(VietnamNet) - "Vi phạm bản quyền phần mềm ở VN là một trong các nguyên nhân khiến các nhà đầu tư CNTT trên thế giới còn chưa mặn mà với thị trường chúng ta. VN có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm nhiều nhất - 92%"
Phó chủ tịch BSA Jeff Hardee: "Cần nhất là nâng cao nhận thức cho người dân!". (Ảnh: HS) |
Hiệp hội Phần mềm Thế giới (BSA) đã nhiều lần lên tiếng như vậy, nhưng thực tế, để giải quyết vấn nạn chung này của các nước đang phát triển không phải là chuyện dễ dàng gì.
Hôm qua (16/3), Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Văn hoá thông tin phối hợp cùng Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp BSA (với các thành viên là những hãng phần mềm nổi tiếng thế giới) đã tổ chức buổi hội thảo và họp báo về bản quyền phần mềm. Chủ đề của buổi họp báo là "Đẩy mạnh hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm và tác động tới nền kinh tế".
92% là tỷ lệ vi phạm rất lớn, tuy nhiên so sánh tổng giá trị thiệt hại và tỷ lệ thiệt hại giữa VN và nhiều nước đang phát triển, thậm chí phát triển mạnh như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, thì mức độ thiệt hại của VN vẫn còn ở hàng thấp nhất. Theo số liệu của BSA: 92% và 41 triệu USD là tỷ lệ vi phạm và tổng giá trị thiệt hại trong việc vi phạm bản quyền phần mềm ở VN, còn ở Mỹ: tỷ lệ vi phạm chỉ là 22%, nhưng giá trị thiệt hại lên tới 6.496 triệu USD, Nhật thiệt hại 1.633 triệu USD, tỷ lệ vi phạm 29%, Trung Quốc thiệt hại 3.823 triệu USD, chiếm tỷ lệ vi phạm lớn nhất thế giới là 92%.
Vậy, có thể nhìn thấy, vi phạm bản quyền phần mềm đang là "căn bệnh" chung của các nước đang phát triển, đó cũng là vấn đề không thể giải quyết "ngày một ngày hai".
Phải có một cơ chế bảo hộ!
Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Mạnh Hải: "Các DN phần mềm trong và ngoài nước cần có chính sách hỗ trợ giảm giá sản phẩm để phù hợp với thu nhập chung của người sử dụng". (Ảnh: HS) |
Trong nỗ lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại VN, đối với riêng ngành CNTT và lĩnh vực phần mềm, Chính phủ đã có những chính sách cụ thể được quy định bằng pháp luật và các biện pháp thực thi để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và chống lại việc sao chép phần mềm trái phép.
Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Bùi Mạnh Hải cho biết, nhằm thức đẩy ngành kinh tế chủ lực là CNTT phát triển, cùng với các ưu đãi khác về thuế quan, tài chính, chính sách chiến lược cho cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực,... nhà nước VN cũng đang đẩy mạnh nhanh và kiện toàn hệ thống bảo hộ quyền SHTT cho riêng lĩnh vực phần mềm, chẳng hạn như các văn bản đã được ban hành: Nghị quyết của BCH TW Đảng khóa VIII về "Hoàn thành hệ thống pháp luật bảo hộ quyền SHTT", Chỉ thị 58 - CT/TW của Bộ Chính trị, Kết luận của BCH TW Đảng khóa IX,...hay Bộ luật dân sự phần 6 cũng quy định: "Phần mềm máy tính là một sản phẩm trí tuệ được bảo hộ như tác phẩm viết".
Ông Bùi Mạnh Hải khẳng định, hệ thống văn bản pháp luật về bảo hộ quyền SHTT của VN đã cơ bản thỏa mãn theo yêu cầu chung của quốc tế, đặc biệt là các yêu cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các chủ sở hữu phần mềm máy tính có đầy đủ các biện pháp để bảo vệ quyền của mình, bao gồm các biện pháp dân sự, hình sự và các biện pháp hành chính.
Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp phần mềm trong và ngoài nước vẫn phải "hứng chịu" tình trạng vi phạm bản quyền tới 92% của người dân sử dụng. Lý do rất nhiều như: các quy định về bảo hộ quyền SHTT của VN chủ yếu nằm trên giấy, thực tế ít được thực hiện; Biện pháp thực thi chưa đúng; Thiếu các quy định về trình tự, thủ tục; Phân định trách nhiệm của các cơ quan giám sát chưa đồng nhất; và nhất là nhận thức của công chúng còn rất hạn chế!.
Vấn nạn sao chép...
Trong một đợt kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 7.000 đĩa CD phần mềm sao chép trái phép đã bị thu giữ. Tuy nhiên, sau các đợt kiểm tra, tình hình vi phạm vẫn không giảm đi mà chỉ "rút vào hoạt động bí mật". Biển quảng cáo là bán các phần mềm có bản quyền giá khoảng 300.000 VNĐ đến 900.000 VNĐ, nhưng thực tế, khách hàng vẫn có thể mua những CD sao chép "lậu" với giá 8.000 - 10.000 VNĐ.
Ông Jeff Hardee, Phó chủ tịch BSA chỉ ra rằng, có rất nhiều hình thức vi phạm bản quyền phần mềm khiến tất cả mọi đối tượng từ người sử dụng, chủ cửa hàng kinh doanh,.... đến các doanh nghiệp bán máy tính đều có thể bị tính là vi phạm: Người dân lén lún đi mua các đĩa CD phần mềm sao chép lậu về sử dụng, Các cửa hàng in, sao đĩa "lậu", các cửa hàng bán đĩa "lậu", các công ty bán máy tính có cài đặt những phần mềm không bản quyền, hay "thuận tiện" hơn cho người "thích" vi phạm là hiện nay có đầy rẫy các công cụ để sao chép phần mềm được cung cấp tràn lan trên các website Internet.
Ông Jeff Hardee cũng cho rằng, có nhiều đầu mối và thủ thuật như vậy nên việc chống lại vấn nạn này không phải là chuyện dễ dàng gì, và điều quan trọng nhất là cần một ý thức trách nhiệm của mỗi người dân.
Vậy, biện pháp nào để nâng cao nhận thức cho người sử dụng trong việc thực hiện quyền SHTT trong riêng lĩnh vực phần mềm máy tính?
Biện pháp nào?
Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục SHTT: "Đào tạo cán bộ chuyên trách về công tác quyền SHTT cũng là một cách để nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền SHTT tại VN". (Ảnh:HS) |
Tuy nhiên, hiệu quả đến đâu thì Cục SHTT vẫn chưa thống kê được, và chưa rõ khi nào thì tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm ở VN sẽ giảm đáng kể! Ông Hùng cũng cho biết, những hoạt động như vậy vẫn đang và sẽ được tiếp tục đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Mạnh Hải cũng cho rằng, Việt Nam đang giống nhiều nước đang phát triển khác, là gặp khó khăn trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu sử dụng phần mềm và việc tôn trọng bảo vệ quyền tác giả. Không chỉ các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp lớn nhỏ mà một bộ phận rất lớn người dân đang có nhu cầu sử dụng phần mềm máy tính, trong khi, giá thành của các phần mềm lại quá cao so với thu nhập của người dân, nhất là các phần mềm của công ty nước ngoài.
Ông Hải cũng kêu gọi các hãng sản xuất phần mềm thông dụng cần có chính sách hỗ trợ, giảm giá sản phẩm đối với đối tượng người tiêu dùng Việt Nam. Ví dụ, Việt Nam vẫn đang chờ để được chọn vào danh sách các nước được sử dụng phần mềm hệ điều hành với giá ưu đãi của hãng phần mềm Microsoft, khi hãng này đã triển khai cho một số nước trong khu vực Đông Nam Á như: Thái Lan, Malaysia,...
Ngoài ra, các kế hoạch phát triển phần mềm nguồn mở và đưa những phần mềm nguồn mở có chất lượng vào sử dụng rộng rãi trong dân chúng cũng là những biện pháp nhằm làm giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở VN.
-
Huyền Chi