(VietNamNet) - Trong thời khắc chuyển giao sang năm mới 2005, nhìn lại những thành tựu công nghệ thông tin- truyền thông (CNTT-TT) đầy lạc quan của năm 2004 để tiếp tục tập trung vào những mục tiêu chiến lược...
2004: Năm chuyển giao mục tiêu trọng điểm
Sự hồi phục CNTT toàn cầu từ năm 2003 và trong năm 2004 (với tốc độ tăng trưởng đã đạt con số vượt 5% và chỉ tiêu cho CNTT đã đạt ngưỡng 1.000 tỷ USD), có tác động nhất định đối với phát triển CNTT của Việt Nam. Trên thực tế, ngay từ năm 2003, thị trường CNTT của Việt Nam cũng đạt tốc độ tăng trưởng khả quan là 28,8% và đạt con số 515 triệu USD, với 410 triệu USD phần cứng và 105 triệu USD phần mềm và dịch vụ.
Cùng lúc, năm 2004, hạ tầng viễn thông - Internet cũng phát triển với tốc độ tăng trưởng cao thứ hai thế giới, đến nay đã đạt tỷ lệ 12 máy/100 dân và tỷ lệ người dùng Internet đạt trên 6,7%. Hợp tác quốc tế về CNTT với các nước, nhất là khu vực châu Á và theo sáng kiến CNTT châu Á đã tăng khả năng hội nhập trong lĩnh vực CNTT-TT.
Từ ngày 1/4/2003, giảm cước từ 10-40% cho 12 loại dịch vụ viễn thông và Internet. Bên cạnh đó, ngày 27/10/003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 217 về Quản lý giá cước dịch vụ bưu chính - viễn thông (BCVT) cho phép doanh nghiệp không chiếm thị phần khống chế trong từng loại dịch vụ được chủ động quyết định giá cước. Đây là bước đột phá lớn trong lộ trình giảm cước viễn thông và hội nhập kinh tế quốc tế của viễn thông Việt Nam từ trước tới nay ảnh hưởng trực tiếp tới hiện trạng hạ tầng viễn thông và Internet trong năm 2004.
Dự báo tình hình phát triển CNTT-TT năm mới 2005, thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực cho biết: "Trong 2005, chắc chắn thị trường về CNTT-TT của Việt Nam phát triển rất mạnh. Đặc biệt, lĩnh vực truyền thông, viễn thông sẽ phát triển bởi trong hai-ba năm cấp phép vừa rồi, các doanh nghiệp mới đã có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất cũng như cách thức tiếp cận thị trường, khai thác thị trường. Sẽ cung cấp ra thị trường các hệ thống thông tin di động cũng như là các dịch vụ mới, các gói dịch vụ cùng với các phương án giá cả có lợi cho khách hàng. Cùng với nó là các lĩnh vực truyền thông như phát thanh, truyền hình cũng sẽ ứng dụng mạnh mẽ CNTT, ví như hiện nay cả thế giới đã được xem tivi của Việt Nam qua Internet. Chúng tôi cũng quyết tâm sang năm tập trung phát triển hệ thống phát thanh, các dịch vụ truyền hình.. Về lĩnh vực CNTT, trong năm 2005 sẽ phát triển mạnh bởi lẽ nó đã đi vào cuộc sống từ lâu nay như đào tạo, báo chí điện tử, đặc biệt, ứng dụng toàn bộ trong các doanh nghiệp kể cả hệ thống thương mại điện tử. Thị trường ứng dụng CNTT sẽ là trọng tâm phát triển mạnh mẽ vào 2005 nhưng nó sẽ nới rộng theo cấp số nhân vào 2010. CNTT, điện tử, máy tính, phần mềm chắc chắn sẽ có kết quả tốt bởi chúng ta đã có chuẩn bị có những đối tác nước ngoài trong vấn đề gia công phần mềm, đơn cử Nhật Bản là nước đứng đầu về tỷ lệ về công nghệ phần mềm trên đầu người và là số 1 thế giới - cũng đã có phản ứng tiếp cận thị trường Việt Nam. Trong nước, mảng công nghệ phần mềm trước đây phát triển mang tính chất tự phát nên 2005 sẽ có tính pháp lý. |
Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đã khảo sát, nghiên cứu tình hình cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông của Việt Nam. Theo đó, khu vực viễn thông ở Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua cùng với những thay đổi đáng kể. Công nghệ mới tiên tiến được ứng dụng một cách nhanh chóng. Việc số hoá các mạng cơ sở hạ tầng viễn thông bắt đầu từ năm 1990, và đến nay, 100% các hệ thống chuyển mạch cũng đã được số hoá.
Hiện tại, Việt Nam có cơ sở hạ tầng viễn thông tương đối tốt. Tỷ lệ thâm nhập cao và mật độ sử dụng điện thoại hiện đã gần đạt mục tiêu đề ra cho năm 2005 là 10 máy điện thoại/100 dân (trên thực tế, mật độ này đã ''vượt rào'', đạt con số này từ đầu năm 2004). Hầu hết các dịch vụ điện thoại, bao gồm các dịch vụ mới như GPRS, VPN, Wi-Fi Internet... đều đã được cung cấp. Giá cước viễn thông cũng đã giảm đáng kể trong bốn năm qua, và mức cước của nhiều dịch vụ viễn thông, đặc biệt là các dịch vụ có liên quan tới Internet, đã thấp hơn mức trung bình của các nước ASEAN.
Cũng theo Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, sự phát triển của khu vực viễn thông ở Việt Nam có thể lý giải một phần nhờ việc áp dụng tự do hoá và cạnh tranh. So với các nước phát triển muộn hơn trong khối ASEAN, Việt Nam đang tiến tới một cơ cấu cạnh tranh ở hầu hết các thị trường. Mặc dù còn đi sau một số nước như Singapore, Malaysia và Philippines về mức độ tự do hoá và cạnh tranh, Việt Nam vẫn dẫn trước Myanmar và Brunei về một số khía cạnh.
Việc mở cửa và tự do hoá được bắt đầu từ giữa thập niên 1990 và được thúc đẩy trong vài năm trở lại đây, đặc biệt sau khi ban hành Pháp lệnh về BCVT. Cho đến nay, trong tất cả các lĩnh vực dịch vụ, có ít nhất ba công ty đã được cấp phép, và vì vậy có thể nói Việt Nam đã có cơ cấu cạnh tranh. Sự tham gia của thành phần tư nhân đã được cho phép trong thị trường viễn thông, nhất là các thị trường dịch vụ giá trị gia tăng, dẫu vẫn còn ở mức hạn chế. Nhiều hoạt động đã được triển khai ở Việt Nam để thúc đẩy tự do hoá và cạnh tranh.
Kế hoạch 5 năm 2005-2010
Năm 2005 là năm bản lề bắt đầu thời kỳ mới triển khai năm chương trình trọng điểm giai đoạn 2005-2010. Đó là các chương trình: Đẩy mạnh ứng dụng E-VN; phát triển ngành công nghiệp CNTT; phát triển hạ tầng viễn thông và Internet; phát triển nguồn nhân lực; và hoàn thiện môi trường.
Kế hoạch phát triển CNTT-VT năm 2005 (đơn vị tính theo triệu thuê bao)
|
Cụ thể, Việt Nam điện tử sẽ xây dựng và phát triển công dân điện tử, chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử; giao dịch và thương mại điện tử. Công nghiệp CNTT-TT sẽ tập trung phát triển thị trường CNTT-TT, thu hút đầu tư. Phát triển công nghiệp phần mềm và dịch vụ; phát triển nhanh công nghiệp phần cứng máy tính, điện tử, thiết bị viễn thông...
Về hạ tầng viễn thông, xây dựng mạng diện rộng của Chính phủ và kết nối Internet băng rộng cho tất cả các Bộ, ngành, cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền cấp tỉnh và huyện. Xây dựng mạng tốc độ cao liên kết các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học. Kết nối Internet cho các trường trung học cơ sở và phát triển hệ thống cá điểm BĐ văn hóa xã.
Cũng theo lộ trình năm năm này, mục tiêu phát triển nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo về CNTT-TT ở bậc đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Đào tạo về quản lý CNTT-TT và phổ cập tin học cho cán bộ, công chức và viên chức. Đồng thời, dạy tin học và ứng dụng CNTT-TT trong trường phổ thông.
Mặt khác, việc hoàn thiện môi trường sẽ xây dựng thể chế, pháp lý và chính sách thúc đẩy ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả cao và phát triển mạnh mẽ CNTT-TT. Đặc biệt là hệ thống chuẩn thông tin và CNTT-TT quốc gia, cập nhật thông tin cho hệ thống thông tin, thống kê về lĩnh vực này.
-
Đinh Hằng