(VietNamNet) - Khoảng 100 tỷ đồng đầu tư cho bảo mật thông tin trong toàn ngành tài chính đến năm 2010. Thế nhưng chọn công nghệ và giải pháp nào cho phù hợp với nhu cầu về lưu trữ, an ninh bảo mật và hệ thống mạng trong số hàng chục giải pháp vừa được giới thiệu tại Hội thảo và Triển lãm Công nghệ thông tin-Truyền thông (ICT) 2004 trong ngành tài chính?
Đây thực sự là vấn đề quan tâm của rất nhiều đại biểu tham dự hội thảo và triển lãm (Vietnam ICT in Finance 2004) này, diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 28 và 29/9.
Giải pháp nào cũng là tổng thể!
Ngay sau lễ khai mạc, các công ty hàng đầu thế giới và công ty tích hợp trong nước lần lượt có bài thuyết trình xoay quanh các vấn đề, giải pháp về lưu trữ, an ninh bảo mật và hệ thống mạng đang được quan tâm: làm thế nào để tăng cường an toàn thông tin, bảo vệ và phục hồi nhanh chóng cho hệ thống dữ liệu, tự phòng vệ, hạ tầng lưu trữ, quản lý và phát triển dữ liệu,...
Mỗi nhà cung cấp công nghệ đều đưa ra các giải pháp với những đặc thù riêng. Nếu như Cisco Systems chuyên về hệ thống mạng và bảo mật trên hệ thống, thì EMC lại có ưu điểm về lưu trữ dữ liệu, tập đoàn Oracle mạnh về cấu trúc thông tin dữ liệu doanh nghiệp, còn IBM lại tập trung vào tối ưu hoá hạ tầng lưu trữ theo yêu cầu... và tất cả đều nhằm một mục đích cung cấp một giải pháp tổng thể cho khách hàng của mình.
Ông Raymond Chu, giám đốc tiếp thị sản phẩm Nhóm công nghệ tiên tiến của Cisco Systems cho biết: ''Ngay từ đầu khi vào Việt Nam, chúng tôi đã mang đến một giải pháp tổng thể, được tích hợp các giải pháp riêng lẻ để bảo vệ toàn bộ mạng. Tại hội thảo này, Cisco giới thiệu giải pháp Hệ thống tự phòng vệ giúp nâng cao khả năng nhận dạng, ngăn chặn và thích ứng với những mối đe doạ cho hệ thống mạng''.
Ông lan Loh, Giám đốc Dịch vụ Tài chính Công nghiệp EMC tại Nam Á. |
Giám đốc Dịch vụ Tài chính Công nghiệp EMC tại Nam Á - ông lan Loh khẳng định: ''EMC có thể cung cấp một dải rộng các giải pháp từ sao lưu ra đĩa đơn giản, chi phí thấp cho tới nhân bản dữ liệu tại chỗ và ở xa tiên tiến nhất. Đối với các tổ chức tài chính, giải pháp hạ tầng thông tin của EMC bao gồm các lưu trữ phân tầng, phần mềm tiên tiến và dịch vụ tổng thể. Giải pháp của EMC cũng bao gồm các phần mềm chức năng và quản lý lưu trữ".
Bên cạnh đó, Công ty Fujitsu đã giới thiệu các giải pháp lưu trữ Cluster và SAN, Tập đoàn HP Đông Nam Á cũng đưa ra giải pháp tổng thể về công nghệ bảo vệ liên tục và phục hồi nhanh chóng trong hệ thống dữ liệu, NetApp với hệ thống lưu trữ dữ liệu trong doanh nghiệp, FIS trình diễn giải pháp bảo mật trình diễn trong hệ thống thương mại điện tử, Check Point và giải pháp tường lửa bảo mật thông minh...
An toàn thông tin: Chưa đủ tiền đầu tư?
Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Nguyên Vũ - phó cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính cho biết: "Ngay từ khi triển khai Luật Ngân sách mới và dự án hiện đại hoá của các hệ thống nghiệp vụ của ngành, chúng tôi đã dự đoán công tác lưu trữ trong tương lai gần là rất cao. Vì hầu hết các bài toán nghiệp vụ của ngành được chuyển từ mô hình phân tán sang tập trung, đòi hỏi dữ liệu đầu vào phải rất chi tiết, cơ sở dữ liệu ngày càng nhiều dẫn đến nhu cầu lưu trữ cũng tăng cao".
Ông Trần Nguyên Vũ: Lưu trữ và bảo mật của ngành tài chính chỉ mới ở giai đoạn đầu. Lưu trữ dựa trên các công nghệ cũ như băng từ, ổ RAID, ổ cứng máy chủ Hot-Swap, CD-ROM, quang từ. |
Về góc độ bảo mật, ông Vũ khẳng định an toàn bảo mật hệ thống cũng là một yêu cầu tối cần thiết hiện nay. Hệ thống ICT của ngành tài chính rất lớn, và cũng giống như một toà nhà lớn có nhiều cửa sổ, nhiều cửa ra vào thì khả năng rủi ro do sự thiếu an toàn ngày càng cao.
Đồng quan điểm với ông Vũ, ông Đỗ Cao Bảo - tổng giám đốc FIS, một đơn vị chuyên tích hợp hệ thống trong nước, cho hay: Trong ba năm gần đây, có rất nhiều hệ thống thông tin lớn được ứng dụng trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, hải quan, viễn thông, điện lực, hàng không, an ninh quốc phòng... Cùng với dòng thời gian, dữ liệu do các hệ thống sinh ra tăng đột biến và việc lưu trữ càng ngày trở nên cần thiết.
Ông Bảo cho rằng hầu hết các hệ thống thông tin hiện nay đang bị đe doạ nghiêm trọng về mất an ninh thông tin. Mức độ bảo mật của các ngành hiện nay vẫn còn đơn giản. Nhiều đơn vị thực ra chưa nghĩ đến bảo vệ thông tin nên rất dễ bị tấn công. Mà nguyên nhân của tình trạng này là do các ngành chỉ mới xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý và chưa đủ tiền đầu tư cho an toàn thông tin.
Bảo mật và lưu trữ thông tin đã và đang là chủ đề mang tính thời sự và ngày càng quan trọng trong các tổ chức, đặc biệt là ngành tài chính. Được biết, mới đây Bộ Tài chính đã phê duyệt đề án Bảo mật thông tin cho toàn ngành đến năm 2010 với tổng giá trị khoảng 100 tỷ đồng. Thông tin này thực sự có ý nghĩa đối với giới CNTT và điều này cũng có thể lý giải phần nào sự tham gia đông đảo của các công ty cung cấp giải pháp lưu trữ và bảo mật trong hội thảo "Lưu trữ, An ninh bảo mật và Hệ thống mạng của ngành tài chính".
Vấn đề là chọn giải pháp và công nghệ nào vẫn đang được cân nhắc không chỉ trong hai ngày 28 và 29/9 này!
Vũ Lê - Thuỷ Nguyên
Tin, bài liên quan: