TP.HCM là một trong những thành phố đi đầu về giáo án điện tử (GAĐT), song hiệu quả mới chỉ dừng ở các tiết… thao giảng.
Khảo sát hiệu quả tiếp thu từ phía học sinh cho thấy: Nếu dùng phương pháp dạy học truyền thống với phấn trắng bảng đen thì hiệu quả mang lại chỉ có 30%, trong khi hiệu quả của phương pháp multimedia (nhìn – nghe) lên đến 70%. Việc sử dụng phương pháp mới đòi hỏi một giáo án mới. Ông Trần Thanh Huấn, hiệu trưởng trường THPT Trưng Vương, cho biết: “Có người cho rằng dạy bằng GAĐT giúp giáo viên đỡ vất vả hơn so với cách dạy truyền thống. bởi chỉ cần “click” chuột...”.
Giáo án điện tử: Lắm công phu!
Thực ra, muốn “click” chuột để tiết dạy thật sự có hiệu quả thì người giáo viên phải vất vả gấp nhiều lần so với cách dạy truyền thống. Ngoài kiến thức căn bản về tin học, sử dụng thành thạo phần mềm PowerPoint, người giáo viên còn cần có niềm đam mê thật sự với với việc thiết kế vốn đòi hỏi sự sáng tạo, sự nhạy bén, tính thẩm mỹ để “săn tìm” tư liệu từ nhiều nguồn.
Ông Trần Mậu Minh, hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn, kể: Để có hình ảnh cáp treo minh họa trong GAĐT môn Địa lý, tôi phải tìm chục đĩa VCD chỉ để sử dụng 5 giây hình ảnh cần thiết. Các công đoạn cắt nhạc, cắt phim, chụp hình, tạo chữ nổi, làm khung… để phần trình diễn thêm sinh động, hấp dẫn… buộc giáo viên mất nhiều công sức.
Cũng theo thầy Trần Công Khanh (Trường THPT Trưng Vương), muốn trình bày bài giảng bằng GAĐT, người thiết kế phải nắm rõ mục tiêu bài giảng, đảm bảo nội dung cô đọng nhưng vẫn đầy đủ ý của bài học. Ngoài nội dung, còn phải lưu ý đến hình thức, màu sắc, kiểu chữ, bố cục nội dung phù hợp, các hiệu ứng hợp lý để cho bài giảng sống động.
Hiện nay các trường đều quan tâm cải tiến việc giảng dạy theo phương tiện hiện đại. Tuy nhiên mức độ ứng dụng CNTT hầu hết chỉ mới dừng lại ở các tiết học thao giảng. Trường nào quan tâm lắm cũng chỉ đưa GAĐT đến HS vài ba lần/môn/năm. Ước tính ở bậc THCS, chỉ có khoảng 50% trường có điều kiện làm GAĐT. Ở bậc THPT, nhiều trường không đủ điều kiện để áp dụng GAĐT. Theo ông Huấn, trở ngại lớn nhất trong giảng dạy bằng GAĐT chính là cơ sở vật chất. Nhiều trường không đủ phòng học cho HS, lấy đâu phòng dành cho multimedia, chưa kể là kinh phí đầu tư luôn thiếu.
Nhiều ý kiến cho rằng, để có một phòng multimedia đơn giản, phải tốn khoảng 70 triệu đồng. Nếu cả trường chỉ có một phòng multimedia thì việc thực hiện ứng dụng CNTT vào giảng dạy nhiều khi mang tính hình thức. Số GV rành kỹ thuật tin học ở mỗi trường cũng rất ít ỏi, giáo viên lại chưa được tập huấn về thiết kế bài giảng GAĐT nên tự mày mò là chủ yếu. Ông Nguyễn Hoàng Việt, hiệu trưởng trường THPT Phú Nhuận, cho biết: “Khi nhà trường phát động phong trào làm GAĐT, GV ngại nhất là khâu kỹ thuật”.
Mặc dù GAĐT ở TP.HCM chưa trở thành cuộc “cách mạng học đường”, thế nhưng giờ học với GAĐT đã tạo ra một không khí khác hẳn với giờ dạy truyền thống, cho dù phương tiện kỹ thuật chỉ hỗ trợ việc giảng dạy chứ không thể thay thế vai trò chủ đạo của người giáo viên trong giờ lên lớp. Để tiết dạy thật sự đạt hiệu quả cao hơn, giáo viên phải biết phối hợp giữa các phương pháp truyền thống và hiện đại để làm mới hơn, hấp dẫn hơn, hiệu quả hơn giờ dạy mà không làm mất đi, hoặc sai lệch về mục đích, mục tiêu giảng dạy trong nhà trường.
Ứng dụng CNTT vào giảng dạy là điều nên làm. Muốn vậy, phải sớm tháo gỡ rào cản kinh phí song song với việc tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên, dựa trên tiêu chí “đúng lúc, đúng chỗ, đúng cường độ” để tạo hiệu ứng tốt nhất cho tiết giảng.
(Theo SGGP)