(VietNamNet) - Dự kiến đến cuối năm 2005, dự thảo Luật Giao dịch điện tử sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua để công bố luật này vào năm 2006.
Đó là nhận định vừa được đưa ra tại phiên họp lần hai của Ban soạn thảo Dự án Luật Giao dịch điện tử Việt Nam.
Ông Vũ Minh Mão, phó chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT, phó trưởng ban thường trực Ban soạn thảo Dự án Luật Giao dịch điện tử cho biết: Luật này không xây dựng các hành vi, vì việc này đã có Luật Dân sự, Luật Ngân hàng nhà nước, Luật Kế toán... đề cập. Hiện tại, Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa quan trọng không chỉ với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh tế mà còn với các cơ quan nhà nước. Đặc biệt, trong thời gian từ nay đến năm 2010, theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ với các nước ASEAN, khi Việt Nam triển khai Chính phủ điện tử, Luật Giao dịch điện tử sẽ giúp ích, trở thành công cụ hữu hiệu cho các cơ quan nhà nước. |
Được đánh giá là bộ luật quan trọng, cần thiết đối với nền kinh tế, Luật Giao dịch điện tử do Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (thuộc Quốc hội), chủ trì, soạn thảo và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật.
Phiên họp thứ nhất của Ban soạn thảo đã diễn ra từ ngày 27/3/2004. Ngày 11/5/2004, tổ biên tập Dự án Luật Giao dịch điện tử đã được thành lập. Dự kiến, đến cuối năm nay, sẽ hoàn thành bản dự thảo lần II và các nghị định kèm theo dự thảo luật này để trình Ban soạn thảo cho ý kiến chỉ đạo tại phiên họp diễn ra cùng thời gian.
Phiên họp lần hai Ban soạn thảo Luật Giao dịch điện tử. (Ảnh: Đ.H) |
Đây là dự thảo lần gồm 14 chương, 72 điều. Cụ thể, phiên họp này sẽ quyết định các vấn đề về cơ quan xác thực điện tử, việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao dịch điện tử, việc đảm bảo an toàn... Hiện, vấn đề đang được tranh cãi là có nên đưa công nghệ vào trong luật này? Nếu xây dựng luật độc lập với công nghệ, sẽ có ưu điểm là công nghệ thường xuyên thay đổi, khi thay đổi sẽ không phải sửa đổi luật.
Theo kinh nghiệm của Singapore, thông thường, luật phải độc lập với công nghệ nhưng trong Luật Giao dịch điện tử của Singapore lại quy định rất kỹ về một công nghệ cụ thể. Theo các chuyên gia pháp luật của Singapore, cách làm này là do sự khác nhau về kỹ thuật làm luật giữa Việt Nam với Singapore, vì hệ thống luật của Singapore đầy đủ, cụ thể và tương đối chi tiết nên khi cần điều chỉnh, sửa đổi thì nhanh hơn.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ cho Luật Giao dịch điện tử, các văn bản pháp lý khác cũng đang được soạn thảo: Pháp lệnh Thương mại điện tử (do Bộ Thương mại chủ trì), Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ chứng thực điện tử (Bộ Bưu chính-Viễn thông chủ trì), Nghị định của Chính phủ quy định việc nghiên cứu, sản xuất và sử dụng mật mã không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước (Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì). Việc soạn thảo này cũng đang được Bộ Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, một số địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, TP HCM... cộng tác.
Hoàng Hùng