(VietNamNet) - Toà soạn tiếp tục nhận được rất nhiều thư phản hồi đầy tâm huyết của bạn đọc đối với cuộc thi Trí tuệ Việt Nam (TTVN) và vụ bê bối iCMS-Vương Vũ Thắng. Trích đăng thư của bạn đọc Nguyễn Hồng Giang, góp một cái nhìn tổng quát về vấn đề mà cộng đồng công nghệ thông tin (CNTT) đang rất quan tâm. Thư của bạn đọc Nguyễn Kim góp thêm về "có gì trong ruột iCMS".
● Bạn đọc Nguyễn Hồng Giang (Trần Phú, Hà Nội - giangcui@gmail.com):
Vương Vũ Thắng nhận giải nhất cuộc thi Trí Tuệ Việt Nam 2001. |
Nội dung: "Giải Nhất TTVN là phần mềm mã nguồn mở. Vinacomm đã Việt hóa và mang đi dự thi." - Đây là kết luận của giới CNTT Việt Nam. Vậy BTC sẽ làm gì? Hội Tin học Việt Nam sẽ giải quyết ra sao? Và bao giờ "TRÍ TUỆ VIỆT NAM" sẽ được trả lại đúng nghĩa của nó.
Xin tổng hợp và tóm tắt lại những ý kiến xung quanh vụ việc này:
Ngày 29/11/2004. Trong giới CNTT Việt Nam đã lan truyền tin website www.tintucvietnam.com bị đánh sập. Tại thời điểm tôi nhận được và vào trang này thì thấy trang chủ của www.tintucvietnam.com là trang thông báo của Cpanel. Sau đó một thời gian thì trên trang chủ xuất hiện thông báo "chính thức bị hạ bệ" với tuyên bố "hackers phải tự đi đòi công lý".
Lý do đưa ra khi các hackers "hạ màn" cho trang này là sản phẩm iCMS là sản phẩm được Việt hóa và "cải tiến vài phần trăm" rồi mang đi dự thi. Sản phẩm này đã đoạt giải TTVN 2003 và, trớ trêu thay, giám khảo Vương Vũ Thắng (VTT) người đã đoạt giải TTVN2001 đã ra mặt (đại diện cho Công ty Vinacomm) và tuyên bố mua lại nhóm phát triển iCMS với giá mười tỷ đồng để phát triển và thương mại hóa, nhưng nhóm phát triển này lại chính là... đồng sáng lập ra Vinacomm và VVT chính là thí sinh giấu mặt trong cuộc thi này! Giới CNTT nghi ngờ là VVT lại thực hiện tiếp chuyên bài này khi chính VVT lại là giám khảo "phụ trách chấm" sản phẩm FES của nhóm Fanxipan và chính là con đẻ của Vinacomm hay VVT ở cuộc thi năm nay TTVN2004.
Hãy phân tích nguyên nhân và quá trình của vụ việc này. Trước hết, nói về giải Nhất TTVN2001 và người đoạt giải chính là VVT. Năm 2001, VVT đã tham gia cuộc thi TTVN với sản phẩm là "Hệ thống thông tin trực tuyến VietNet và ứng dụng trên mạng Trí tuệ Việt Nam Online". Thực ra cũng là một sản phẩm được Việt hóa và mang đi dự thi. Đó là Snitz Forum, viết bằng ngôn ngữ ASP.
Tại thời điểm trao giải năm đó, tôi cảm thấy thất vọng, bực bội và cảm thấy bị xúc phạm nữa. Khi Ban giám khảo công bố giải Nhì thuộc về một sinh viên hay kỹ sư trường Bách khoa (tôi không nhớ chính xác 100%) với sản phẩm là phần mềm tự động tiện các vật thể 3D, sản phẩm này mặc dù chưa hoàn thành 100% những là sản phẩm có tính ứng dụng thực sự. Và tôi hồi hộp chờ đợi sản phẩm nào sẽ đăng quang và là TTVN của năm 2001. Nhưng khi đọc tên sản phầm của VVT lên thì tôi thực sự thất vọng, uất ức và chỉ muốn ĐẠP CÁI TIVI của nhà tôi lúc đó (đó là cảm giác thực sự lúc đó của tôi).
Các bạn hỏi vì sao lại như vậy ư? Bởi vì tôi quá hiểu cái diễn đàn TTVN ngày đấy, tôi quá hiểu cài phần mềm mã nguồn mở Snitz Forum và tôi dám nói rằng tôi hiểu và "sử dụng" Snitz Forum không kém gì VVT ngày đấy. Tôi cũng đã Việt hóa diễn đàn này và đưa vào sử dụng cho mình. Cái khác của sản phẩm "xin tạm gọi là chôm chỉa" của VVT và cái diễn đàn của tôi ngày đấy là ở TTVN có một cái box "link" từ trang khác để tra từ điển trực tuyến. Đối với tôi, TTVN là sự tủi nhục và xúc phạm và giới CNTT hay ít nhất là với người đam mê tin học như tôi. Mấy ngày sau đó, tôi có trao đổi với bạn bè (những người đam mê và biết về tin học) về giải nhất TTVN năm đó. Mọi người đều đưa ra câu trả lời: "Thì TTVN là con đẻ của FPT, bố không chấm cho con nhất thì chấm cho ai?"!
Có lẽ các bạn mới không hiểu tại sao TTVN lại là con đẻ của FPT đúng không? Ngày đó, FPT có một mạng Intranet mang tên là "Trí tuệ Việt Nam" (một ở Hà Nội và một ở TP.HCM). Chúng tôi ngày đó đâu có biết rõ Internet như các bạn ngày nay, nó là một cái gì đó xa vời và hơi "quý tộc một chút", khi chúng tôi lên mạng thì chỉ là lên cái mạng intranet của FPT mà thôi, cái mạng tuy nhỏ bé nhưng thân thuộc và chỉ mất có 45.000đ thuê bao/tháng + phí điện thoại. Đến năm 2000, FPT xóa bỏ mạng Intranet này để lôi kéo tất cả cách thành viên đã sử dụng ttvn1998-2000beta này chuyển sang sử dụng thuê bao Internet của mình. Chiến dịch này bắt đầu từ Hà Nội khi mạng ttvn ở Hà Nội bị cắt trước, sau đó một thời gian đến TP.HCM. Và lúc đó TTVN.COM (trên Internet) đã ra đời (theo thông tin lan truyền thì dưới sự hậu thuẫn của FPT) với khuôn mẫu gần giống với mạng Intranet ngày trước để lôi kéo các thành viên cũ sử dụng.
Năm đó, TTVN đã đoạt giải Nhất (có phải là nước đi chiến lược của FPT hay không thì tôi không bình luận), điều đáng buồn ở đây là "Trí tuệ của Việt Nam" 2001 chỉ là việc giỏi tiếng Anh để Việt hóa cái diễn đàn có sẵn mà thôi! Đến năm 2002, giải Nhất của TTVN2002 là Hệ điều hành Việt Nam cũng được giới tin học cho rằng là sản phẩm "cũng chỉ đi Việt hóa" từ mã nguồn có sẵn (Lunix). Và đến năm 2003, giải Nhất của TTVN2003 là ICMS lại là phần mềm "chôm chỉa" về Việt hóa (theo như kết luận của những bạn yêu và đam mê CNTT của Việt Nam). Chỉ có điều chiêu bài đã quá cao tay mang về không ít "tỷ VNĐ" cho Vinacomm và mang lại cho giải TTVN một sự thất vọng về cách điều hành, chầm giải và nhất là ý nghĩa của cụm từ "TRÍ TUỆ VIỆT NAM" đã không còn nữa.
Thật ra, ngay từ ngày đầu khi tuyên bố iCMS đoạt giải Nhất, đã có tin đồn trong giới CNTT là iCMS là sản phẩm "đi ăn cắp " về Việt hóa rồi dự thi. Chỉ có điều không ai lúc đó có trong tay mã nguồn của iCMS để so sánh mà thôi. Sự thật được phơi bày khi mã nguồn của www.trituevietnam.com bị đánh cắp và phát tán để phân tích. Câu hỏi là tại sao đến sát ngày chung kết của TTVN2004 thì sự việc mới bung bét ra như vậy?
Câu trả lời do tôi "đoán mò" là như sau:
- Thứ nhất: Đến thời điểm này, mã nguồn của iCMS mới được công bố rộng rãi mà "giới tin học ngầm" mới đưa được ra kết luận là ICMS là sản phẩm "đi ăn cắp".
- Thứ hai: Các thí sinh phát hiện ra Vương Vũ Thắng đang thực hiện chiêu bài của năm trước vào đứa con đẻ của mình.
- Thứ ba: "Giới tin học ngầm" nhận định đã đến lúc phải "tự đi đòi công lý". Nhưng nguyên nhân chính của việc này là việc Ban giám khảo các kỳ thi TTVN đã không công bố rộng rãi "đến mức có thể nhất" các sản phẩm đoạt giải. Những người như chúng tôi cũng chỉ biết được tên sản phẩm khi trao giải hoặc những thông tin "kiểu cưỡi ngựa xem hoa" qua các bài báo. BTC dường như quên rằng TTVN là sản phẩm của Trí tuệ Việt Nam, vậy thì sau khi "các vị đại diện" xét sản phẩm và công bố giải phải công bố cho chúng tôi (ít nhất là những gì thí sinh đã trình bày tại cuộc thi) để những người "yêu mến và quan tâm đến TTVN" hiểu rõ hơn sản phẩm đã thay mặt cho hàng vạn, hàng triệu "trí tuệ" chúng tôi được trao danh là Trí tuệ Việt Nam.
Sự việc các hacker tấn công các website để "tìm công lý" đã gây xôn xao trong giới CNTT. Nhưng BTC của TTVN vẫn cho rằng "không đủ chứng cớ để thẩm tra" và việc này chỉ tiến hành khi nhận được những văn bản kiến nghị của các cá nhân tổ chức (trích dẫn trong bài báo của VietNamNet http://www.vnn.vn/cntt/virus-hacker/2004/12/351737/). Điều đáng nói ở đây là cách làm "quan liêu hay gần như thế" của BTC. Khi vụ việc đã lan truyền "như tiếng trống trận" trong giới CNTT Việt Nam về vụ việc này và các hacker đã "hạ bệ" một vài website để yêu cẩu được trả lời cụ thể thì BTC vẫn ngồi chờ "văn bản" kiện của một ai đó mới tiến hành xem xét. Đâu rồi cái tâm của người "cầm cân nảy mực", đâu rồi trách nhiệm của của "những lão làng" trong giới CNTT Việt Nam trước "hậu quả" của những quyết định một năm trước?!
Nếu như cần phải có người "kêu kiện" thì BTC mới tiến hành xem xét thì tôi xin đứng ra "kêu": Tôi xin BTC TTVN trả lời cho tôi có đúng là iCMS là sản phẩm mang ra Việt hóa rồi mang đi dự thi hay không? Nếu đúng, BTC sẽ giải quyết như thế nào về giải thưởng TTVN2003?
Và Vinacomm đã thu lợi nhuận bất chính từ sản phẩm này. Vậy các cơ quan chức năng giải quyết ra sao? Quan trọng nhất là BTC rút ra bài học gì từ vụ việc này? Khi dự thi, iCMS đã khai báo có sử dụng một phần mã nguồn mở, vậy sao BTC đã không tìm hiểu ICMS đã sử dụng bao nhiêu % là mã nguồn mở (Xin đừng nêu lý do là không thể vì đã có người làm được và nhất là BTC đã cho sản phẩm này đại diện cho TRÍ TUỆ VIỆT NAM 2003.)
Tôi là một người đam mê CNTT và có một ngày tôi sẽ tham gia TTVN và sẽ có thể đoạt giải, nhưng tôi mong TRÍ TUỆ VIỆT NAM được thể hiện đúng ý nghĩa của nó chứ không phải là TTVN "khôn lỏi" như những năm vừa qua!
● Bạn đọc Nguyễn Kim (kimnguyen@emsvn.com):
Thật tình mà nói, năng lực của nhóm phát triển iCMS quá yếu kém. Tôi đã có xem mã nguồn (của CMSNET) và cảm thấy để viết được một ứng dụng dựa trên nền tảng đó thì không khó! Vấn đề là nhóm phát triển iCMS (ta tạm gọi là các "tài năng TTVN") không đủ năng lực để hiểu hết những gì người ta đã viết sẵn nên không dám sửa gì nhiều, kết quả là có đến 80% source code là giống nhau! (Thực ra, tôi có thể đoán là cao hơn, gần như hoàn toàn!). Đây không thể coi là phát triển phần mềm mà là chỉ là tìm và thay thế (search & replace) những gì cần thiết! Nói cách khác, nhóm iCMS chỉ làm một công việc là thay thế tiếng Anh bằng tiếng Việt. Chuyện này chỉ cần một lập trình viên trung bình làm trong vài ngày là xong, chẳng cứ gì cần đến cả một đội ngũ tầm cỡ "Trí tuệ Việt Nam" làm việc cật lực trong hai tháng! Với kiểu làm như vậy, nếu ai đó kết luận là 80% source code là giống nhau thì có thể người đó còn nhẹ tay đối với iCMS, theo quan niệm cá nhân tôi thì... y chang! Chẳng có gì khác biệt cả!
Giao diện website của ông Stephen R. G. Fraser |
Nói thêm một tí về mã nguồn mở (MNM): Bản chất của MNM là dễ… bị hack! Đối với những người chuyên về công nghệ thông tin (CNTT) thì đây là một chân lý mà ai cũng phải biết, trừ phi bạn là sinh viên mới ra trường! Để sử dụng một phần mềm có nguồn gốc từ MNM, vấn đề quan trọng nhất là bạn phải kiểm soát được nó (giống như Who do what when), chứ không phải nhắm mắt xài bừa hoặc phát triển thêm mà chẳng cần biết cái nền tảng mình đang phát triển trên đó có chứa cái thứ gì trong ruột hay không?
Tác giả Stephen R. G. Fraser: "... Theo tôi hiểu, những người này phải gỡ bỏ khỏi phần mềm của họ tất cả mã nguồn lấy từ quyển sách của tôi, trừ khi cả tôi và nhà xuất bản cùng cho phép dưới dạng văn bản giấy. Và nếu họ thực hiện việc gỡ bỏ mã, tôi chắc chắn là phần mềm đó sẽ không thể chạy được nữa..." ("My interpretation to the above is he has to remove any code that come from my book from his software unless my publisher and I give written permission. If he does remove the code, I'm pretty sure his software will stop running). |
Tôi đặt trường hợp giả sử tác giả của CMSNET có để lại một số lỗ hổng (cố ý) để phòng khi có gì bất trắc (ta tạm gọi là backdoor), và đội ngũ tầm cỡ TTVN của chúng ta mang nó đi triển khai khắp nơi mà không hề biết rằng trong cái ứng dụng đó tiềm ẩn những nguy hiểm rình rập. Giả sử (lại giả sử tiếp) một ngày đẹp trời nào đó, tác giả cảm thấy không được khỏe và quyết định thử xem các backdoor đó có hoạt động không bằng cách phát lên Internet một tín hiệu nào đó. Đến lúc đó, hàng loạt website có sử dụng iCMS sẽ bị down (sập) thì không biết là các "tài năng TTVN" của chúng ta (và cả Ban giám khảo - BGK - nữa, vì đã công nhận đây là sản phẩm trí tuệ) sẽ trốn đi đâu! Trong trường hợp các website có sử dụng iCMS bị sập, không lẽ BGK lúc đó có thể đứng ngoài cuộc?
Làm sao hacker lấy được mã nguồn của iCMS rồi từ đó có thể so sánh với nguyên bản (là CMSNET)? Điều này có thể giải thích như sau: Các "tài năng TTVN" của chúng ta khi triển khai iCMS lên một website nào đó, ví dụ là www.tintucvietnam.com (là cái website mới bị hack) đã tống luôn cả source code lên đó (các file có dạng .cs, là file chứa mã nguồn của ứng dụng). Các hacker khi scan website đã phát hiện ra được và từ đó đã có đầy đủ chứng cứ để buộc tội các "tài năng TTVN" tội nghiệp của chúng ta!
Nguyên tắc khi triển khai một ứng dụng web viết bằng ASP.net là không bao giờ bạn cần phải copy cả file source code lên webserver! Chỉ cần copy các file .dll (là file thư viện đã được compile) lên web là "OK" rồi, nó sẽ chạy tốt! Nếu các file .dll đó sau khi compile lại được mã hóa bằng một công cụ nữa dùng chống De-compile thì bảo đảm chẳng có hacker nào có thể dịch ngược ra được, thì... lấy đâu ra source code mà kiện iCMS? Vấn đề là các "tài năng TTVN" đã quá vô tư (hay thật sự là họ không biết điều cơ bản này!), nên đã cho luôn cả source code lên webserver!