221
2082
Xa lộ thông tin
xalo
/cntt/xalo/
585198
"Không cơ quan nào quản lý hết thông tin trên web được!"
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
Thứ trưởng Bộ VHTT Đỗ Quý Doãn:
'Không cơ quan nào quản lý hết thông tin trên web được!'
,

(VietnamNet) - Đây là quan điểm của Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn về việc quản lý các thông tin trên mạng. Hôm nay (1/3), Bộ Văn hoá Thông tin (VH-TT) bắt đầu thực hiện việc xử lý đối với các báo điện tử và website tin tức hoạt động trái với quy định của Bộ. Dù chưa thể xác định cụ thể những website nào bị xem là hoạt động trái quy định, VietnamNet cũng đã có cuộc trao đổi trực tiếp với Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn ngay trong tối qua, nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn quan điểm của Bộ VH-TT về vấn đề này. 

- Xin ông cho biết số lượng các Website Bộ VHTT đang quản lý hiện nay?

Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Đỗ Quý Doãn (Ảnh Đinh Hằng).

- Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn: Trên cả nước hiện có khoảng 70 báo điện tử và nhà cung cấp thông tin trên Internet  ICP và 2.500 Website đã được cấp phép.

- Sau khi được cấp phép hoạt động của Bộ VHTT, các báo điện tử hoạt động theo quy chế nào, thưa ông?

- Hoạt động của các báo điện tử này phải tuân thủ theo quy định của luật báo chí về trách nhiệm, nghĩa vụ việc cung cấp thông tin. Cụ thể, các trang tin điện tử phải  tuân thủ  các điều Quyết định số 27/2002/QĐ-BVHTT ngày 10/10/2002 ban hành Quy chế quản lý và cấp phép cung cấp thông tin, thiết lập trang thông tin điện tử trên Internet.

- Ông có nhận xét gì về việc một số Website trong nước nhưng đặt máy chủ ở nước ngoài?

- Tên miền không thuộc quản lý của Bộ VHTT, mà do Bộ Bưu chính Viễn thông quản lý. Vì sao người ta đặt máy chủ ở nước ngoài? Lý do là các máy này có đường truyền chất lượng tốt tốc độ cao. Nếu Việt Nam nâng cao chất lượng của đường truyền sẽ kéo người ta về đặt máy chủ ở trong nước. Ngay từ năm 1997, ICP của Trung tâm Tin học thuộc Tổng cục du lịch đã đặt máy chủ ở nước ngoài.

- Vậy Bộ VHTT quản lý những Website này như thế nào?

- Chúng tôi mong Bộ BCVT sẽ có quy chế về vấn đề quản lý các Website này.

- Trước đây, khi Internet xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1997, chúng ta từng xác định nguyên tắc "mở rộng đến đâu, quản lý tới đó'', đến năm 2001, nguyên tắc này đã đổi thành ''phát triển đi đôi với quản lý''. Nhận xét của ông về việc quản lý Internet hiện nay?

- Tôi nghĩ rằng hiện nay, các quy định pháp lý cho việc quản lý, cung cấp thông tin trên Internet đang rất thiếu. Ví dụ, việc phân định rạch ròi các khái niệm báo điện tử, các nhà cung cấp ICP và các trang tin điện tử như thế nào chưa có quy định rõ ràng. Thứ hai là thiếu các chế tài xử lý. Trong khi chúng tôi đang tập xử lý các vi phạm tại đại lý Internet công cộng, thì trên thực tế đã phát sinh ra hàng loạt tệ nạn mới như chat sex, tung hình khiêu dâm trên mạng, xem sex trên di động...

Rõ ràng, văn bản quản lý chưa theo kịp được tốc độ phát triển dịch vụ này. Đây là vấn đề đáng quan tâm, khiến chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu để tạo nên được sự phân cấp trong quản lý trong thời gian tới. Hiện tại, Bộ VHTT mới chỉ quản lý được ở một mức độ nhất định: ví như báo chí, bản tin, Bộ mới chỉ quản lý được từng khía cạnh cụ thể.

- Vậy còn việc quản lý nội dung của các trang Web, thưa ông?

- Theo tôi, không thể có cơ quan nào có thể quản lý được hết thông tin trên mạng. Thậm chí, ngay cả báo viết, chúng tôi cũng chưa thể quản lý triệt để, huống hồ đây lại là một xã hội ảo. Chúng ta nên phối hợp quản lý bằng ba cách sau: Quản lý bằng pháp luật; bằng kỹ thuật và bằng giáo dục. Biện pháp quan trọng nhất là huy động cả xã hội giáo dục để thanh thiếu niên truy cập thông tin tốt, loại bớt thông tin xấu. Đồng thời, nhà cung cấp tích cực đưa nhiều thông tin tốt trên Internet, tạo sân chơi cho thanh niên, như vậy sẽ đẩy lùi được những nội dung xấu.

- Về tình hình phát triển Internet hiện nay, ông có đánh giá gì?

- Không ai có thể phủ nhận vai trò của Internet trong đời sống xã hội, với vai trò cung cấp lượng thông tin khổng lồ, nhanh nhất, hiệu quả nhất, và có tác động lớn nhất. Nhờ Internet, cả thế giới nắm bắt được thông tin của nhau. Tất cả lợi thế của các phương tiện truyền thông khác đều tập trung trên mạng Internet.

Tuy vậy, bên cạnh lợi thế, Internet cũng có mặt trái của nó. Nhiều kẻ lợi dụng lợi thế này để truyền bá thông tin xấu, hình ảnh đồi truỵ, thông tin chống phá quốc gia... Internet có tính hai mặt, như con dao hai lưỡi. Nếu không quản lý tốt thông tin trên mạng, sẽ gây tác động xấu. Ngược lại, nếu sử dụng tốt thông tin sẽ giúp ích cho việc thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển...

- Dự đoán của ông về sự phát triển của báo điện tử tại Việt Nam?

Gian hàng báo điện tử VietNamNet tại Hội Báo Xuân Ất Dậu luôn đông người.

- Nếu gọi là báo điện tử, theo đúng nghĩa, Việt Nam mới chỉ có các tờ VietNamNet, VNExpress, VDC Media.., vì các báo điện tử khác đều chuyển thể từ báo in sang. Tôi cho rằng Báo điện tử VietNamNet có đặc điểm thông tin nhanh, nhạy, đóng góp nhiều trong việc cung cấp thông tin, có vị trí trong lòng bạn đọc.

Trong tương lai, các báo điện tử sẽ có phương thức thông tin riêng biệt, không giống phương thức như đài phát thanh, hay truyền hình. Chúng ta hiện đang làm báo điện tử một cách cảm tính, làm sao thời gian tới sẽ phải mang tính chuyên nghiệp cao. Và với báo điện tử, quan trọng nhất là yếu tố tương tác trực tuyến, là một trong những lợi thế mà không phương tiện truyền thông nào có được. Việc khai thác, sử dụng lợi thế này như thế nào cần được tập trung khai thác làm tốt, để có tác dụng và ảnh hưởng tích cực đến dư luận xã hội.


"Quảng bá mình thì được, cung cấp thông tin thì không!"

Thưa thứ trưởng, Bộ đã có định nghĩa để phân biệt hai khái niệm trang tin điện tử và báo điện tử chưa?

Ông Đỗ Quý Doãn:
- Thực ra, các khái niệm này đang rất khó phân biệt. Nghị định 21, thông tư liên bộ 08 năm 1997 mới chỉ đặt ra hai khái niệm là báo điện tử, và ICP là nhà cung cấp thông tin. Chúng ta nên tạm quy ước với nhau rằng: Báo điện tử là cơ quan hoạt động báo chí, là loại hình báo chí mới. Báo điện tử nhất thiết phải có Tổng biên tập, và ban biên tập. Còn trang tin điện tử (như trang tin của TP Hà Nội, Hải Dương v.v...) được quan niệm như bản tin, có sự thay đổi, cập nhật thông tin 2 ngày/lần hoặc 1 tuần/lần. Báo điện tử thì quy định rõ rằng thông tin được thay đổi thường xuyên, cập nhật hơn.

Việc cấp phép cho website thông tin hiện nay được thực hiện như thế nào? Cơ quan nào cấp phép? Nếu do Bộ VHTT cấp phép thì Bộ VH có cấp phép cho cả những website của các cơ quan không thuộc Bộ VH không?

- Bộ VHTT chịu trách nhiệm cấp phép cho các đối tượng sau:

1. Đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam: Có văn bản chấp thuận của cơ quan chủ quản. Cơ quan xin cấp phép phải xác định rõ loại hình thông tin cung cấp, nội dung, các chuyên mục, tần số cập nhật thông tin. Đồng thời, có người đủ thẩm quyền chịu trách nhiệm về nội dung thông tin, có nghiệp vụ quản lý thông tin và có đủ phương tiện kỹ thuật phục vụ cho việc cung cấp thông tin, có địa chỉ miền trên Internet hợp lệ.

2. Đối với các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam

- Đối với các cơ quan Ngoại giao, cơ quan Lãnh sự, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức liên Chính phủ, phi Chính phủ, các Hãng thông tấn báo chí nước ngoài, kể cả những người đứng đầu cơ quan đó muốn cung cấp thông tin lên mạng Internet tại Việt Nam đều phải được chấp thuận bằng văn bản của Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là Bộ Ngoại giao).

- Đối với cơ quan đại diện tổ chức kinh tế, tổ chức văn hoá, khoa học, tổ chức tư vấn nước ngoài, các công ty, xí nghiệp của nước ngoài; các tổ chức kinh tế, công ty, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có đủ điều kiện hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, có trụ sở chính thức tại Việt Nam.

- Có đại diện hợp pháp chịu trách nhiệm về nội dung thông tin.

- Phải xác định rõ loại hình thông tin cung cấp trên Internet, nội dung thông tin.

- Có đủ phương tiện kỹ thuật phục vụ cho việc cung cấp thông tin, có địa chỉ miền trên Internet hợp lệ.

- Bộ sẽ thanh tra tất cả các website của cả nước (gồm cả các trang thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân (ca sĩ, diễn viên...) hay chỉ thanh tra các báo điện tử?

- Bộ sẽ tiến hành thanh tra báo điện tử, các nhà cung cấp ICP và các trang tin điện tử.

- Như vậy có nghĩa là các website mang tính chất ''tự phát'' của các tổ chức, cá nhân không thuộc diện thanh tra lần này ?

- Đối với các website của các doanh nghiệp tự giới thiệu (địa điểm, tên công ty, tự quảng bá cho mình); hoặc website của các ca sỹ, diễn viên, những trang thông tin không thay đổi nhiều, thông tin tĩnh, hiện nay, đang tồn tại rất nhiều. Những website dạng này, Bộ VHTT không thể quản lý được.

- Trên thực tế, các website hiện chưa có giấy phép chiếm số lượng rất lớn, vậy Bộ sẽ xử lý như thế nào?

- Chúng tôi sẽ xử lý các web trái phép dưới các hình thức: nhắc nhở (nếu tự nguyện chấp hành việc xử lý), khiển trách, phê bình, cảnh cáo, phạt hành chính, và cao nhất là đình bản, thu hồi, đình chỉ hoạt động.

- Chúng ta chưa có luật thông tin điện tử, vậy căn cứ vào đâu (văn bản, giấy tờ, quyết định...) nào để tiến hành đợt thanh tra này?

- Việc xử lý vi phạm các quy định về cung cấp thông tin trên Internet, hoạt động trang tin điện tử trên Internet thực hiện theo quy định tại Nghị định 55/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ về Internet và Nghị định 31/2001/NĐ-CP ngày 26/6/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá-thông tin.

Đối với thông tin trên mạng, quản lý dựa theo Quyết định 27 về Quy chế quản lý và cấp phép cung cấp thông tin, thiết lập trang thông tin điện tử trên Internet. Việc quản lý báo điện tử dựa theo luật báo chí, và nghị định hướng dẫn về luật này.

- Cuộc thanh tra sẽ tập trung vào những điểm gì?

- Chúng tôi tiến hành thanh tra dựa theo QĐ 27 là chính; tập trung vào các vấn đề như: Tên tờ báo, hoặc tên trang tin điện tử; Xác định rõ ai quản lý, ai chịu trách nhiệm; Ai cấp giấy phép; ngày tháng, số cấp giấy phép. Địa chỉ hoạt động; điện thoại...Nếu là báo điện tử, ai là tổng biên tập. Mục đích là để chúng tôi khẳng định những tổ chức, cá nhân này đã hoạt động hợp pháp, tránh sự nhầm lẫn.

- Xin cảm ơn ông!

Điều 4: Mọi thông tin của Đơn vị cung cấp thông tin trên Internet, trang tin điện tử nói trong Quy chế 27/2002/QĐ-BVHTT phải được thực hiện theo quy định sau đây:

1. Nội dung thông tin không gây phương hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; không được kích động nhân dân chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.

2. Không được kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi truỵ, tội ác.

3. Không được tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quy định.

4. Không được cung cấp thông tin trên Internet, thiết lập trang tin điện tử trên Internet khi chưa có giấy phép của Bộ Văn hoá - Thông tin.

5. Không được cung cấp thông tin trái tôn chỉ, mục đích, phạm vi thông tin đã được Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép.

Điều 5: Các nội dung phải ghi trên trang chủ, trang mặt của Đơn vị cung cấp thông tin trên Internet, trang tin điện tử trên Internet:

1. Tên gọi của Đơn vị cung cấp thông tin, trang tin điện tử.

2. Tên cơ quan chủ quản (nếu có).

3. Số giấy phép, ngày cấp, cơ quan cấp giấy phép.

4. Họ, tên người chịu trách nhiệm chính của Đơn vị cung cấp thông tin và trang tin điện tử.

  • Đinh Hằng

Quan điểm của bạn về việc quản lý website của Bộ VH-TT? Theo bạn cần thực hiện thế nào để đảm bảo nội dung website lành mạnh, nhưng vẫn khuyến khích website Việt Nam phát triển, mở ra tiềm năng thúc đẩy nền kinh tế xã hội:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,