(VietNamNet) - Đưa Internet về nông thôn, công nghệ thông tin về với nông dân, với các dự định, khó khăn... Trao đổi với ông Nguyễn Mậu Lân, trưởng Ban Phát triển Bưu chính-Viễn thông (BCVT) nông thôn, thuộc Tổng công ty BCVT Việt Nam (VNPT).
Ông Nguyễn Mậu Lân: Muốn đưa Internet về nông thôn, phải có sự hỗ trợ của nhiều ngành, nhiều cấp. (Ảnh: Mạnh Vỹ) |
- Mục đích chương trình đưa Internet về nông thôn, thưa ông?
- Ông Nguyễn Mậu Lân: Hiện tại, đã có hơn 300 điểm trên tổng số 6.776 điểm Bưu điện Văn hóa xã (BĐVHX) có truy cập Internet. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi: Nhìn chung, nông thôn nước ta còn nghèo, đời sống còn tự cung tự cấp, nông dân làm ăn nhỏ lẻ thì nối mạng Internet làm gì?
Ở đây, mục đích của chúng tôi là hướng tới những đối tượng học sinh, thanh niên nông thôn, những người ham muốn khám phá những cái mới để chỉ sau một thời gian, sẽ có một thế hệ ''nông dân điện tử'' (e-Farmer) ra đời. Họ sẽ biết khai thác những thế mạnh của Internet để áp dụng vào sản xuất và cuộc sống.
Đây cũng là sự phát triển tất yếu, bởi nông nghiệp nước ta đang tiến tới sản xuất hàng hóa, nghĩa là để bán, mà yếu tố quyết định thành bại, thắng thua trong kinh doanh là thông tin. Internet giải quyết được vấn đề này. Trên thực tế, cũng đã có nhiều loại nông sản nhờ được quảng bá trên Internet mà bán được nhiều hơn, như bưởi Năm Roi, thanh long Bình Thuận,...
Tại hội nghị thượng đỉnh về công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông châu Á - châu Đại dương 2003, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cũng đã nhấn mạnh mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2005, sẽ có hơn 20 triệu thanh niên nông thôn được tiếp cận với Internet.
- VNPT đã có hỗ trợ gì trong việc đưa Internet về nông thôn?
- Từ năm 2003, cước truy cập Internet tại các điểm BĐVHX giảm xuống với giá ưu đãi: 3.000đ/giờ (trước đây là 12.000đ/giờ). Trong số 7.000 điểm BĐVHX, VNPT có chủ trương trang bị máy tính tới 2.000 điểm trên phạm vi cả nước. Đến hết năm nay, VNPT sẽ đưa Internet xuống không chỉ các bưu cục cấp I, mà cả các bưu cục cấp II, cấp III trên cả nước.
Dự kiến, đến năm 2005, sẽ hỗ trợ thêm 2.000 điểm, nâng tổng số lên 4.000 điểm được trang bị máy tính. Việc lựa chọn các điểm BĐVHX này do Bưu điện tỉnh, thành phố quy định.
- Hiện tại, việc đưa Internet về nông thôn đang gặp khó khăn gì?
- Người nông dân Việt Nam vốn chỉ quen với cái cày, cái cuốc, ruộng lúa, nương khoai, lần đầu tiên tiếp xúc với máy tính chắc chắn sẽ có nhiều bỡ ngỡ, lạ lẫm. Họ lại không biết tiếng Anh nên việc khai thác thông tin sẽ rất khó khăn, trong khi các website Việt Nam còn nghèo nàn, thông tin người Việt Nam cần chưa có, thông tin trên Internet họ lại không cần.
Tôi cho rằng người dân còn thờ ơ, xa lạ với Internet không phải vì họ không biết sử dụng mà vì họ chưa thấy cái họ cần ở trên Internet. Tôi đã thấy ở nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa bà con có thể hoãn mua một con bò để sắm cái tivi màu để xem bởi đó là nhu cầu giải trí thiết yếu. Với Internet cũng vậy, nếu cảm thấy cần thiết, người dân sẵn sàng sử dụng.
Một kinh nghiệm ở Ấn Độ cũng khẳng định: Thông tin cho nông dân là hàng đầu, máy tính nối mạng chỉ là phương tiện. Ảnh chụp một điểm xoá mù tin học ở vùng nông thôn Bangalore. |
Như vậy, muốn có nhiều người dân mua máy tính, nhiều người truy cập Internet thì phụ thuộc nhiều vào nội dung thông tin của Internet chứ không phải là trình độ và khả năng tài chính của người nông dân.
Nếu phát triển CNTT ở nông thôn mà chỉ đơn giản là mua mấy cái máy tính về nối mạng thì đó không phải là con đường phát triển Internet ở nước ta và lúc đó, dẫu có hàng nghìn điểm truy cập Internet công cộng cũng chẳng mang lại lợi ích gì cho người dân!
- Như vậy, trọng tâm sẽ là tập trung cho công nghệ nội dung, với những kho thông tin tiếng Việt thích hợp cho chuyện sản xuất, kinh doanh và đời sống nông dân...?
- Vừa qua, VNPT đã ký quyết định giao cho Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC (trực tiếp do VietNamNet) cung cấp thông tin trên các trang web phục vụ nông thôn và nông dân Việt Nam. Hiện tại, VASC cũng đang lập dự án xây dựng trang thông tin. Bên cạnh đó, Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC sẽ có nhiệm vụ đấu nối mạng này.
Năm 2004, VNPT cũng đã trình dự án đưa Internet về 2.000 điểm BĐVHX. Dự kiến, trong quý IV năm nay, Chính phủ sẽ phê duyệt. Đồng thời, khi mạng thông tin phục vụ riêng cho nhà nông được hình thành (dự định cũng trong năm 2004), sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách cụ thể để đẩy mạnh việc đưa Internet về với nông thôn.
- Đề xuất của ông về chính sách cụ thể là gì?
- Thứ nhất, phải tạo hành lang pháp lý để thương mại điện tử ra đời. Thương mại điện tử sẽ là cú huých mạnh cho việc phát triển Internet. Thương mại điện tử giúp mọi người mua bán, trao đổi sản phẩm mà không cần trực tiếp gặp nhau, nhưng nếu không có luật, nông dân không tin tưởng thì không phát triển được Internet.
Thứ hai, phải xây dựng thành chương trình Chính phủ điện tử (e-Government) để cung cấp những thông tin và dịch vụ công qua Internet và các phương tiện điện tử, như thông tin về pháp luật, công chứng, đăng ký kinh doanh,... giúp người dân không phải đi gõ cửa nhiều cơ quan như trước.
Đặc biệt là những vấn đề ''nhạy cảm'' như đất đai với rất nhiều vụ kiện tụng tranh chấp xảy ra hàng ngày ở nhiều vùng nông thôn, nếu người dân tìm thấy những thông tin cần thiết qua mạng Internet thì họ sẵn sàng truy cập và sử dụng. Nhưng cũng như thương mại điện tử, Chính phủ điện tử không thể thành hiện thực nếu không có một hành lang pháp lý cho nó. Vì vậy, cần có luật thông tin quốc gia, trong đó, quy định rõ ràng trách nhiệm về an toàn và bảo mật thông tin, tính hợp pháp của thông tin và văn bản; vai trò của chữ ký điện tử và con dấu điện tử.
Muốn xây dựng Chính phủ điện tử thì phải xây dựng một nền hành chính chuẩn mực với các quy định thể chế hành chính rõ ràng, nhận thức cũng như ý thức thực hiện các quy chế này của cán bộ viên chức phải thực sự nghiêm túc.
Nói cách khác, muốn phát triển Internet ở nông thôn thì cần có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cấp.
- Xin cám ơn ông!
Đinh Hằng (thực hiện)
Tin, bài liên quan:
Campuchia: Xe hai bánh vượt... khoảng cách số