(VietNamNet) - Lập trình viên Việt Nam được đánh giá cao trong lĩnh vực gia công phần mềm tại thị trường Nhật Bản, nhưng vẫn đang tồn tại ''vướng mắc'' trong việc kịp thời đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp phần mềm.
Lãnh đạo Bộ Bưu chính Viễn thông làm việc với đại diện 15 doanh nghiệp xuất khẩu gia công phần mềm sang Nhật. |
Chính phủ đã đặt ra mục tiêu sản lượng phần mềm vào năm 2005 đạt 500 triệu USD. Thế nhưng ông Trương Gia Bình - chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (Vinasa) cho hay: Doanh thu lĩnh vực phần mềm năm 2003 đạt 120 triệu USD; trong đó xuất khẩu phần mềm mới đạt có 30 triệu USD. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 25%/năm, mục tiêu 500 triệu USD vào năm 2005 chắc chắn không thể đạt được.
Nguyên nhân nào?
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực phần mềm, lý do lớn nhất dẫn đến tình trạng doanh thu ngành công nghiệp phần mềm còn thấp chính là thiếu ''trầm trọng'' nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên thế giới và tại thị trường châu Á, Nhật có tổng kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực gia công phần mềm rất lớn: năm 2002 là 263 triệu USD. Trong số lượng đông đảo các kỹ sư công nghệ thông tin (CNTT), lương của lập trình viên ở Nhật rất cao. Một lập trình viên vừa tốt nghiệp đại học có số lương khoảng 30.000 USD/năm. Nếu có ba năm kinh nghiệm trở lên, thu nhập hàng năm có thể lên tới 50.000 USD, và năm-bảy năm kinh nghiệm có thể thu nhập lên tới 70.000-100.000 USD/năm.
So với nước bạn, ưu điểm của nguồn nhân lực từ Việt Nam là có năng lực tốt. Thậm chí, người Nhật xếp hạng Việt Nam là ''number one'', vượt trên cả Trung Quốc nhờ ''có chuyên môn giỏi và biết giữ lời hứa''. Kinh nghiệm từ nước bạn cho thấy văn hóa Việt Nam cũng có nhiều điểm tương đồng với người Nhật: ít nói, ngại tiếp xúc trước đám đông, không có đầu óc kinh doanh nhiều như người Trung Quốc và đặc biệt người Việt có tính trung thành đối với doanh nghiệp cao hơn.
Trong lĩnh vực gia công phần mềm, người Việt Nam lại thông minh, có đầu óc lý luận và giỏi toán học. Mặc dù vậy, nhược điểm chính của nhân lực nước ta, dẫn đến tình trạng sản lượng phần mềm vẫn còn thấp, là kỹ năng làm việc theo nhóm, theo tập thể còn kém; tính kỷ luật yếu, khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật không đạt yêu cầu. Gần đây, đã có nhiều lập trình viên bắt đầu học tiếng Nhật, nhưng với trình độ một-hai năm học tiếng ở trong nước cũng chỉ hiểu và nói được những câu đàm thoại thông thường, chưa đủ khả năng đọc, viết tiếng Nhật trôi chảy.
Một số doanh nghiệp Việt Nam gần đây đã trả chi phí khoảng 1.000 USD cho các kỹ sư đi học tiếng bên Nhật, nhưng chưa đủ sức hấp dẫn để họ trở về nước tiếp tục làm việc. Bởi vì, khi làm ở Nhật, họ sẽ kiếm được 2.500-3.000 USD/tháng, trong khi các doanh nghiệp trong nước chắc chắn chưa thể trả mức lương cao như vây. Như thế, vấn đề đặt ra hiện nay là ''nguồn nhân lực của nước ta đã sẵn sàng chưa''. Đặc biệt, lĩnh vực này đang thiếu những nhà quản lý, quản trị đề án.
Khoảng cách giữa đào tạo ĐH và đòi hỏi thực tế
Ông Hoàng Quốc Lập, chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT cho biết, chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hợp tác Việt-Nhật phát triển trong lĩnh vực phần mềm gồm năm chương trình: Đào tạo nguồn nhân lực CNTT trình độ ĐH và sau ĐH; đào tạo ngắn hạn. Xây dựng trung tâm nguồn lực phần mềm nguồn mở. Xây dựng trung tâm sát hạch kỹ sư CNTT theo chuẩn kỹ năng Nhật Bản. Xây dựng thị trường gia công cho Nhật Bản.
Hàng năm, hệ thống ĐH cung cấp 5.000-6.000 kỹ sư CNTT/năm. Con số này chưa thể đáp ứng được nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này. Thống kê từ Công ty FPT cho biết: Tốc độ xuất khẩu phần mềm cao trong khi trên thực tế, nguồn nhân lực biết tiếng Nhật hiện đang thiếu trầm trọng. Dự kiến, đến năm 2009, công ty này sẽ cần tới 2.000 lập trình viên, nâng tổng số nhân lực trong lĩnh vực này lên 12.000 người.
Nhìn chung, số lượng đào tạo kỹ sư CNTT do các trường ĐH công, ĐH dân lập, ĐH mở bán công... tuy tăng số lượng nhưng chất lượng chưa bảo đảm, chưa đồng bộ, sinh viên lại chưa có cơ hội thực tiễn làm trên các phần cứng và phần mềm thông dụng. Các trường ĐH chưa đầu tư về phần cứng và phần mềm đúng mức, chưa có khả năng tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với những kỹ thuật mới. Một số sinh viên tốt nghiệp trường Cao đẳng CNTT hệ ba năm nhưng cũng chỉ học được cách sử dụng Word, Excel...
Theo ông Trương Gia Bình, để ''xâm nhập'' vào thị trường phần mềm Nhật Bản, các kỹ sư CNTT Việt Nam thường có hai xu hướng làm việc: outsourcing (thuê ngoài) và E-work (công việc xuyên quốc gia đòi hỏi làm trên mạng). Về chuyên môn và năng lực làm việc, các kỹ sư Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu công việc, nhưng trình độ ngoại ngữ đang là vấn đề nan giải.
Với vai trò của nhà đào tạo nguồn nhân lực, PGS TS Lê Cộng Hòa - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - một đơn vị chủ chốt cung cấp kỹ sư CNTT tương lai cho biết: ''Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực bậc cao về CNTT là hợp tác lâu dài với các trường ĐH nước bạn. Hiện ĐH Bách khoa Hà Nội đang có chương trình đào tạo kỹ sư cơ khí, vật liệu bằng tiếng Nhật; từ năm 2005 sẽ mở thêm đào tạo kỹ sư CNTT bằng tiếng Nhật''. Đồng thời, tham gia các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản nhằm thực hiện Sáng kiến châu Á về CNTT (AITI) của Nhật Bản. Tổ chức các chương trình lưu học ngắn hạn một tháng ghép vào chương trình học tập của trường như giảng bài, thực tập, kiến tập ở các trường ĐH Keio, Ritsumeikan, ĐH Kỹ thuật Nagaoka... và tại các công ty nước bạn.
Kinh nghiệm của Công ty THHH Sáng Tạo cho thấy: Để trở thành lập trình viên làm việc cho các doanh nghiệp Nhật, nên có ít nhất từ hai đến bốn năm học tiếng Nhật tại các trường chuyên dạy tiếng ngôn ngữ như các trường Nhật ngữ Đông Du, Nhật ngữ Sakura, và phải hoàn tất xong ít nhất là Sơ cấp (tám lớp), mỗi lớp ba tháng.
-
Đinh Hằng