(VietNamNet) - Đó là thông tin được ông Nguyễn Thành Phúc - Phó Viện trưởng Viện chiến lược BCVT & CNTT thuộc Bộ BCVT - Tổ trưởng tổ biên tập - thành viên Ban soạn thảo luật CNTT trong cuộc trao đổi ngắn với VietNamNet xung quanh tiến trình thực hiện hoàn thiện dự thảo.
Theo dự kiến giữa năm 2005 Bộ BCVT sẽ trình Chính phủ nội dung Luật CNTT. Thời gian không còn nhiều để Ban soạn thảo luật CNTT thực hiện nhiệm vụ xây dựng bản dự thảo cuối cùng trước khi trình Chính phủ toàn bộ nội dung của Luật CNTT. Tuy nhiên, hiện nay, Ban soạn thảo vẫn đang trong thời gian phải tiếp thu, sửa đổi khá nhiều các ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT về dự thảo luật.
- Xin ông cho biết tầm quan trọng của việc xây dựng luật CNTT hiện đang được Bộ BCVT chủ trì?
- Ngành CNTT Việt Nam thời gian gần đây đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ coi là một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn cho sự phát triển GDP của đất nước. Để phát triển được CNTT trong giai đoạn hiện nay, ngoài các chủ trương, chính sách đã được ban hành đòi hỏi cần phải có một hành lang pháp lý cho các hoạt động của CNTT cả về ứng dụng CNTT (phần cầu) và Công nghiệp CNTT (phần cung). Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có được một hành lang pháp lý ở mức cao, ở mức Luật mà mới chỉ dừng lại ở mức Nghị quyết, cùng lắm là Pháp lệnh.
Vì vậy, dự thảo luật CNTT xây dựng chủ yếu tập trung tạo ra hành lang pháp lý cho các hoạt động ứng dụng CNTT đặc biệt là các hoạt động ứng dụng CNTT trên mạng thông qua môi trường điện tử, Chính phủ điện tử, Thương mại điện tử. Luật CNTT được ban hành sẽ tạo ra cơ sở pháp lý để thể chế hóa các chủ trương của Đảng về thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp CNTT trở thành một nền kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
- Có ý kiến cho rằng nội dung của dự thảo luật CNTT có nhiều phần liên quan đến các dự thảo luật khác như Sở hữu trí tuệ hay luật Giao dịch điện tử. Vậy trong quá trình xây dựng, tổ soạn thảo đã nghiên cứu trước khi xây dựng nội dung dự thảo luật như thế nào?
- Những vấn đề liên quan đến các luật, ngành khác ví dụ về công nghiệp, trong bản dự thảo có đề cập tới vấn đề công nghiệp CNTT. Đến bây giờ, kể cả luật về Công nghiệp, Việt Nam cũng chưa có. Tổ biên tập đã đưa vào luật với mục đích để có thể thúc đẩy Công nghiệp CNTT trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn và cũng muốn rõ xem ngành Công nghiệp bao gồm những hoạt động gì? Và những người tham gia vào đó họ sẽ được hưởng những quyền lợi gì? Phải chịu trách nhiệm gì?
Vấn đề sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực CNTT gần đây cũng được báo chí đề cập nhiều. Và luật CNTT lúc đầu cũng định nhằm giải quyết những vấn đề đó, nhưng sau khi phát hiện ra luật Sở hữu trí tuệ cũng giải quyết khá tốt vấn đề này tổ biên tập đã không đưa vào trong luật CNTT. Tuy nhiên, đây cũng là một nội dung rất quan trọng.
- Khi xây dựng luật này, Tổ biên tập gặp phải những khó khăn gì?
- Đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới. Ở Việt Nam, hoạt động thực tiễn chưa nhiều để có thể từ thực tế tìm ra các hành vi, những mâu thuẫn xã hội để xây dựng hành lang pháp lý cho các hành vi đó. Vì vậy, ban soạn thảo phải dự báo, tham khảo luật các nước nhiều. Cùng về chủ đề nhưng luật mỗi nước có một mô hình luật khác nhau. Nếu chỉ tham khảo một nước không đủ mà phải tìm hiểu nhiều nước để tìm ra những ý tưởng hay, phù hợp với thực tiễn phát triển CNTT Việt Nam, đưa vào dự thảo luật.
- Ngoài việc tham khảo luật của các nước, việc lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành có gặp những cản trở?
- Cho đến bây giờ đây là lần thứ hai ban soạn thảo quyết định đưa dự thảo luật ra rộng rãi hơn. Hiện Bộ cũng có công văn chính thức gửi tới các Bộ, Ngành và chờ đợi ý kiến phản hồi chính thức như thế nào để tiếp tục tiếp thu và hoàn thiện dự thảo luật. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp từ hai Hội thảo, ý kiến của các Bộ ngành, Ban soạn thảo sẽ họp lại và quyết định phiên bản cuối cùng để trình lên Chính phủ.
- Xin ông cho biết những mong đợi gì của Ban soạn thảo khi luật CNTT được ban hành?
- Mong muốn khi luật được ban hành sẽ sớm đi vào cuộc sống. Tất cả những điều được đưa vào luật, những điều gì đi quá xa thì không đưa vào, chỉ đưa vào những nội dung thiết thực, khả thi. Sau khi có luật, cùng với những văn bản pháp lý hướng dẫn ra đời, luật có thể tạo hành lang pháp lý tốt cho sự phát triển của ngành CNTT.
- Vậy, lộ trình xây dựng luật CNTT đến thời điểm này?
- Giữa tháng 5 Bộ BCVT sẽ trình Chính phủ bằng văn bản dự thảo luật CNTT và trong kỳ họp thứ 6 của Chính phủ sẽ xem xét luật này. Nếu Chính phủ thông qua, sẽ trình lên Quốc hội và kỳ họp thứ 2 năm nay, Quốc hội sẽ cho ý kiến. Nếu thuận lợi, trong kỳ họp thứ nhất của năm 2006, Quốc hội sẽ thông qua luật CNTT.
- Xin cảm ơn ông!
-
Thủy Nguyên (thực hiện)