221
2082
Xa lộ thông tin
xalo
/cntt/xalo/
554894
Chữ Nôm trong bảng mã Unicode: Hành trình gian nan!
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
Chữ Nôm trong bảng mã Unicode: Hành trình gian nan!
,

(VietNamNet) - Có hình dung một nước 80 triệu dân mà chỉ vài chục người biết đọc các văn bản Nôm cổ, còn các văn bản này lại bị đe doạ bởi thời gian, mới hiểu hết ý nghĩa của hành trình ấy.

Công nghệ thông tin (CNTT) thực sự đã rất quan trọng giúp cho sự hồi sinh của chữ Nôm trên máy tính, và qua đó đi vào giới trẻ. Sẽ dễ dàng hơn cho trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay trong việc bảo tồn và phát triển chữ Nôm khi nó được công nhận trong bảng mã ngôn ngữ quốc tế Unicode. Có nghĩa, chữ Nôm sẽ được gõ trên máy tính, sẽ được chọn đa dạng các font, được sáng tác, được trình bày, được thiết kế, in ấn...., được bảo tồn và phát triển. 

Soạn: AM 220077 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Ông Ngô Trung Việt, một trong 30 Hiệp sĩ CNTT đầu tiên ở Việt Nam.

Quả là một quá trình khó khăn để được quốc tế công nhận sự tồn tại của chữ Nôm cổ Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về hành trình đến nay vẫn còn gian nan này, VietNamNet có cuộc trò chuyện với ông Ngô Trung Việt, một nhân vật trong nhóm các chuyên gia CNTT Việt Nam vô cùng tâm huyết và dày công để đưa chữ Nôm vào bảng mã chuẩn quốc tế Unicode, người được Tuần Tin e-CHIP trao danh hiệu Hiệp sĩ CNTT cũng vì đóng góp ấy của ông:

- Trước hết, xin thật sự cảm ơn ông - một "Hiệp sĩ CNTT" rất tâm huyết với việc đưa chữ Nôm vào bảng mã Unicode, và vẫn đang miệt mài từng ngày để mã hóa từng chữ Nôm cổ! Thưa ông, làm cách nào để Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế ISO-IEC chấp nhận chữ Nôm có mặt trong bảng mã Unicode?

- Ông Ngô Trung Việt: Đây là cả một quá trình khó khăn để yêu cầu quốc tế công nhận sự tồn tại của chữ Nôm. Lần đầu tiên anh Ngô Thanh Nhàn (GS ngôn ngữ học của trường Đại học New York, một Việt kiều yêu nước - NV) và anh Đỗ Bá Phước (Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm VN. Cả hai đều cùng được phong Hiệp sĩ CNTT - NV) đã tham gia cuộc họp nhóm nghiên cứu hỗn hợp Trung-Nhật-Hàn năm 1992 tại Hawaii để giới thiệu về chữ Nôm. Tuy nhiên, họ yêu cầu cần có đại diện chính thức từ Việt Nam.

Vài đại biểu Trung Quốc lúc đó bác bỏ chữ Nôm, với lập luận: "Việt Nam không có chữ Nôm!", rằng: "họ có qua Việt Nam nhưng không thấy có chữ Nôm ở đâu!".

Soạn: AM 219987 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
GS Ngô Thanh Nhàn (ĐH New York), cũng là một Hiệp sĩ CNTT.

Trong bức fax gửi về Việt Nam 2/1992, anh Đỗ Bá Phước đã đề nghị Việt Nam bỏ phiếu chấp thuận chuẩn quốc tế ISO/IEC DIS 10646, và nêu yêu cầu của Việt Nam đưa chữ Nôm vào chuẩn quốc tế này. Dựa trên tình hình này, anh Trần Lưu Chương, lúc đó là trưởng tiểu ban Mã chuẩn chữ Việt đã đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng bỏ phiếu thuận cho chuẩn này với yêu cầu đưa thêm chữ Nôm vào đó. Từ đó tiếp tục một loạt các hoạt động vận động và triển khai để thực hiện ý định đưa chữ Nôm vào bộ chữ chuẩn quốc tế.

- Và các chuyên gia Việt kiều, các cơ quan Việt Nam đã tiến hành tiếp theo như thế nào?

- Hoạt động thứ nhất là xây dựng một chuẩn quốc gia về chữ Nôm, làm cơ sở pháp lý cho đòi hỏi của Việt Nam. Tiểu ban Mã chuẩn chữ Nôm đã được thành lập do anh Nguyễn Lãm làm trưởng tiểu ban. Năm 1993, đã ban hành được tiêu chuẩn mã chữ Nôm đầu tiên. Hoạt động thứ hai là Việt Nam đã nhận đứng ra đăng cai tổ chức cuộc họp IRG-2 tại Hà Nội năm 1994 để yêu cầu nhóm IRG (Nhóm Báo cáo viên chữ biểu ý - Ideographic Rapporteur Group - NV) ủng hộ việc đưa chữ Nôm vào ISO/IEC 10646, và IRG đã hoàn toàn ủng hộ đề nghị này. Tuy nhiên, IRG chỉ xây dựng kho chữ mà không cấp mã chữ, vì vậy Việt Nam phải trực tiếp làm việc với nhóm công tác WG2 (Work Group: nhóm công tác - NV) để yêu cầu cấp mã cho chữ Nôm. Từ đó chúng ta phải tham gia các cuộc họp của WG2 và IRG thường xuyên.

Các phái đoàn của Việt Nam đã được thành lập và cử đi tham dự các cuộc họp của WG2 để trực tiếp yêu cầu cấp cột V cho chữ Nôm và các yêu cầu khác như mã hoá cho chữ Chàm, chữ Thái… Trong thời gian đầu, do không có kinh phí của nhà nước nên các thành viên đi họp đều phải tự mình bỏ tiền túi tham dự các cuộc họp tại Mỹ. Tại Mỹ, các anh Ngô Thanh Nhàn và Đỗ Bá Phước cũng cùng tham dự các kỳ họp, đều đặn lái xe đưa đoàn đi họp thậm chí giúp chỗ ở tại nhà cho đoàn trong quá trình tham gia các hoạt động chuẩn quốc tế. Đến năm 1995, vượt qua các tranh cãi về kỹ thuật in ấn, vì sự có mặt của đoàn Việt Nam trong cuộc họp nên WG2 đã chấp nhận yêu cầu cấp cột V cho chữ Nôm bên cạnh bốn cột có sẵn là cột cho Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Sau này, CHDCND Triều Tiên cũng đòi một cột riêng cho mình nhưng không được chấp nhận!

Từ đó, chúng ta cùng tham gia với nhóm IRG để cung cấp thêm các chữ vào kho chữ IRG. Trong quá trình từ năm 1995 tới nay, phải nói đến sự đóng góp rất tích cực và mang tính chuyên gia sâu sắc của anh Nguyễn Quang Hồng (Viện Hán Nôm - NV) về chữ Nôm cùng những lao động miệt mài của các nghiên cứu viên tại Viện Hán Nôm trong việc vẽ chữ đúng hạn nộp theo lịch hoạt động của IRG. Các anh Phước và Nhàn vẫn thường theo dõi, tham gia họp khi có điều kiện và giới thiệu các xu hướng mới về chuẩn CNTT hướng dẫn cho việc đưa chữ Nôm vào Unicode. Cho tới nay chúng ta đã đóng góp vào kho chữ IRG khoảng 11.500 chữ Nôm, trong đó có tới trên 6.000 chữ trùng hình với chữ Hán. Thời gian về sau, việc tham gia các hoạt động chuẩn hoá quốc tế chủ yếu do Viện Hán Nôm tài trợ, với việc hàng năm cử hai chuyên gia tham gia hai cuộc họp của IRG trong vùng. Và giữa hai kỳ họp là việc chuẩn bị, sửa chữa, hiệu đính kho chữ được đề nghị.

Nguyên tắc của việc làm chuẩn quốc tế là nước nào có yêu cầu thì phải theo đuổi các cuộc họp để đạt được yêu cầu của mình. Nếu không dự họp, các yêu cầu sẽ bị để lại "nghiên cứu" và thực tế sẽ chẳng ai giúp cho các yêu cầu đó được thể hiện trong chuẩn quốc tế.

- Chúng ta đđóng góp được 11.500 chữ Nôm vào kho chữ. Ông có thể nói sơ qua về công việc mã hóa 11.500 chữ Nôm này? (Cách mà các chuyên gia CNTT phải mã hóa một chữ Nôm: cấu trúc bộ, thủ của chữ Nôm, quy định để nhập chữ trên bàn phím như thế nào? có phải dùng bàn phím riêng giống như với tiếng Hán?)

Soạn: AM 219989 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Các công đoạn mã hóa một chữ Nôm cổ

- Có lẽ phải phân biệt ra nhiều công đoạn trong việc làm cho một bộ chữ được sử dụng trên máy tính. Các công đoạn chính là:
1.
Lập kho chữ
2.
 
Lập mã chữ
3.
 
Xây dựng font chữ để hiển thị và in ấn, và làm chương trình bàn phím gõ chữ
4.
 
Lập cơ sở dữ liệu các văn bản, tài liệu trong ngôn ngữ
5.
 Triển khai các chương trình xử lí, nghiên cứu trên ngôn ngữ

Việc mã hoá thực chất mới chỉ làm hai công đoạn đầu. Việc tạo font chữ Nôm cũng cần quy trình riêng thì mới tạo ra được sự thống nhất trong bộ font. Việc gõ chữ Nôm vào máy lại là công việc khác được thực hiện bằng phần mềm.

Do đặc thù của chúng ta, việc truy nhập vào chữ Nôm qua bàn phím cần phải thực hiện qua chữ quốc ngữ chứ không thể dùng bàn phìm như chữ Hán, vì hầu như không mấy người thường biết cách gõ chữ Hán. Nhưng đây là các kỹ thuật thể hiện chữ trên máy tính sau khi đã có mã hoá cho chữ.

Tôi xin nói thêm về hai công đoạn đầu trước khi tới các chương trình xử lý chữ trên máy tính: Với chữ quốc ngữ của chúng ta, việc mã hoá kéo dài suốt từ những năm 1985 mãi đến 2001 mới được giải quyết với bộ chữ mã theo trong Unicode. Với chữ Nôm, công việc này bắt đầu từ năm 1992 từ công trình của các anh Ngô Thanh Nhàn và Đỗ Bá Phước, và kéo dài cho tới nay với những dự án táo bạo của Hội bảo tồn di sản chữ Nôm. Vì chữ Nôm tồn tại rải rác, lâu lâu lại phát hiện ra chữ mới nên không thể nói bao giờ kết thúc được. Nhưng về cơ bản thì chúng ta đã đưa khá đầy đủ các chữ Nôm thông thường vào kho chữ.

- Ông có thể ước tính được nhu cầu sử dụng chữ Nôm hiện nay của người Việt Nam không?

Soạn: AM 219991 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Sẽ gõ trên máy tính được những chữ Nôm như thế này và hiển thị bằng nhiều loại font đẹp mắt khác nhau.

- Chữ Nôm thuộc vào phạm trù văn hoá, là một nhu cầu văn hoá của mọi người dân. Khi điều kiện cho phép, tôi nghĩ bất kỳ người Việt nào cũng đều có mong ước đọc được chữ của ông cha, viết được tên họ mình trong chữ Nôm, nho nhỏ thôi nhưng là một phần di sản văn hoá. Và một khi cuộc sống phát triển lên, khi những nhu cầu cuộc sống đời thường đã được đáp ứng, người ta tất yếu quay sang khía cạnh tinh thần, khía cạnh văn hoá, tâm linh. Những người về già thường phát sinh ham muốn học lấy vốn chữ Nôm của cha ông, ít nhất thì cũng để đọc được gia phả, để kế thừa được tinh hoa văn hoá. Là lĩnh vực văn hoá tinh thần thì khó mà ước lượng được hết nhu cầu.

Hơn nữa, nhu cầu sẽ phát sinh khi có cách thoả mãn. Nếu mong muốn biết chữ Nôm mà không có phương tiện, không có thầy thì cũng đành chịu không biết thôi. Nhưng nếu có chữ Nôm sẵn trên máy tính thì sẽ phát sinh ham thích tìm hiểu và từ đó đẩy tới những nhu cầu khác. Tôi thấy rằng, trong quá khứ các đại học giả nước ta đều là những người biết chữ Nôm. Ngày nay, tôi nghĩ các đại học giả sẽ là người biết chữ Nôm trên máy tính!

- Đã có nhiều chuyên gia tâm huyết với chữ Nôm, nhiều tác giả viết ra các phần mềm về sử dụng chữ Nôm. Ông đánh giá ra sao về vai trò của những "tri thức dân tộc" này? Sự cổ vũ của các cơ quan chức năng nhà nước góp phần gìn giữ chữ Nôm cổ Việt Nam?

- Việc này rất quan trọng, việc gì thành được cũng là do sự đóng góp của toàn dân, sáng tạo của toàn dân. Nhiều người chung tay giúp thể hiện chữ Nôm trên máy tính thì chắc chắn chữ Nôm sẽ tồn tại và sống trên máy tính, từ đó đi vào các thế hệ trẻ.

Chúng ta đã chứng kiến quá trình hình thành chữ quốc ngữ từ bốn thế kỷ trước đây, sự tổ hợp của tri thức châu Âu và cái biết sâu sắc của các học giả, thầy tu Việt Nam. Chúng ta đang chứng kiến sự hồi sinh của chữ Nôm trên máy tính, trong sự kết hợp của công nghệ mới với trí tuệ người Việt. Vì vậy sự đóng góp của mọi người là dấu hiệu cho thấy sự hồi sinh mãnh liệt của chữ Nôm.

Sự đóng góp của Nhà nước giữ phần rất quan trọng trong việc động viên mọi người dân tham gia gìn giữ vốn văn hoá chữ Nôm. Tôi nghĩ, nếu Bộ Giáo dục-Đào tạo cho in vào sách học sinh phổ thông vài dòng chữ Nôm và giới thiệu cho giới trẻ về chữ quốc ngữ cổ của dân tộc thì đó đã là sự đóng góp rất lớn cho việc trả lại đúng vị trí của chữ Nôm. Nếu các cơ quan có liên quan tới các di sản chữ Nôm triển khai các ứng dụng CNTT chữ Nôm một cách thực sự, đó cũng là việc khuyến khích và cổ vũ cho những người nghiên cứu tin học hoá chữ Nôm.

Thời nay, làm cái gì cũng phải thấy khía cạnh kinh tế của nó. Nếu việc gìn giữ di sản văn hoá là cần thiết, thì phải được thể hiện thành hành động, thành việc triển khai các dự án với sự đầu tư đúng mức và quản lý chặt chẽ để đạt chất lượng. Trong công việc đó, những nhà chuyên môn về CNTT và Hán Nôm có thể cùng cộng tác để tạo ra những sản phẩm tốt hơn cho chữ Nôm. Điều mong ước nhất của những nhà chuyên môn là được tham gia vào các dự án có ý nghĩa và được quản lý một cách khoa học để đạt đúng mục tiêu đặt ra.

- Hiện tại, kho chữ Nôm được số hóa đến đâu? Nhân lực để thực hiện cho việc này cần được đào tạo như thế nào?

- Chúng ta có hai kho lớn là kho chữ và kho văn bản. Kho chữ thì đã số hoá được trên 11.500 chữ trong ISO 10646. Chúng ta còn cần xây dựng một chuẩn quốc gia về những chữ Nôm này trong các năm tới. Kho này vẫn đang tiếp tục được xây dựng và mở rộng dần.

Trước đây, đã có một số tác phẩm chữ Nôm cũng như từ điển được đưa vào máy tính, nhưng cái dở là không theo mã chuẩn cho nên không trao đổi được với nhau, và thường mọi người chỉ dừng ở mức in ra sách chữ Nôm. Nhiều người vẫn dùng hệ thống TwinBridge để viết và vẽ chữ Nôm, nhưng không trao đổi được cho nhau. Hơn nữa, cũng không nâng cấp để chạy trên hệ điều hành Windows XP được mà vẫn chạy với Windows 98. Thời nay, nếu đưa bất kỳ cái gì vào máy tính mà không nghĩ tới việc trao đổi được trên toàn cầu thì công sức đó trước sau cũng bị bỏ phí hoặc phải mất công thêm để chuyển đổi.

Vì vậy, Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm đang xây dựng dự án "Kho lưu trữ số hoá tư liệu chữ Nôm", thực chất là tạo ra kho các tác phẩm chữ Nôm trong máy tính, theo mã chuẩn quốc tế, cả về chữ lẫn về cấu trúc văn bản. Điều này sẽ tạo điều kiện cho  các nhà nghiên cứu chữ Nôm có trong tay các tài liệu gốc để so sánh đối chiếu. Trước mắt, dự định đưa hơn mười bản "Kiều" cổ vào máy tính, sử dụng công nghệ biểu diễn văn bản có cấu trúc XML và phân tích tự động văn bản. Sau đó có thể đưa các tác phẩm lịch sử bằng chữ Nôm vào kho lưu trữ này. Việc triển khai công tác này không có gì khó khăn về mặt kỹ thuật nhưng có khó khăn trong việc phổ cập cách làm việc mới.

Cần phải phát triển giáo trình dạy về sử dụng CNTT khai thác kho lưu trữ Hán Nôm cho các sinh viên ngành Hán Nôm để họ có thể biết cách tìm kiếm tư liệu và nghiên cứu tổng hợp. Thời đại của người nghiên cứu chữ Nôm đã sang trang với yêu cầu mới là họ cần biết sử dụng máy tính để trích rút thông tin tổng hợp từ kho tư liệu chữ Nôm điện tử có trong máy.

Nhiều kỹ thuật mới cần được học tập và tiếp thu, họ không thể cứ đi theo con đường của các học giả chữ Nôm đơn độc được nữa. Thời đại của làm việc tập thể trên nền công nghệ đã bắt đầu và không có lối đi ngược. Một thế hệ trẻ những nhà nghiên cứu khoa học xã hội biết dùng công cụ CNTT sẽ cần được hình thành!

Cuối cùng, đánh giá của ông về vai trò của CNTT với việc bảo tồn chữ Nôm?

- Tôi nghĩ rằng CNTT thực sự rất quan trọng giúp cho sự hồi sinh của chữ Nôm trên máy tính, và qua đó, đi vào các giới trẻ. Nếu không có CNTT, chúng ta không thể nào khôi phục được vai trò và vị trí của chữ Nôm. Cứ thử hình dung một nước 80 triệu dân mà chỉ còn vài chục người am hiểu đọc được các văn bản Nôm cổ thì tình hình sẽ ra sao sau đây một vài chục năm nữa, khi lớp người này đã ra đi và lớp kế thừa lại không có?  

Nhưng nếu trên máy tính chữ Nôm đã được thể hiện và người ta có thể học được chữ Nôm qua mạng, có thể tra cứu được các sách chữ Nôm qua mạng cũng như tiến hành các nghiên cứu, thì sự tồn tại của chữ Nôm trong các thế hệ trẻ là điều hoàn toàn được đảm bảo. Chính là hệ thống giáo dục, chính là trong từng gia đình, khi thế hệ trẻ được nhắc nhở chữ Nôm là chữ của dân tộc mình, tự nhiên mọi người đều có trách nhiệm và yêu mến nó hơn. Và khi máy tính hiện đại thể hiện được chữ Nôm, khi người ta có thể học được chữ Nôm qua mạng, thì sẽ có nhiều người đi tới chữ Nôm một cách tự nguyện. Một khi có điều kiện học tập, tôi tin chính các thế hệ trẻ sẽ là người chở con thuyền chữ Nôm đi mãi cùng lịch sử dân tộc.  

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

  • Huyền Chi (thực hiện) 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,