(VietNamNet) - Sau sáu tháng thử nghiệm, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã có khoảng 4.000 khách hàng đăng ký tham gia sử dụng tên miền tiếng Việt.
Theo số liệu thống kê, đối tượng tham gia đăng ký tên miền tiếng Việt chủ yếu là cá nhân, học sinh, sinh viên chiếm 93%, còn lại 7% là các tổ chức, doanh nghiệp, ngoài ra có một số ít cá nhân tham gia đăng ký tên miền là cá nhân đang ở nước ngoài, Việt kiều. Đã có 95% có lựa chọn 1 là tên miền trực tiếp sau .vn; 5% là cho com.vn; edu.vn; info.vn...
Một số đơn vị được VNNIC mời tham gia thử nghiệm đều thống nhất ý kiến: Tên miền tiếng Việt hoàn toàn có khả năng cung cấp cho cộng đồng sử dụng.
Với thông tin được thể hiện ngay ở tên miền, tên miền tiếng Việt được cấp phát hầu hết mang tính xã hội cao, gần gũi, dễ nhớ mặc dù có thể dài hơi như http://TrườngđạihọcbáchkhoaHànội.vn, http://muanhàchungcư... cũng dễ dàng tìm thấy trên mạng.
Hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đều có người tham gia đăng ký thử nghiệm tên miền tiếng Việt, nhiều nhất là Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, trong số 350 tên miền đã được cấp phát, số lượng thực tế lại chỉ duy trì trên dưới 300 vì hầu hết đều sử dụng webfree hoặc tên miền đăng ký ở nước ngoài đã hết hạn.
Trong thời gian tới, theo định hướng tiếp tục triển khai tên miền tiếng Việt, VNNIC đang hoàn thiện công cụ tìm kiếm trang web dựa trên từ khoá. Theo VNNIC, cũng như các quốc gia khác, tên miền tiếng bản địa sẽ dần chứng tỏ được thuận lợi và lượng đăng ký nhưng cần phải có thời gian để người dùng thấy được lợi ích của nó.
Hiện tại, do tên miền tiếng Việt vẫn còn rất ít người biết đến nên VNNIC đã đề xuất với Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) dành một thời gian ít nhất là ba tháng cho các tổ chức, công ty, doanh nghiệp đăng ký rồi sau đó mới cho đăng ký tự do.
Về vấn đề thu phí, VNNIC đề xuất với Bộ BCVT hai phương án: Nên chăng có thể cho phép thu thấp hơn quy định, hoặc cho phép đăng ký sử dụng trước, trả phí sau khi có phí mới ban hành.
Thuỷ Nguyên