(VietNamNet) - Đó là nhận định chung của Cục Tần số Vô tuyến điện thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) về những vấn đề được nêu trong văn bản số 1504/CTS-PTTH về quản lý truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình (PTTH) vừa báo cáo Bộ BCVT ngày 28/10 vừa qua.
Trạm phát sóng PTTH tại các thôn bản vùng cao tỉnh Lai Châu. |
Hiện nay, hệ thống truyền dẫn, phát sóng PTTH ở Việt Nam bao gồm hệ thống phát sóng phát thanh, truyền hình mặt đất; truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình qua vệ tinh; truyền hình cáp (CATV); truyền dẫn vi ba, truyền hình viba MMDS; các công nghệ truyền dẫn, phát sóng mới như truyền hình số mặt đất, phát thanh số mặt đất, truyền hình qua mạng MMDS công nghệ số và truyền hình trên mạng Internet.
Trong lĩnh vực quản lý truyền dẫn phát sóng PTTH, Tổng cục Bưu điện trước đây và nay là Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về việc xây dựng và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch phân bổ kênh tần số, ấn định cấp phép và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tần số PTTH. Đặc biệt, đã tạo nên một sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các đài PTTH về việc quản lý, sử dụng tần số và tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Đã bước đầu thiết lập trật tự sử dụng tần số PTTH và không còn tình trạng can nhiễu có hại kéo dài như đã xảy ra nhiều năm trước đây. Tuy vậy, trên thực tế, công tác quản lý truyền dẫn, phát sóng PTTH vẫn còn nhiều tồn tại.
Phát triển còn manh mún, chồng chéo
Do chưa có một sự quản lý tập trung, thiếu các chính sách, chiến lược phát triển, đã dẫn đến sự phát triển manh mún, chồng chéo kém hiệu quả. Các đài PTTH từ trung ương đến địa phương đều thiết lập hệ thống máy phát thanh, truyền hình và hệ thống truyền dẫn tín hiệu riêng, song các hệ thống này chồng chéo nhau, lãng phí lớn về đầu tư thiết bị truyền dẫn, phát sóng, đồng thời gây lãng phí về sử dụng tài nguyên phổ tần số vô tuyến điện.
Một số chương trình PTTH có chất lượng tốt của Hà Nội, TP.HCM chưa được truyền dẫn, phát sóng rộng rãi ở các địa phương khác, trong khi nhiều đài PTTH địa phương đã đầu tư hệ thống máy phát hoàn chỉnh nhưng nguồn chương trình phát sóng lại nghèo nàn và chất lượng không cao, vì vậy phải phát sóng quá nhiều chuơng trình giải trí của nước ngoài.
Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn về truyền dẫn, phát sóng PTTH bắt buộc áp dụng cũng còn thiếu, một số Tiêu chuẩn Việt Nam đã ban hành nhưng chưa đầy đủ. Ngay cả việc quản lý chất lượng máy PTTH sản xuất trong nước cũng chưa thực hiện quản lý chặt chẽ, dẫn tới tính trạng nhiều thiết bị phát sóng không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật vẫn được đưa vào sử dụng. Nhiều đài phát sóng PTTH sử dụng máy không đúng tiêu chuẩn đã gây nhiễu có hại cho các đài khác.
Hệ thống truyền hình cáp đang phát triển tự do, chưa có tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng, không có sự đánh giá, hợp chuẩn thiết bị nên sử dụng tần số truyền dẫn còn tùy tiện. Sự phát triển tràn lan, không có quy hoạch của hệ thống truyền thanh không dây dẫn đến khó khăn lớn về vấn đề tần số cho các đài phát thanh FM cũng là một bất cập.
Cần có một nghị định về quản lý truyền dẫn
Để giải quyết những vấn đề trên, Cục Tần số Vô tuyến điện đã có một số đề xuất về nội dung quản lý truyền dẫn, phát sóng PTTH ở nước ta.
Thứ nhất, cần phân biệt rõ các loại hình phát sóng PTTH báo chí và không phải báo chí để có hình thức quản lý phù hợp, đặc biệt là quản lý tần số, truyền dẫn phát sóng.
Thứ hai, cần xây dựng chính sách thích hợp để quản lý truyền dẫn phát sóng PTTH. Cần xem truyền dẫn phát sóng PTTH như là một loại hình dịch vụ (độc lập với sản xuất chương trình) và có chính sách tạo điều kiện hình thành các nhà khai thác cung cấp dịch vụ này. Có thể phân loại các dịch vụ để có chính sách và quy định quản lý riêng.
Đối với dịch vụ truyền dẫn, phát sóng tín hiệu PTTH (broadcasting transmision services), các nhà khai thác mạng (network providers hoặc network operators) cung cấp đường truyền hoặc tín hiệu phát sóng các chương trình PTTH cho các cơ quan, tổ chức sản xuất các chương trình đó.
Với dịch vụ phân phối các chương trình PTTH (channel delivery services), các nhà khai thác mạng hoặc đài PTTH mua bản quyền chương trình PTTH để truyền dẫn hoặc phát sóng đến người dùng (như các công ty truyền hình CATV, MMDS, truyền hình qua vệ tinh DTH).
Bên cạnh đó, các dịch vụ phân phối chương trình truyền hình qua các hệ thống CATV, MMDS, DTH cần phải được cấp phép và quản lý như các dịch vụ viễn thông. Trên cơ sở tính đến sự hội tụ công nghệ, các dịch vụ PTTH cần được quy định rõ loại nào là kinh doanh có giấy phép, loại nào là có điều kiện. Tất cả các vấn đề này cần được quy định chi tiết trong một Nghị định về Quản lý truyền dẫn, phát sóng PTTH.
Một số kinh nghiệm về quản lý PTTH ở các nước |
Tại các nước phát triển, các dịch vụ truyền dẫn phát sóng đã được điều chỉnh bằng luật và hoạt động cạnh tranh nhau theo khuôn khổ luật pháp. Các nước đều có hệ thống văn bản luật có liên quan điều chỉnh lĩnh vực này như: Luật Phát thanh Truyền hình; Luật Cáp; Luật Viễn thông; Luật Vô tuyến điện... Về mô hình quản lý có hai hình thức: - Có cơ quan quản lý PTTH riêng như Úc, Thái Lan, Trung Quốc. - Cơ quan quản lý chung viễn thông, công nghệ thông tin, PTTH như Mỹ, Hàn Quốc. Nhìn chung, các nước có cơ quan quản lý PTTH riêng như Trung Quốc, Úc, Thái Lan đang có xu hướng sáp nhập cơ quan quản lý PTTH vào cơ quan quản lý viễn thông, công nghệ thông tin để thích ứng với quá trình hội tụ các công nghệ và cung cấp đa dịch vụ. Các nước đều có chính sách thúc đẩy sự hội tụ công nghệ truyền thông, viễn thông và công nghệ thông tin. Các nhà khai thác viễn thông được phép khai thác các dịch vụ PTTH và ngược lại. (Nguồn: Cục Tần số Vô tuyến điện) |
- Phạm Lê