221
2082
Xa lộ thông tin
xalo
/cntt/xalo/
518024
Chảo lậu được ''cấp phép'' tại vùng lõm
1
Article
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
Chảo lậu được ''cấp phép'' tại vùng lõm
,

(VietNamNet) - Thanh tra Bộ Văn hóa Thông tin (VHTT) đã tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh, lắp đặt TVRO - thiết bị thu tín hiệu truyền hình nước ngoài từ vệ tinh (gọi nôm na là chảo lậu); đồng thời cho phép các ''vùng lõm'' được sử dụng loại chảo này.

Soạn: AM 152126 gửi đến 996 để nhận ảnh này qua MMS
Tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, chảo lậu sẽ là thiết bị bắt sóng các chương trình truyền hình Việt Nam.

Tại các địa bàn trọng điểm Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ,... đoàn thanh tra đã làm việc với đại diện Sở VHTT, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng và Đài Truyền hình. Từ năm 2003, trên thị trường Việt Nam xuất hiện loại thiết bị thu tín hiệu truyền hình từ vệ tinh (chảo lậu) có nguồn từ Trung Quốc. Thiết bị này chủ yếu được nhập lậu từ các cửa khẩu biên giới phía Bắc như: Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh...

Chảo lậu có nhiều loại, phổ biến là loại đầu thu không dùng thẻ giải mã và loại dùng thẻ giải mã. Loại không dùng thẻ chỉ thu được các kênh VTV1, VTV2, VTV3 và VTV5 của Việt Nam phát trên vệ tinh Measat 2. Loại dùng thẻ có thể thu được khoảng 60 kênh chương trình thuộc gói kênh Satellite TV phát trên vệ tinh Agila 2, trong đó có ba kênh có nội dung không lành mạnh. Giá các loại thiết bị này khoảng 500.000-2.200.000 đồng.

35.000 chảo lậu trôi nổi

Theo thống kê của Đoàn thanh tra Bộ VHTT, từ đầu năm 2004, chảo lậu từ Trung Quốc đã ồ ạt tràn vào Việt Nam. Người dân đã tự lắp đặt, sử dụng rộng rãi ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Trên địa bàn các tỉnh phía Bắc, số chảo lậu đã lắp vào khoảng 35.000 chiếc, trong đó một số tỉnh có số lượng lớn như Yên Bái: 5.288 chiếc. Tiếp đó là Lạng Sơn: 4.249; Lào Cai: 4.440; Nghệ An: 3.019; Bắc Giang: 1.145; Hà Tĩnh: 1.536; Thái Nguyên: 1.611; Thanh Hóa: 1.108; Quảng Bình: 209 và Nam Định là 151 chiếc...

Vấn đề nổi cộm là hầu hết các địa phương hiện không kiểm soát được hoạt động kinh doanh, lắp đặt, sử dụng thiết bị thu tín hiệu truyền hình nước ngoài từ vệ tinh này. Việc sử dụng chảo lậu, tác động xấu đến thuần phong mỹ tục Việt Nam và có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, từ khi có loại thiết bị này, việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của địa phương qua phát thanh truyền hình địa phương gặp khó khăn hơn rất nhiều, vì người dân không theo dõi.

Tuy vậy, kết quả thanh tra của Bộ VHTT cũng cho thấy: Trên thực tế, đối tượng lắp đặt, sử dụng chảo lậu loại dùng thẻ để thu 60 kênh lại tập trung chủ yếu ở vùng đô thị, thị trấn, thị tứ. Đồng bào ở vùng sâu, vùng xa chủ yếu chỉ lắp đặt và sử dụng loại không dùng thẻ, để thu các chương trình truyền hình Việt Nam. Điều này đồng nghĩa rằng chảo lậu cũng có mặt tích cực nhất định vì đã đáp ứng được nhu cầu thông tin của nhân dân ở các ''vùng lõm'' trong khi chúng ta chưa có điều kiện thực hiện được. Giá cả của chảo lậu lại hợp lý, dễ sử dụng, lắp đặt.

Trước tình đó, khi triển khai Quyết định 2118 (ban hành ngày 15/7) của Bộ VHTT về việc tổ chức kiểm tra, thanh tra các hoạt động này, không ít tỉnh miền núi phía Bắc đã tỏ ra lúng túng về công tác quản lý, thậm chí đã có địa phương cho đây là ''giải pháp để xóa đói thông tin cho đồng bào ở miền núi''. Hiện nay, khi đời sống kinh tế của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa đã được nâng lên thì nhu cầu của người dân đối với việc tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất. Do đó, chảo lậu đã đáp ứng được nhu cầu này một các dễ dàng và hiệu quả nhất.

Thông tin cho ''vùng lõm''

Ngay từ năm 2002, trước thời điểm xuất hiện chảo lậu, Bộ VHTT đã ban hành hướng dẫn việc sử dụng thiết bị TVRO để thu các chương trình truyền hình trong nước. Theo đó, Bộ quy định rõ: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan như Sở VHTT, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, UBND các huyện, thị xã xác định phạm vi các vùng không thu được tín hiệu truyền hình (hay còn gọi là vùng lõm) để xem các chương trình trong nước bằng thiết bị thu tín hiệu truyền hình thông dụng thuộc địa  phương mình và báo cáo về Bộ VHTT.

Thực tế cho thấy: Các tỉnh miền núi phía Bắc hiện đang còn nhiều vùng lõm, không có sóng truyền hình và chất lượng truyền hình không đảm bảo, hiệu quả chương trình mục tiêu xóa điểm trắng của truyền hình chưa cao. Vì vậy, người dân đã lắp đặt, sử dụng loại thiết bị này để xem các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam.

Việc xác định ''vùng lõm'' được giao cho Sở VHTT tỉnh, thành phố gửi danh sách về Bộ VHTT. Và các cơ quan, tổ chức, cá nhân cư trú tại các vùng đã được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định thuộc vùng không thu tín hiệu truyền hình để xem các chương trình truyền hình trong nước bằng thiết bị thu tín hiệu truyền hình thông dụng được phép đăng ký sử dụng thiết bị TVRO để thu.

Tương lai của chảo lậu

Sắp tới, Bộ VHTT sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ, xin ý kiến chỉ đạo về công tác hoạt động kinh doanh, lắp đặt, sử dụng thiết bị TVRO. Điều 1, Quyết định 79/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định: đối tượng được phép lắp đặt TVRO chỉ gồm có bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, phó bí thư Tỉnh uỷ, phó chủ tịch UBND, HĐND tỉnh và cơ quan chuyên môn của Tỉnh Uỷ, HĐND, UBND.

Vì vậy, Bộ VHTT cũng đề nghị với Chính phủ xem xét, sửa đổi bổ xung Quyết định 79 về đối tượng được cấp phép lắp đặt TVRO tại vùng lõm. Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo địa phương tăng cường công tác khảo sát, xác định phạm vi các vùng lõm, vùng chưa được phủ sóng truyền hình. Các đối tượng nằm trong vùng lõm có nhu cầu sử dụng sẽ phải đăng ký với Sở VHTT, và làm thủ tục khóa mã. Việc khóa mã sẽ do Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương thực hiện.

Bên cạnh đó, đối với các vùng đô thị, các vùng đã có sóng truyền hình, Bộ cũng đề nghị các lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm, tiến hành tháo dỡ, tịch thu và tiêu hủy tang vật. Về lâu dài, đề nghị Chính phủ đầu tư mua vệ tinh riêng của Việt Nam và chỉ đạo các ngành hữu quan nghiên cứu, sản xuất thiết bị thu tín hiệu vệ tinh của Việt Nam để phục vụ nhân dân.

Bài, ảnh: Đinh Hằng

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,