(VietNamNet) - Năm 2004, Telecomp diễn ra tại Hà Nội từ ngày 9 đến 13/11, được đánh giá là có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất và có số lượng doanh nghiệp tham gia đông nhất từ trước đến nay. Nhìn lại, để nghĩ về hướng tới cho loại hình triển lãm này.
Triển lãm Vietnam Telecomp được tổ chức đầu tiên vào năm 1992, từ đó gắn liền với quá trình phát triển của ngành bưu chính, viễn thông (BCVT) của Việt Nam. Từ 1992 đến năm 1998, Vietnam Telecomp diễn ra thường niên, bắt đầu từ năm 2000 đến nay Vietnam Telecomp được thay đổi chỉ tổ chức hai năm một lần. Đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên Telecomp có sự góp mặt của cả các doanh nghiệp điện tử. Đây cũng là năm đầu tiên Ban tổ chức trao giải thưởng gian hàng ấn tượng nhất cho các doanh nghiệp có cách trình bày ấn tượng và trao Kỷ niệm chương "Nhà triển lãm lâu năm nhất" cho năm doanh nghiệp nước ngoài.
Tích hợp và hội tụ lấn lướt
Theo thống kê của Ban tổ chức, quy mô của Triển lãm năm nay tăng đáng kể so với những năm trước, Tham gia Triển lãm có 103 công ty và nhà khai thác nước ngoài, 32 công ty trong nước. Đặc biệt, ngoài các doanh nghiệp nước ngoài đã nhiều lần tham gia các triển lãm trước đây như Alcatel, Seimens, Nokia, Motorola... còn có một số doanh nghiệp lớn lần đầu tiên tham gia triển lãm như UTStarcom, Cisco, Miky (Thuỵ Sĩ), KT và Samsung (Hàn Quốc). Bên cạnh đó, còn có rất nhiều các công ty của Singapore, Pháp, Hàn Quốc, Isarel, Trung Quốc tham gia Triển lãm 2004. Những gì mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước mang đến trưng bày và trình diễn tại Triển lãm sự thể hiện rõ nét nhất của sự hội tụ giữa viễn thông và tin học, sự tích hợp giữa điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT).
Lần đầu tiên tham dự, Hiệp hội Điện tử Trung Quốc đã mang đến Triển lãm nhiều sản phẩm điện tử tiên tiến, tích hợp giữa viễn thông và điện tử. Một số nhà sản xuất thiết bị linh kiện và bán dẫn Trung Quốc đã trưng bày và giới thiệu các sản phẩm của họ: hệ thống định vị điện tử - phương tiện tích hợp giữa điện tử và viễn thông để định vị các sản phẩm. Một số loại camera, ghi âm có chất lượng cao, hiện đại, có độ nét lớn... Đây là những điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi để vực dậy nền công nghiệp điện tử Việt Nam.
Về công nghệ viễn thông, nổi bật nhất là công nghệ băng rộng có tích hợp tất cả các dịch vụ trên nền IP, mạng Metro (mạng MAN) được trình diễn tương đối hoàn hảo bởi Cisco. Ngoài ra, các doanh nghiệp tập trung giới thiệu về mạng NGN và điện thoại di động 3G, trên cơ sở tích hợp di động trên nền mạng thế hệ mới.
Công ty Psytech (Isarel) đã thu hút sự quan tâm của các nhà khai thác bằng giải pháp PayPhone trên nền công nghệ GSM - giải pháp này phục vụ cho các phương tiện di chuyển như xe buýt, máy bay, tàu hỏa... Đây là công nghệ rất mới, khách hàng đi các phương tiện giao thông có thể mua thẻ điện thoại PayPhone (điện thoại trả trước) để gọi điện trên các phương tiện giao thông. Công ty Expen lại cung cấp phương tiện di động kéo dài chỉ cần thông qua một bộ repeater (trạm lặp) mà không cần qua trạm nguồn...
Tại Triển lãm còn có rất nhiều gian hàng nhỏ của châu Âu, Trung Quốc, Malaysia đưa ra các loại điện thoại thẻ, điện thoại tích hợp giữa di động và để bàn. UTStarcom lần đầu tham gia triển lãm nhưng đã tích cực giới thiệu rất nhiều giải pháp mới, ấn tượng nhất là giải pháp điện thoại di động nội bộ, giả sử trong một văn phòng từ 100 đến 2.000 nhân viên thì toàn bộ số nhân viên này đều có thể sử dụng di động nội bộ giá rẻ.
Trầm lặng công nghệ cho bưu chính
Bưu chính là một chủ đề quan trọng của Triển lãm, nhưng hoạt động giới thiệu các công nghệ ứng dụng trong bưu chính lại khá trầm lặng. Theo ông Bùi Quốc Việt - phó ban thường trực Ban tổ chức Triển lãm, nguyên nhân do bưu chính nước ta còn chậm đổi mới. Mặc dù, hiện nay bưu chính đã sử dụng CNTT trong quản lý và khai thác, đã có những dịch vụ bưu chính lai ghép với viễn thông và CNTT, tích hợp giữa bưu chính và CNTT để nâng cao chất lượng và tốc độ chuyển phát, nhưng thực tế bưu chính nước ta còn chưa phát triển nhiều, Nhà nước vẫn phải bù lỗ, người dân vẫn sử dụng các dịch vụ bưu chính truyền thống là chủ yếu.
Mặc khác, Bưu chính các nước có đặc thù không giống Việt Nam, một số doanh nghiệp nước ngoài cũng quan tâm đến ứng dụng công nghệ vào kinh doanh bưu chính ở nước ta, nhưng thực tế còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai vì Việt Nam chưa đủ điều kiện ứng dụng, áp dụng CNTT vào bưu chính mới ở một số dịch vụ bưu chính chất lượng cao, tài chính bưu chính song còn rất ít. Ông Việt hy vọng vài năm tới, các giải pháp ứng dụng cho bưu chính sẽ phát triển mạnh và được giới thiệu nhiều hơn ở Telecomp.
Hướng đến chất lượng - vì khách hàng
Song song với Triển lãm là các hội thảo có rất nhiều nội dung hay, hấp dẫn. Ngay buổi chiều khai mạc, Bộ BCVT đã chủ trì cuộc hội thảo về chính sách, chiến lược phát triển viễn thông và CNTT; chính sách hội nhập kinh tế quốc tế và vai trò của Bộ BCVT trong quản lý BCVT-điện tử; chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài của nước ta trong những năm tới. Đồng thời, Ban tổ chức cũng đưa ra chủ đề chính của Hội thảo "Tổng công ty BCVT Việt Nam - VNPT và các nhà khai thác hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ - tất cả vì khách hàng".
Tại các diễn đàn, hội thảo các nhà khai thác trong nước như MobiFone, VinaPhone, SPT, VP Telecom đều giới thiệu kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm phát triển dịch vụ và chăm sóc khách hàng, trong khi VNPT còn đưa ra định hướng phát triển công nghiệp để phục vụ trong nước. Với trên 30 bài phát biểu của các diễn giả trong và ngoài nước với những nội dung hết sức phong phú, đi vào từng giải pháp băng rộng, mạng NGN, 3G, quản lý mạng lưới, quản lý khách hàng, tích hợp các loại dịch vụ để đem lại lợi ích cho khách hàng, các hội thảo đã thu hút sự chú ý của các nhà chuyên môn và các nhà khai thác, nhất là các hội thảo của Motorola, Ericsson, Siemens, Alcatel, Cisco, Dong Ah...
Đông khách nhất!
Theo thống kê của Ban tổ chức, Triển lãm 2004 là năm đón nhiều các đoàn khách quốc tế đến thăm nhất: các đoàn đại sứ quán Lào, Campuchia, Malaysia, Isarel, và nhiều doanh nghiệp của các nước Singapore, Hàn Quốc, Indonesia... Đánh giá về Triển lãm, Thứ trưởng Bộ Bưu điện Lào cho rằng Vietnam Telecomp 2004 đã đổi mới rất nhiều về quy mô, hình thức cũng như tính chất hiện đại. Các cuộc hội thảo cũng được các đại biểu quốc tế đánh giá là có nhiều nội dung hấp dẫn hơn nhiều lần so với các lần triển lãm trước đây. Đoàn Myanmar và Campuchia cũng đánh giá cao về quy mô tổ chức và đón tiếp khách rất chu đáo của phía Việt Nam. Chiều 12/11, đoàn đại biểu Quốc hội khoá XI gồm hơn 300 đại biểu Quốc hội và các Bộ, ngành cũng đã đến thăm Triển lãm, trong đó có nhiều vị lãnh đạo rất quan tâm đến sự phát triển của viễn thông và đánh giá Triển lãm là nơi trình diễn sự phát triển công nghệ cao khá đầy đủ.
Thống kê sơ bộ cho thấy: Khoảng trên 110.000 khách đã đến tham quan Triển lãm (căn cứ vào số lượng giấy mời, vé bán và phiếu đăng ký tham quan). Theo quan sát của phóng viên VietNamNet, ngày đầu tiên khách tham quan chủ yếu là khách mời, các nhà quản lý, khai thác, nhưng những ngày sau lại rất đông người dân và các em học sinh, sinh viên. Điều này cho thấy Triển lãm không chỉ là sân chơi của giới CNTT, viễn thông mà đã trở thành mối quan tâm của nhiều giới, nhiều tầng lớp trong xã hội.
Triển vọng: Sáng sủa nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm
Kể từ khi Bộ BCVT được thành lập vào năm 2002 đến nay, đây là lần đầu tiên Bộ chủ trì bảo trợ cho Triển lãm Telecomp. Đây là dịp để các doanh nghiệp nước ngoài tham gia Triển lãm nhìn thấy rõ đã có nhiều doanh nghiệp, nhiều thành phần kinh tế tham gia vào thị trường viễn thông chứ không phải chỉ có một mình VNPT như trước đây. Từ đây, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có nhiều đối tác Việt Nam hơn, nhiều cơ hội làm ăn hơn, và các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội tìm được đối tác kinh doanh của mình.
Phần lớn các công ty có gian hàng tại Triển lãm đều nhận xét: Vietnam Telecomp 2004 đã đáp ứng đúng mong đợi của họ. Triển lãm được đánh giá thành công vì có nội dung phong phú và số lượng khách tham quan tăng đáng kể. Trong năm ngày diễn ra Triển lãm, không lúc nào các gian hàng vắng khách. Tuy nhiên, vẫn còn một số lời phàn nàn về an ninh chưa được tốt, mời khách tham gia hội thảo nhiều lúc chưa đúng thành phần, máy máy điều hoà đôi khi bị trục trặc, việc tổ chức điểm đỗ và gửi xe cũng chưa thuận tiện,... |
Một số doanh nghiệp tham gia cho biết: Triển lãm năm nay thực sự là một môi trường xúc tiến thương mại, trao đổi công nghệ mới, giải pháp mới. Người tiêu dùng Việt Nam hiện đã sẵn sàng chấp nhận cái mới, công nghệ mới. Theo đánh giá của một số chuyên gia, đạt được những điểm mới của Triển lãm năm nay đã thể hiện được chính sách mở cửa của Nhà nước về viễn thông và CNTT là hết sức đúng hướng.
Tuy nhiên, hiện nay trong việc tổ chức triển lãm của ngành BCVT vẫn còn thể hiện sự chưa tập trung, vì hàng năm rải rác có các triển lãm về viễn thông riêng, CNTT riêng, hoạt động CNTT trong nước tương đối nhiều nhưng quốc tế lại hơi ít. Hơn nữa, Triển lãm quốc tế Telecomp lại chỉ hai năm mới tổ chức một lần, xung quanh thời hạn này cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Có một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu cuối như UTStarcom, Cisco, Nokia đề nghị một năm tổ chức một lần để kịp cập nhật công nghệ, nhưng một số doanh nghiệp cung cấp giải pháp, hệ thống lại đề nghị giữ định kỳ hai năm một lần như hiện nay là thích hợp.
Ông Bùi Quốc Việt - một người có kinh nghiệm tổ chức nhiều cuộc triển lãm, hội thảo lớn của VNPT cho rằng cơ quan quản lý cần xem xét để sắp xếp tổ chức các cuộc triển lãm cho phù hợp, đặc biệt phải tính toán sao cho hài hoà giữa viễn thông, điện tử và CNTT, tránh tình trạng có lĩnh vực tổ chức quá thưa, có lĩnh vực lại tổ chức nhiều nhưng quy mô và hiệu quả lại không đạt yêu cầu.
Vietnam Telecomp và Electronics lần thứ XI sẽ diễn ra vào năm 2006 tại TP.HCM. Bộ BCVT vẫn chủ trương tiếp tục giao cho một doanh nghiệp đứng ra tổ chức. Triển lãm lần tới vẫn tiếp tục giới thiệu, đưa các công nghệ, dịch vụ, sản phẩm mới, biến triển lãm thành nơi xúc tiến thương mại để tăng cường sự hợp tác phát triển của viễn thông, CNTT, điện tử Việt Nam. Theo dự báo của ông Bùi Quốc Việt, Triển lãm lần XI chắc chắn sẽ có quy mô lớn hơn nữa. Vì vào thời điểm đó, Việt Nam rất có thể đã gia nhập WTO, Hiệp định Thương mại Việt Mỹ sẽ có hiệu lực hoàn toàn nên sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia hơn, nhiều sản phẩm mới, hiện đại, tiên tiến hơn sẽ được đem đến Việt Nam.
Có nên tổ chức Telecomp hàng năm? |
Bùi Xuân Bách, sinh viên năm thứ năm, Khoa Điện tử Viễn thông, trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Các gian hàng trưng bày khá hoành tráng và ấn tượng. Tôi quan tâm nhiều đến phần thiết bị mạng wireless, các giải pháp ứng dụng sắp tới cho mạng điện thoại di động của Việt Nam trong thời gian tới như 3G và NGN. Tuy nhiên, một số giải pháp cho NGN chưa nhiều lắm, còn mạng 3G, wireless hoặc thiết bị ứng dụng cho mạng Internet thì khá đầy đủ, nhìn chung khả năng khuếch trương của các hãng rất hay. Tôi có tham dự các hội thảo giới thiệu công nghệ trong triển lãm tại hội trường A6-A7, các diễn giả mới chỉ đưa ra các nội dung chung, nói chung hội thảo chưa đi sâu hẳn vào các vấn đề. - Bạn nghĩ gì nếu Telecomp sẽ được tổ chức hàng năm? - Vâng, tôi nghĩ Triển lãm Telecomp nên tổ chức hàng năm thay vì hai năm một lần như hiện nay. Như vậy, sẽ bổ ích cho sinh viên nói riêng và khách tham quan nói chung. Vì lĩnh vực viễn thông và công nghệ điện tử trên thế giới đang phát triển rất nhanh, chỉ trong vòng một tháng đã thay đổi rất nhiều chứ không phải chờ đến một năm. Cùng quan điểm của Bách, một nhóm sinh viên Đại học Ngoại ngữ, trực phiên dịch cho các gian hàng tại Triển lãm cho hay: Vietnam Telecomp 2004 thực sự sống động và có nhiều hấp dẫn. Các hãng viễn thông đã mang tới những sản phẩm độc đáo và gần gũi với khách tham quan, đặc biệt là các mẫu điện thoại mới nhất. Đây cũng là dịp để sinh viên tiếp cận công nghệ, giải pháp viễn thông mới và thực hành. |
Minh Quyên - Hải Linh