(VietNamNet) - Nhìn qua kết quả thống kê về giá truy cập cà phê Internet vừa được Liên Hợp Quốc (LHQ)thu thập từ 7/4 đến 12/5/2004, hẳn bạn sẽ giật mình thốt lên "Vô lý!" khi nhìn thấy mức giá cà phê Internet ở Việt Nam được nêu với mức 3 USD/giờ.
"Dân ta" đã khá quen thuộc với các cửa hàng Internet có mức giá 0,2 USD/giờ, nhưng "dân Tây" thì chưa! |
Theo một bài viết về bình quân mức cước truy cập cà phê Internet của các nước trên thế giới tại foreignpolicy, mặc dù truy cập Internet đã dần trở thành một nhu cầu phổ biến và đơn giản nhưng ở nhiều quốc gia, kể cả các nước phát triển, giá tiền một giờ ngồi truy cập cà phê Internet cũng có thể "đốt sạch" thu nhập một ngày lao động của người dân, tính theo mức bình quân đầu người.
Bản đồ phân bố mức giá cà phê Internet và tỷ lệ người dân có thu nhập ở mức 1 USD. Nguồn: LHQ. (Kích chuột trái để phóng to) |
Theo bản đồ bên, màu sắc của các quốc gia sẽ phản ánh tỷ lệ số dân có thu nhập ở mức 1 USD/ngày hoặc thấp hơn của quốc gia đó, từ màu xanh thẫm biểu thị tỷ lệ thấp (0-5%), chuyển sang màu hồng (16-20%) và tới mức đỏ cao nhất (trên 26%) theo như chú thích.
Nhìn vào bản đồ bên và bảng thống kê mức giá cà phê Internet bên dưới, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên và cho rằng số liệu về giá cà phê Internet tại Việt Nam là sai. Kể cả nếu bạn là người dùng Internet từ thời kỳ đầu tại Việt Nam (năm 1997), chắc cũng chưa bao giờ bạn phải trả tới 1 USD/giờ ở bất cứ thời điểm nào, với bất kỳ mức tỷ giá nào của đồng VND so với đồng USD. Chúng tôi cũng đồng tình với bạn về điểm này.
Hiện tại, mức giá bình quân của dịch vụ cà phê Internet với đường truyền ADSL tại Hà Nội là 3000-4000đ/giờ (0,2-0,25 USD), chỉ tương đương với 1/12 mức cước 3 USD mà LHQ đưa ra trong thống kê về giá cà phê Internet Cafe ở Việt Nam. Vậy tại sao lại có sự chênh lệch quá lớn tới mức hầu như có thể khẳng định là sai này?
Dưới đây là biểu đồ và bảng thống kê mức cước phí tại 26 quốc gia, tính theo USD/giờ, cùng với tỷ lệ người dân có mức thu nhập dưới 1 USD/ngày tại mỗi quốc gia.
Nguyên nhân từ đâu?
Bảng thống kê mức cước Internet Cafe | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
|
Lần tìm theo Google với từ khoá "Internet cafe price Vietnam", chúng tôi tìm thấy một số website giới thiệu các trung tâm tour du lịch tại Việt Nam, nhất là tại Hà Nội, chẳng hạn như world66 với mức giá đủ loại từ 0,2 USD (Threeland cafe 22 Hàng Bạc), gần 1 USD (Classyzone Cafe 137 Hàng Bạc), cho tới mức 1,5 USD (Sinh Cafe 556 Hàng Bè), 2 USD (HQ _Hiquality, số 1 Bà Triệu), và có cả tới mức 3,5 USD (Queen cafe travel-internet 65 Hàng Bạc). Đặc biệt, tại travel-island, không ít địa chỉ cà phê Internet của Việt Nam có mức giá trên 3 USD được liệt kê, chẳng hạn như Handspan Travel, 116 Hàng Bạc, Queen Cafe Travel 65 Hàng Bạc, hay Ngọc Huệ Internet Cafe, 171/22 phố "Co Bac street, Dist 1, Ho Chi Minh city, Vietnam"...
Các mức giá này chắc cũng được cập nhật lên theo từng thời điểm khá xa nhau, vì có cả tỷ giá từ thời 1 USD =13.500 VND cho tới lúc 1 USD = 15.000 VND. Tuy nhiên, dù ở thời điểm nào thì việc tính mức giá 3 USD/giờ cà phê Internet (xấp xỉ 50.000 VND) cũng là quá đắt, dù là dịch vụ đó chỉ dành riêng cho khách du lịch nước ngoài.
Thoạt nhìn, việc tính giá cà phê Internet đắt đối với khách du lịch nước ngoài có thể được biện hộ bằng những lý do như đầu tư nhiều về cơ sở thiết bị, chất lượng dịch vụ, tốc độ đường truyền... Nhưng nếu bạn đã từng tới phố Hàng Bạc, nhìn hai dãy "khách Tây" ngồi "cọ lưng" nhau chen chúc dọc một cửa hàng Internet hình ống chỉ rộng chưa đầy 2m, mọi hình ảnh về chất lượng, dịch vụ, tốc độ đều sẽ tan biến.
Cũng có những dịch vụ thực sự đầu tư nhiều về cửa hàng, như HQ-Quality số 1 Bà Triệu, Hà Nội, với địa thế đẹp, rộng rãi, sang trọng, nhưng chắc chắn không thiếu những hàng Internet Cafe lụp xụp, vẫn tính 5.000 đồng cho một chiếc ảnh scan để gửi qua email.
Tôi từng có một người bạn trông cửa hàng Internet tại khu phố cổ Hà Nội nên khá rành các chiêu "quay tiền" khách du lịch bằng dịch vụ Internet. Đặc biệt, nhiều cửa hàng vẫn còn dùng đường truyền dial-up để share connection cho khoảng trên một chục chiếc máy tính, đồng thời đặt chế độ "auto disconnect" nếu đường truyền ngừng kết nối sau... 1 phút. Chiêu này đặc biệt hiệu quả khi khách du lịch mải ngồi gõ những email dài lê thê. Khi khách truy cập trở lại, modem sẽ tự động quay số (tất nhiên là voice của modem được đặt ở mức thấp nhất) một cách âm thầm, có lâu thì cũng phải cố chờ vì đã gõ bao nhiều vào mail rồi. Lúc trả tiền thì cứ tính theo giờ ngồi xuống (do một chương trình Visual Basic đơn giản có chức năng đếm giờ đặt ngay trên desktop), nhân với mức giá "giời ơi" theo USD, và khách cứ thế phải móc tiền ra trả.
Ảnh hưởng khôn lường
Phải chăng từ những mức giá cước niêm yết trên web này, hay từ những khách du lịch tại Việt Nam cung cấp, LHQ đã đưa ra được mức giá truy cập Internet Cafe trung bình của Việt Nam là 3 USD/giờ?
So với mặt bằng dịch vụ chung mà người Việt Nam sử dụng, mức giá này cao gấp 12-15 lần, nhưng so với khách quốc tế, mức giá này có vẻ không cao hơn là mấy. Rõ ràng đã có sự chênh lệch rất nhiều về giá dịch vụ cho người nước ngoài so với người Việt, nhưng chất lượng dịch vụ và cơ sở thiết bị, đường truyền thì chưa có nhiều khác biệt nổi bật, nếu không muốn nói là chẳng khác gì nhau.
Ảnh hưởng của tình trạng này, trước tiên, sẽ là hình ảnh không tốt về một nền tảng dịch vụ Internet của Việt Nam trong con mắt khách du lịch quốc tế nói riêng, và cộng đồng thế giới nói chung. Chỉ vì một số cá nhân nhỏ tư lợi, nhiều nỗ lực phát triển nền tảng công nghệ thông tin và mạng Internet của nhiều Bộ ngành, cơ quan Chính phủ, không được thế giới ghi nhận một cách chính xác. Đó là chưa kể tới ấn tượng xấu về dịch vụ, cơ sở hạ tầng, và cước phí đắt, còn có thể ảnh hưởng tới khả năng thu hút khách du lịch của Việt Nam. Chắc hẳn, một hình ảnh Việt Nam với rất nhiều dịch vụ cà phê Internet chất lượng tốt, giá cả rẻ bất ngờ (chẳng hạn chỉ 0,5 USD/giờ) cũng sẽ góp phần khiến nhiều khách du lịch quốc tế quyết định lựa chọn làm điểm đến cho kỳ nghỉ hơn. Đó là vì với các du khách nước ngoài, cuộc sống của họ luôn gắn liền với thông tin, liên lạc từ Internet.
Nên chăng các nhà quản lý cần chú ý tới việc quản lý mức cước dịch vụ Internet Cafe, để sau mỗi chuyến du lịch tới Việt Nam, khách du lịch không phải ra về với một ấn tượng rất xấu khi sử dụng dịch vụ Internet, cảm thấy như bị lừa mất tiền.
Bình Minh