp điện tử, viễn thông, công nghiệp nội dung... Sau đó dùng các mũi nhọn dịch vụ này để đưa vào ứng dụng, ví dụ trong ngành ngân hàng, ngành viễn thông, ngành tài chính, giao thông vận tải. Đó là những ngành nằm trong khu vực dịch vụ mũi nhọn nên ứng dụng sẽ nhanh nhất và thu hiệu quả nhiều nhất.
Làm sao để các dự án sẽ không bị “chết cứng”...
- Trong các chương trình 5 năm trước đây, ông thấy có những điểm gì chưa phù hợp?
Các chương trình viết đều tốt, nhất là chương trình 1996-2000. Tuy nhiên theo tôi, cứ 5 năm làm chương trình một lần là hơi cứng. Trong 5 năm, có thể có những dự án, đề án không triển khai được, hoặc không muốn triển khai do tình hình đã đổi khác, nhưng chúng vẫn nằm trong chương trình, không xóa được. Trong khi đó, có những cơ hội lớn lại rất khó bổ sung. Mỗi lần bổ sung sẽ rất vất vả, hoặc không kịp điều chỉnh nên có thể nhiều cơ hội bị bỏ lỡ.
Trong CNTT chỉ nên lập kế hoạch khoảng 2 năm. Trong kế hoạch lần này, chúng tôi sẽ làm theo cơ chế mở, tức luôn luôn có thể bổ sung các dự án. Song, điều quan trọng là năng lực nắm bắt cơ hội và quyết định nhanh của Nhà Nước. Với những điều kiện như thế, các dự án sẽ đỡ bị “chết cứng”.
(Theo PCWorld VN)