(VietNamNet) - Đến nay, vẫn còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện nhiệm vụ soạn thảo và xây dựng Nghị định về chữ ký số và dịch vụ chứng thực điện tử.
Vừa qua, phiên họp lần II của Ban soạn thảo Nghị định về chữ ký số và dịch vụ chứng thực điện tử đã diễn ra tại Hà Nội. Phiên họp đã thông qua nội dung công việc được Ban soạn thảo lần I thực hiện trong thời gian qua như tìm, nghiên cứu tài liệu, xây dựng dự thảo...
Với việc xây dựng trên cơ sở những vấn đề mới, nội dung chủ yếu tham khảo luật các nước và khuyến nghị quốc tế cùng các văn bản trong nước mới ban hành, Dự thảo lần I đã hoàn thành xây dựng một số khái niệm cơ bản, khả năng kỹ thuật và quy định của pháp luật; phạm vi của Nghị định, phân biệt với Nghị định về mật mã. Một số khái niệm cơ bản như mật mã, bảo mật thông tin, khoá; cơ sở hạ tầng khoá công khai (PKI); bảo mật thông tin sử dụng PKI; chữ ký số; chứng chỉ số; dịch vụ chứng thực điện tử và tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử (CA).
Một số nội dung được thống nhất sau phiên họp lần II là dự kiến xây dựng phần cấu trúc của Nghị định gồm bảy chương và 65 điều. Trong thời gian tới, Ban soạn thảo sẽ lấy thêm các ý kiến trong giới công nghệ thông tin, dự kiến sẽ báo cáo tại Tuần lễ Tin học Việt Nam lần thứ 13 và các đơn vị có liên quan như Công an, Quốc phòng, Ban chỉ đạo 112, Ngân hàng, các doanh nghiệp, UBND các tỉnh, thành như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng...
Cuối tháng 10 này, Ban soạn thảo sẽ họp lần III và tiếp tục xin ý kiến các Bộ, ngành có lên quan. Những vấn đề cần xin ý kiến là giá trị chữ ký số và bản tin ký số; phân loại chữ ký điện tử và quản lý, tạo cặp khoá cho thuê bao; cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và các hoạt động tiếp theo. Nếu không có gì thay đổi, sau phiên họp lần IV (dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 12), việc xây dựng Nghị định sẽ được hoàn tất để trình Chính phủ vào tháng 12/2004 và triển khai áp dụng trong năm 2005.
Thuỷ Nguyên
Tin, bài liên quan: