(VietNamNet) - Phát triển hạ tầng viễn thông được coi là một trong những điều kiện cần thiết để triển khai Chính phủ điện tử tại tất cả các nước, không riêng Việt Nam.
Theo các chuyên gia tại hội thảo ''Hướng tới Chính phủ điện tử'' vừa tổ chức sáng nay (15/10), để có thể triển khai Chính phủ điện tử, một trong những yếu tố quan trọng là phải chuẩn bị một hạ tầng viễn thông tốt. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu liên kết giữa những mạng máy tính, kết nối những cơ sở dữ liệu của các tổ chức Đảng, cơ quan Chính phủ, các tổ chức kinh tế xã hội với nhau cũng như việc truy cập của người dân với Chính phủ điện tử.
Muốn thúc đẩy các chương trình ứng dụng Chính phủ điện tử, cần phải có một hạ tầng mạng, bao gồm cả phần mạng tổng thể và những cổng truy nhập. Một hạ tầng viễn thông tốt sẽ đảm bảo thực hiện được việc truyền đưa số liệu, trao đổi và cung cấp các dữ liệu thông tin giữa các mạng với nhau và đến người sử dụng. Người sử dụng phải truy nhập vào mạng mới lấy được những thông tin mà Chính phủ công bố và có thể thực hiện giao tiếp trực tuyến với bộ máy chính quyền các cấp.
VNPT đã chuẩn bị gì?
Là nhà cung cấp dịch vụ trong đó cung cấp hạ tầng viễn thông, hiện nay, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang chuyển đổi từ mạng công nghệ số sang mạng thế hệ sau NGN, tích hợp các dịch vụ trên mạng băng rộng và cung cấp theo nhu cầu của khách hàng.
Để phục vụ cho chương trình Chính phủ điện tử, ngoài mạng NGN, VNPT còn chuẩn bị kết nối vô tuyến (wireless). Hiện VNPT đã triển khai hệ thống truy cập Internet không dây WiFi và cũng đang nghiên cứu triển khai Wi-Max với vùng phủ sóng và khả năng truy nhập xa hơn. Bên cạnh đó, còn có những dịch vụ băng rộng khác như: Internet tốc độ cao ADSL (MegaVNN) và sắp tới là Mega-WAN.
Thiếu nội dung cung cấp trên mạng
Ông Lê Tiến Tý, trưởng Ban Viễn thông của VNPT: "Càng nhiều website trong nước được xây dựng thì việc sử dụng băng thông quốc tế lại càng được tiết kiệm". |
Các chuyên gia cho rằng: Khi đã có một hạ tầng mạng viễn thông đủ mạnh, người sử dụng đã hài lòng với chất lượng đường truyền của dịch vụ thì cần đi kèm theo đó là một nội dung tốt. Sẽ không hiệu quả khi truy nhập vào một website với mục đích tìm kiếm thông tin mà lại không được gì. Vấn đề này hiện đang là một trong những hạn chế của Việt Nam.
Một thực tế cho thấy: Thông tin trên mạng rất nhiều nhưng chủ yếu là bằng tiếng Anh, trong khi mặt bằng trình độ tiếng Anh của người sử dụng Việt Nam không đồng đều. Để có nhiều thông tin cập nhật, phong phú, người dùng phải tải về từ các website nước ngoài. Từ những nội dung về kinh tế, khoa học kỹ thuật, xã hội... cho đến các chương trình giải trí, vui chơi trên mạng đều lấy từ các kênh nước ngoài vì nội dung của Việt Nam về những lĩnh vực này còn đang rất thiếu và yếu.
Vấn đề đặt ra là phải đẩy mạnh những kênh thông tin trên các website trong nước thì mới hấp dẫn người truy nhập. Trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, Việt Nam sẽ xây dựng khoảng một triệu website trong nước để phục vụ thông tin cho cộng đồng. Đây hoàn toàn không phải là một con số lớn, vì như vậy mới có thể đáp ứng được nhu cầu và sự lựa chọn của người dùng trong nước. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các nhà cung cấp sẽ có lượng khách hàng ngày càng lớn hơn.
Theo ông Lê Tiến Tý - trưởng Ban Viễn thông của VNPT, càng nhiều website trong nước được xây dựng thì việc sử dụng băng thông quốc tế lại càng được tiết kiệm, giảm tải từ nước ngoài về. Khi đó, chỉ cần sử dụng các kênh trong nước, rẻ hơn nhiều so với việc phải đi mua kênh quốc tế.
Vũ Lê-Thuỷ Nguyên