"Các ngân hàng thương mại tại Việt Nam cần phát triển thêm nhiều điểm nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, do nhu cầu thanh toán điện tử của người dân đang gia tăng". Đây là kết luận của các chuyên gia từ công ty thẻ tín dụng quốc tế Visa sau khi nghiên cứu thị trường Việt Nam.
Tại Diễn đàn Merchant Acquiring Forum đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM tuần trước, các chuyên gia của hãng thẻ tín dụng quốc tế Visa card đã gặp gỡ với hơn 50 đại diện của 29 ngân hàng tại Việt Nam để thảo luận về các giải pháp nhằm tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng trên toàn quốc.
Chuyên gia Bob Joubert của Visa cho biết: "Sự kiện này là một phần trong phát kiến có quy mô lớn hơn của Visa tại Việt Nam để hoạt động cùng ngành công nghiệp ngân hàng bản địa, nhằm chia sẻ kiến thức, thực thi các tiêu chuẩn toàn cầu và hỗ trợ Việt Nam trong việc hướng tới một hệ thống thanh toán điện tử hiệu quả".
Visa đã bắt đầu các hoạt động tại Việt Nam từ 10 năm trước và hiện có 12 thành viên tổ chức tài chính, bao gồm 4 ngân hàng nhà nước và một số ngân hàng cổ phần trọng yếu như ACB, Sacombank và Eximbank.
Vị thế khá khiêm tốn trong khu vực
Thẻ tín dụng ACB hỗ trợ thanh toán Visa Card. |
Trong một thập kỷ qua, Visa và các ngân hàng thành viên của mình đã chú trọng vào việc lắp đặt mới các máy thanh toán thẻ để phục vụ cho khách du lịch và các thương nhân đi công tác tới TP.HCM và Hà Nội. Kết quả, một mạng lưới nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng Visa gồm khoảng 10.000 máy đọc thẻ đã được thiết lập tại Việt Nam.
Con số này hiện còn thấp hơn rất nhiều so với các thị trường nổi bật khác trong khu vực châu Á như Ấn Độ (154.000 máy), Thái Lan (143.000 máy) và Indonesia (74.000 máy). Thực tế, Việt Nam chỉ mới chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số 500.000 máy thanh toán Visa card tại khu vực Đông Nam Á.
Tổng số máy thanh toán thẻ Visa trên toàn thế giới hiện có khoảng 20 triệu chiếc. Chiếc thẻ Visa card đầu tiên đã được sử dụng tại Việt Nam năm 1997 bởi ngân hàng ACB. Đến tháng 3 năm 2004, tại Việt Nam đã có khoảng 53.000 thẻ Visa card được phát hành.
Tuy nhiên, đối với ngành công nghiệp thanh toán điện tử của Việt Nam, điều đó lại hứa hẹn một cơ hội phát triển to lớn.
"Chúng tôi nhận thấy tiềm tăng phát triển mạnh mẽ khi Việt Nam chuyển biến theo xu hướng chung toàn cầu trong việc sử dụng các loại thẻ thanh toán plastic", ông Gordon Cooper, Giám đốc khu vực của Visa tại Việ Nam, Campuchia và Lào cho biết.
"Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng lựa chọn phương thức thanh toán điện tử thay cho tiền mặt nhiều hơn qua việc sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ATM, và chúng tôi tin rằng các loại thẻ ghi nợ nhãn hiệu Visa sẽ nhanh chóng trở nên phổ biến tại Việt Nam trong vòng vài năm tới".
Ông Cooper cho biết một trong các mục tiêu của Visa là tập trung vào việc phát triển các loại thẻ nợ (debit card) trong cộng đồng các ngân hàng trong nước và tăng cường việc sử dụng các loại hình thanh toán điện tử để thay thế các giao dịch tiền mặt.
"Thị trường mục tiêu ban đầu của chúng tôi sẽ là khách du lịch", ông Cooper cho biết. "Chúng tôi hướng tới mục tiêu giúp khách du lịch chi tiêu thuận tiện hơn tại Việt Nam thông qua việc sử dụng thẻ Visa tại các cửa hàng bản địa hoặc qua các máy rút tiền ATM, mang lại doanh thu du lịch cao hơn cho quốc gia này".
Nguồn doanh thu du lịch quan trọng
Visa, một trong những hãng thẻ tín dụng phổ biến nhất thế giới. |
Ông Cooper nói thêm: "Các hình thức thanh toán điện tử là một phần rất quan trọng trong du lịch quốc tế, và là một kênh then chốt để chuyển các nguồn doanh thu du lịch tới Việt Nam".
Những đại biểu tham dự sự kiện trên đã được giới thiệu về các kỹ năng tiếp thị, những nguy cơ rủi ro và các hệ thống quản lý thông tin cho quá trình giám sát hiệu suất tại các điểm nhận thanh toán điện tử.
Ông Cooper nói tiếp: "Chúng tôi đồng thời cũng hợp tác với các ngân hàng bản địa, các nhà điều hành và những đấu thủ chủ chốt trên thị trường để mở rộng khả năng chấp nhận thẻ tại các máy thanh toán ở Việt Nam, áp dụng những biện pháp thực tiễn tốt nhất thế giới và những kiến thức xử lý như động lực đòn bẩy, và cho phép ngành công nghiệp thanh toán của Việt Nam nhanh chóng tận dụng các tiêu chuẩn và công nghệ thanh toán hiện đại nhất này".
Theo các số liệu từ Visa, các du khách nước ngoài tới Việt Nam đã chi tiêu hơn 160 triệu USD qua các Visa card trong vòng 1 năm qua, tính từ tháng 9 năm ngoái. Có tới 98% tổng số các giao dịch được thực hiện tại Hà Nội và TP.HCM.
Ông Cooper nhấn mạnh: "Về lâu dài, chúng tôi sẽ mở rộng khả năng chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng ra ngoài những phạm vi tập trung hiện tại ở TP.HCM và Hà Nội để vươn tới những điểm du lịch phổ biến khác như Huế, Đà Nẵng, Hội An và Nha Trang".
-
Bình Minh (Tổng hợp VNIT - VN Style)