Trong khi máy tính trong nước loay hoay tìm đường đi, máy tính nước ngoài đang có chương trình giá rẻ để thu hút khách hàng. Người dùng có kiến thức lại thích tự "mày mò" lắp ráp.
Bên cạnh xu hướng mua máy tính bộ, nhiều người dùng thích mua linh kiện về tự lắp ráp. Vừa được chọn cấu hình theo ý muốn, người dùng còn có dịp thử nghiệm tay nghề.
Máy tính trong nước: Lo dự án!
Láp ráp máy tính không phải khó. Chỉ cần người dùng có một chút kiến thức về PC là hoàn toàn có thể tự lắp cho mình một bộ máy tính hoàn chỉnh. (Ảnh: Nguyên Vũ). |
Ông Lê Thanh Hùng, giám đốc thương hiệu máy tính Việt Nam T&H nói: "Máy bộ của công ty chúng tôi chủ yếu phục vụ cho những dự án, còn khách hàng gia đình, từ 50% giảm xuống chỉ còn 5% vài năm nay". Cũng theo anh Hùng, những người chọn mua máy bộ của T&H vẫn là khách hàng quen, còn khách hàng mới hầu như không có. Thậm chí, nhiều khách quen nay cũng bỏ T&H mà đi vì họ cho rằng, giá máy bộ còn quá cao so với việc tự mua linh kiện lắp ráp vừa thuận tiện, vừa dễ mua!
Theo bà Võ Thị Lộc, phòng kinh doanh của Phong Vũ , số khách hàng mua máy bộ ngày càng giảm, trong khi xu hướng mua linh kiện, tuỳ chọn cấu hình ngày càng tăng. Trong khi máy bộ của T&H, Robo "sống được" nhờ những khách hàng quen thì nhiều thương hiệu một thời vang bóng nay thu mình sau những gói thầu dự án.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số công ty như Nguyễn Hoàng với thương hiệu máy tính Vibird, Huy Anh với máy tính thương hiệu Cgroup có những chiến lược riêng về máy giá rẻ. Chiến lược của Nguyễn Hoàng nhằm khuyếch trương cho thương hiệu Vibird là các chương trình hỗ trợ như: cung cấp các dòng máy giá rẻ, cho sinh viên mua trả góp (hiện đang thực hiện tại khu vực ĐBSCL). Theo bà Lê Thị Thuột, Giám đốc marketing của công ty Nguyễn Hoàng, bình quân mỗi tháng Nguyễn Hoàng cung cấp trên 2.000 máy cho các chương trình trên. Còn ông Bùi Huy Tuấn, Giám đốc công ty Huy Anh thì cho biết, tỷ lệ khách hàng gia đình đã chiếm khoảng 40% số lượng của Huy Anh bán ra thị trường. Khách hàng thường chọn dòng máy Home của Cgroup có giá 349 USD với cấu hình: Celeron 2.0GHz, ổ cứng 40GB, 128 MB RAM.
Máy bộ nước ngoài: "Lấn sân" trong nước...
Đó là thực tế trong lĩnh vực buôn bán máy bộ hiện nay tại thị trường Việt Nam. Để thu hút khách hàng, nhiều hãng máy tính nổi tiếng như HP, Acer đã đưa ra nhiều chương trình máy tính giá rẻ. Từ tháng 10/2004, Acer đã công bố chương trình máy tính giá rẻ với dòng máy tính để bàn có cấu hình: bộ vi xử lý Celeron 2,6GHz, ổ cứng 40GB, 128MB RAM, màn hình 15inch… chỉ có giá 388 USD. HP cũng không thua kém khi trình làng với máy bộ giá rẻ có cấu hình: Celeron, 2,6 GHz, ổ cứng 40GB, RAM 128MB… có giá 419 USD (giá gốc 499 USD). HP còn kết hợp với các ngân hàng để bán trả góp cho khách hàng. Một nhà phân phối máy bộ nước ngoài cho biết: "Các doanh nghiệp máy tính trong nước khó lòng mà cạnh tranh được với các thương hiệu nước ngoài khi họ vừa có lực về kinh tế vừa có những ưu thế về chất lượng" (??)
Chọn linh kiện là hợp lý hơn!
Trò chuyện với phóng viên, anh Huế (Q.9, TP.HCM) cho biết: "Mua linh kiện, tự lắp ráp thì sau này máy có trục trặc còn biết đường mà sửa". Một khách hàng trẻ tuổi lập luận rằng: người dùng tự chọn linh kiện để lắp ráp vì kiến thức máy tính đối với giới trẻ hầu như không quá cao.
Tại các siêu thị, cửa hàng bán linh kiện máy tính, nhiều người dẫu không biết nhiều nhưng theo tư vấn của bạn bè cũng tự lựa chọn linh kiện và yêu cầu nơi bán lắp ráp luôn. Một khi trình độ người tiêu dùng đã được nâng lên, kênh phân phối tốt, việc tự mua linh kiện lắp ráp máy tính được nhiều người chọn lựa là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi người dùng phải có nhiều kinh nghiệm lựa chọn hàng, hiểu biết về kỹ thuật. Nhưng liệu chỉ mua và lắp ráp các linh kiện có bảo đảm được tính đồng bộ của sản phẩm hay không là điều cần phải bàn thêm!
Trọng Hiền (Theo Sài gòn Tiếp thị)