Để đẩy mạnh công nghiệp phần mềm (CNPM), Nhà nước nên sớm hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho lĩnh vực này để hỗ trợ cho các DN vươn lên? Trao đổi với ông Hoàng Mạnh Hùng - phó giám đốc Công Ty TNHH Tin học-Kế Toán NHT (TP.HCM).
Trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp phần mềm (CNPM), Việt Nam đã đặt mục tiêu doanh thu nội địa và xuất khẩu đạt 500 triệu USD vào năm 2005. Tuy nhiên, hiện ta mới chỉ đạt 100 triệu USD năm 2003 và dự kiến năm 2004 sẽ mới đạt khoảng 130 triệu USD!
- Theo ông, phải chăng doanh thu CNPM của chúng ta hiện vẫn còn quá khiêm tốn so với tiềm lực? Ông có nhận xét gì về thị trường này?
- Ông Hoàng Mạnh Hùng: Thị trường CNPM ở nước ta đang trong giai đoạn khởi đầu. Hầu hết các doanh nghiệp phần mềm (DNPM) có quy mô nhỏ, chưa theo quy trình sản xuất công nghiệp... nên ngay trên ''sân nhà'' cũng mới chỉ chiếm được 35-40% thị phần.
Dù Chính phủ rất nỗ lực trong công tác khuyến khích đầu tư cho CNPM như ưu đãi về thuế, đầu tư xây dựng các khu CNPM tập trung, đào tạo nhân lực CNTT, song các tiền đề trên vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Theo đánh giá, cả nước hiện nay có gần mười Khu công nghệ phần mềm nằm rải rác và chưa có sự kết hợp, liên thông với nhau, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện và chất lượng đào tạo CNTT cũng chưa cao.
Với thực trạng như vậy, trong năm 2004, ngành CNPM ước đạt doanh thu 130 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt khoảng 50 triệu USD là không có gì đáng ngạc nhiên. Từ năm 2000 đến này, với tốc độ tăng 20-30% mỗi năm thì chưa phải là cao, nên chúng ta phải nỗ lực hơn rất nhiều mới có thể đạt được doanh số 200 triệu USD vào năm 2005 như dự báo của các chuyên gia và chỉ đạt 40% chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 500 triệu USD. Do vậy, nên đánh giá lại tiềm lực thực sự của CNTT Việt Nam, đưa ra những mặt mạnh, mặt yếu, những cơ hội cũng như những thách thức để xây dựng chiến lược lâu dài, nhằm tạo sức bật tốt hơn cho ngành CNPM phát triển.
- Hiện có không ít DNPM đang đặt ra nhiều mục tiêu xuất khẩu, trong khi ngay tại thị trường nội địa họ lại chưa thể khẳng định được mình...
- Như tôi đã nói, hầu hết các DNPM đều có quy mô nhỏ và việc xuất khẩu hiện nay chủ yếu thông qua hình thức gia công. Ngay trên mặt trận gia công, chúng ta cũng có rất ít doanh nghiệp đạt được các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng phần mềm như ISO, CMM - một điều kiện tiên quyết để đối tác nước ngoài tin tưởng và từ đó ký kết các hợp đồng gia công.
Theo tôi, để hướng đến mục tiêu xuất khẩu, các DNPM cần phải xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ nhân viên, và tất nhiên cũng cần sự hỗ trợ về mặt quảng bá hình ảnh và năng lực CNPM Việt Nam của cộng đồng các DNPM, các tổ chức xúc tiến thương mại và Chính phủ. Đối với thị trường trong nước, do chúng ta chưa khắc phục được tình trạng xâm phạm bản quyền nên chưa thể phát triển mạnh các sản phẩm phần mềm hướng vào người dùng phổ thông mà chủ yếu đang tập trung khai thác vào các đối tượng là doanh nghiệp, cơ quan nhà nước...
- Để các DNPM trong nước có thể phát huy mạnh tiềm năng vững vàng ở thị trường trong nước và đẩy mạng xuất khẩu, ông có kiến nghị và đề xuất gì?
- Hiện nay, các sắc luật liên quan tới vấn đề sở hữu trí tuệ, quyền tác giả còn chưa thực sự rõ ràng. Đấy là sự cản trở rất lớn trong việc phát triển phần mềm - một sản phẩm mà hàm lượng chất xám chiếm tỷ trọng rất cao.
Thêm nữa, khó khăn chung của đa số các DNPM Việt Nam là tiềm lực về tài chính. Hiện đầu tư vào phần mềm vẫn được xem như một loại đầu tư mạo hiểm; các định chế tài chính trung gian không mấy mặn mà đối với các DNPM, từ đó dẫn đến việc huy động vốn cho kinh doanh là hết sức khó khăn.
Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng sớm xây dựng hành lang pháp lý cho lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và tạo một môi trường đầu tư an toàn hơn cho lĩnh vực phần mềm. Để đẩy mạnh CNPM phát triển, nên chăng Nhà nước sớm hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho lĩnh vực này để hỗ trợ cho các DNPM có cơ hội bứt phá vươn lên.
(Theo Thời Báo Tài Chính)